Một danh nhân đã nói: “Hôn nhân là con đường đưa ta xuống địa ngục hay dẫn ta vào thiên đàng” (Balzac). Những ai đã bước vào đời sống hôn nhân gia đình đều có chung một nhận định này là hôn nhân đối với người này có thể là hỏa ngục nhưng với người khác lại là thiên đàng.
Riêng một số người đã trải
nghiệm những đắng cay trong đời sống hôn nhân thì đã thốt lên cách bi quan là, “Hôn nhân giống như cái lồng chim, con ở
trong thì muốn bay ra, còn con ở ngoài thì muốn bay vào” (Montaigne). Hay đã
than thở rằng: “Cãi lộn chiếm phần lớn đời
sống hôn nhân, phần còn lại không có gì đặc sắc” (Thornoton Wilder). Thực tế
là ngày nay một số bạn trẻ quyết định không kết hôn, bởi đối với họ hôn nhân chỉ
là một bi kịch, một thảm họa, một điều gì đó đáng sợ…với suy nghĩ rằng “Hôn nhân
là mồ chôn tình yêu!” (Chamfort).
Trong phạm vi bài này, chúng ta thử tìm
hiểu về thực trạng và nguyên nhân liên quan câu chuyện nhiều bạn trẻ ngày nay sợ
kết hôn, đồng thời cũng muốn bàn đến một số những giải pháp khả thi nhằm giúp các
bạn trẻ có cái nhìn tích cực hơn về hôn nhân, nhất là đối với các bạn trẻ Ki-tô
giáo.
1.- Thực trạng
Trong bài báo có tựa đề “Giới trẻ Hàn Quốc lười kết hôn, ngại sinh
con” trên trang vnexpress.net ngày 31-5-2021, tác giả đã cho biết như sau: Trước
áp lực của cuộc sống hiện đại, thế hệ trẻ Hàn Quốc đang chọn cách sống độc
thân, không con cái, dẫn đến nhiều hệ quả đối với nền kinh tế hàng đầu châu Á. ‘I Live Alone’ (Tôi sống một mình) là
chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng, kể về cuộc sống của các diễn viên,
ca sĩ K-pop với những hoạt động đời thường như cho thú cưng ăn hoặc nấu mì
ramen vào lúc nửa đêm - tất cả đều một mình.
Tác giả bài báo cho biết tiếp,
ngày càng nhiều người Hàn Quốc ở độ tuổi 20-30 chọn từ bỏ ba điều được coi là
quan trọng trong cuộc đời mỗi con người: hẹn
hò, kết hôn và sinh con. Họ được gọi là “thế hệ Sampo” và thường bị chỉ
trích là ích kỷ. Theo một báo cáo của chính phủ Hàn Quốc, những người sống một
mình đã chiếm gần 40% dân số ở đất nước này. Năm 2020, khi quốc gia này lần đầu
tiên báo cáo tỷ lệ tăng trưởng dân số âm, thứ trưởng Bộ Tài chính khi đó là Kim
Yong-beom tuyên bố cột mốc quan trọng này là “nút thắt tử thần”.
Quả thực, hiện nay, xu hướng
chọn lựa sống độc thân, ngại kết hôn, sợ làm đám cưới, không muốn có con đang
lan tràn mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại Á Châu như
Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Xu hướng này ngày càng trở nên đáng lo ngại hơn
bởi đó không còn đơn thuần là một hiện tượng cá nhân nhỏ nhoi nữa, mà đang trở
nên một hội chứng tâm lý đặc biệt mà các chuyên gia gọi đó là Hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia).
Vậy “Hội chứng sợ kết hôn”
(Gamophobia) là gì? Theo tác giả Nguyễn Thảo trên trang tamly.com.vn ngày
8-2-2022 đã cho biết như sau:
Hội chứng sợ kết hôn (Tiếng
Anh: Gamophobia/ Fear of Commitment, Fear of Marriage) là một dạng rối loạn tâm
lý ít gặp. Hội chứng này đặc trưng bởi nỗi sợ thái quá, vô lý về việc cam kết
lâu dài cho một mối quan hệ (thường là hôn nhân). Gamophobia được xếp vào nhóm rối loạn lo
âu ám ảnh sợ hãi (ám ảnh sợ đặc hiệu) như chứng sợ độ cao, sợ
côn trùng, sợ máu v.v…
Hội chứng sợ kết hôn
(Gamophobia) đặc trưng bởi nỗi sợ thái quá về hôn nhân và sự gắn kết lâu dài
trong một mối quan hệ. Hội chứng này thường gặp ở những người có trải nghiệm
tiêu cực về hôn nhân gia đình trong quá khứ. Những ý nghĩ về việc kết hôn hoặc sự
ràng buộc lâu dài trong một mối quan hệ khiến bệnh nhân trở nên lo lắng, bất an,
sợ hãi và căng thẳng. Thậm chí một số người trở nên hoảng loạn và mất kiểm soát.
Có rất nhiều dạng ám ảnh sợ đặc hiệu nhưng Gamophobia ít được nghiên cứu hơn.
Chính vì vậy, không ít người cảm thấy hoang mang, lo lắng khi bản thân có nỗi sợ
vô lý về việc gắn kết lâu dài hay cụ thể hơn là kết hôn.
Hiện tại, chưa có thống kê
chính xác về tỷ lệ người mắc hội chứng sợ kết hôn. Theo ước tính có khoảng
12.5% người Mỹ mắc phải chứng ám ảnh sợ, trong đó phổ biến nhất là sợ kim tiêm,
sợ máu, sợ nhện vv…Trong khi đó tỷ lệ người mắc hội chứng Gamophobia ước tính
khoảng dưới 1% dân số. Tương tự như các dạng ám ảnh đặc hiệu khác, Gamophobia
có thể đi kèm với những nỗi sợ vô lý khác như nỗi sợ bị bỏ rơi, sợ thân mật và
sợ phải tin tưởng người khác. Dù chưa có thống kê chính xác nhưng các chuyên
gia nhận thấy, tỷ lệ người mắc hội chứng này tăng lên đáng kể trong 15 năm qua
và nguy cơ cao hơn ở nữ giới trẻ tuổi.
Theo một khảo sát được thực
hiện trên website fearof.net với sự tham gia của 69.108 người vào giữa năm
2019, phụ nữ hiện nay có xu hướng từ chối kết hôn nhiều hơn đàn ông. Cụ thể,
66% người tham gia là nữ mắc hội chứng Gamophobia. Trong khi đó, con số này chỉ
là 34% với nam giới.
Riêng tại các đô thị lớn ở
Trung Quốc, hiện tượng khiếp sợ hôn nhân hiện nay đang dần dần đã trở thành một
căn bệnh truyền nhiễm trong giới phụ nữ công chức. Các nhà tâm lý học và xã hội
học đã tiến hành tìm hiểu và thấy có mấy nguyên nhân chính của căn bệnh trên,
chẳng hạn như: do sợ gánh vác trách nhiệm trong hôn nhân, lo sợ hôn nhân là mồ
chôn của tình yêu, do bị ảnh hưởng của những biến cố lớn trong cuộc đời như tuổi
thơ đã phải chịu một vết thương tâm lý nặng nề, để lại dấu ấn sau đậm trong tim
họ, hay trường hợp luôn lo sợ về gánh nặng kinh tế sau khi kết hôn, hoặc người có
những yêu cầu quá cao, quá hoàn mỹ đến mức hà khắc về đối tượng hôn nhân.
Một thống kê cho biết, tại
Trung Quốc, tỷ lệ kết hôn đang giảm mạnh. Vào năm 2021, chỉ có 8,13 triệu cặp
đôi đăng ký kết hôn, giảm 12% so với năm 2020. Đây cũng là năm thứ bảy liên tiếp
tỷ lệ này giảm. Nếu so với năm 2013 (13,47 triệu cặp đăng ký kết hôn), tỷ lệ
này đã giảm đến 40%. Một cuộc điều tra dân số trong năm vừa qua cho thấy nước
này đã trải qua mức thấp nhất trong sáu thập kỷ về tỷ lệ sinh.
Trong khi
đó, ở Nhật Bản thống kê cho thấy, cứ 4 người đàn ông thì có 1 người không lập gia
đình cho đến độ tuổi 50. Tại sao vậy? Theo báo Japan Times, xu hướng không lập
gia đình ngày càng tăng trong xã hội là một nội dung trong báo cáo sắp công bố
của Chính phủ Nhật. Bên cạnh đàn ông, tỉ lệ phụ nữ Nhật ở vậy một mình đến tuổi
50 là 1/7 người. Dữ liệu này được Chính phủ Nhật công bố 5 năm một lần và không
tính đến những người đã ly hôn hoặc có hôn phu/hôn thê qua đời trước tuổi 50.
So với hồi thập niên 1970, chỉ có 1,7% đàn ông và 3,33% phụ nữ Nhật chưa từng kết
hôn đến tuổi 50.
Các
chuyên gia đánh giá xu hướng độc thân đi lên là do áp lực đối với chuyện cưới
xin trong xã hội Nhật ngày càng giảm, cùng với nó là nỗi lo tài chính trong
nhóm những người không có nghề nghiệp ổn định. Phát hiện này cũng đồng nghĩa tỉ
lệ sinh ở Nhật khó lòng sớm hồi phục, trong khi sẽ có thêm nhiều người cao tuổi
độc thân chọn viện dưỡng lão để sống những năm tháng cuối đời.
Riêng tại Việt Nam, tác giả
bài viết “Những người chọn sống độc thân”
đăng trên trang vnexpress.net ngày 2-3-2022 cho hay: Tại Việt Nam, theo Tổng cục
thống kê tỷ lệ người sống độc thân cũng đang có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23%
năm 2004 tăng lên 10,1% vào năm 2019. Một giảng viên khoa Tâm lý Đại học sư phạm
TP. Hồ Chí Minh đã cho hay là sống độc thân đã trở thành xu hướng mới, đại diện
cho sự độc lập về kinh tế và tinh thần của một số người trẻ. Chuyên gia này cũng
cho biết thêm về một nghiên cứu tại Mỹ thực hiện năm 2012 bởi các nhà tâm lý học
Đại học Thành phố San Diego và được Hiệp hội Tâm lý học (Mỹ) công bố, những người
sinh ra trong thập niên 80 và 90 thường tự cho mình là trung tâm hơn so với thế
hệ trước. Họ trân trọng chủ nghĩa cá nhân, biểu hiện lớn nhất là khát vọng sống
cho mình. Nếu hôn nhân không thể cải thiện chất lượng cuộc sống, hoặc ảnh hưởng
đến giá trị bản thân, họ sẽ không lựa chọn hôn nhân. Ngoài ra, theo chuyên gia
này, ngoài lý do theo đuổi chủ nghĩa cá nhân, việc chưa tìm thấy đối tượng phù
hợp, sợ trẻ con hay bị ám ảnh về hôn
nhân không hạnh phúc cũng khiến nhiều người chọn độc thân.
Như vậy, chúng ta đã thấy rằng
vấn đề sợ kết hôn không chỉ là một xu hướng nhất thời, chung chung nữa, mà đã
trở thành một căn bệnh truyền nhiễm đặc biệt, đã và đang lây lan trong giới trẻ
tại nhiều nơi trên thế giới. Các nhà tâm lý học và xã hội học đã nghiên cứu sâu
hiện tượng này và đã phát hiện ra nhiều nguyên nhân khiến cho nhiều bạn trẻ lo
sợ không dám kết hôn một cách bình thường nữa. Vậy những nguyên nhân chính là
những nguyên nhân nào?
2.- Nguyên nhân
Trở lại với bài viết “Hội chứng sợ kết hôn” trên trang
tamly.com.vn ngày 8-2-2022, tác giả đã nêu ra một số nguyên nhân gây Hội chứng
sợ kết hôn, như sau: Hiện tại, các chuyên gia chưa thể xác định được nguyên
nhân gây hội chứng sợ kết hôn. Tương tự như các ám ảnh sợ đặc hiệu khác,
Gamophobia thường là hậu quả do nhiều yếu tố kết hợp. Trong đó, những trải nghiệm
tiêu cực trong quá khứ là yếu tố có vai trò quan trọng nhất. Các nguyên nhân, yếu
tố có thể gây ra chứng Gamophobia, đó là:
2.1. Trải nghiệm tiêu cực từ thời thơ ấu: Các chuyên gia nhận thấy, những
người mắc hội chứng Gamophobia thường có gia đình không hạnh phúc, chứng kiến
cha mẹ cãi nhau và có các hành vi bạo lực từ khi còn nhỏ. Điều này tạo nên thái
độ tiêu cực của trẻ về việc kết hôn và dần phát triển thành nỗi sợ vô lý, thái
quá.
2.2. Thất bại trong hôn nhân: Ngày nay, việc ly hôn, ly thân không còn là vấn đề
quá xa lạ. Sau một cuộc hôn nhân tan vỡ, cả hai người đều sẽ phải chịu tổn
thương về mặt tinh thần. Ngoài ra, chứng kiến những người xung quanh liên tục
thất bại trong tình yêu cũng khiến cho nhiều người có suy nghĩ tiêu cực về hôn
nhân. Yếu tố này góp phần thúc đẩy sự phát triển của nỗi sợ vô lý, thái quá về
việc gắn kết lâu dài.
2.3. Ảnh hưởng của nền văn hóa: Ở một số quốc gia, phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi
khi kết hôn và nam giới phải có nguồn lực tài chính để chi trả cho những thủ tục
cưới xin phức tạp. Những yếu tố này cũng được xem là nguyên nhân thúc đẩy sự phát
triển nỗi sợ phi lý, thái quá về việc kết hôn.
2.4. Di truyền: Tương
tự như các ám ảnh sợ đặc hiệu khác, Gamophobia cũng có khả năng di truyền. Ở những
bệnh nhân mắc các ám ảnh sợ, chuyên gia nhận thấy hạch hạnh nhân hoạt động quá
mức. Cơ quan này chịu trách nhiệm chi phối và kiểm soát nỗi sợ, sự lo lắng và bất
an. Hạch hạnh nhân hoạt động quá mức khiến cho một số người sợ hãi thái quá với
một số vấn đề không thực sự nguy hiểm.
Tác giả bài viết cũng cho biết
thêm, theo nhiều chuyên gia, hội chứng sợ kết hôn là hệ quả do di truyền kết hợp
với các yếu tố tâm lý – xã hội. Trong đó, thường có liên quan đến những trải
nghiệm tiêu cực về hôn nhân của người thân trong gia đình hoặc chính bản thân
người bệnh. Mặt khác, nhiều người nhầm lẫn hội chứng sợ kết hôn với những người
theo chủ nghĩa độc thân, muốn sống tự do, thoải mái thay vì gò bó trong mối
quan hệ hôn nhân. Sự nhầm lẫn này khiến cho nhiều bệnh nhân không được thăm
khám và điều trị sớm. So với các dạng ám ảnh sợ khác, Gamophobia ít ảnh hưởng đến
việc học, nghề nghiệp mà chủ yếu ảnh hưởng
đến các mối quan hệ.
Người mắc hội chứng sợ kết
hôn sẽ gặp phải nhiều vấn đề trong các mối quan hệ. Bởi phản ứng thái quá khi
người khác hỏi về tình trạng hôn nhân và dự định lâu dài trong mối quan hệ. Mâu
thuẫn, xung đột có thể xảy ra khiến bệnh nhân dần thu mình, ít giao tiếp và kết
bạn. Việc giới hạn các mối quan hệ cũng sẽ gây ra những khó khăn nhất định
trong quá trình học tập, làm việc, sinh hoạt vv…
Tương tự như các ám ảnh sợ đặc
hiệu khác, bệnh nhân mắc hội chứng sợ kết hôn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề
sức khỏe thể chất như stress, mất ngủ, cao huyết áp, suy nhược cơ thể… Suy nghĩ
tiêu cực, cảm giác đau khổ và tuyệt vọng khi phải chia tay với người mình yêu
thương cũng khiến cho người bệnh phát triển các vấn đề tâm lý khác như rối loạn
lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống. Bản thân người mắc hội chứng Gamophobia nhận
ra sự thái quá, vô lý về nỗi sợ của bản thân nhưng không thể nào kiểm soát. Để
quên đi thực tại, bệnh nhân có xu hướng sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất gây
nghiện và khó có thể duy trì được lối sống lành mạnh. Nhiều người lựa chọn các
mối quan hệ độc hại để tránh sự áy náy, hối hận khi phải chấm dứt mối quan hệ.
Trên đây, dựa vào những nghiên
cứu của các nhà chuyên môn về tâm lý xã hội, chúng ta biết được tính chất của hội
chứng sợ kết hôn như thế nào, cùng với việc phát hiện ra nhiều biểu hiện đặc trưng
và những nguyên nhân chính gây ra chứng này. Hiện nay, người ta đã nghiên cứu và
đưa ra nhiều giải pháp khả thi nhằm làm giảm thiểu sự gia tăng và mức độ nghiêm
trọng của hiện trạng này. Các chuyên gia đã thực hiện một số giải pháp khả thi
trên ba phương diện y tế, tâm lý và xã hội.
Bên cạnh đó, vai trò của tôn
giáo, đặc biệt là Hội thánh Công giáo, cũng góp phần không nhỏ trong việc quan
tâm, yêu thương và nâng đỡ các bạn trẻ cách chung và những ai đang trong tình
trạng sợ kết hôn, do dự không dám lập gia đình và kể cả những người được chẩn đoán
là đang mắc hội chứng Gamophobia.
Sau đây, chúng ta sẽ bàn về
các giải pháp nêu trên.
3.- Giải pháp của xã hội
Các nhà chuyên môn nhận định
rằng, nỗi sợ vô lý về việc kết hôn gây ra nhiều ảnh hưởng đối với cuộc sống. Ngoài
tình trạng phải sống đơn độc, sự đau khổ, lo lắng và bất an do hội chứng này
gây ra cũng khiến cho bệnh nhân phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe thể chất
và tinh thần. Can thiệp điều trị là điều cần thiết đối với hội chứng sợ kết hôn
mặc dù còn tồn đọng nhiều khó khăn và thách thức. Tùy vào tình trạng cụ thể,
bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phù hợp. Hiện nay, các phương pháp được áp dụng phổ
biến nhất là liệu pháp tâm lý và sử dụng
thuốc.
3.1. Y tế
Các chuyên gia cho rằng, sử
dụng thuốc không phải là lựa chọn ưu tiên đối với hội chứng sợ kết hôn. Tuy
nhiên, nếu bệnh nhân thường xuyên lo lắng, căng thẳng, bác sĩ có thể chỉ định dùng
một số loại thuốc. Trường hợp mắc đồng thời với trầm cảm và các rối loạn lo âu
khác sẽ phải sử dụng thuốc lâu dài như một phương pháp điều trị chính. Dùng thuốc
không giúp ích trong việc kiểm soát nỗi sợ phi lý và thái quá. Do đó, bệnh nhân
bắt buộc phải kết hợp sử dụng thuốc với can thiệp liệu pháp tâm lý.
3.2. Tâm lý
Liệu pháp tâm lý là lựa chọn ưu tiên khi
điều trị rối loạn ám ảnh sợ, bao gồm cả hội chứng sợ kết hôn. Mục tiêu của
phương pháp này là giúp bệnh nhân vượt qua nỗi sợ và học cách khống chế sự sợ
hãi vô lý, thái quá. Về lâu dài, nỗi sợ kết hôn sẽ thuyên giảm và bệnh nhân có
thể trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn thay vì thường trực sự lo lắng, sợ
hãi như trước đây. Trước khi can thiệp, chuyên gia sẽ đánh giá tình trạng cụ thể
và lựa chọn phương pháp phù hợp với từng bệnh nhân.
Liệu pháp tâm lý là phương
pháp điều trị chính đối với hội chứng sợ kết hôn. Một số liệu pháp tâm lý tiêu
biểu được áp dụng cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ kết hôn, chẳng hạn như:
Liệu
pháp nhận thức hành vi (CBT- Cognitive
Behavioral Therapy): là
hình thức trị liệu giúp bệnh nhân thay đổi suy nghĩ một cách tích cực hơn, từ
đó kiểm soát nỗi sợ và giúp người bệnh phát triển các mối quan hệ lành mạnh. Hiện
nay, CBT là phương pháp trị liệu tâm lý được áp dụng phổ biến nhất nhờ mang đến
nhiều lợi ích.
Liệu
pháp tiếp xúc: Liệu
pháp tiếp xúc (liệu pháp phơi nhiễm) được thực hiện bằng cách cho bệnh nhân tiếp
xúc với nỗi sợ với cường độ tăng dần theo thời gian. Khi bệnh nhân xuất hiện sự
sợ hãi và lo lắng, chuyên gia sẽ hướng dẫn các kỹ thuật thư giãn như thư giãn
cơ, hít thở sâu,… Quá trình này sẽ được lặp đi lặp lại giúp cho bệnh nhân học
cách khống chế nỗi sợ và giảm đi sự sợ hãi vô lý, thái quá.
Cách chung, liệu pháp tâm lý
mang lại hiệu quả cao trong điều trị hội chứng sợ kết hôn và các ám ảnh sợ khác.
Để tăng hiệu quả, chuyên gia có thể đề nghị bệnh nhân can thiệp trị liệu nhóm,
cặp đôi hoặc gia đình bên cạnh trị liệu cá nhân.
3.3. Cá nhân
Theo các chuyên gia, phạm vi
cá nhân sẽ có các biện pháp tự cải thiện. Ngoài các phương pháp y tế, bệnh nhân
cũng cần có các biện pháp tự cải thiện để vượt qua nỗi sợ kết hôn và gắn kết
lâu dài. Các biện pháp này góp phần giúp giảm nỗi sợ thái quá, đồng thời hỗ trợ
bệnh nhân học cách khống chế cảm xúc và thay đổi những suy nghĩ méo mó về hôn
nhân.
Các chuyên gia đã đề nghị một
số biện pháp tự cải thiện hội chứng sợ kết hôn như:
. Chia sẻ tình trạng sức khỏe của bản
thân với gia đình hoặc những người bạn thân thiết. Khi được người khác thấu hiểu,
bệnh nhân sẽ cảm thấy thoải mái và có động lực để điều trị.
. Tập thói quen viết nhật ký hằng ngày
cũng là cách giải tỏa cảm xúc hữu hiệu. Biện pháp này sẽ giúp bệnh nhân kiểm
soát sự lo lắng, căng thẳng, bất an… Đồng thời có cơ hội đánh giá lại suy nghĩ,
cảm xúc của bản thân, từ đó điều chỉnh hành vi và nhận thức một cách đúng đắn hơn.
. Nên trò chuyện, chia sẻ với những người
có hôn nhân trọn vẹn để thay đổi những suy nghĩ tiêu cực. Năng lượng tích cực từ
những người xung quanh sẽ giúp bệnh nhân có thêm niềm tin và hy vọng về hôn
nhân, từ đó giảm đi nỗi sợ và sự lo lắng thái quá về việc gắn kết lâu dài.
. Xây dựng lối sống lành mạnh, không dùng
rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện.
. Tham gia các hoạt động cộng đồng và thực
hiện những hành động có ý nghĩa để gia tăng sự tự tin, lòng trắc ẩn và yêu
thương. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hoạt động thiện nguyện giúp giảm đáng kể những
cảm xúc tiêu cực và học cách kiểm soát tốt cảm xúc cá nhân.
Các chuyên gia tâm lý cho biết
thêm là trầm cảm là một trong những bệnh tâm lý phổ biến nhất dẫn tới tình trạng
sợ hãi hôn nhân. Vì thế người mắc hội chứng Gamophobia luôn cần được sự quan tâm
chăm sóc của gia đình và của cộng đồng. Bất kỳ ai tại một thời điểm nào đó
trong cuộc đời mình có thể thấy chùn bước trước quyết định kết hôn và cảm thấy
lo lắng, sợ hãi. Tuy nhiên với lòng kiên định cùng sức mạnh của ý chí, nỗi sợ
hôn nhân có thể được giải quyết tương tự như các nỗi sợ khác. Để vượt qua nỗi sợ
này, bạn cần tin tưởng người khác đồng thời duy trì lòng tin vào bản
thân.
Tóm lại, theo các chuyên gia
tâm lý và các nhà xã hội học, trong vấn đề thực trạng hôn nhân ở Việt Nam hiện
nay, cùng với việc vi phạm điều kiện kết hôn, hiện tượng không muốn lập gia đình cũng là một hiện tượng hôn nhân đáng
bàn luận. Không muốn lập gia đình có thể hiểu là nam, nữ không muốn tham
gia vào mối quan hệ vợ chồng và không muốn xác lập quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng.
Hiện tượng trên khởi đầu trong những nước có mức sống cao ở Bắc Âu, lan sang Bắc
Mỹ. Ở Châu Á, Nhật Bản là quốc gia điển hình. Riêng ở Việt Nam, hiện nay chưa
có con số thống kê về tỉ lệ người theo xu hướng sống độc thân. Trên thực tế, trong
một thời gian dài, hiện tượng này trở thành một trào lưu và được nhiều bạn trẻ
hưởng ứng, nhiều người trở nên tôn sùng “chủ nghĩa độc thân”.
Nhìn trên phương diện lợi
ích quốc gia, xu hướng không lập gia đình nếu kéo dài sẽ gây xáo trộn đời sống
xã hội, điển hình như: không lập gia đình kéo theo việc duy trì nòi giống bị
gián đoạn, dẫn tới lực lượng lao động trên thị trường suy giảm; khi bước sang
giai đoạn già hóa dân số, gánh nặng về vấn đề phúc lợi xã hội sẽ tăng cao; tỉ lệ
sinh đẻ giảm khiến lượng cầu của hàng hóa, dịch vụ cho bà mẹ và trẻ em giảm
theo. Quan trọng nhất, các “tế bào xã hội”
sẽ dần bị mất đi. Hiện tượng trên có thể được hình thành từ nhiều nguyên
nhân, nhưng điển hình có thể kể đến như do sự du nhập văn hóa từ các quốc gia
khác, do áp lực về kinh tế và do tư tưởng muốn sống tự do, không thích ràng buộc
của các bạn trẻ. (Nguồn: Internet)
3.- Giáo huấn của Hội thánh về mục vụ Hôn nhân Gia đình
Chúng ta biết rằng ngày nay,
hôn nhân đối với hầu hết các bạn trẻ, kể cả các bạn trẻ Công giáo là một thực tế
đầy khó khăn và phức tạp. Dường như họ đang gặp phải những thách thức to lớn
khiến nhiều người rơi vào tâm lý khủng hoảng, hoang mang lo sợ cho viễn ảnh hôn
nhân của mình. Có thể kể ra, nào là thực trạng ly hôn lan tràn, nào là việc bị ép
kết hôn sớm, nào là chuyện phá thai hoặc có thai trước hôn nhân, nào là hiện tượng
“mẹ-đơn-thân”, rồi vấn đề bạo hành bạo lực trong gia đình vv.
Trước những mặt tiêu cực đó
của hôn nhân, Hội thánh Công giáo luôn bầy tỏ trách nhiệm phải làm sao giúp các
bạn trẻ mạnh mẽ vượt qua tất cả, để có một cuộc hôn nhân xứng đáng và đem lại hạnh
phúc đích thực. Có thể nói, Hội thánh mọi thời đều tỏ ra rất quan tâm, lo lắng
tới vấn đề hôn nhân gia đình của các Ki-tô hữu, những người đã lập gia đình, những
người đang gặp khó khăn cách này cách khác trong đời sống hôn nhân, những ai đang
chuẩn bị kết hôn.
Đức thánh GH Gio-an Phao-lô
II trong Tông huấn Những bổn phận gia đình Kitô hữu (Familiaris Consortio/ FC) ngày
22-11-1981, ngay trong phần dẫn nhập với tiêu đề “Giáo hội phục vụ các gia đình” đã viết như sau:
“Vì biết rằng hôn nhân và gia đình là một trong những điều thiện hảo quý
giá nhất của nhân loại, Giáo Hội muốn ngỏ lời và đem lại sự nâng đỡ cho những
người đã biết được giá trị của hôn nhân cũng như gia đình và đang cố gắng sống
trung thành với giá trị đó, cho những người đang sống trong ngập ngừng âu lo và
đang đi tìm chân lý, cho những người đang bị ngăn cản cách bất công, không được
tự do sống những dự phóng của gia đình họ. Trong khi đem lại sự nâng đỡ cho
nhóm thứ nhất, ánh sáng cho nhóm thứ hai và sự trợ giúp cho nhóm người thứ ba,
Hội Thánh muốn đem thân phục vụ mọi người đang bận tâm lo lắng cho số phận của
hôn nhân và gia đình.
“Giáo Hội đặc biệt ngỏ lời với các bạn trẻ đang chuẩn bị dấn thân trên
con đường hôn nhân và gia đình, ngõ hầu mở ra cho họ những chân trời mới bằng
cách giúp họ khám phá ra vẻ đẹp và sự cao cả của ơn gọi sống tình yêu phục vụ
cho sự sống.” (x. số 1)
Nếu đối với một số người, hôn
nhân là tai họa, là gánh nặng, là hỏa ngục, là một cuộc chơi, là một ván cờ…thì
trái lại hôn nhân đối với người Công giáo được khẳng định như một ơn gọi, một ơn
huệ, một sứ mệnh đến từ Thiên Chúa. Vẻ đẹp cao cả của hôn nhân là do bản chất của
nó nằm trong ý định sáng tạo và cứu rỗi của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tạo dựng
con người có nam có nữ để họ kết hợp thành đôi hôn phối sống với nhau và nương
tựa nhau: “Con người ở một mình thì không
tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18); “Bởi thế người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với
vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 24).
Và sự kết hôn của họ nằm
trong chương trình kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa: “Những đôi bạn cử hành hôn nhân Công giáo là những người đã đi vào trong
chính kế hoạch của lịch sử cứu độ, mà cao điểm tìm thấy trong Giao Ước Tình Yêu
của Đức Ki-tô với Hội thánh. Họ được mời gọi trở nên hình ảnh sống động của
Tình Yêu Thiên Chúa...” (Thánh GH Gio-an Phao-lô II, FC).
Hôn nhân đích thực là một ơn
gọi như bao ơn gọi khác, bởi vì Thiên Chúa đã kêu gọi con người đi vào đời sống
ấy như một ơn thiên triệu và hôn ước giữa hai người nam nữ được thiết định như
một bí tích vừa đem lại ân sủng vừa thúc đẩy dấn thân chu toàn sứ mệnh.
“Thiên Chúa là tình yêu và nơi chính mình Người, Người đang sống mầu nhiệm
hiệp thông yêu thương giữa các ngôi vị. Khi tạo dựng nhân tính của người nam và
người nữ theo hình ảnh Người và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu,
Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời
gọi con người sống yêu thương và hiệp thông. Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm
sinh của mọi người” (Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II, FC số 11).
Mặt khác, hôn nhân cũng là một
sứ mệnh đặc biệt, bởi vì Thiên Chúa đã ban cho con người một trái tim để yêu và
được yêu, một giới tính để hấp dẫn và thu hút nhau, một định mệnh để liên kết sống-với-nhau.
Khi lãnh nhận những ân huệ ấy, con người đáp trả Đấng Tạo Thành bằng việc thi
hành sứ mệnh của hôn ước. Họ chấp nhận
nên một để trọn đời yêu thương và nâng đỡ bổ sung cho nhau, “Không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một
thịt” (x. Mt 19,6; St 2,24). Do vậy, “Sự
hiệp thông vợ chồng ăn rễ sâu từ sự thu hút tự nhiên về giới tính, cũng như từ
sự bổ túc lẫn nhau giữa nam và nữ, được nuôi dưỡng nhờ những nỗ lực của đôi bạn
muốn chia sẻ cho nhau trọn cả bản thân trong suốt cuộc đời”.
Họ chấp nhận liên kết nhau để
hướng đến một mục đích cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và giáo dục
con cái. Họ ý thức rằng, “Con cái là ân
huệ cao quý của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ.
Tình yêu vợ chồng còn phong phú nhờ những hoa quả của đời sống luân lý, tinh thần
và siêu nhiên được cha mẹ truyền lại cho con cái qua việc giáo dục. Theo nghĩa
này, mục tiêu nền tảng của hôn nhân và gia đình là phục vụ cho sự sống và hạnh
phúc.”
Trong lá thư gửi các cặp vợ chồng nhân ngày lễ Thánh
Gia 26-12-2021, cũng là dịp kỷ
niệm 5 năm ban hành Tông huấn Amoris laetitia / Niềm Vui của Tình Yêu, ĐTC
Phan-xi-cô đã chia sẻ những lời nhắn nhủ như sau:
Với các bạn trẻ chuẩn bị kết hôn, ngài viết: “Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, việc các cặp đôi đính hôn lên kế hoạch
cho tương lai cũng chẳng dễ dàng gì vì khó tìm được việc làm ổn định. Giờ đây,
thị trường lao động thậm chí còn bấp bênh hơn, cha khuyến khích các cặp đôi đã
đính hôn đừng nản lòng, nhưng hãy có sự can đảm sáng tạo như Thánh Giuse đã thể hiện, người
mà cha đã muốn tôn vinh trong năm dành riêng cho ngài. Trên hành trình tiến tới hôn nhân, hãy luôn tin tưởng
vào sự quan phòng của Thiên Chúa, dù khả năng của các con có hạn chế, vì đôi
khi chính những khó khăn lại mang đến cho mỗi chúng ta những nguồn lực mà chúng
ta chưa bao giờ nghĩ rằng mình có. Đừng ngần ngại dựa vào gia đình và bạn bè của
các con, vào cộng đoàn Giáo hội, vào giáo xứ, để giúp các con chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân và
gia đình bằng cách học hỏi từ những người đã trải qua lộ trình mà các con đang
bắt đầu”.
Riêng đối với các đôi vợ chồng đã kết hôn, câu hỏi đặt
ra là họ có thể đóng góp điều gì cho đời sống và sứ mạng của Hội Thánh. Về điểm này, ĐTC đã nhắc đến vai trò của
giáo dân trong Hội Thánh, ngài viết: “Như
cha đã lưu ý, chúng ta ngày càng nhận thức được căn tính và sứ mạng của giáo
dân trong Giáo hội và xã hội. Các con có sứ mạng biến đổi xã hội bằng sự hiện
diện của các con tại nơi làm việc và đảm bảo rằng các nhu cầu của gia đình được
quan tâm đúng mức.”
Tiếp theo, ngài nhấn mạnh
vai trò của các cặp vợ chồng trong Mục vụ Hôn nhân: “Vì vậy, cha khuyến khích các con, các cặp vợ chồng thân mến, hãy tích cực
hoạt động trong Giáo Hội, đặc biệt là trong việc chăm sóc mục vụ gia đình. Tinh
thần đồng trách nhiệm đối với sứ mạng của Giáo hội đòi hỏi các cặp vợ chồng và
các thừa tác viên được thụ phong, đặc biệt là các giám mục, hợp tác với nhau
cách hiệu quả trong việc quan tâm chăm sóc các Giáo hội tại gia”. Đừng bao giờ
quên rằng gia đình là “tế bào nền tảng của xã hội.” ./.
Aug. Trần Cao Khải
UB Giáo Lý Đức Tin - Giáo Lý Hôn Nhân
Gia Đình - NXB TG Hànội 2004
UB Giáo Lý Đức Tin - Giáo Lý Hôn Nhân
Gia Đình - NXB TG Hànội 2004