Thật không dễ trả lời cho các câu hỏi vừa nêu, bởi vì có ít là hai
điều khó khăn: thứ nhất, Thiên Chúa không có tên họ kiểu như loài người; thứ
hai, mỗi dân tộc đặt tên cho Thiên Chúa theo ngôn ngữ của mình, cho nên danh
xưng của Thiên Chúa không tuỳ thuộc vào tôn giáo cho bằng vào văn hoá. Lý do
thứ nhất xem ra đơn giản: trên mặt đất này, có cả tỉ con người, vì thế cần phải
đặt tên cho mỗi người để xác định căn cước cá nhân và để phân biệt với những
người khác; còn Thiên Chúa thì chỉ có một, cho nên không sợ lẫn lộn. Tuy nhiên,
trong cuộc giao tiếp giữa con người với nhau, chúng ta cần phải đặt tên cho mỗi
đối thể để khỏi bị hiểu lầm hoặc lạc đề; vì thế chúng ta tìm cách đặt cho Thiên
Chúa một tên. Thế nhưng tên này tuỳ thuộc vào ngôn ngữ của mỗi dân tộc, chứ
không phải là tên của chính Thiên Chúa. Tôi xin lấy một thí dụ: tên riêng của
ông Tổng thống Hoa kỳ là George Bush, và tất cả các nước trên thế giới đều cố
gắng đọc cho đúng tên ông ta; tuy nhiên, chúng ta gọi ông là “tổng thống” trong
tiếng Việt, chứ đâu phải theo nguyên gốc tiếng Anh là President. Như vừa nói,
Thiên Chúa không có tên riêng, nhưng mỗi dân tộc gọi ngài theo ngôn ngữ của
mình. Vì thế nhiều danh xưng dành cho Thiên Chúa tuỳ thuộc vào văn hoá chứ
không tuỳ thuộc vào tôn giáo. Nói cụ thể, Allah không phải là
tên riêng của Thiên Chúa dựa theo đạo Islam, nhưng là danh từ thuộc vùng ngôn
ngữ ả-rập. Vì thế các tín đồ Kitô giáo nói tiếng Ả-rập cũng kêu cầu Allah trong
lời nguyện. Một cách tương tự như vậy, trong tiếng Việt, các kinh nguyện gần
đây bắt đầu với lời xưng hô “Lạy Thiên Chúa”; nhưng hồi đầu thế kỷ XX
thì bắt đầu bằng lời
“Lạy Đức Chúa Trời”. “Thiên Chúa” và “Đức Chúa Trời” cũng
vậy thôi, và chỉ được sử dụng ở trong tiếng Việt, chứ ra nước ngoài thì hết
xài. Hơn thế nữa, cần phải nói rằng ở trên đất Việt Nam có 54 dân tộc, vì thế
đến 54 cách xưng hô Thiên Chúa, chứ không hẳn là 54 tôn giáo.
“Thiên Chúa” có nghĩa là Chúa Trời, còn “Allah”
có nghĩa là gì?
Lẽ ra trước tiên phải hỏi “Chúa Trời” có nghĩa là gì đã; rồi sau
đó, mới bước sang ý nghĩa của từ Allah. Chúng ta sẽ trở lại với danh xưng “Chúa
Trời” khi bàn đến các danh xưng được sử dụng trong từ ngữ Hán Việt; bây giờ
chúng ta nói đến Allah trước. Đây là một từ ngữ phổ thông trong tiếng Ả-rập để
gọi các vị thần linh, chứ không phải là tên riêng của vị thần nào, tương đương
với danh từ El trong tiếng Do thái được sử dụng trong Kinh
thánh Cựu ước. Cũng nên biết rằng tuy danh xưng Allah được
dùng 2697 lần trong sách Coran (tức là Sách thánh của Islam), nhưng mà theo
truyền thống của đạo Islam, thì Thiên Chúa có đến 99 tên. Các nhà
phê bình cho rằng nên hiểu 99 tên như là 99 ưu phẩm của Thiên Chúa, trong đó ưu
phẩm được nhắc đến nhiều hơn cả là Al-Rahman (Khoan nhân)
và Al-Rahim (hay thương xót). Dù sao, từ Allah ghép
bởi hai từ al-ilah , một từ ngữ phổ quát trong vùng Trung đông
để ám chỉ các thần linh, tương đương với danh từ El, eloah trong
tiếng Do thái. Nói cách khác, không có gì là riêng tư độc đáo của đạo Islam hay
đạo Do thái trong danh xưng dành cho Thiên Chúa. Hơn thế nữa, vào thời xa
xưa, El là một từ ngữ rất chung chung, ám chỉ bất cứ nhân vật
nào (tương tự trong tiếng Việt: “kẻ”, “vị”, “đấng”, “đức”). Có lẽ vì thế
mà vào thời các tổ phụ, người ta phải kèm thêm một thuộc từ để xác định bản
tính của Thiên Chúa, chẳng hạn như như El- elyon: (Đấng Tối
cao), El Shaddai (Đấng Toàn năng), El-Hai(Đấng
hằng sống). Mặt khác, các học giả còn lưu ý rằng đôi khi từ el hay elohim cũng
được dùng để ám chỉ các thiên sứ (thí dụ Thánh vịnh 139,1; 29,1; Gióp 1,6). Dù
sao, ngoài những danh xưng chung cho vùng văn hóa địa phương, người Do thái xác
tín rằng Thiên Chúa đã mặc khải riêng cho họ một tên riêng của ngài là Giavê
Như vậy, “El” hay “Allah” là tên chung cho các
thần linh; còn “Giavê” mới đúng là tên riêng của Thiên Chúa phải không?
Nếu chỉ dựa đoạn văn của sách Xuất hành (6,2-6), thì phải trả lời
rằng: “đúng thế”. Đoạn văn viết như thế này:
“Thiên Chúa phán với ông Môsê: Ta là Giavê. Ta từng hiện ra cho
Abraham, Isaac, Giacop như El Shaddai, nhưng ta không cho họ biết
danh hiệu Giavê”. Tuy nhiên, ngày nay, các học giả đã đặt lại vấn đề, bởi vì
xem ra người Do thái đã biết đến danh xưng Giavê từ trước ông Môsê rồi, không
những dựa theo đoạn văn Sáng thế chương 4 câu 26 (nghĩa là vào thời con cái ông
Abel), nhưng theo sách Xuất hành (6,20) ngay cả bà thân mẫu của ông Môsê cũng
đã mang tên là Jokebed (vinh quang của Giavê). Mặt khác, Giavê không phải là bí
danh hay ám số gì hết: Giavê có nghĩa là “Đấng hằng hữu”. Dù sao, tên gọi Thiên
Chúa không quan trọng cho bằng niềm thâm tín về bản tính của Ngài. Thiên Chúa
đã mặc khải cho ông Môsê về mối tương quan mới dành cho dân Do thái: Ngài đã
thiết lập một giao ước với họ, họ là một dân được tuyển chọn. Đối lại, người Do
thái không được thờ lạy thần linh nào nữa hết, theo như đoạn văn của sách
Đệ-nhị-luật (6,4-5) quen gọi là kinh Shema: “Hãy nghe đây, Israel. Giavê Chúa
của chúng ta, chỉ có một. Ngươi hãy yêu mến Giavê Chúa của ngươi hết tâm lòng,
hết sức lực”.
Như vậy là từ thời ông Môsê trở đi, người Do
thái cầu khẩn Thiên Chúa là “lạy đức Giavê” phải không?
Các tác giả không nhất trí trong vấn đề này. Có ý kiến cho rằng
tiếp theo việc mặc khải danh thánh Giavê, thì người Do thái đã kêu cầu danh
xưng được coi như là tên riêng của Thiên Chúa. Có ý kiến khác cho rằng vì danh
Thiên Chúa mang tính cách linh thiêng, cho nên các tín đồ không dám đụng tới
nữa. Giới răn thứ hai đã chẳng nghiêm cấm “chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ” đấy
ư? Dù sao, thì từ thời đầu Công nguyên, các tín đồ không dám đọc tên Giavê nữa,
và thay bằng tiếng Adonai. Adonai là một danh từ phổ quát, có nghĩa
là “chủ, chúa, lãnh tụ” (đúng ra ở số nhiều, bởi vì số ít là Adoni). Danh từ
này được dịch sang tiếng Hy-lạp là Kyrios, và tiếng La-tinh
là Dominus. Mặt khác, như ta thấy trong các thánh vịnh, các người
Do thái kêu cầu Thiên Chúa với nhiều danh xưng khác nhau: Lạy Đấng Thánh, Lạy
Đấng Toàn năng, Lạy Đấng Tín Trung, Lạy Đấng Đáng Chúc tụng, vv.
Dân Do thái tin rằng Thiên Chúa mặc khải danh
của Người là Giavê, nhưng họ kêu cầu ngài là Adonai. Tân ước có thêm điều gì
mới về danh xưng của Thiên Chúa không?
Chúng ta nên phân biệt hai khía cạnh: ngôn ngữ và nội dung.
Về ngôn ngữ, trong Cựu ước, Kinh thánh viết bằng tiếng Do thái, và
vấn đề danh xưng có thể khảo sát dựa theo ngôn ngữ của dân tộc Do thái. Bước
sang Tân ước, ta thấy rằng tuy Đức Giêsu (đọc theo nguyên gốc Do thái là Giơ-ho-
sua có nghĩa là: Giavê cứu chữa) dùng tiếng Do thái, nhưng bản văn
Phúc âm lại được viết bằng tiếng Hy-lạp. Vì vậy các từ ngữ của Cựu ước được
chuyển dịch từ tiếng Do thái sang tiếng Hy-lạp. Đến khi Tin mừng được truyền bá
sang dân tộc khác, thì các từ ngữ sử dụng còn phức tạp hơn nữa. Nói cách vắn
tắt, hai từ ngữ Do thái vốn được coi như là riêng của đạo Do thái Elohim và Giavê (hoặc Adonai) thì
được dịch sang tiếng Hy-lạplà Theos và Kyrios,
và tiếng La- tinh là Deus và Dominus: những
danh từ này vốn đã được sử dụng để chỉ các thần linh nói chung, chứ không riêng
của một tôn giáo nào. Điều này cũng xảy ra trong các ngôn ngữ châu Âu sau này,
thí dụ tiếng Pháp là Dieu và Seigneur, tiếng Anh là
God và Lord. Nên lưu ý là từ deustiếng La- tinh, dieu tiếng
Pháp và god tiếng Anh được dùng để gọi các thần; vì thế mà tuy
cùng là một từ ngữ, nhưng khi chuyển sang tiếng Việt thì có lúc phải dịch ra
“thần” (hoặc thần linh), có lúc được dịch là “Thiên Chúa”; còn danh từ Dominus,
Seigneur, Lord thì được dùng trong ngôn ngữ hằng ngày để gọi các “ông”, hoặc
“ông hoàng, ông chủ”.
Đó là nói vấn đề dịch thuật ngôn ngữ, còn vấn đề
nội dung thì sao?
Khi nói đến nội dung thì chúng ta gặp thấy nhiều điều mới, mà giới
hạn thời giờ không cho phép tôi đi sâu. Tôi chỉ ghi nhận ba điều. Thứ nhất,
thánh Phaolô dùng danh từ Theos (Deus, Dieu, God) cho Chúa
Cha, và danh từ Kyrios (Dominus, Seigneur, Lord) cho đức Kitô; thánh Gioan thì
gọi đức Kitô bằng cả hai danh xưng đó, cụ thể là trong lời tuyên xưng của tông
đồ Tôma sau khi chạm đến Chúa Kitô phục sinh. Nhận xét thứ hai, nhiều học giả
cho rằng danh xưng mới để ám chỉ Thiên Chúa trong Tân ước là “Cha”, và đức
Giêsu đã dạy chúng ta hãy dùng từ này khi cầu nguyện, và Người đã nêu gương
trước. Tuy nhiên, trong phụng vụ, các lời nguyện chính thức kêu cầu Lạy Thiên
Chúa toàn năng hằng hữu (và được hiểu về Chúa Cha). Nhận xét thứ ba, các nhà
thần học thú nhận rằng các ngôn ngữ của con người đều mang tính cách giới hạn,
không thể nào diễn tả được bản tính của Thiên Chúa, như sách Đạo đức kinh đã
viết: “Đạo khả đạo, phi thường đạo; danh khả danh phi thường danh: đạo mà có
thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cữu bất biến; tên mà có thể đặt ra
để gọi nó thì không phải là tên vĩnh cửu bất biến”.
Thế trong tiếng Việt, Thiên Chúa có nghĩa là gì?
Đây là một danh từ Hán Việt, Thiên Chúa (hoặc Đức
Chúa Trời) không chỉ có nghĩa “Chúa trên trời” mà còn nghĩa là “Chúa cả trời
đất” (hay Chủ tể càn khôn) nữa. Trong lịch sử truyền giáo, đã có nhiều cuộc
tranh luận xem có nên dùng từ “Thượng đế” hay “Thiên chủ” không. Nhưng mà trong
bối cảnh lịch sử văn hoá hồi thế kỷ XVII-XVIII, vì sợ gây hiểu lầm giữa quan
niệm Thiên Chúa của Kitô giáo với Thượng đế của các tôn giáo cổ truyền, cho nên
người ta tránh dùng từ “Thượng đế”, và thậm chí có lúc để nguyên tiếng La-tinh
“Chúa Dêu” (Deus). Dù sao, nên lưu ý là danh xưng Chúa Trời có nghĩa là đấng
dựng nên trời đất, trong khi quan niệm cổ điển “Trời” có khi được hiểu là đấng
Chủ tể (ông trời), nhưng đôi khi được hiểu về thiên nhiên mà thôi (trời mưa,
trời nắng thôi).
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op.