05 29 X CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN. Ca vịnh tuần III. Thánh Giu-se Hoàng Lương Cảnh, Trùm họ (U1838); và Thánh Phê-rô Nguyễn Văn Tự, Linh mục (U1838), Tử đạo. Không cử hành lễ cầu cho người qua đời (D2, D3), trừ lễ an táng. (Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37.)
Giác quan của chúng ta thì tiếp xúc với
thế giới bên ngoài. Thật khó mà quyết định giác quan nào là thế giá hơn, ánh
nhìn của chúng ta hay là đôi tai, nhưng người đàn ông trong Phúc Âm đã không do
dự. Ông ta bị điếc và ông biết chính xác điều gì là quan trọng nhất đối với ông
ta.
Điếc làm cho anh ta không nghe được; anh
ta cũng không thể nghe được những lời mà mình phát âm. Anh ta không thể hỏi
Chúa Giêsu về những đặc ân mà mình cần. Khổ thay, một số người liên quan đã
mang anh ta đến với Chúa Giêsu và giải thích về hiện trạng của anh. Chúa Giêsu
đã chữa lành cho anh, và cho anh một khả năng để lắng nghe và Người đã làm cho
người đàn ông đã có thể nói một cách rõ ràng. Chúng ta không ngạc nhiên khi
Chúa Giêsu đã động lòng thương xót.
Điều làm cho chúng ta ngạc nhiên đó là tất
cả chúng ta một lúc nào đó trong cuộc sống đã bị tình trạng giống như một người
điếc, không bị cách thể lý nhưng là tinh thần, cách thiêng liêng. Trước kh
chúng ta chịu phép rửa, chúng ta là những người điếc cách thiêng liêng. Chúng
ta không có đặc ân đức tin. Kết quả là chúng ta không nghe được lời Chúa nói với
chúng ta, và chúng ta cũng sẽ không nói với Thiên Chúa được.
Chúa Giêsu đến trần gian để chữa chủ yếu
những bệnh tinh thần và tâm linh của con người, của xã hội và giáo hội, nhưng
Ngài cũng chữa cả những bệnh thể lý như dấu chỉ khả năng chữa lành tinh thần và
tâm linh.
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Ngài chữa
lành «một người vừa điếc vừa ngọng» thể lý, là dấu chỉ của loại bệnh «vừa điếc
vừa ngọng» tinh thần hay tâm linh. Điếc là không nghe được, hoặc không nghe rõ.
Ngọng là không nói được, hoặc nói không rõ, khó nghe. Số người điếc, ngọng, câm
thể lý chiếm một tỉ lệ tương đối nhỏ trong xã hội. Nhưng số người điếc, ngọng,
câm về tinh thần và tâm linh chiếm một tỉ lệ rất cao. Thậm chí có cả bệnh
"câm điếc xã hội, nghĩa là có những xã hội bị điếc, ngọng và câm nữa.
Nếu Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm
nay có thể chữa lành bệnh điếc và ngọng thể lý, thì Ngài còn có thể chữa lành một
cách hữu hiệu hơn nữa bệnh điếc và ngọng về tinh thần, tâm linh, nơi cá nhân
cũng như trong xã hội và giáo hội.
Chúa Giêsu đem người câm điếc ra một nơi
và Ngài chữa lành cho anh ta. Với chúng ta, Ngài cũng chăm sóc đến mọi người
như thế, Ngài lo lắng cho mọi người như người mẹ lo lắng cho con mình. Chúng ta
hãy tin tưởng và phó thác cuộc đời chúng ta trong bàn tay quyền năng và đầy
tình thương xót của Ngài. Đồng thời chúng ta hãy kêu cầu Ngài: Lạy Chúa, xin mở
miệng con để con không nói lời vu khống, phạm thượng, nhưng để ca ngợi Thiên
Chúa và xây dựng tình bác ái huynh đệ.
Chúa chữa người câm điếc như thực hiện một
bí tích. Cũng có một cử chỉ và một lời nói. Chúa đưa anh ra xa đám đông, chạm
vào tai và lưỡi anh ta. Chúa ngước nhìn trời, cầu nguyện rồi nói: Hãy mở ra. Và
anh khỏi câm khỏi điếc. Phép lạ nào cũng do niềm tin của người xin. Nhưng phép
lạ cũng do sức mạnh từ thân mình Chúa Giêsu phát ra. Như các bí tích chúng ta
chịu bây giờ, cũng là sự tiếp xúc giữa người lãnh nhận với vị chủ sự, đại diện
Hội Thánh. Và có khi tiếp cận chính Chúa Giêsu, như bí tích Thánh Thể. Đó cũng
là Chúa Giêsu đã xuôi ngược trên các nẻo đường Do Thái xưa. Nhưng ít khi ta thấy
phép lạ, vì niềm tin của ta còn yếu kém.
Chuyện người câm điếc được lành hôm nay
cũng là một ẩn dụ. Vì vậy Chúa chữa bệnh với một lệnh truyền. Hãy mở ra. Lệnh
này không phải nói tới cái tai và cái lưỡi, nhưng nói với người bệnh. Bệnh câm
điếc thể xác là một khuyết tật ngoài ý muốn. Nhưng bệnh câm điếc tinh thần thì
có thể là một lựa chọn của người bệnh. Có những lúc chúng ta không muốn nghe Lời
Chúa nói trong tâm hồn, hay dạy dỗ ta qua Tin Mừng, có lúc chúng ta chẳng khác
gì người câm điếc. Chúng ta mất khả năng giao tiếp với Chúa và với anh em.
Chúng ta cần cầu xin Chúa, để Chúa chạm tới ta và nói với ta: Hãy mở ra, và
chúng ta khỏi câm điếc, lại tiếp nối sự hiệp thông với Chúa, và anh chị em trong
ân sủng và trong cuộc sống bác ái.
Qua đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy
Chúa Giêsu chữa lành cho một người không thể lắng nghe vì anh ta điếc. Cái điếc
này không đáng trách. Điều đáng trách, đó là biết bao nhiêu người có đôi tai
thính, nhưng họ lại không nghe thấy bởi vì họ không lắng nghe.
Kinh nghiệm cho thấy lắng nghe là một điều
kiện rất quan trọng trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Thực vậy, đời sống gia
đình sẽ hạnh phúc hơn nhiều nếu mọi người đều biết lắng nghe, để cố gắng hiểu
được điều người khác muốn nói.
Sự cảm thông không phải là con đường một
chiều. Nói và nghe đúng cách sẽ giúp chúng ta hiểu nhau hơn và sẽ bắc được nhịp
cầu cảm thông giữa chúng ta với những người chung quanh.
Sau khi làm phép lạ này, dân chúng đã
tuyên bố Ngài làm mọi việc đều tốt lành. Đây là câu kết luận chẳng khác câu kết
luận của Thiên Chúa liên hệ đến công việc sáng tạo trời đất của Ngài lúc khởi
thủy (St 1, 31). Khi Chúa Giêsu đến, đem theo ơn chữa lành cho thân thể và cứu
rỗi các linh hồn con người. Ngài đã bắt đầu công cuộc sáng tạo một lần nữa.
Nguyên thủy, mọi sự đều tốt lành, tội lỗi của nhân loại đã phá hư tất cả, và
bây giờ, Chúa Giêsu đem trở lại cho thế gian vẻ đẹp đẽ Thiên Chúa đã ban từ đầu,
mà tội lỗi loài người đã làm xấu xa.
Hôm nay chúng ta chiêm ngắm hình ảnh của
người câm điếc để từ lòng chúng ta thốt lên một lời tạ ơn về quà tặng và ân huệ
mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Đồng thời chúng ta ý thức được chính mình
cũng ở trong tình trạng câm điếc theo nghĩa toàn diện để xin Chúa chữa lành.
Xin Thiên Chúa đưa chúng ta vào trong tác vụ chữa lành mà Chúa đã sống suốt cuộc
đời của Ngài.
Huệ Minh