Nhân việc có nơi giáo quyền địa phương đã không cho cử hành lễ an táng và không cho chôn xác người tự tử trong nghĩa trang họ Đạo, tôi xin nói lại một lần nữa về vấn đề này như sau:

Xin nói rõ là không có giáo lý, giáo luật nào của Giáo Hội cấm
việc chôn xác người tự tử trong nghĩa trang Công giáo.
Lý do là, mặc dù Giáo Hội lên án hành vi tự tử, nhưng không đưa ra
phán quyết là người tự tử đã xuống hỏa ngục nên không cần cầu nguyện cho họ
nữa.Chỉ một mình Chúa biết và phán quyết phần rỗi của người tự tử
mà thôi.
Như vậy, không có lý do gì để cấm việc cử hành tang lễ và mai táng
người tự tử trong nghĩa trang Công Giáo. Trước Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội
cấm việc này vì lý do lên án hành vi tự tử, chứ không vì cho rằng người tự tử
đã mất linh hồn trong hỏa ngục.
Tiện đây, Cũng xin được nói thêm về trường hợp người dự tòng
đang học giáo lý để được rửa tội , nhưng chẳng may đã chết trước khi được
rửa tội- kể cả các em bé chết không được rủa tội- thì phải đối xử
ra sao ?
I-Trước hết về những người dự tòng (catechumens) : họ
là những người đang tìm hiểu đức tin và đang được học giáo lý để chuẩn bị nhận
lãnh 3 bí tích quan trọng là rửa tội, thêm sức và Thánh Thể sau khi hoàn tất
chương trình khai tâm nhập Đạo (RICA).
Như thế, qua tiến trình này người dự tòng đang
khao khát được gia nhập Giáo Hội qua ơn tái sinh của phép rửa.
Nghĩa là họ đã sẵn sàng để nhận lãnh bí tích khai tâm này để trở nên con
cái của Thiên Chúa như giáo lý Giáo Hội dạy.
Nhưng chẳng may có ai trong số dự tòng này đã chết mà không
kịp được rửa tội thì giáo lý của Giáo Hội dạy như sau:
“Đối với người dự tòng chết khi chưa được rửa
tội, thì lòng ao ước tỏ tường được rửa tội và sự sám hối tội lỗi cùng với đức
ái của họ sẽ bảo đảm ơn cứu độ cho họ, ơn cứu độ mà họ không thể
nhận lãnh nhờ bí tích Rửa tội” ( x. SGLGHCG số 1259)
Giáo lý trên cũng áp dụng cho những người chết vì đức tin nhưng
chưa được rửa tội thì cũng “ được coi là đã
được rửa tội do sự chết của họ vì Chúa Kitô và với Chúa Kitô. Phép rửa
tội bằng máu này , cũng như phép rửa tội bằng ao ước, tuy không là bí tích,
nhưng cũng mang lại tất cả hoa trái của phép Rửa tội.” (Sđd số 1258)
Do đó, theo giáo luật số 1183, triệt 1 thì những người nói trên
được đồng hóa với người Ki tô Hữu trong việc an táng. Có nghĩa là phải cử hành
nghi thức an táng cho họ như mọi tín hữu đã được rửa tội và qua
đời.
Sở dĩ phải đối xử với họ như vậy, là vì dù họ không được rửa
tội đúng theo nghi thức nhưng vì họ có lòng ao ước lãnh nhận bí tích này,
nhất là được chết vì đức tin thì dù chưa được rửa tội họ cũng được coi
như mọi tín hữu đã được rửa tội, và do đó Giáo Hội vẫn dành nghi thức an
táng cho họ như giáo luật nêu trên đã qui định.
II- Về các trể em chết mà không được rửa tội:
giáo lý Giáo Hội cũng dạy như sau:
“ Giáo Hội chỉ còn biết phó thác các em cho lượng từ
bi của Thiên Chúa như Giáo Hội làm khi cử hành lễ an táng cho các
em.Thiên Chúa nhân từ vô cùng muốn tất cả mọi người được cứu độ.( 1Tm 2:4) và
lòng âu yếm mà Chúa Giêsu đã dành cho các trẻ nhỏ khiến Người đã nói : “ Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng vì Nước Thiên Chúa
thuộc về những ai going như chúng.” ( Mc 10 :14). Điều này cho phép chúng ta hy vọng có một con đường
ơn cứu độ cho các trẻ em chết khi chưa được rửa tội.Nhân đây, Giáo Hội cũng
khẩn thiết kêu gọi đừng cản trở cho các em đến với Chúa Kitô qua hồng ân
của Phép Rửa. ( x.SGLGHCG số 1261)
Dựa vào giáo lý trên đây, giáo luật số 1183, triệt 2 cũng khuyến
cáo như sau:
“Bản quyền sở tại ( Giáo quyền địa phương) có thể
ban phép cử hành an táng theo nghi thức Giáo hội cho các trẻ em mà cha mẹ có ý
rửa tội nhưng đã chết trước khi được rửa tội.”
Nghĩa là không ngăn cấm cử hành an táng cho các trẻ em chết mà
chưa được rửa tội.
Cũng vì lợi ích thiêng liêng lớn lao của Phép Rửa mà giáo lý nêu
trên đã ân cần nhắc nhở cha mẹ phải mau mắn lo cho các con cái mình được lãnh
nhận bí tích Thanh Tẩy ( rửa tôi) càng sớm càng tốt. Đặc biệt trong trường họp
nguy tử, không tìm được linh mục hay phó tế thì cha mẹ có bổn phận rửa
tội cho con mình trong cơn nguy tử đó với công thức Chúa Ba Ngôi và dùng nước
đổ trên đầu hay trán của trẻ em.
Tóm lại, dù người Dự tòng hay trẻ em chết trước khi được rủa
tội thì Giáo Hội vẫn dạy phải dành cho họ nghi thức an táng như mọi giáo hữu
khác.Nghĩa là không ai có biết hay thể phán đoán gì về số phận đời đời
của họ, nên chỉ biết phó thác họ cho lòng thương xót vô biên của
Thiên Chúa là Cha cực tốt cực lành mà thôi.
Lại nữa, riêng các thai nhi bị giết vì phá thai ( abortion), cũng
không có luật nào buộc phải xin lễ cầu cho các thai nhi này. Chúng chưa
được sinh ra, và bị giết vì những người không tôn trọng sự sống, nên
những người trục tiếp hay gián tiệp giúp cho việc phá thai được thành tựu
mới là kẻ có tội và bị Giáo Hội phạt vạ tuyệt thông tiền kết, dành riêng
cho Đức Thánh Cha quyền tháo gỡ.( x.giáo luật số 1398). Nhưng Đức Thánh
Cha Phan xicô đã cho phép các linh mục trong toàn Giáo Hội từ nay được
phép tha tội này vì lòng thương xót của Chúa.
Các trẻ em vô tội này bị giết vì phá thai, tức là chết từ
trong lòng mẹ, nên không được rửa tội như các trẻ đã sinh ra và được cha mẹ lo
cho lãnh nhận phép rửa. Nhưng không cần phải xin lễ cầu cho chúng, vì
Chúa nhân từ chắc chắn sẽ không bắt lỗi chúng vì đã không được rửa
tội.Lỗi này hoàn toàn của người phá thai, chứ không phải của thai
nhi.Vậy, không cần cầu nguyện hay xin lễ cầu cho các thai nhi này, vì chắc chắn
Chúa đã đoái thương đón nhạn chúng vào Nước Trời rồi.
Có chăng là cầu nguyện cho các phụ nữ phải tôn trọng sự sống
và không được đi phá thai vì bất cứ lý do nào mà thôi.
Các linh mục cần giải thích rõ việc này cho giáo dân để đừng nhận
tiền xin lễ , xin cầu cho các thai nhi., như người ta đang làm ở các giáo xứ
Viêt Nam. Đây là việc không cần thiết phải làm. Chắc chắn như vậy.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn