Khoa học ngày nay thành công trong một số trường hợp bằng việc
thực hiện tạo sinh nhân tạo (x.Nguyễn Công Vinh, Giải đáp thắc mắc tình yêu
và gia đình, Hà Nội 2006, NXB Tôn Giáo, tr 107). Việc tạo sinh nhân tạo mà
y học đang thực hiện gồm có: Thụ tinh nhân tạo, Thụ tinh trong ống nghiệm, Tạo
sinh vô tính. Trong phần nầy, chúng ta chỉ đề cập đến thụ tinh nhân tạo, thụ
tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ.
I. Thụ tinh nhân tạo
1/ Thụ tinh nhân tạo do tinh trùng của người
chồng: Lấy tinh trùng của người chồng và gieo cấy
vào tử cung người vợ mà không giao hợp.
2/ Thụ tinh nhân tạo do tinh trùng của người
khác: Khi tinh trùng của người chồng không có
khả năng đậu thai hoặc người chồng không có tinh dịch, người ta lấy tinh trùng
của một người khác không phải là chồng của người phụ nữ và đem gieo cấy vào tử
cung của chị. Tinh trùng cũng có thể lấy ở Trung Tâm Bảo Quản Tinh Trùng.
Trường hợp nầy có thể là vô danh, nghĩa là không biết ai là cha đứa bé sẽ chào
đời.
II. Thụ tinh trong ống nghiệm
Trứng của người nữ được hút ra theo phẫu thuật. Trứng và tinh
trùng được phối hợp trong ống nghiệm. Sau khi trứng được thụ tinh thành phôi,
người ta cấy phôi nầy vào tử cung người nữ. Người nữ nầy có thể là vợ hoặc một
người nữ khác không phải là vợ. Trường hợp cấy phôi vào một người nữ khác không
phải là vợ, thì gọi là thụ thai và đẻ mướn.
Kỹ thuật y khoa thành công trong nhiều trường hợp thụ thai nhân
tạo và thụ tinh trong ống nghiệm. Nhưng những cách thụ tinh nầy để lại nhiều
hậu quả nghiêm trọng, nhất là về mặt luân lý:
1/ Khi tinh trùng và trứng không phải là của hai vợ chồng, thì đứa
bé sinh ra không thể coi là con của họ.
2/ Khi tinh trùng là của người khác được đưa vào tử cung người vợ
để thụ thai, thì vi phạm đến luật hôn nhân do có sự can thiệp của người thứ ba,
vì con cái là kết quả sự phối hợp tình yêu chỉ giữa hai vợ chồng mà thôi, đứa
bé sinh ra coi như là con ngoại tình.
3/ Những đứa con sinh ra do việc lấy tinh trùng của cùng một người
để cho nhiều người, sau nầy kết hôn với nhau mà không biết, đưa đến trường hợp
loạn luân, vì cùng một cha khác mẹ.
4/ Trường hợp người phụ nữ độc thân thụ thai cách nầy, đứa con
sinh ra coi như không có cha. Điều nầy gây nhiều bất lợi cho đứa con về mặt thể
lý và tâm lý.
5/ Việc mang thai và đẻ mướn tạo nên nhiều phức tạp về mặt tình
cảm, đạo đức và pháp lý, khi người mang thai đẻ mướn từ chối không giao lại đứa
bé cho người thuê mình mang thai và sinh.
6/ Việc thụ tinh trong ống nghiệm rồi đem cấy vào tử cung gây
nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người nữ như ung thư tử cung hoặc trụy tim
Giáo Hội Công giáo không chấp nhận những cách thức thụ thai nêu
trên, vì nó đi ngược lại với giáo huấn của Chúa và giáo lý truyền thống của
Giáo Hội:
a/ Kinh thánh dạy rằng Thiên Chúa là chủ sự sống con người. Thiên
Chúa đã tạo thành sự sống của muôn loài muôn vật, trong đó, sự sống con người
là cao quý nhất (x.St 1,26-27;2,7.5,12). Con người không có quyền tuyệt đối
trên sự sống của mình. Họ được mời gọi tham dự vào công trình tạo thành sự sống
mới và lãnh trách nhiệm làm phát triển sự sống ấy (x.St 1,28), như là những
hồng ân quý giá.
b/ Nhiều lần Giáo Hội đã xác định rõ rệt lập trường của mình về
vấn đề nầy:
-Năm 1949, Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên bố việc thụ thai nhân tạo
với tinh trùng của một người khác là trái luân lý: “Việc thụ thai nhân
tạo bằng tinh trùng của một người khác là nghịch với tính duy nhất của hôn
nhân, với phẩm giá của vợ chồng, với ơn gọi riêng của cha mẹ và với quyền của
đứa bé được thụ thai và sinh ra trong hôn nhân và do hôn nhân” (Pius XII
Address to Catholic Doctors, September 29, 1949,ASS 41 (1949), tr. 560).
- Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và Kỷ Luật các Bí Tích, trong Huấn thị
Donum Vitae (Hồng ân sự sống), đã khẳng định: “Việc nhờ đến tinh trùng
hay trứng của người thứ ba để thụ thai, là vi phạm đến sự cam kết hỗ tương giữa
vợ chồng và là một thiếu sót trầm trọng đối với tính duy nhất là đặc tính thiết
yếu của hôn nhân […]. Ngoài ra, việc thụ thai nhân tạo nơi người nữ không kết
hôn, độc thân hay góa bụa, cho dù tinh dịch là của ai, thì cũng không thể biện
minh được về mặt đạo đức” (Sđd, II,2).
- Giáo Hội cũng lên án việc thụ thai nhân tạo với tinh trùng của
người chồng, vì nó trái với luân lý:
.Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Mục vụ Vui mừng và Hi Vọng,
đã xác định:
“Chính những hành vi đặc thù của đời sống vợ chồng, được
thực hiện đúng theo phẩm giá đích thực của con người, đều phải được
tôn trọng[…], những tiêu chuẩn ấy sẽ tôn trọng ý nghĩa trọn vẹn của sự trao
hiến và sinh sản con cái trong khung tình yêu đích thực”(CĐ Vaticanô II,GS số
51).
.Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng đã bác bỏ hình thức thụ thai nầy:
“Kết hợp và tạo sinh, là mối dây không thể tháo
gỡ và con người không thể tự ý phá bỏ[…]. Chính bằng cách bảo vệ hai khía cạnh
chính yếu là kết hợp và tạo
sinh, mà việc thân mật vợ chồng giữ trọn được ý nghĩa yêu thương lẫn nhau
một cách đích thực và duy trì sự quy hướng về ơn gọi cao quý làm cha mẹ của con
người” (TĐ. Humanae vitae, số 12; AAS 60 (1968), tr.488-489).
.Đức Giáo Hoàng
Gioan-Phaolô II, trong diễn văn tại Hiệp Hội Các Thầy Thuốc Thế Giới Khóa 35,
ngày 29/10/1983, đã nói:
“Con người bắt nguồn từ một sự tạo sinh
nối liền với sự kết hợp không những sinh lý mà còn thiêng liêng của cha mẹ, là
những người được kết hợp nhờ dây liên kết hôn nhân” (x. AAS76 [1984], tr. 392).
. Giáo luật 1983, điều 1061,1 quy định:
[…]“ Hôn nhân thành sự và hoàn hợp, khi hai bên
đã theo cách thức hợp với nhân tính thực hiện hành vi phu thê, tự nó có khả
năng sinh sản con cái; hành vi nầy là mục tiêu tự nhiên của hôn nhân và làm cho
vợ chồng trở thành một xương một thịt”.
c/ Việc thụ tinh trong ống nghiệm
- Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định: “Theo Giáo lý
truyền thống về các điều tốt lành của hôn nhân và phẩm giá con người, Giáo Hội
đứng ở quan điểm đạo đức vẫn chống đối việc thụ thai trong ống nghiệm; việc nầy
tự nó trái với luật đạo đức và đi ngược lại phẩm giá của việc tạo sinh và của
sự kết hợp vợ chồng, ngay cả khi người ta làm mọi cách để tránh việc sát hại
phôi thai” (Donum Vitae, II,5).
III.Mang thai hộ (mang thai và đẻ mướn)
Trong việc thụ tinh nhân tạo dị hợp, phôi thai người là do
sự gặp gỡ giữa những giao tử của hai người cho, ít nhất một trong hai người
không thuộc cặp vợ chồng kết hợp trong hôn nhân. Việc thụ tinh nhân tạo dị hợp,
như đã đề cập ở trên, nghịch với tính duy nhất của hôn nhân, với phẩm giá của
vợ chồng, với ơn gọi riêng của cha mẹ và với quyền của đứa trẻ thụ thai và sinh
ra, trong hôn nhân và do hôn nhân.
Việc làm mẹ thay thường bắt đầu bằng việc thụ
tinh dị hợp nầy. Do đó, không được phép, vì những lý do giống như các lý do đưa
đến việc không được phép thụ tinh nhân tạo dị hợp. Thật vậy, việc làm
mẹ thay nghịch với tính duy nhất của hôn nhân và với phẩm giá của việc
tạo sinh con người. Việc làm mẹ thay là một thiếu sót khách
quan, đối với bổn phận của tình mẫu tử, của sự trung tín giữa vợ chồng và của
trách nhiệm làm mẹ. Việc đó xúc phạm tới phẩm giá của đứa con và quyền của nó
được thai nghén cưu mang, sinh ra và giáo dục bởi chính cha mẹ nó. Việc đó gây
thiệt hại cho gia đình khi chia cắt các yếu tố thể xác, tâm linh và đạo đức, là
những yếu tố cấu thành gia đình (Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Donum
Vitae, Roma 22.02.1987, số II, A, 2-3).
Ngoài ra còn có nhiều phúc tạp khác về mặt xã hội.
Vợ chồng cố gắng tìm một đứa con nuôi để bù đắp lại việc không thể
sinh con. Có khi đứa con nuôi, nếu được nuôi dạy đàng hoàng, còn quý hơn con đẻ
nữa[1].
Linh Mục Anphong Nguyễn Công Vinh
[1] x.Nguyễn Công Vinh, Tìm hiểu Giáo Luật về Hôn Nhân
và Gia đình, Q.2,NXB Tôn Giáo,2009.