Ngày 12 tháng 2, giám mục Jean-Paul Vesco là tân tổng giám mục giáo phận Alger. Vài ngày trước sự kiện nhỏ này, trang Dimanche đã có buổi nói chuyện với ngài. Ngài nói với chúng tôi về hoàn cảnh của người công giáo ở Algeria, những người được kêu gọi làm dấu chỉ hơn là làm con số. Ngài triển khai tầm nhìn của ngài về tình huynh đệ.
Tháng 1 năm 2013, giám mục Jean-Paul
Vesco được phong giám mục, ngài là tân giám mục của giáo phận Oran, miền tây-bắc
Algeria. Kể từ đó, đôi khi ngài cảm thấy mình bị cô lập ở một nước mà lòng nhiệt
tâm chinh phục người tân tòng bị cấm và số lượng tín hữu ngày càng giảm. Theo tổ
chức phi chính phủ Cánh cửa Mở (Portes Ouvertes), chỉ có 6.000 người công giáo ở
một quốc gia có 98,2% người theo đạo hồi. Người công giáo ở Algeria chủ yếu là
sinh viên hoặc người di cư gốc Phi và một số kiều bào. Đối với câu hỏi thường
được đặt ra, “cha đang làm gì ở đây?”, cha đưa ra câu trả lời được truyền cảm hứng
từ Đức Phanxicô.
Tháng 2 này, cha là tổng giám mục giáo
phận thủ đô Algiers. Đâu là ý nghĩa cha muốn mang đến cho chức vụ mới này của
cha?
Giám mục Jean-Paul Vesco: Tôi sẽ là tổng giám mục của Algiers như
tôi đã là giám mục ở giáo phận Oran. Giáo hội ở Algeria sống trên sự rạn nứt giữa
hai thế giới, vì thế điều này góp phần làm cho Giáo hội khó tồn tại ở đó. Trong
chuyến đi của Đức Phanxicô đến Iraq tháng 3 năm 2021, ngài đã gặp Ayatollah Ali
el-Sistani, người có thẩm quyền hồi giáo dòng Shiite cao nhất của đất nước, Đức
Phanxicô đã có những lời sau: “Thường xuyên phải chấp nhận rủi ro để đi một bước
đến tình huynh đệ. Có những chỉ trích nói rằng Giáo hoàng vô thức, đã có những
bước đi ngược với giáo lý công giáo…”.
Những lời này của ngài nói lên chính xác
những gì tôi đang sống và cảm nhận: trước hết chúng ta là người anh em với
nhau. Ngài đã dám mạo hiểm để khẳng định tình anh em giữa con người với nhau,
vượt ra bề ngoài của các tôn giáo. Vì thế ngài cho thấy, việc truyền giáo được
thực hiện trong tình huynh đệ chứ không phải trong hoán cải. Nó mang tính cách
mạng! Một cách nào đó, ngài khẳng định phép rửa tội không phải là điều kiện của
cứu rỗi.
“Vấn đề không phải là ít;
vấn đề sẽ trở nên ‘không đáng kể’.”
Đây có phải là câu trả lời mà cha mang đến
cho chức vụ của cha ở một quốc gia hồi giáo, nơi việc cải đạo không còn là mục
tiêu…
Vì vị trí của Giáo hội trong vùng đất hồi
giáo, nên Giáo hội chúng tôi không ngừng bị chất vấn về lý do hiện diện của
mình. Vì sao Giáo hội lại có mặt ở đây, trong một đất nước hầu như không có tín
hữu kitô? Ngày 31 tháng 3 năm 2019, tại nhà thờ chính tòa Rabat, thủ đô Ma-rốc,
Đức Phanxicô nhắc lại, sứ mệnh chúng ta với tư cách là người được rửa tội không
được xác định bởi không gian chúng ta chiếm giữ, nhưng qua khả năng chúng ta
mang lại sự thay đổi và lòng trắc ẩn, bằng cách chúng ta sống như các môn đệ của
Chúa Giêsu. Như Đức Gioan-Phaolô II đã nhắc chúng ta, “chúng ta không đòi hỏi một
dấu chỉ phải là một con số”. Nói cách khác, con số không phải là chỉ số về tính
hiệu quả của sự hiện diện. Hay nói cách khác, vấn đề không phải là ít; vấn đề sẽ
trở nên ‘không đáng kể’.

Đức giám mục Jean-Paul Vesco, năm 2018 tại
giáo phận Oran trong buổi cầu nguyện trước
khi phong chân phước cho các vị tử đạo ở Algeria | © Bernard Hallet
Cha phân biệt giữa một Giáo hội tuyên
xưng và một Giáo hội nhiệt tâm chinh phục tân tòng như thế nào. Cha có thể giải
thích cho chúng tôi hiểu?
Chúng ta ở đây là những người theo Chúa
Kitô. Chúng ta là những người tuyên xưng vì chúng ta không che giấu mình là ai:
chúng ta xác nhận sự hiện diện của mình, phần lớn là để phục vụ người khác.
Nhưng, tôi muốn nhấn mạnh đến sự khác biệt này: chúng ta không phải là một tổ
chức phi chính phủ và chúng ta không có hành động chính trị quân sự. Tinh thần
phục vụ của chúng ta với người khác là nhân danh Chúa.
Trong bức thư “Xây dựng tình huynh đệ”,
đi kèm với việc cha nhậm chức, cha nhấn mạnh tình huynh đệ tự bản chất không phải
là tường thành chống bạo lực. Thậm chí nó còn là lò nung bạo lực, như câu chuyện
của ông A-ben và Ca-in nhắc chúng ta…
Tình huynh đệ là một giá trị nhân bản,
sâu thẳm. Ở các vùng đất hồi giáo, từ anh em có một nghĩa chính xác: đó là thuộc
về cùng một cộng đồng văn hóa và tôn giáo. Là một thuật ngữ có chiều kích rất cộng
đồng. Những người trong chúng tôi, những người chọn sống ở Algeria trong nhiều
thập kỷ nay đều biết rõ sức mạnh và sự khó khăn trong chứng từ của mình ở đất
nước này, thực tế vừa là mình và không phải là mình.
Cũng vậy, các tín hữu kitô sinh tại
Algeria, nếu họ không sống cùng một sự cách biệt văn hóa thì họ cũng chịu đựng
kinh nghiệm đau đớn của xã hội xa cách, kể cả đôi khi với những người thân nhất
của họ. Một cách kín đáo, khiêm tốn và thông hiểu, họ phải nhân đôi tình huynh
đệ của mình và cự lại cám dỗ trở nên xa cách. Nếu tình huynh đệ của con người cần
những giới hạn, một “chúng tá” để tồn tại, thì theo tôi, điều này dường như
cũng phải hướng đến việc vượt lên chính mình, trừ khi mình tự kết mình vào sự
giam cầm.
“Tình huynh đệ là một giá
trị nhân bản, sâu thẳm. Ở các vùng đất hồi giáo, từ anh em có một nghĩa chính
xác: đó là thuộc về cùng một cộng đồng văn hóa và tôn giáo.”
Thử thách của chúng tôi, đó là vừa là
anh em của anh em mình, vừa là anh em của tất cả mọi người. Với tôi, toàn bộ
thách thức tình huynh đệ dường như vượt ra ngoài những giới hạn mà tình huynh đệ
cần có cùng một lúc. Đó là đoạn đường cần thiết từ một tình huynh đệ được tiếp
nhận đến một tình huynh đệ được chọn. Điều này cũng đúng đối với người tín hữu
kitô: một tín hữu mà chưa bao giờ rời bỏ cộng đồng mình thì không phải là một
tín hữu kitô trọn vẹn.
Hội thánh tin lành ở Algeria ngày càng mở
rộng. Họ ở Kabylia và trong một năng động khác với năng động của cha. Mối quan
hệ của cha với Giáo hội này là gì?
Các mối quan hệ này rất tốt. Các Giáo hội
tin lành đáp ứng tốt hơn theo khuôn mẫu tư tưởng được tìm thấy trong hồi giáo.
Nơi chúng ta khẳng định sự tồn tại của tình huynh đệ phổ quát thì Giáo hội tin
lành nhấn mạnh đến việc gia nhập cộng đồng qua phép rửa. Ngoài ra, các Giáo hội
tin lành không bị xem là người nước ngoài, vì chủ yếu họ là người Algeria cải đạo.
Một cách nào đó, chúng ta là những người “giao tiếp văn hóa hơn.” Nhưng tất cả
mọi cuộc gặp với Chúa Giêsu Kitô đều là những cuộc gặp làm đảo lộn. Các Giáo hội
tin lành không phải là những cạnh tranh của chúng tôi. Họ cũng có phần sự thật
của họ mà có thể chúng ta để thoát.
Cụ thể, đời sống người tín hữu kitô ở
Algeria như thế nào?
Hình thức của chúng tôi là khiêm tốn và
không có linh mục nào dành trọn thời gian để phục vụ cộng đồng kitô. Như thế,
đây là cơ hội cho chúng tôi để sống tình huynh đệ và đồng trách nhiệm nhiều
hơn, không tạo quá nhiều phân biệt giữa giáo sĩ và giáo dân, một sinh viên từ
châu Phi đến có thể nói chuyện lâu dài với một giám mục.
Trong hơn hai mươi năm qua, sự xuất hiện
của các sinh viên và những di dân đã dấy lên lo ngại về việc cộng đồng kitô
giáo tái tập trung mục vụ, có thể phương hại đến quan hệ với người Algeria. Điều
này không những đã không xảy ra, mà các anh chị em sinh viên hoặc di dân của
chúng tôi là những tác nhân hàng đầu trong việc xây dựng tình huynh đệ, một
tình huynh đệ mà chủ yếu chúng tôi trải nghiệm với người dân của đất nước này.
“Chúng tôi không thể nói
lên chứng từ của chúng tôi mà không có các bạn hồi giáo Algeria của chúng
tôi.”
Các hoạt động của cha chủ yếu hướng đến
những người hồi giáo chung quanh cha. Cha đối xử, giúp đỡ, hỗ trợ những người
láng giềng hồi giáo của cha… Mọi việc diễn ra như thế nào?
Chúng tôi gặp những người hàng ngày nói
với chúng tôi, họ biết tôn giáo chúng tôi và vì sao đó không phải là con đường
thực sự dẫn đến Chúa. Thật khó để nghe những lời này theo kinh Koran, như một
lý lẽ không thể bác bỏ. Đổi lại, chúng ta hãy cẩn thận với chính mình bất cứ
khi nào chúng ta bị cám dỗ để có cái nhìn tiêu cực về hồi giáo. Chúng ta phải
làm sao loại bỏ ý tưởng chúng ta phải truyền giáo, làm cho người khác phải theo
chân lý của chúng ta và đồng thời chúng ta cũng phải chấp nhận, có lẽ cũng có một
phần chân lý thoát khỏi chúng ta trong đạo hồi.
Thêm nữa, phần lớn các đối tác của cha
là người hồi giáo…
Chúng tôi không thể nói lên chứng từ của
chúng tôi mà không có các bạn hồi giáo Algeria của chúng tôi. Đó là những người
cùng mang trách nhiệm với chúng tôi trong các hoạt động của các trung tâm, các
sinh hoạt và thậm chí cả đời sống giáo hội của chúng tôi. Họ là những người dạy
nghề, những phụ nữ làm việc trong các hoạt động của xưởng thủ công, những sinh
viên làm việc trong thư viện chúng tôi, phụ huynh của các em bé được giao cho
chúng tôi, những người đứng đầu hiệp hội nơi chúng tôi làm việc.
Có lẽ họ phải dũng cảm nhìn những ánh mắt
chê bai khi họ bước qua cánh cửa trung tâm của chúng tôi, khi họ giao con cái của
họ cho chúng tôi sinh hoạt. Và vì điều đó, họ cũng cần, giống như chúng tôi, tạo
một bước nhảy vọt về lòng tin tưởng và liều lĩnh để hành động.
Cấm chinh phục tân tòng
Theo tổ chức phi chính phủ Cánh cửa Mở
thì Chỉ số Thế giới về các Tín hữu kitô bị bách hại thì Algeria, quốc gia có
98,2% người theo đạo hồi là một trong những quốc gia thuộc thế giới Ả Rập-Hồi
giáo có số lượng người cải đạo cao nhất. Một đặc điểm có nguồn gốc từ Kabylia,
khu vực rộng lớn của Algeria có ngôn ngữ và văn hóa Berber.
Sự “thức tỉnh” theo kitô giáo ở Kabylie
bắt đầu từ những năm 1980. Các vụ trở lại tăng lên mạnh sau thời kỳ chữa lành
ngoạn mục. Cộng đồng ngày nay được tổ chức dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Giáo hội
Tin lành Algeria (EPA). Nhưng sau một thời gian tự do, thòng lọng bắt đầu siết
chặt những người trở lại này, họ đều xuất thân từ các gia đình hồi giáo. Về vấn
đề này, sắc lệnh ngày 28 tháng 2 năm 2006 đã tạo một bước ngoặt: bằng cách điều
chỉnh đức tin của những người không theo đạo hồi, họ lên án bất kỳ chủ nghĩa
chinh phục nào làm suy yếu đức tin người hồi giáo. Sắc lệnh này hiện ngăn cản
việc phân phối bất kỳ tài liệu nào của đức tin kitô giáo như Phúc âm và ngay cả
Kinh thánh. Trong số 46 Giáo hội thuộc Hiệp hội Giáo hội Tin lành EPA, đã có 16
nhà thờ bị chính phủ đóng cửa, gồm cả nhà thờ lớn Tizi Ouzou, kể từ tháng 10
năm 2019.
Giám mục Jean-Paul Vesco
Sinh ngày 10 tháng 3 năm 1962 tại Lyon,
nước Pháp, hành nghề luật sư kinh doanh tại Paris từ năm 1989 đến 1995. Sau đó,
ngài vào Dòng Đa Minh. Sau khi đậu bằng thần học giáo luật tại Phân khoa công
giáo ở Lyon, ngài chịu chức linh mục ngày 24 tháng 6 năm 2001.
Sau đó, ngài được đổi đi Algeria ở
Tlemcen (giáo phận Oran) để xây dựng lại sự hiện diện của dòng Đa Minh, sáu năm
sau vụ ám sát giám mục Pierre Claverie. Năm 2005, ngài được bổ nhiệm làm linh mục
tổng đại diện giáo phận. Tháng 12 năm 2010, ngài được bầu làm Giám tỉnh của
Dòng Đa Minh Pháp, ngài về lại Paris. Ngày 1 tháng 12 năm 2012, Đức Bênêđíctô
XVI bổ nhiệm ngài làm giám mục giáo phận Oran. Ngày 27 tháng 12 năm 2021, Đức
Phanxicô bổ nhiệm ngài làm tổng giám mục giáo phận Alger.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
(phanxico.vn
20.03.2022/ cath.ch, Ban biên tập, 2022-02-20)