ROMA - Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư Phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ vương các thánh Tông đồ), Roma.
 Đức ông Guido Marini, Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ của ĐTC
|
Hỏi: Trong các buổi
cử hành phụng vụ của ĐTC Biển Đức XVI, tôi chú ý đến vị Trưởng Ban Nghi lễ và
tự hỏi liệu việc các người khác “giúp” cho ngài, và tất nhiên giúp ĐTC, được
gọi là gì? Tôi biết vị Thư ký riêng của Ngài đứng bên Ngài, nhưng không chia sẻ
vai trò của vị Trưởng Ban Nghi lễ. Các người khác làm ư? Có người nói với tôi
rằng chỉ có một vị Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ của ĐTC mà thôi, đó là Đức Ông
Guido Marini. Tôi biết rằng ĐTC thường có một người Mỹ đi kèm theo Ngài, nhưng
tôi không biết tên, nhưng đoán là một Tổng Giám mục. Câu hỏi của tôi là: Vai
trò của vị này là gì? Có một phẩm trật giữa các vị hay không? Khi còn là một
chủng sinh, tôi đã phục vụ tại các Thánh lễ đại triều với các Giám mục, Tổng
Giám mục và Hồng y, và tôi biết thường có các Trưởng Ban Nghi Lễ thi hành các
vai trò khác nhau trong phụng vụ, nhưng luôn có một Trưởng Ban Nghi Lễ chính
thức trong buổi lễ. - D.M., Toronto, Canada.
Đáp: Đức Ông Guido
Marini (không có quan hệ bà con với người tiền nhiệm, Đức Tổng Giám Mục Piero
Marini) hiện là Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ của ĐTC, và là Trưởng Văn phòng
Nghi Lễ Phụng Vụ của ĐTC.
Vai trò của Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ của ĐTC phát sinh ít là từ
thế kỷ 15. Quyền và nghĩa vụ của Trưởng Ban Nghi Lễ đã được điều chỉnh trong
nhiều thế kỷ, và các quy định mới nhất xuất phát từ Tông Hiến Pastor Bonus (Mục
tử nhân hậu) năm 1988.
Tông Hiến này tăng cường vai trò của Văn phòng Nghi lễ Phụng vụ,
làm cho nó trở thành một tổ chức mới của Giáo Triều Rôma với các luật lệ riêng
và thẩm quyền riêng.
Theo hồ sơ của Văn phòng trên trang web của Vatican, nhiệm vụ của
Văn phòng "là chuẩn bị mọi sự cần thiết cho Nghi lễ phụng vụ, hoặc mọi
nghi thức thánh do ĐTC chủ tọa, hoặc Ngài tham dự hay hiện diện tại đó, hoặc
nghi lễ do một Hồng y hay Đặc sứ chủ tọa thay cho ĐTC. Các sự chuẩn bị này bao
gồm mọi sự cần thiết nhằm bảo đảm sự cử hành xứng hợp và sự tham gia tích cực
của các tín hữu. Phạm vi công việc của Văn phòng còn là: cử hành Mật Nghị Hồng
y, và hướng dẫn cử hành phụng vụ của Hồng y đoàn khi trống ngôi Giáo hoàng. Một
nhiệm vụ quan trọng nhất của Văn phòng là lên kế hoạch, in ấn và phân phối một
tập tài liệu kinh nguyện đặc biệt cho mỗi buổi phụng vụ, nhằm bảo đảm sự tham
gia xứng đáng và tích cực của những người hiện diện."
Tông hiến nói thêm rằng nhiệm vụ của vị Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng
Vụ là “duyệt lại và thích ứng các nghi lễ phụng vụ của Giáo Hoàng, theo nhu cầu
và theo yêu cầu, trong sự hòa hợp với tinh thần của Công Đồng chung Vatican II,
và phù hợp với nét đặc trưng của nghi lễ phụng vụ của ĐTC. Một nhiệm vụ quan
trọng nhất là lên kế hoạch và hướng dẫn tất cả các nghi thức phụng vụ của Giáo
hoàng, trong các chuyến thăm của ĐTC đến các giáo xứ hoặc các tổ chức trong
giáo phận Rôma, cũng như các nghi thức phụng vụ của Giáo hoàng trong các chuyến
Tông du của Ngài trên toàn thế giới."
Từ năm 1991, vị Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ cũng chịu trách nhiệm
về Phòng Thánh của ĐTC, các nhà nguyện bên trong cho Dinh Tông Tòa, bao gồm nhà
nguyện Sistine, Nhà nguyện Thánh Phaolô và nhà nguyện Redemptoris Mater (Mẹ
Chúa Cứu Thế).
Trong nhiệm vụ này, vị Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ được sự trợ
giúp của khoảng 12 vị phụ tá Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ. Ít nhất một trong các
vị này là chức sắc của Văn phòng Nghi lễ Phụng vụ, trong khi các vị khác làm
việc trong các cơ quan khác của Giáo triều Rôma. Ngoại trừ những vị nào là chức
sắc, các vị khác thường chỉ giúp đỡ trong các buổi phụng vụ ở Rôma, và không
cùng đi với ĐTC trong các chuyến tông du. Vào các dịp lễ này, vị Trưởng Ban
Nghi Lễ Phụng Vụ của ĐTC được hỗ trợ bởi những người chịu trách nhiệm về phụng
vụ ở cấp giáo phận địa phương.
Trong khi trực tiếp hỗ trợ ĐTC, vị Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ
cũng giúp hướng dẫn các thừa tác viên khác trong buổi phụng vụ, như các phó tế,
thầy giúp lễ và các vị đồng tế. Ít nhất bốn Chưởng nghi phụng vụ có mặt trong
một lễ đại triều có ĐTC. Các trợ lý Trưởng ban Nghi lễ cũng giúp các Hồng y
trong các dịp đặc biệt, chẳng hạn Mật nghị Hồng y, lễ nắm quyền ở các nhà thờ
hiệu tòa, và các buổi lễ quan trọng khác được tổ chức tại Rôma, chẳng hạn lễ
tấn phong Giám mục.
Trong thời kỳ trống tòa Giáo hoàng (Vacante Sede): Trưởng Ban Nghi
Lễ Phụng Vụ làm nhiệm vụ trong các cuộc họp của các Hồng y, và tham gia Mật
nghị Hồng y với các công tác đặc biệt. Với thẩm quyền của Văn phòng, Trưởng ban
Nghi lễ phụng vụ là công chứng viên. Do đó, Trưởng ban phải soạn thảo văn bản
chính thức của chức năng mà vị này tham dự, như là phần việc của Văn phòng của
mình, bao gồm các hồ sơ của Mật Nghị Hồng y, và hồ sơ bầu chọn Tân Giáo Hoàng.
Về khía cạnh thực tiễn của mọi công tác này, Văn phòng Nghi Lễ
Phụng Vụ có bảy chức sắc (ba linh mục, hai nữ tu và hai giáo dân) bên cạnh vị Trưởng
Ban nghi lễ. Họ chịu trách nhiệm, trong nhiều công tác như soạn thảo các tập
cẩm nang, sách lễ, và các tài liệu khác vốn được cung cấp cho các tín hữu ở mỗi
buổi lễ. Văn phòng tọa lạc trong Vatican, và ở tầng hầm phía dưới của bức tranh
khảm Mater Ecclesiae (Mẹ Giáo Hội) ở Quảng trường Thánh Phêrô. Ngoài ra, còn có
sáu cố vấn được bổ nhiệm cho Văn phòng, để tư vấn chuyên môn về khía cạnh lịch
sử và kỹ thuật của phụng vụ.
Ngoài các vị trực tiếp tham gia trong phụng vụ, ĐTC thường được đi
kèm trong cuộc rước bởi các thư ký riêng của Ngài, và Trưởng Văn phòng đặc
trách các vấn đề Nội chính của ĐTC (the prefect of the Papal Household).
Theo hồ sơ của mình, "nhiệm vụ của Văn phòng đặc trách các
vấn đề Nội chính của ĐTC là phối hợp các công việc của Phòng chờ ngoài, và tổ
chức các cuộc hội kiến của ĐTC với các vị Quốc trưởng, các Vị Đứng đầu Chính
phủ, các Bộ trưởng và các quan chức cấp cao khác, cũng như các Đại sứ bên cạnh
Vatican đến trình Ủy nhiệm thư. Văn phòng lo chuẩn bị mọi cuộc tiếp kiến –
riêng tư, đặc biệt và khoáng đại - và các chuyến thăm của những vị được chính
ĐTC tiếp. Văn phòng cũng chịu trách nhiệm sắp xếp các nghi lễ của ĐTC - trừ các
buổi cử hành phụng vụ - cũng như cuộc Tĩnh tâm của ĐTC, Hội nghị Hồng y đoàn và
Giáo triều Rôma. Ngoài ra, Văn phòng giám sát việc sắp xếp phù hợp theo yêu cầu
mỗi khi ĐTC rời Dinh Tông Tòa để đi thăm thành phố Rôma, hoặc thăm trong phạm
vi nước Ý. "
Đối với chúng ta là những người không phải là đại sứ hay Quốc
trưởng, việc tiếp xúc với Văn phòng đặc trách các vấn đề Nội chính của ĐTC
thường bị hạn chế, do phải xin giấy để tham dự các thánh lễ của ĐTC và các cuộc
gặp gỡ với Ngài.
Vị trưởng Văn phòng này hiện này là Đức Tổng Giám mục James
Michael Harvey, người Mỹ ở thành phố Milwaukee, bang Oregon, và do đó là người
mà độc giả trên đây tò mò muốn biết. Trong thực tế, Ngài thường hộ tống ĐTC
trong mỗi cuộc lễ và cuộc tiếp kiến ở Vatican và các nơi khác, và thường được
nhìn thấy đi kín đáo ngay sau ĐTC.
Nguyễn Trọng Đa
nguồn: Vietcatholic/ Zenit