(Nhân kỷ niệm 90 năm qua đời (1932-2022) của thừa sai Albert Schlicklin (Cố Chính Linh), người đầu tiên dịch trọn bộ Thánh Kinh sang Quốc ngữ)
Dẫn nhập: Lời Chúa nhập thể vào mảnh đất Việt
Nam
Nếu chọn thời điểm 1651, năm linh mục thừa sai Đắc Lộ
xuất bản hai tác phẩm Quốc Ngữ đầu tiên tại Rôma: TỰ ĐIỂN VIỆT-BỒ-LA và PHÉP
GIẢNG TÁM NGÀY, để xác nhận cột mốc khai sinh chữ Quốc ngữ, thì phải mất
gần ba thế kỷ sau, người Việt nam mới có thể đọc trọn bộ Kinh Thánh bằng “tiếng
mẹ đẻ”. Thật vậy, lần đầu tiên trọn bộ Kinh Thánh bằng Quốc ngữ cùng phần
chú giải kĩ lưỡng đã được thừa sai Albert Schlicklin (Cố Chính Linh) thuộc giáo
phận Tông tòa Tây Đàng Ngoài chuyển dịch và được Hội Thừa Sai
Paris xuất bản tại Hong Kong năm 1913-1914 (Cựu Ước) – 1916 (Tân
Ước) với tiêu đề KINH THÁNH CỨ BẢN VULGATA trọn
bộ bốn tập I, II, III, IV, in song ngữ với hai cột song song: bên trái tiếng
Việt, bên phải tiếng La Tinh. Phải chăng đó chính là cột mốc, là cái “Giờ” để
Lời Chúa chính thức “nhập thể” vào mảnh đất Việt Nam !
Thực ra, trước đó hai năm (1910), Cố Chính Linh đã hoàn thành bản
dịch như chính ngài xác nhận được ghi trong phần Tựa của cuốn Kinh Thánh: “Tại
nhà tràng Lý đoán Ninh Phú ( Kẻ Sở ), ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống,
là ngày 15 tháng Maiô năm 1910”;
có nghĩa là, sau chặng đường hơn “hai thế kỷ rưỡi”, tiếng Việt của thừa sai
Alexandre de Rhodes (1651) và tiếng Việt của thừa sai Albert Schlicklin (1910)
đã cách xa một trời một vực. Thật vậy, nếu cuốn Tự điển Việt Bồ La của Đắc Lộ
chỉ với khoảng 9.000 mục từ, thì toàn bộ Kinh Thánh tiếng Việt của Cố Chính
Linh không biết bao nhiêu từ tiếng Việt mà kể ! Có thể nói được, ngôn ngữ Việt
hoàn toàn có đầy đủ mọi từ để chuyển tải Lời Chúa, để diễn tả các ý nghĩa và
chiều kích thâm sâu của Mạc Khải. Cho nên, xét về mặt văn chương văn
học, có thể nói đây là một tác phẩm Quốc Ngữ ghi dấu ấn quan trọng trong lịch
sử văn học văn chương Công Giáo !
Riêng đối với những người Kitô hữu Việt Nam, Công Giáo hay Tin
Lành hoặc các hệ phái Kitô giáo khác, vừa rất tự hào về công trình của các bậc
tiền nhân vừa trân trọng biết ơn các ngài; bởi nhờ các ngài mà chúng ta dễ dàng
tiếp cận Lời Chúa bằng tiếng mẹ đẻ, dễ dàng đọc, học, công bố, gẫm suy, truyền
giảng… bằng chính ngôn ngữ Việt Nam của mình.
Và rồi, kể từ Bộ Kinh Thánh cứ bản Vulgata chuẩn
mực nầy, cho tới hôm nay đã lần lượt xuất hiện nhiều phiên bản dịch Kinh Thánh
khác nhau, hoặc trọn bộ hoặc từng phần hay một số tác phẩm…, của Giáo Hội Công
Giáo cũng như Hội Thánh Tin Lành. Riêng phía Công Giáo, chúng ta có các bản
dịch Kinh Thánh trọn bộ lần lượt được thực hiện như:
- Bản dịch của Linh mục Gérard Gagnon do Thánh Tâm Biệt Thự
Đà Lạt xuất bản năm 1963.
- Bản dịch của linh mục Trần Đức Huân do nhà xuất bản Ra Khơi Sài
Gòn, xuất bản năm 1970.
- Bản dịch Kinh Thánh để dùng trong Phụng vụ của Ủy Ban Phụng Vụ
năm 1973.
- Bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn do Dòng Chúa Cứu Thế xuất
bản năm 1976.
- Bản dịch của Đức Hồng Y G.M. Trịnh Văn Căn do Tòa Giám Mục Hà
Nội xuất bản năm 1985.
- Bản dịch của Nhóm Phụng Vụ Giờ Kinh do Nhà xuất bản Thành phố Hồ
Chí Minh xuất bản năm 1998. (x. PHƯỚC NGUYÊN).
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm qua đời của vị dịch giả thời
danh, Albert Schlicklin – Cố chính Linh (1932-2022), một thừa sai,
một trí thức, một thần học gia và triết gia, và 109 năm bản dịch Kinh
Thánh cứ bản Vulgata của ngài (1913-2022), xin được khái quát đôi điều
về cuốn Kinh Thánh tiếng Việt đầu tiên như một nén hương kính dâng về
ngài; và như một “gợi ý” để các thế hệ cháu con hôm nay trân trọng di sản quý
hiếm của cha ông cũng như biết tìm về học hỏi, rút ra từ đó những giá trị tuyệt
hảo mang tính “thừa thượng tiếp hạ” hay “ăn quả nhớ kẻ
trồng cây” !
I. LỜI CHÚA VÀ CHIẾC “XIÊM Y DIỄM LỆ”
1. Nhận xét tổng quát:
Linh mục Alberto Trần Phúc Nhân đã có một nhận xét tổng quan về
bản dịch trọn bộ Kinh Thánh nầy như sau:
Kinh Thánh cứ bản Vulgata. Cố Chính Linh
(Albertus Schlicklin) địa phận Tây Đàng ngoài dịch ra tiếng Annam và thích
nghĩa. Bộ này gồm 4 cuốn khổ 18 x 24 cm, với 768, 736, 652 và 894 trang. Sách
có chuẩn ấn của Đức Cha P.M. Gendreau (Đức Cha Đông) ký tại Hà Nội ngày 19-
03-1913, và in năm 1913-1916 tại Hồng Kông ở nhà in Nazareth của Hội Truyền
Giáo Paris. Vậy tính đến nay là chẵn 90 năm.
Chính bản văn Kinh Thánh chia làm hai cột: bản
Vulgata La-tinh và bản dịch tiếng Việt. Bên dưới mỗi trang, thường có các chú
thích, dài ngắn tuỳ chỗ ; các chú thích về “Sấm truyền mới” (Tân Ước) khá dài.
Ngoài ra còn có những “Lời mở đàng” chung cho mỗi loại sách và riêng cho từng
cuốn sách.
Nói chung, đối với chúng ta, lối văn đã quá xưa,
nhất là trong cách xưng hô. Ngay trang đầu có dẫn Ga 5,39: “Hãy lục xét Sách
thánh… Sách thánh làm chứng về tao.” Hay câu Đức Giê-su “lả lời” cho bà vợ ông
Dê-bê-đê và hai con: “Đức Chúa Jêsu bảo các chúng rằng: thật chén tao thì bay
sẽ uống ; còn sự ngồi bên tả bên hữu tao, chẳng phải tự tao ban cho bay, bèn là
những kẻ Cha tao sắm để cho nó” (Mt 20,23). Dầu sao chúng ta phải khâm phục
công trình của một vị thừa sai ngoại quốc đã mở đường cho việc dịch thuật và
giải thích Kinh Thánh”.
2. “Chiếc xiêm y” diễm lệ:
2.1. Hình thức trang trọng:
Xưa nay, cuốn sách nào mang tính giá trị cao (Kinh điển, Tự điển
bách khoa, Lịch sử, Kỷ yếu…) thường được thiết kế in ấn với khổ giấy lớn, bìa
cứng; nếu nhiều trang thì phân thành nhiều tập. Đối với các tín đồ các tôn
giáo, sách Kinh Thánh là cuốn sách quan trọng và đáng tôn kính nhất. Chắc chắn,
trong cái nhìn “trân trọng” đối với Lời Chúa đó, Cố Chính Linh, khi cho xuất
bản cuốn Kinh Thánh trọn bộ đầu tiên bằng Quốc Ngữ đã mặc cho tác phẩm đặc biệt
nầy một hình thức “trang trọng” với khổ in 18 x 24, một hình thức mà liên tiếp
về sau, cả Công Giáo, lẫn Tin Lành, không có cuốn Kinh Thánh Việt ngữ nào mang
dáng vóc đặc biệt như thế. Tất cả chỉ dừng lại ở khổ giấy 14 x 20; và cũng chỉ
cuốn Kinh Thánh nầy được phối trí thành bốn tập I, II, III, IV theo đúng trình
tự của Quy điển bản Kinh Thánh chuẩn Vulgata. Hầu hết các cuốn Kinh Thánh sau
nầy đều in chung thành một cuốn; hoặc giả chia thành hai: một Cựu Ước, một Tân
ước.


2.2. Trình bày song ngữ hay vai trò của bản Vulgata:
Ngoài những phần phụ cơ bản như linh mục Trần Phúc Nhân nhận
xét “Bên dưới mỗi trang, thường có các chú thích, dài ngắn tuỳ chỗ ;
các chú thích về “Sấm truyền mới” (Tân Ước) khá dài. Ngoài ra còn có những “Lời
mở đàng” chung cho mỗi loại sách và riêng cho từng cuốn sách…”, điều
đáng lưu ý của cuốn Kinh Thánh nầy đó là “Kinh Thánh chia làm hai cột:
bản Vulgata La-tinh và bản dịch tiếng Việt”, một
hình thức mà cho tới hôm nay, cũng chưa thấy một cuốn Kinh Thánh tiếng Việt nào
sử dụng.

Hình thức nầy có quan trọng không? Thưa rất quan trọng và cần
thiết; nhất là đối với chủng viện, tu viện, hay những cộng đoàn, những cá nhân
muốn tiếp cận với tác phẩm Vulgata bằng tiếng La tinh. Đừng quên, đây là một kỳ
công của chính thánh tiến sĩ Giêrônimô (347-420) và là bản Kinh Thánh chuẩn mực
của Giáo Hội Công Giáo tông truyền kể từ thế kỷ thứ năm như quyết định của Công
Đồng Trento (1546): “Nếu có ai không tiếp nhận các sách đó nguyên vẹn
cùng với tất cả các phần của chúng, như người ta đã quen đọc chúng trong Giáo
Hội Công Giáo và theo bản cũ là Latin thông tục bản (vulgata), như là những
Sách Thánh và đúng theo quy điển Kinh Thánh (canonique); nếu người đó, một cách
ý thức và cố ý, khinh thường các truyền thống nói trên: người đó phải bị trục
xuất” (DENZINGER 1504). (x.
JOHN A. HARDON).
Và cũng chính qua yếu tố “song ngữ Việt – La” nầy
mới thấy độ tự tin của Cố Chính Linh khi chuyển dịch Lời Chúa qua ngôn ngữ
Việt; phải chăng, đây cũng chính là điểm thuận lợi để các thế hệ tiếp nối khi
thực hiện các bản dịch Kinh Thánh có bản văn gốc để quy chiếu hầu biết bản dịch
của mình trung thực với Lời Chúa thế nào; hoặc để khỏi trệch xa khỏi nội dung
căn bản của Kinh Thánh được Giáo Hội chuẩn nhận như Thánh Công Đồng Trento xác
quyết: “Hơn nữa Thánh Công đồng nghĩ rằng một điều có thể là hữu ích
không nhỏ cho Giáo Hội của Thiên Chúa là biết bản nào phải coi là trung thực
trong các bản Latin đã được xuất bản về các Sách Thánh đang lưu hành, cho nên
Công Đồng quyết định và tuyên bố rằng chính bản Latin cổ kính và thông tục
(vulgata), vốn được tán thành trong Giáo Hội do được sử dụng lâu dài trong biết
bao thế kỷ, phải được coi là trung thực trong các cuộc giảng giải, tranh luận,
rao giảng và trình bày công khai; xin đừng có ai cả gan hoặc có ý định vứt bỏ
bản đó với bất kỳ cớ nào”.
2.3. Trình bày các tác phẩm và bản văn:
Cũng giống như cách trình bày chung các sách Kinh Thánh, trước mỗi
tác phẩm (Sáng Thế, Xuất Hành, Tin Mừng Matthêô, Khải Huyền…) đều có một giới
thiệu khái quát về tác giả và nội dung tác phẩm. Cuốn Kinh Thánh Quốc ngữ của
Cố Chính Linh cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là cách trình bày
các bản văn.
Thật vậy, một trong những điểm đặc trưng của bản văn Kinh Thánh đó
là luôn đi kèm với “dấu chỉ bằng số” xác nhận về “Đoạn” (hay “Chương”) và
“Câu”. Chắc chắn nhờ phương cách đặc biệt nầy mà việc trích dẫn, tham chiếu,
chứng minh và học thuộc trở nên dễ dàng. Nếu hầu hết các sách Kinh Thánh về sau
thường để số chỉ “Đoạn” ở ngay đầu bản văn (Liền kề trước câu số “1”). Ví
dụ: 1 1 Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.2 Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng,
bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước (St
1,1-2), thì với “Kinh Thánh cứ
bản Vulgata”, đoạn được đặt phía trên bản văn và ngay
chính giữa với cở chữ lớn và dùng số La Mã cùng với một đoạn ghi chú nội dung
khái quát bên dưới.

Những ai lần đầu tiên tiếp xúc với Kinh Thánh mà
được đọc bản văn của “Kinh Thánh cứ bản Vulgata” của Cố Chính
Linh chắc chắn sẽ hài lòng về cách trình bày rõ ràng, thứ tự, lớp lang như thế.
3. Chú giải phong phú:
Phần đông các bộ Kinh Thánh đều có phần “Chú
giải”. Đây có thể nói được là yếu tố xác định “nền tảng Thánh Kinh và thần học,
văn chương và ngôn ngữ” của dịch giả Kinh Thánh. Vì chính trong phần “chú giải”
nầy, người dịch rọi sáng thêm ý nghĩa phong phú, phức tạp, các mối liên quan…
của từ ngữ Kinh Thánh cũng như những cách diễn đạt của ngôn ngữ địa phương.
Trong khía cạnh này, bản dịch của Cố chính Linh
có thể “chiếm giải quán quân” về lượng chú giải; bởi có nhiều đoạn, phần chú
giải nhiều hơn bản văn chính; và phần chú giải đồng hành với bản văn gần như
suốt bộ Kinh Thánh. Qua chính phần chú giải nầy, chúng ta có cơ hội để biết sự
phong phú và khả năng của tiếng Việt khi chuyển tải Lời Chúa.

4. Uy tín: khỏi bàn cải
Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, quả thật chúng
ta không nghi ngờ gì trước uy tín và cái đầu uyên bác của một số linh mục thừa
sai ngoại quốc hoạt động truyền giáo tại Việt nam như “nhà Việt Nam
học” Cristoforo Borri với tác phẩm “Xứ Đàng Trong”, “nhà
ngôn ngữ học” Alexandre De Rhodes với Tự điển “Việt Bồ La”;
hay sau này có “nhà văn hóa” lớn là linh mục Léopold Cadière
với tác phẩm để đời “Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người
Việt”.
Nhưng khi nói về lãnh vực Kinh Thánh, thần học và triết học thì có lẽ chúng ta
phải dành cho linh mục thừa sai Albert Schlicklin – Cố
chính Linh, là người đầu tiên chuyển dịch trọn bộ Kinh Thánh Vulgata sang tiếng
Việt và soạn tác nhiều tác phẩm thần học, triết học bằng ngôn ngữ Việt. (x. Ghi
chú 1 ở trên).
Và dĩ nhiên, ngoài việc được cọng tác và giúp đỡ của những người
Công Giáo trí thức Việt Nam lúc bấy giờ, để chuyển tải Lời Chúa sang ngôn ngữ
Việt Nam cách trung thực, chuẩn xác, truyền thống và hợp thời, Cố Chính Linh đã
đọc, tham khảo nhiều tác giả, tác phẩm và tư liệu Kinh Thánh giá trị và uy tín
đương thời, như chính ngài đã liệt kê nơi cuối phần Tựa cuốn Kinh Thánh cứ bản
Vulgata:

II. LỜI TUYỆT ĐỐI TRONG TIÊNG HỮU HẠN
Trong Bài Đọc II Giờ Kinh Sách của Chúa Nhật III
Mùa Vọng vừa qua, Giáo Hội đã chọn trích đoạn Bài giảng của thánh Giám Mục
Augustinô với tựa đề: Thánh Gioan là tiếng, Đức Kitô là Lời.
Chúng ta có thể nghe lại một đoạn trong bài giảng thật thâm thúy sâu xa
nầy: “Thánh Gio-an là tiếng, còn Chúa, ngay từ nguyên
thuỷ, đã là Lời. Thánh Gio-an là tiếng trong thời gian, còn Đức Ki-tô, ngay từ
lúc khởi đầu, đã là Lời vĩnh cửu. Bỏ lời đi, tiếng còn là gì? Ở đâu không
có gì để hiểu, thì chỉ là tiếng vang trống rỗng. Không có lời, tiếng chỉ đập
vào tai, chứ không cảm hoá được tâm hồn…”.
Kinh Thánh chính là Lời Chúa; mà Lời Chúa trong ngôn
ngữ của Thánh sử Gioan đó chính Ngôi Hai Thiên Chúa, Đức Kitô – “Lời
hóa thành nhục thể và ở cùng chúng ta” (Ga 1,14); cũng vậy, trong ngôn
ngữ của Thư Do Thái, Đức Kitô chính là “Lời cuối cùng”, “Lời chóp đĩnh” trong
tiến trình “phán dạy” hay “mạc khải” của Thiên Chúa: “Thuở xưa, nhiều
lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn
sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh
Tử” (Dt 1,1-2).
Nếu Thánh Gioan Tiền Hô đã tự nhận mình là “tiếng
hô trong hoang mạc” (Ga 1,23) để dọn đường cho dân Do Thái đón nhận
“Lời”; và ngài đã dùng ngôn ngữ của quê hương ngài để giới thiệu Đức Kitô, thì
một cách nào đó, các thừa sai, các nhà truyền giáo, trong đó có linh mục Albert Schlicklin – Cố chính Linh, đã dùng ngôn ngữ Việt Nam,
tiếng Việt Nam để chuyển tải Lời Chúa cho dân tộc Việt chúng ta, như cách cắt
nghĩa của Thánh Giáo phụ Augustinô: “Như
vậy, khi tìm cách làm thế nào để lời đã có trong tâm hồn tôi chuyển đến bạn và
ở lại trong tâm hồn bạn, tôi dùng tiếng, và bằng tiếng ấy tôi nói với bạn: âm
của tiếng chuyển tới bạn ý tưởng của lời; và khi âm của tiếng chuyển tới bạn ý
tưởng của lời rồi, thì chính âm đó qua đi, nhưng lời do âm chuyển đến bạn thì
vẫn ở lại trong tâm hồn bạn mà không rời bỏ tâm hồn tôi” (Bài Đọc II
Giờ Kinh Sách CN III MV).
Và như thế, Kinh Thánh, Lời Chúa luôn là “Lời
tuyệt đối, toàn năng, vĩnh cửu…”, còn tiếng hay ngôn ngữ của bất cứ dân tộc nào
hay bất cứ thời đại nào cũng đều mang tính “hữu hạn”. Tiếng Việt cưu mang Lời,
chuyển tải Lời cách đây hơn 100 năm cũng không thể vượt ra ngoài “sự thật” nền
tảng đó.
1. Ngôn ngữ Việt chuyển tải Lời
cách đây hơn một thế kỷ:
Từ khi cuốn Tự Điển của linh mục thừa sai Đắc Lộ
đặt nền móng tiếng Việt được Latinh hóa xuất hiện vào thế kỷ
17 (Việt - Bồ - La 1651), và tiếp sau đó, khi ngôn ngữ Việt đã được phát triển
và hoàn chỉnh cơ bản với cuốn Tự Điển của Đức Giám Mục Jean Louis Tabert (Anamitico-Latinum 1838), tiếng Việt hoàn toàn có thể trở nên
phương thế hữu hiệu để chuyển tải Lời Chúa; và điều đó đã được Cố chính Linh
thực hiện với bản dịch Kinh Thánh đầu tiên: KINH THÁNH CỨ BẢN VULGATA chính
thức ra đời năm 1913 và hoàn chỉnh trọn bộ năm 1916.
Dĩ nhiên, khi đọc bản văn Kinh Thánh qua tiếng Việt cách đây hơn
100 năm, chúng ta không thể so sánh với ngôn ngữ hiện tại để đánh giá hơn thua,
thấp kém; hay chỉ căn cứ vào một số từ xưng hô như “Tao, mầy…” để phủ nhận mọi
giá trị cao quý khác…!
Trong lãnh vực nầy, xin được nhường lời cho các bậc thức giả
chuyên viên về Kinh Thánh hay chuyên môn ngôn ngữ học. Ở đây, chỉ xin đan cử
một vài trích đoạn tiêu biểu của bộ KINH THÁNH CỨ BẢN VULGATA như những viên
ngọc sáng chói của ngôn ngữ Việt đầu thế kỷ 20.
1. 1. Lời Thánh Vịnh đơn sơ:
Ở phần đầu, chúng ta đã thấy hai bản văn Kinh Thánh bằng văn xuôi
của bộ “Kinh Thánh cứ bản vulgata”. Ở đây, xin đơn cử một bản văn Thánh Vịnh
(Tv 1,1-6) để chúng ta cùng cảm nhận cách chuyển ngữ Kinh Thánh đơn sơ, gãy gọn
của Cố Chính Linh:

1.2. Ngôn ngữ Tin Mừng chuẩn xác:
Bài Tựa Tin Mừng Gioan được kể là Bản văn Kinh Thánh đậm chất
triết học và thần học sâu xa. Ngay từ 1913 mà cha ông chúng ta đã dùng tiếng mẹ
đẻ để diễn tả trích đoạn Kinh Thánh đặc biệt nầy thì phải nói là tâm phục khẩu
phục. Và Cố Chính Linh đã làm được chuyện đó như một đan cử sau:

2. Khi Lời “nhập thể” trong tiếng Việt
Trong cuộc “tòa đàm trực tuyến” về chuyên đề “Văn Học Công Giáo
đương đại” trong năm vừa qua, tôi đã có bài tham luận và đoạn kết đã nhận xét
rằng: “Chọn lựa cách “hội nhập văn hóa” để chuyển tải Tin Mừng, để loan
truyền chân lý cứu độ sao cho hiệu quả và phong phú, cách làm của Cha Ông ta đó
nào đâu có phải là chuyện mới mẻ gì đâu! Từ thuở xa xưa khi bộ tộc của Israel
còn trong thời “ăn lông ở lỗ”, khi tổ phụ của dân tộc họ, cụ Ápraham còn lang
thang trên các thảo nguyên sống đời du mục, Thiên Chúa đã áp dụng nguyên tắc
“hội nhập văn hóa” mang tính “nhập thể” rồi. Có nghĩa là Lời Mạc Khải của Thiên
Chúa khi đi vào thế giới đã chọn đi qua “một chiếc cửa nhân loại” là “lịch sử
của dân tộc Israel” với tất cả những yếu tố nhân văn, địa lý, xã hội, chính
trị, kinh tế, pháp luật, lịch sử… của dân tộc nầy. Toàn bộ tuyệt tác Thánh Kinh
Cựu và Tân ước phải chăng là “Lời mạc khải nhập thể giữa lòng nhân loại qua
lịch sử của dân tộc Israel”….
Cũng chính với nguyên tắc “hội nhập văn hóa” đó,
mà chúng ta tìm thấy ngôn ngữ của Kinh Thánh Cựu ước cũng như Tân ước mang
nhiều “dáng đứng” khác nhau, theo trào lưu lịch sử văn hóa xã hội của dân tộc
Israel: Từ thể văn mang tính huyền thoại, cổ tích (Sáng Thế, Tin mừng thời thơ
ấu), đến anh hùng ca lịch sử (Xuất Hành, Samuen, Macabêô…), pháp đình lề luật,
phụng tự (Thứ luật, Lêvi…), khải huyền tiên tri (Đanien, Êgiêkien, Khải huyền
của Thánh Gioan…), châm ngôn huấn đạo (Khôn ngoan, Châm Ngôn, Giảng Viên..),
thi ca trữ tình (Diễm tình ca), truyện ngắn tình yêu (Hôsê…), ca kinh nguyện
cầu (Thánh vịnh…)…”
Một khi Lời Chúa được trồng trên mảnh đất Việt Nam thân yêu, chắc
chắn sẽ không đi ngoài “quy luật của muôn đời” đó. Vì thế, có gì lạ đâu, khi
ngôn ngữ bên Tây rất nghèo về “đại từ nhân xưng” thì tiếng Việt chúng ta lại
rất phong phú. Nếu có ai đó bị dị ứng với các từ “Tao, mầy” mà Cố chính Linh
dùng thường xuyên trong “Kinh Thánh ứng bản vulgata” thì xin hiểu cho rằng:
không phải lúc nào “mầy, tao, mi tớ” cũng là những từ của sự thô lỗ cục cằn, mà
rất nhiều khi, đó lại là những từ của thân mật, gần gũi, như ca dao Việt Nam:
Cảm ơn cái cối cái chày,
Đêm khuya giã gạo có mầy có tao !
Cũng vậy, ông bà, cha mẹ rất thường dặn yêu con cháu: “Tết
này mà tụi bay không về ăn tết với tao là bị ăn đòn á !”. Cũng đừng quên,
xưng hô “tao mầy” là ngôn ngữ dành riêng cho đám bạn bè thân quen, nối khố…

Kết luận: Lời Chúa và “tác động Hiệp hành”
Cố nhạc sĩ tài danh Phạm Duy có bài hát thuộc diện “bất hủ”, bài
“Tình Ca” hay quen gọi là “Tiếng nước tôi”; và ca khúc đã mở đầu với những dòng
thơ mượt mà:
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người
ơi!
Mẹ hiền ru những câu xa vời.
À à ơi! Tiếng ru muôn đời…
Và sau đó, bằng nhiều hình ảnh, cảm nhận lịch sử hay văn hóa dân
tộc, ông đã thổi vào bài hát một cái hồn linh thiêng dịu vợi của tiếng Việt:
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui .
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi.
Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!...
Một yêu câu hát Truyện Kiều.
Lẳng lơ như tiếng sáo diều ư diều làng ta
Và yêu cô gái bên nhà.
Miệng xinh ăn nói mặn mà ừ mà có duyên…
Từ lúc mới còn “nằm nôi” khi Tin Mừng lần đầu tiên được gieo vãi
với “Phép Giảng Tám ngày”, với “Tự Điển Việt Bồ La” của cha Đắc Lộ (1651) cho
đến khi vững vàng với “Sấm Truyền Ca của Lữ Y Đoan” (1670), với “Tuồng Thương
khó” của Nguyễn Bá Tòng (1912)…, và rồi hoàn mỹ với với “Sứ điệp tình thương
của Nguyễn Xuân Văn” (2001)…, quả thật, “tiếng nước tôi” đã được muôn thế hệ
Kitô hữu vận dụng, trau chuốt với nhiều thể loại để chuyển tải Lời Chúa. Và
trong cái chuỗi dài vận dụng “tiếng nước tôi” để cưu mang Lời Chúa đó phải dành
một vinh dự trân trọng cho linh mục thừa sai Albert Schlicklin – Cố chính
Linh, người đầu tiên dịch toàn bộ Kinh Thánh bản Vulgata sang Việt Ngữ.
Dịp kỷ niệm 90 năm qua đời của ngài (2/3/1932) nằm trong thời gian
Tổng Giáo Phận Hà Nội mở Công Nghị Giáo phận. Đây phải chăng là dịp thuận lợi
để cộng đoàn Dân Chúa Hà Nội tưởng nhớ về ngài và công trình “Cuốn Kinh Thánh
đầu tiên bằng Quốc ngữ”; đây cũng chính là điều mà trong thư mục vụ, Đức Tổng
Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên đã nhắc đến:
“Công nghị Giáo phận sẽ nhấn mạnh tới chiều kích
mục vụ bao gồm những mục đích sau:
* Nhìn lại quá khứ với tâm tình tạ ơn Thiên
Chúa, tri ân các bậc tiền nhân về những hồng ân trọng đại đã nhận được từ xưa
đến nay…”.
Nhưng có lẽ, điều đáng suy nghĩ khi tìm lại một “công trình Lời
Chúa” trong kho tàng “văn hóa đức tin” của Giáo Hội Việt Nam đó chính là “Lời
Chúa và tác động Hiệp hành”.
Thật vậy, trong kinh cầu nguyện cho Thượng Hội Hội Đồng Giám Mục
thế giới thứ XVI với chủ đề: HƯỚNG TỚI MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH: HIỆP THÔNG,
THAM GIA, SỨ VỤ, có những lời như sau: “xin dạy chúng con lối đường
phải đi và cách bước đi trên lối đường đó… Đừng để chúng con u mê sa vào nẻo
đường lầm cũng đừng để chúng con làm theo thiên kiến. Xin giúp chúng con tìm
thấy nơi Chúa sự hiệp thông giữa chúng con…”.
Thế nhưng người Kitô hữu nào lại không biết “Lời Chúa là
đường soi bước chân con” (Tv 119,105), là trường dạy và yếu tố hiệp thông
tuyệt hảo nhất. Đã hơn 400 năm đón nhận Tin Mừng, nhưng Giáo Hội Việt Nam vẫn
chưa có được một bộ Kinh Thánh mang tính “Hiệp hành”, “hiệp thông”; vừa ghi dấu
ấn “thừa thượng tiếp hạ” công sức và giá trị của cha ông, vừa “nhật
nhật tân” của văn minh đương đại.
Ước mong định hướng “Hiệp hành” của Giáo Hội hôm nay sẽ được Dân
Chúa Việt Nam biến thành hiện thực; và hiện thực căn bản đầu tiên đó là KINH
THÁNH, là LỜI CHÚA.
Trương Đình Hiền (Viết xong ngày 6/1/2022)
Albert Schlicklin (1857-1932), còn
được biết với tên gọi Cố Chính Linh ("cố" là cố đạo,
"Chính Linh" là tên âm Việt của ông), là một linh mục Công giáo
La Mã người Pháp. Ông là người có công dịch bộ Kinh
Thánh từ tiếng Latinh sang ngôn ngữ Việt Nam. Bản dịch của ông cho
tới ngày nay vẫn là cơ sở cho các bản dịch Kinh Thánh chính thức. Ông sinh
ngày 12 tháng 11 năm 1857 tại Liebsdorf, vùng Alsace (Pháp).
Được Hội Thừa sai Paris gửi đến Việt Nam năm 1885, với sự
giúp đỡ của các học giả Công giáo người Việt, ông nghiên cứu ngôn ngữ Việt và
tập trung cho việc chuyển ngữ bộ Kinh Thánh từ bản Kinh Thánh Latin Vulgate, là
bản Kinh Thánh được Tòa Thánh Vatican chính thức công nhận. Khoảng
năm 1913 - 1914, Hội Thừa Sai Paris tại Hongkong cho
phát hành bản Kinh Thánh Cựu ước, được in song ngữ bản Latin Vulgate với bản
dịch Việt ngữ của ông. Năm 1916, Kinh Thánh Tân ước cũng được phát hành và cũng
in song ngữ, một bên chữ Việt một bên chữ Latin.
Ngoài công trình dịch Kinh Thánh ra, ông còn viết một số tác phẩm
bằng Việt ngữ như:
"Sách dạy về gốc tích cội rễ sự đạo",
1908
"Thần học tín lý", 1908
"Thần học luân lý", 1911
"Công giáo luân lý khoa", 1919
"Triết học khoa", 1917
"Phép mộ sự khôn ngoan", 1917
Ông qua đời ngày 2 tháng 3 năm 1932 tại Hà
Nội.
Nguồn: Wikipedia: https://vi.wikipedia.org/wiki/Albert_Schlicklin
KINH THÁNH CỨ BẢN VULGATA I, Cố chính Linh địa phận Tây Đàng
ngoài, dịch ra tiếng An Nam và thích nghĩa, Hong Kong 1913, Tựa, XVI Về
chế độ lề lối ta cứ trong sách nầy, tr. 23.
X. LINH MỤC ALBERTO TRẦN PHÚC NHÂN, Các bản dịch toàn bộ
Kinh Thánh sang tiếng Việt, trích từ tác phẩm “Hướng đến 400 năm Văn học Công Giáo”,
tr. 776-782.
Không xuất bản thành một cuốn Kinh Thánh trọn bộ; chỉ có các bản
văn trong các sách Phụng vụ; đặc biệt Sách Các Bài Đọc trong
Thánh lễ.
PHƯỚC NGUYÊN, Quá Trình Phiên Dịch Kinh Thánh Sang Tiếng
Việt, trích từ Nguyệt San Linh Lực (1996), San Diego, California,
website www.thuvientinlanh.org/qua-trinh-phien-dịch-kinh-thanh-sang-tiếng-việt/
đăng tháng 1/1996
LINH MỤC ALBERTO TRẦN PHÚC NHÂN, sđd, tr. 777.
HEINRICH DENZINGER, Các Tín biểu, Định tín và Tuyên bố của
Giáo Hội Công Giáo trong lãnh vực đức tin và phong tục, chuyển ngữ:
lm. Nguyễn Văn Hòa O.P., nxb Tôn Giáo 2019, khoản 1504, tr. 1546.
JOHN A. HARDON), S.J., Tự điển Công Giáo phổ thông, chủ
biên: lm. Đặng Xuân Thành, phiên dịch: Nhóm Chánh Hưng, nxb Phương Đông 2008,
tr. 304-306.
HEINRICH DENZINGER, sđd, khoản 1506, tr. 1546.
CRISTOFORO BORRI, Relation de la nouvelle mission des
pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de la Cochinchine, Xứ Đàng
Trong, Thanh Thư dịch, nxb tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh 2019, trang
bìa trước: Cristofor Borri (1583-1632) sinh tại Milan năm 1583, vào Dòng Tên
ngày 16 tháng 9 năm 1601 và khỏi hành đi Ấn Độ năm 1615. Dạy toán tại Coimbre
và Lisbonne, được vua Philippe của Tây Ban Nha mời tới Madrid để giảng cho ngài
về la bàn. Quan tâm đến những vấn đề liên quan tới hàng hải, nghiên cứu về
thiên văn học, đã viết một cuốn chuyên luận về nghệ thuật hàng hải và một bản
thảo dang dở về hải trình tới Ấn Độ… Ông là một trong những giáo sĩ dòng Tên
đầu tiên đến Đàng Trong (Đại Việt), thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, lưu trú ở
đó 5 năm (1618-1622).
ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt
1615-1773, nxb Tôn giáo 2008, tr. 76, chú thích 81: Alexandre
de Rhodes (1593-1660), sinh ngày 15-3-1593 tại Avignon là đất của Tòa thánh từ
năm 1348-1791, nên Rhodes có quốc tịch Tòa thánh, mặc dù sống trong nền văn hóa
Pháp; hoạt động truyền giáo ở ĐT qua hai thời kỳ: 1624-1626 và 1640-1645; là
một trong hai người đầu tiên chính thức mở ra cuộc truyền giáo ở ĐN từ 1627-1630;
Rhodes có nhiều sáng kiến, nhiệt tình, can đảm trong sứ vụ; Rhodes là thừa sai
đi lại nhiều nơi nhất ở Việt Nm thời đó; cha có công rất lớn với văn học Việt
nam, vì đã hoàn thành chữ Quốc ngữ và cho xuất bản sách Quốc ngữ đầu tiên năm
1651; bị trục xuất khỏi ĐT năm 1645, cha về Rôma, Pháp từ 1649-1654, vận động
gửi Giám mục đi Việt Nam; bỏ Pháp cuối năm 1654, để đi Ispahan thủ đô Ba Tư
(Iran) truyền giáo theo lệnh Bề trên cả DT; qua đời tại Ispahan 5-11-1660.
Linh mục Léopold Cadière (1869-1955), sinh tại Aix-en-Provence
Pháp năm 1869, thuộc Hội Thừa sai Paris. Đến và hoạt động tại Việt Nam từ
1892-1955, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng, dân tộc
học, khảo cổ… là sang lập viên và là linh hồn của tạp chí Bulletin des amis du
Vieux Hue (Đô Thành Hiếu cổ)= Tạp chí của những người bạn Huế xưa…(Theo tác
phẩm “Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt”, nxb
Thuận Hóa 2010, Lời Tựa, tr.9-14).
CẨM NANG CHO THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỀ TÍNH HIỆP HÀNH, Kinh cầu
nguyện cho Thượng Hội Đồng, tr. 3.