26 19 X Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên. (1Tx 3,7-13; Mt 24,42-51.)
Hai dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay cho
thấy ý nghĩa bổ túc cho nhau: dụ ngôn thứ nhất nói về kẻ trộm đến bất ngờ trong
đêm, do đó người chủ phải sẵn sàng luôn; sự sẵn sàng này được giải thích trong
dụ ngôn thứ hai về người đầy tớ trung tín và khôn ngoan thi hành mệnh lệnh của
chủ, cứ đúng giờ mà cấp phát lương thực cho người nhà.
Thật không dễ dàng mà có thái độ sẵn
sàng theo đúng ý Chúa muốn. Vào thời các Tông đồ, có những tín hữu quá sốt sắng
chờ đợi Chúa trở lại đến độ lơ là việc bổn phận của mình. Ðó là thái độ của tín
hữu cộng đoàn Thessalonica mà thánh Phaolô đã phải khuyến cáo: "Thưa anh
em, về ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với
Ngài, thì tôi xin anh em điều này: nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã viết thư quả
quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động,
cũng đừng hoảng sợ. Ðừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào".
Sống chờ đợi Chúa lại đến không phải bằng
thái độ thụ động, nhưng bằng thái độ tích cực. Thánh Phaolô mô tả thái độ đó
như sau: "Anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt
anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, là con cái của ban ngày. Chúng ta
không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như
những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ, hãy mặc áo giáp là đức
tin và đức mến, hãy đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ".
Nhiều lần trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã
nói lên quan niệm của Ngài về quyền bính. Vì các tông đồ hay tranh luận với
nhau về quyền bính; các giấc mộng công hầu khanh tướng luôn ám ảnh các ông, ai
trong các ông cũng muốn ngồi chỗ cao, chỗ trọng vọng trong Vương quốc mà họ tưởng
Chúa Giêsu đã đến để thiết lập.
Nhưng đối lại với tham vọng ấy, Chúa
Giêsu cho thấy rằng quyền bính là để phục vụ; trong nước Ngài, kẻ càng được
trao nhiều quyền bính là kẻ càng biết phục vụ; trong Nước Ngài, kẻ càng được
trao nhiều quyền hành, thì càng phải là người phục vụ, mà phục vụ theo đúng
nghĩa là hoàn toàn quên mình để sống cho người khác.
Do phép rửa, người Kitô hữu chúng ta được
tham dự chức vụ vương giả của Chúa Kitô. Chúa Kitô là Vua, nhưng là Vua của phục
vụ. Cung cách vương giả của Ngài là quì trước các môn đệ và rửa chân cho họ. Do
đó, tham dự chức vụ vương giả của Chúa Kitô, chúng ta cũng được trao cho một thứ
quyền bính, và quyền bính ấy tương đương là để phục vụ. Người ta tưởng không thể
là Kitô hữu, không thể là môn đệ Chúa Kitô mà lại khước từ việc phục vụ.
Mọi người đều phải chết. Đây là một sự
thật hiển nhiên ;vậy mà con người lại sống theo cách như là họ chẳng bao giờ phải
chết cả. Họ cứ ăn chơi sa đọa, họ chạy theo tiên bạc danh vọng, sắc dục… Chính
vì vậy lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh cho chúng ta biết và ý thức được thân phận của mình để chọn lựa cho mình đời sông luôn ở
trong tư thế \sẵn sàng.
Suy cho cùng thì con người ta sống trên
đời này là để chuẩn bị cho minh một cái chết! Hay nói cách khác là để chuân bị
cho mình một cuộc sống mới mà nó sẽ bắt đầu sau cái chết. Mà đời sống mới này
phụ thuộc hoàn toàn vào những việc lành phúc đức mà con người ta đã thực hiện
khi còn sống. Chúa Giê-su đã nói: “Được lời lãi cả và thế gian này mà mất linh hồn thì nào có ích
chi? ” (Mt 16,26). Như vậy nếu như trong đời sống trần gian này chúng ta có đạt
được những thành công mỹ mãn, giầu sang tuyệt đỉnh… bao nhiêu đi chăng nữa mà
cuối cùng chết đi trong tội lỗi, mất linh hồn thì thật là vô phúc và bất hạnh
cho chúng ta, vì chẳng có thể lấy gì mà
bù đắp, thay thế lại được!
Vì vậy lời Chúa hôm nay cảnh báo cho
chúng ta phải luôn chu toàn bổn phận của mình đối với Chúa và với anh em hàng
ngày trong cuộc sống dương thế này. Để khi cuộc sông trần gian kết thúc chúng
ta xứng đáng hưởng Nước Trời. Nơi đầy hoan lạc và hạnh phúc mà Chúa đã thiết lập
để dành sẵn cho những đây tớ trung tín và khôn ngoan của Ngài.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tỉnh
thức: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến…
nên anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.
Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu
chúng ta chính là phục vụ. Càng phục vụ, chúng ta càng nhận ra được Chúa đang đến.
Càng phục vụ, chúng ta càng nên giống Chúa trong cung cách vương giả của Ngài.
Ai lãnh nhận nhiều sẽ bị đòi hỏi nhiều. Ân sủng dồi dào mà chúng ta lãnh nhận
qua bí tích rửa tội là để san sẻ; tình yêu chúng ta cảm nhận được trong đức tin
là để trao ban cho mọi người.
Sự tỉnh thức đích thực của người kitô hữu
chúng ta chính là ý thức rằng: sống tích cực để yêu thương và phục vụ, và đó
cũng là hạnh phúc đích thực của chúng ta, vì như Chúa Giêsu đã nói: “Cho thì có
phúc hơn là nhận”.
Sống đức tin, đức cậy, đức mến, trong
khi chờ đợi Chúa đến, không có nghĩa là chúng ta bỏ quên sự dấn thân của mình.
Mỗi người chúng ta cần phải luôn tỉnh thức với thái độ tích cực, đồng thời nỗ lực
góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Huệ Minh