Tư cách Công giáo, tư cách môn đệ Chúa Kitô không chỉ thể hiện ở việc đi nhà thờ mà thôi, dù việc đó rất tốt, nhưng còn ở ngay lúc ngồi trước màn hình máy tính, lên mạng, vào mạng xã hội: tôi xem gì, đọc gì, nói gì, phản ứng thế nào…

LẮNG NGHE BẰNG TRÁI TIM
Trọng kính Đức Cha, trước khi đi vào phần
chính yếu của Sứ điệp Truyền Thông, chúng con xin Đức Cha cho chúng con biết tại
sao Đức Thánh Cha lại chọn ngày lễ thánh Phanxicô Salesio để công bố Sứ điệp
Truyền Thông?
Cha để ý đến cả chi tiết này chứng tỏ
cha đọc Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông rất kỹ. Tôi nghĩ sở dĩ Đức Thánh Cha
Phanxicô chọn ngày lễ thánh Phanxicô Salê để ký Sứ điệp vì thánh nhân là con
người của truyền thông. Bản thân ngài là tác giả viết sách, không những sâu sắc
và phong phú về nội dung mà còn đẹp cả về văn chương. Vì thế ngài được chọn làm
Thánh Bổn mạng giới báo chí và các tác giả viết sách. Ngài còn được chọn làm
Thánh Bổn mạng của anh chị em khuyết tật thính giác nữa vì ngài đã khai triển một
phương pháp dạy Giáo lý cho họ. Sứ điệp truyền thông của Đức Thánh Cha chọn chủ
đề Lắng nghe mà chọn ngày lễ Thánh Bổn mạng của người khiếm thính thì độc đáo
quá!
Thưa Đức Cha, chủ đề của sứ điệp Truyền
thông năm nay: “Hãy lắng nghe bằng con tim”, như vậy Đức Thánh Cha Phanxicô muốn
nhấn mạnh đến chiều kích nào của Truyền Thông Công Giáo ạ?
Tôi không có ý trình bày chi tiết về nội
dung Sứ điệp vì mỗi người đều có thể đọc trực tiếp. Tôi chỉ xin chia sẻ cảm
nghĩ riêng về chủ đề này. Chỉ nguyên việc chọn chủ đề “lắng nghe” thôi cũng đã
lạ rồi, vì thông thường khi nói tới truyền thông, người ta thường quan tâm đến
nói hơn là nghe. Ngay cả sách viết về truyền thông cũng thường tập trung vào việc
nói: nói cái gì, nói với ai, nói ở đâu, nói khi nào, nói thế nào? Thế nhưng nếu
để ý thì sẽ thấy việc “nói” của chúng ta chịu ảnh hưởng của việc “nghe” nhiều lắm.
Tôi nghĩ đến một kinh nghiệm cụ thể. Một người nước ngoài đến Việt Nam học tiếng
Việt, nếu người đó học tiếng Việt ở Hà Nội thì sẽ nói tiếng Việt theo giọng
nào? Nếu học ở Huế thì sao? Nếu học ở Cần Thơ thì sao? Tương tự như thế khi
chúng ta học một ngoại ngữ. Ta nghe người dạy phát âm thế nào thì ta cũng sẽ
nói theo như vậy.
Kinh nghiệm về ngôn ngữ giúp chúng ta thấy
việc “nói” của mình chịu ảnh hưởng từ việc “nghe” rất nhiều, cho nên trong Sứ
điệp Truyền thông, Đức Thánh Cha nói đến việc chúng ta phải xét xem mình nghe
ai, nghe cái gì, và nghe thế nào? Chính ở chỗ “nghe thế nào” mà ta thấy nổi bật
lên lời mời gọi của Đức Thánh Cha: nghe bằng trái tim. Trong các khóa hướng dẫn
Tư vấn tâm lý, người ta dạy cho các học viên cách chăm chú lắng nghe: không những
nghe những lời người khác nói, mà còn nghe tâm tư của họ qua những biểu hiện
trên khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể. Và sâu xa nhất là nghe bằng trái tim, con
tim đồng cảm, chia sẻ, dịu dàng.
Thưa Đức Cha, trong lúc các Giáo hội địa
phương đang chuẩn bị, bàn luận sôi nổi và học hỏi về sự hiệp hành trong Giáo Hội
thì sứ điệp truyền thông nói đến sự lắng nghe, theo Đức Cha, có sự liên hệ nào
trong sứ điệp Truyền thông năm nay với Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 16 sắp
tới không thưa Đức Cha?
Chắc chắn là có liên hệ mật thiết. Linh
đạo hiệp hành là gặp gỡ-lắng nghe-phân định. Làm sao có thể hiệp hành mà lại
không lắng nghe nhau! Việc lắng nghe nhau trong Hội Thánh là điều rất cần thiết
vì khi đối diện một vấn đề, mỗi chúng ta chỉ có thể nhìn vấn đề đó từ góc nhìn
giới hạn của mình, theo kinh nghiệm và sự hiểu biết giới hạn của mình, cho nên
cần lắng nghe nhau để bổ túc cho nhau thì mới có cái nhìn toàn diện để giải quyết
vấn đề.
Trong thực tế, đây là điều không dễ thực
hiện, vì khuynh hướng tự nhiên của mỗi người là muốn người khác lắng nghe ý kiến
của mình nhưng lại không chịu lắng nghe người khác. Khi đó, chỉ có song thoại
chứ không có đối thoại và không thể tìm được tiếng nói chung. Điều này có thể xảy
ra trong mọi cuộc sống chung: giáo xứ, cộng đoàn dòng tu, Giáo phận…
Hình ảnh mẫu mực cho chúng ta về vấn đề
này là hình ảnh Chúa Giesu và hai môn đệ trên đường Emmau. Chúa Giêsu cùng đi với
họ, và trước khi Ngài nói với họ thì Ngài đã lắng nghe, nghe họ kể lại những gì
xảy ra và nhất là nghe tâm tư thất vọng chán nản của họ. Chính vì Chúa đã lắng
nghe trước nên khi Ngài nói, lời của Ngài chạm vào tâm tư sâu kín của họ, làm
cho tâm trí họ mở ra và lòng họ bừng cháy. Hình ảnh đó là lời mời gọi thường
xuyên cho chúng ta để biết lắng nghe nhau trong Hội Thánh.
Thưa Đức Cha, truyền thông hôm nay đang
bị một số thế lực và chủ trương nào đó điều khiển và dẫn dắt, vì vậy sự lắng
nghe của những người hoặc tổ chức làm truyền thông hôm nay đóng vai trò như thế
nào thưa Đức Cha?
Cha đặt câu hỏi quá lớn! Đúng là ngày
nay người ta nói nhiều đến thế lực của các ông lớn công nghệ (Big Tech). Đến cả
một tổng thống của một cường quốc mà còn bị cắt tài khoản trên mạng xã hội thì
đủ thấy thế lực đó lớn thế nào. Và nếu người ta dùng thế lực đó để cổ võ thứ
văn hóa sự chết (từ của Thánh Gioan Phaolô II) hoặc văn hóa vứt bỏ (throw-away,
từ của Đức Phanxicô) thì quả là thách thức lớn cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của
truyền thông Công giáo. Vậy phải lắng nghe thế nào?
Người ta nói rằng trong những lý thuyết
sai lầm vẫn có một phần chân lý. Chúng ta cần lắng nghe và phân định để khám
phá phần chân lý đó; đồng thời cũng tự hỏi mình: liệu chúng ta có quá cứng cỏi
không? Chúng ta có nhạy bén đủ trước những khát khao của con người ngày nay
không? Có đồng cảm với những âu lo, sợ hãi, buồn phiền và thất vọng của người
ta không?
Một suy nghĩ khác cũng mong chia sẻ là đối
diện với những thế lực trên, chúng ta thấy mình quá nhỏ bé, từ vật lực đến tài
lực và nhân lực. Và thực tế đó làm cho chúng ta chùn bước! Ở đây, cần nhớ lại dụ
ngôn Người gieo giống, đặc biệt là câu kết của dụ ngôn “Có hạt rơi vào đất tốt
và sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu mươi, hạt được ba mươi”
(Mt 13,8). Giáo huấn của dụ ngôn là ở đó. Cho dù có nhiều hạt giống rơi trên đường
đi, rơi nơi sỏi đá hoặc rơi vào bụi gai, hãy cứ gieo vì dứt khoát sẽ có hạt rơi
vào đất tốt và sinh hoa kết quả. Trong việc truyền thông, bổn phận của chúng ta
là cứ gieo, gieo những hạt giống Tin Mừng đích thực, gieo những điều tốt lành
vào cuộc sống. Chính Chúa mới là Đấng làm cho hạt giống mọc lên ở một lúc nào
đó và bằng cách nào đó mà chúng ta không biết.
Một trong những hấp lực ghê gớm của truyền
thông xã hội là “tiền” và lợi nhuận. Vậy xin Đức Cha có hướng dẫn nào giúp
chúng con và mọi anh chị em Kitô hữu ý thức và gìn giữ được vai trò và sự trong
sáng của Truyền thông Công Giáo trước cơn cám dỗ “câu like và share”?
Cách đây ít tháng, có linh mục hỏi tôi:
kỳ này Đức cha lên mạng quảng cáo thuốc chữa bệnh sao? Tôi không biết gì hết!
Sau đó nhiều người cho biết họ cũng đọc được điều đó trên facebook. Không chỉ một
mình tôi nhưng một vài giám mục cũng bị thành nạn nhân như thế.
Tôi cũng nghe một vài anh em linh mục
cho biết có những youtube do người Công giáo làm, lấy lại bài giảng hay bài viết
của một ai đó rồi đặt tựa đề thật kêu nhưng không ăn nhập gì với nội dung cả! Mục
đích không phải để loan báo Tin Mừng nhưng để câu like!
Phải giải quyết ra sao? Tôi không nghĩ đến
giải pháp về pháp lý hay kỷ luật cho bằng lời kêu gọi tinh thần, cách riêng với
anh chị em Công giáo. Tôi có đề nghị với Ủy ban Truyền thông của Hội đồng giám
mục nên tổ chức buổi họp mặt của những anh chị em Công giáo đang tham gia hoạt
động truyền thông (không chỉ giới hạn ở những người làm trong Ban Truyền thông
giáo phận), để lắng nghe nhau và hiểu biết nhau hơn, đồng thời cùng nhau suy
nghĩ về đường hướng hoạt động truyền thông để phục vụ sứ mạng loan báo Tin Mừng
như Hội Thánh mong muốn.
Ngoài ra, trong thời kỹ thuật số ngày
nay, mỗi chúng ta đều là chủ thể truyền thông, hoặc bằng cách đưa bài viết, tin
tức, hình ảnh lên mạng; hoặc bằng cách phản hồi qua việc comment, like, share… Ở
cả hai tư cách (người đưa tin và người nhận tin) chúng ta đều cần ý thức trách
nhiệm của mình là người môn đệ Chúa Giêsu và tự hỏi xem: hành động của tôi có
làm gia tăng sự hiệp thông và tình yêu thương trong Hội Thánh không, hay là gây
chia rẽ và xung đột? Hành động của tôi có phục vụ cho sự thật hay lại cổ võ sự
dối trá? Có gieo rắc cái đẹp của Phúc Âm không hay lại phá hủy vẻ đẹp đó?
Tư cách Công giáo, tư cách môn đệ Chúa
Kitô không chỉ thể hiện ở việc đi nhà thờ mà thôi, dù việc đó rất tốt, nhưng
còn ở ngay lúc ngồi trước màn hình máy tính, lên mạng, vào mạng xã hội: tôi xem
gì, đọc gì, nói gì, phản ứng thế nào… Tất cả đều phản ánh tư cách môn đệ của
chúng ta. Nếu mỗi người Công giáo ý thức được điều này thì bằng chính những việc
nhỏ bé hằng ngày, chúng ta trở thành những tông đồ trên máy tính, góp phần làm
cho men Tin Mừng thấm nhập và lan tỏa nhiều nơi.
Chúng con chân thành cám ơn Đức Cha và
kính chúc Đức Cha luôn tràn đầy Thần Khí để hướng dẫn đoàn dân Chúa, trong đó
có chúng con.
(giaophanmytho.net
25.05.2022)