Theo truyền thống của Hội Thánh Công giáo, từ mùng hai cho đến hết tháng Mười Một là thời gian được dành riêng cho những người đã khuất. Những ngày này được dùng để liên kết các Kitô hữu còn sống trên trần gian với các linh hồn trong luyện ngục, sau khi liên kết họ với các Kitô hữu đã được kết hiệp hoàn toàn với Thiên Chúa Ba Ngôi, được gọi là Các Thánh Nam Nữ, vào ngày đầu tiên của tháng này.

Tháng Mười Một
cũng là khoảng thời gian tập trung củng cố niềm hy vọng của các Kitô hữu còn sống
trên trần gian vào sức mạnh - dù thầm lặng như hạt cải - của ân sủng Thiên
Chúa: “Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất
cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây,
đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được” (Mátthêu 13: 31-32). Hội Thánh
kêu mời con cái mình cầu nguyện với Thiên Chúa, đặc biệt trong tháng Mười Một,
để cả ba thành phần của một Hội Thánh duy nhất: Hội thánh Khải hoàn, Hội thánh
Chiến đấu và Hội thánh Đau khổ, hiệp thông với nhau trong niềm tin vào mầu nhiệm
các thánh thông công.
Như thế, dù cảnh
vật thiên nhiên, vào những ngày cuối thu khoác một tấm áo vàng úa hay chớm đông
se lạnh, u ám xác xơ tiêu điều, dễ khiến lòng người bâng khuâng trầm lắng, mặc
tưởng về khoảnh khắc lặng lẽ kết thúc cuộc đời, ít nhiều đau buồn, thì cái chết
không phải là sự hủy diệt tận cùng. Cái chết gây ra đau buồn bởi vì chết là giã
từ cuộc sống, gửi lại cho đời tất cả những gì là thân thiết như vợ chồng, con
cái, những người thân yêu, bỏ lại ngay cả tấm hình hài vốn là người bạn đời
không rời, chung lối chung đường, quá đỗi gắn bó lâu dài, thế mà phải rời xa,
và buông bỏ muôn vàn những điều khác nữa, tốt lành hay lầm lỗi thiếu xót. Nhưng
suy tưởng của Hội thánh Công giáo về khoảnh khắc này không bao giờ là một thứ cảm
nhận bi lụy u uất. Dù không tránh khỏi những giọt lệ rơi xuống khi chia lìa,
nhưng nếu con người sống cuộc đời mình với lòng Tin Tưởng, Hy Vọng Cậy Trông, Mến
Yêu Thiên Chúa, thì việc chết đi chỉ là một cuộc vượt qua cuối cùng - vượt qua
lằn ranh giữa cõi đời tạm và cõi vĩnh hằng, vẫn trong Tin Tưởng, Hy Vọng để
chuyển vào một ngôi nhà mới, một nơi ở mới: “Ngôi nhà của chúng ta dưới đất là chiếc lều này bị phá hủy thì chúng ta
có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, ngôi nhà vĩnh cửu trên trời không do tay
người thế làm ra” (2 Cr 5,1-5). Trong nơi ở mới này, nghĩa là trong Ðức
Kitô vinh hiển ngự trên trời, các Kitô hữu lại tiếp tục sự hiện hữu vốn không
bao giờ mất đi của chính mình, trong Mến Yêu, mạnh mẽ hơn, trong sáng vô tư
hơn, vui mừng hân hoan hơn, như trong một ngày hội:
“Khi Chúa dẫn tù nhân Xion
trở về,
ta tưởng
mình như giữa giấc mơ.
Vang vang
ngoài miệng câu cười nói,
rộn rã trên
môi khúc nhạc mừng.
Bấy giờ
trong dân ngoại, người ta bàn tán:
"Việc
Chúa làm cho họ, vĩ đại thay! "
Việc Chúa
làm cho ta, ôi vĩ đại!
ta thấy mình
chan chứa một niềm vui”
(Thánh vịnh
126).
Thánh
Cyprianô nói: “Bạn sẽ được vinh quang và
hạnh phúc biết bao: khi bạn được Thiên Chúa tiếp nhận để thấy Ngài, được vinh dự
hưởng niềm vui cứu độ và ánh sáng vĩnh cửu cùng Đức Kitô, Chúa của bạn... Trên
Thiên Quốc, bạn được hưởng niềm vui của sự bất tử cùng với những người công
chính và những bạn hữu của Thiên Chúa” (T.Cyprianô, thư 56,10,1).
Sách Giáo lý
của Giáo hội Công giáo còn viết “Khi nói
về mầu nhiệm này, Kinh Thánh dùng những hình ảnh như sự sống, ánh sáng, bình
an, tiệc cưới, rượu mới trong Nước Trời, nhà Cha, Thành Giêrusalem Thiên Quốc,
Thiên Đàng: “Điều mắt chẳng hề thấy, điều tai chẳng hề nghe, lòng người không hề
nghĩ đến, đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Ngài (1Cr 2,9)”
(GLGHCG 1027).
Nhưng có phải
mọi sự đương nhiên sẽ diễn ra trong ánh sáng và bình an như vậy cho tất cả mọi
người không? Dĩ nhiên là không! Vì niềm
vui đầy ánh sáng và bình an ấy còn tùy thuộc vào việc chọn lựa cách suy nghĩ và
lối sống của mỗi con người trong cõi đời phàm trần này.
Bất kể tôn
giáo nào, cái chết là một con đường mà tất cả mọi người sẽ phải đi qua. Cái chết
vẫn là một vấn nạn hiện sinh lâu dài. Con người vẫn mãi bị cái chết ám ảnh và
việc các tôn giáo nghĩ tưởng gì về cái chết là việc đáng quan tâm. Để làm sáng
tỏ tầm nhìn về cái chết trong các tôn giáo lớn, giáo sư Alain Bouchard, giảng
viên tại Khoa Thần học và Khoa học Tôn giáo tại Đại học Laval và là điều phối
viên của Trung tâm Tài nguyên và Quan sát đổi mới tôn giáo (Believe), cung cấp
một cái nhìn tổng quát về cái chết theo các tôn giáo như sau:
Đối với Ấn Độ
giáo:
“Ấn Độ giáo
tiếp cận cái chết như là đau khổ, và vẫn là một bí ẩn mà ngay cả những nhà hiền
triết vĩ đại nhất cũng không bao giờ giải quyết hoàn toàn thành công. Tín đồ Ấn
Độ giáo cho rằng chính vì sự nặng nề của cái tự ngã xấu xa thô thiển và những sắc
dục bị giới hạn của họ đã khiến họ bị cuốn vào dòng chảy của những kiếp luân hồi.
Những pháp tu khác nhau, còn gọi là yoga, cho phép người tu tập khám phá ra cái
bản ngã chân thực gọi là Brahman – Đại ngã để vượt lên khỏi những kiếp luân hồi
nhằm đạt tới phía bên kia của cuộc hành trình, đến nơi mà người ta không còn đầu
thai hóa kiếp nữa. Đa số những người theo Ấn Độ giáo hy vọng được đầu thai vào
một kiếp tốt lành hơn sau cái chết ở đời này. Những người Ấn Độ giáo thực sự
giác ngộ chỉ cậy dựa vào việc khám phá ra Chân ngã, đồng nhất với Đại ngã - Brahman, và vào sự giải thoát
khỏi vô lượng kiếp, dù thiện hay ác”.
Đối với Phật
giáo:
“Phật giáo
chấp nhận quan niệm của người Ấn Độ giáo về sự luân hồi vốn phụ thuộc vào hậu
quả của các hành động thiện nghiệp hay ác nghiệp, nhưng còn đi xa hơn bằng cách
phản đối quan niệm về một Chân ngã tâm linh. Cảm nghiệm tột cùng mà Phật giáo đề
xuất, đó là Nirvana - Niết bàn, vượt
ra khỏi mọi khái niệm. Phật tử chân chính phải buông bỏ ngay cả những khái niệm
về tiểu ngã - atman, kể cả khái niệm
về một Thượng đế tối thượng. Phật giáo không phải là một loại chủ nghĩa vô thần
theo nghĩa là Đấng Tối thượng không tồn tại. Đạo Phật tìm cách dập tắt mọi ái dục
nơi mình, ngoại trừ ham muốn được giải thoát, và nương náu trong một sự im lặng
mà đỉnh điểm là cái chết, một cảm nghiệm an tịch và viên mãn, được gọi là viên
tịch”.
Đối với Do
Thái giáo:
“Trong Do
Thái giáo, cái chết không phải là điều gì kinh khủng, nó là một phần không thể
thiếu trong trải nghiệm của con người; nó được Thiên Chúa chấp nhận như một lẽ
tự nhiên đúng ý muốn của Ngài. Chết không phải là chấm hết cuộc đời, nếu thể
xác trở về cát bụi thì linh hồn trở về với Đấng Tạo Hóa của nó. Tôn giáo là
chuyện ở đây và bây giờ, còn điều gì bên kia cái chết không có mấy chỗ đứng
trong Do Thái giáo. Sự e dè này đối với cái chết minh chứng cho niềm hy vọng về
một cuộc sống tương lai, vốn đã được khắc ghi trong cuộc sống ở hạ giới rồi. Những
lời giảng dạy trong Do Thái giáo có nói về một sự phục sinh diễn ra khi kết
thúc thời gian. Sự sống lại này được khai mở nhờ sự tái lâm của đấng cứu thế đã
được hứa ban. Cái chết vì thế chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp của cuộc đời,
linh hồn sẽ đi gặp gỡ các linh hồn của tổ tiên”.
Đối với Hồi
giáo:
“Đối với Hồi
giáo, Thượng đế là nguồn gốc và là đích đến của mọi thứ. Con người ở trên trần
gian là để thờ phượng Đấng Tạo Hóa của mình bằng cách đặt mình phục vụ Ngài qua
việc làm điều tốt, họ phải chứng minh rằng mình xứng đáng trở về với Thiên Chúa
sau khi chết. Cái chết không phải là một hình phạt, nó là số phận tất yếu của
con người, nó là một giai đoạn chuyển tiếp dẫn đến một cuộc sống khác, sau khi
sống lại và sau sự phán xét cuối cùng. Bước quan trọng nhất của cuộc phán xét
này là cân đong các hành vi trên một chiếc cân, mỗi người sẽ được nhận phần thưởng
hoặc hình phạt xứng đáng tùy theo hành vi của mình. Một khi tội lỗi của mình đã
được chuộc lại, người tín đồ sẽ có thể tận hưởng sự sống đời đời trong sự hiện
diện của Thượng đế Allah”.
Còn đối với
Kitô giáo:
“Kitô giáo
coi cái chết là một cớ vấp phạm, là kết quả của những giới hạn của con người và
tội lỗi của họ. Chỉ nhờ Chúa Kitô đã vượt qua sự chết và vẫn sống ra khỏi cõi
chết, gọi là sự sống lại, mà con người mới có thể được giải thoát khỏi sự chết.
Ngay cả khi Kitô hữu bị cám dỗ áp dụng quan niệm của Platon về linh hồn thiêng
liêng bất tử, thì không giống như triết gia này, Kitô hữu vẫn khẳng định rằng sự
bất tử không phải tự nhiên mà có đối với con người và chỉ có thể là một ân huệ
của Thiên Chúa. Chính vị Thiên Chúa này đã cho con người bắt đầu hiện hữu và việc
họ hiện hữu bao lâu chỉ là do Thiên Chúa muốn. Kitô giáo chưa bao giờ bị cám dỗ
bởi niềm tin vào sự đầu thai luân hồi, ngoại trừ một vài trào lưu tư tưởng bên
lề.”
Khởi điểm niềm tin Kitô giáo là sự khẳng
định về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, được coi
là Đấng Mêsia, trong tiếng Hy Lạp là Christos.
Đây là điều mà sứ đồ Phaolô nhấn mạnh khi nhắc nhở chúng ta:
“Mà nếu
Chúa Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em
vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong
Chúa Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Chúa Kitô chỉ vì đời
này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng
không phải thế! Chúa Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an
giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một
người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với Ađam mà
phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Chúa Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống.
Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Chúa Kitô, rồi khi Chúa Kitô
quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Ngài. Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi
Ngài đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao
vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha.Thật vậy, Chúa Kitô phải nắm vương quyền
cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Ngài. Thù địch cuối cùng bị
tiêu diệt là sự chết, vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Chúa Kitô. Mà
khi nói muôn loài, thì dĩ nhiên không kể Đấng đặt muôn loài dưới chân Chúa Kitô”
(1Co 15:17-27).
Bằng cách làm cho Chúa Giêsu sống lại, Thiên
Chúa mở đường cho sự phục sinh của con người vào thời gian sau hết. Sự
phục sinh này của con người đã hiện hữu trong sự phục sinh của Chúa Giêsu, và đồng
thời, sẽ diễn ra cho toàn nhân loại. Do đó, thời gian tại thế này đặt ra câu hỏi
về việc chuyển tiếp trong tương lai của thể xác và linh hồn của người đã khuất,
một câu hỏi day dứt đôi khi bị nhấn chìm trong nhũng suy nghĩ thực ra chỉ là
suy đoán.
Truyền thống
trong Giáo hội Công giáo phân biệt hai lần phán xét sau khi chết: lần đầu tiên
gọi là phán xét riêng khi một người bị chết:
“Ngay khi lìa khỏi xác,linh hồn bất tử sẽ chịu
phán xét riêng để đụợc thưởng hay bị phạt đời đời; tùy theo đời sống của mình
trong tương quan với Chúa Kitô, linh hồn hoặc phải trải qua một cuộc thanh luyện
(Cđ Lyon: DS 857- 858; Cđ.Florence: DS 1304-1306; Cđ.Trente: DS 1820) hoặc được
hi7ởng phúc trên trời (Benoit XII: DS 1000-1001; Gioan XXII: DS 990) hoặc sa địa
ngục vĩnh viễn (Benoit XII: DS1002).” (GLGHCG số 1022).
Trong khi đó
sự phán xét chung sẽ diễn ra khi tận thế với việc trở lại của Chúa Kitô:
“Phán xét chung sẽ diễn ra ngay sau khi mọi
người đã chết được sống lại, "người công chính cũng như kẻ có tội" (Cv
24,15) sống lại. Đó sẽ là “giờ các kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng Người Con và sẽ
ra khỏi đó: ai đã làm điều lành thì sẽ sống
lại để đƣợc sống, ai đã làm điều dữ thì sẽ sống lại để bị kết án: (Ga 5,28-29).
Khi Con Người "vinh hiển quang lâm, có toàn thể thiên sứ theo hầu... Các
dân thiên hạ sẽ tập hợp trước mặt Ngài, và Ngài sẽ tách biệt họ như mục tử tách
biệt chiên với dê. Chiên thì đặt bên phải, dê thì đặt bên trái...Thế là bọn này
sẽ phải ra đi vào chốn cực hình muôn kiếp, còn những người công chính sẽ được
lên hưởng phúc trường sinh (Mt 25,31.32.46).” (GLGHCG số 1038).
Hai lần phán
xét này xuất phát từ ý niệm linh hồn bất tử, dưới ảnh hưởng của triết học tân
Platon. Khi thể xác chết đi, linh hồn bất tử hiện diện trước mặt Thiên Chúa
trong một cuộc phán xét riêng, linh hồn hoặc vượt qua thử thách và hưởng kiến
Thiên Chúa, hoặc được thanh luyện bằng cách ở lại trong Luyện ngục, một loại
“phòng chờ” trước khi vào thiên đàng. Chỉ khi thời gian kết thúc, con người mới
tìm thấy định mệnh cuối cùng của mình, linh hồn bất tử kết hợp lại với thân xác
phục sinh. Sự phục sinh sẽ là sự hoàn
thành lịch sử của mỗi cá nhân cùng với căn tính riêng của họ được bảo lưu trọn
vẹn.
Trong thực tế,
niềm tin Kitô giáo vào sự phục sinh “của thân xác” không phải là không bị đặt nghi
vấn trước tập tục hỏa táng. Nhất là ngày nay, nhu cầu hỏa táng đang ngày càng
tăng: theo thống kê tính đến năm 2019 thì tỉ lệ hỏa táng tại các thành phố lớn
như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, đã đạt hơn 50%. Dự kiến đến năm
2025 tỉ lệ trên sẽ tăng lên khoảng 65-70% . Hỏa
táng là một tập tục bị lên án lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 19. Sau đó vào ngày
5.7.1963, trong Huấn thị Piam et
constantem Bộ Thánh Vụ lúc ấy đã quy định phải “trung thành giữ thói quen chôn cất
thi hài các tín hữu”, tuy nhiên vẫn nói thêm rằng việc hoả táng “tự bản
chất không nghịch với Kitô giáo” và không được từ chối cử hành bí tích
và nghi lễ an táng cho những người muốn được hoả táng, với điều kiện việc chọn cách thức hoả táng không phải vì lý do “chối bỏ giáo thuyết Kitô giáo, có ý định ly
khai, hoặc vì muốn chống đối Giáo Hội công giáo hay Hội Thánh” . Sự
thay đổi này sau đó đã được đưa vào Bộ Giáo Luật La tinh (1983) và Bộ Giáo Luật
của các Giáo Hội Đông phương (1990). Nghi thức mới, lần đầu tiên bằng tiếng
Latinh, được dịch sang tiếng Việt vào ngày 21-11-1970, nhắc lại rằng sứ mạng của Giáo Hội không chỉ là nói đến
cái chết mà còn nói đến sự phục sinh của Chúa Kitô, tức là cái chết của cái chết.
Sách nghi lễ Rôma cổ xưa năm 1614 nhấn mạnh đến nỗi đau buồn và nỗi sợ bị phán
xét hơn là hy vọng về sự sống lại.
Dựa theo các
nguồn kinh thánh: từ chết được sử dụng ít nhất 500 lần trong Tân Ước. Việc sử dụng
nhiều lần như thế là điều dễ hiểu vì cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu kết thúc
bằng một cái chết bi thảm, Chúa Giêsu phải gánh chịu cái chết đó trong sầu não
như một con người, chứ Tin Mừng không xóa bỏ đi thực tế ấy. Nhưng khi xem xét kỹ
hơn, từ chết được sử dụng theo hai nghĩa, theo nghĩa xa xưa là cái chết thể
xác, sự qua đi của một con người, nhưng nó còn có nghĩa là một cuộc sống bị cắt
đứt khỏi Thiên Chúa, khỏi cội nguồn của nó, vì chính hơi thở của Thiên Chúa làm
cho sống: “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn
ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.”
(Stk 2: 7), đó là một cuộc sống thu hẹp vào chính mình. Theo nghĩa cuối cùng này,
chúng ta phải hiểu cái chết là tiền công của tội lỗi: “Vì lương bổng của tội là sự chết” (Rôma 6: 23), của lỗi lầm gây tai
tiếng của Ađam. Ađam vi phạm điều cấm bằng cách ăn trái biết lành biết dữ, điều
đó có nghĩa là Ađam quyết chí tự xây dựng bản thân mình, tự cung tự cấp, từ chối
chấp nhận mình là hữu thể giới hạn: “Bấy
giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố
che thân.” (Stk 3: 7). Tuy nhiên, điều cấm đó lại là cái làm cho con người
có tự do, có sự lựa chọn giữa Sự sống (với Thiên Chúa) hoặc cái chết (tách khỏi
Thiên Chúa). Quả thật cái chết thiêng liêng này thường được nhắc đến trong Tin
Mừng, chẳng hạn liên quan đến dụ ngôn về đứa con hoang đàng: người cha chào đón
con mình theo những cách sau: “Con trai
tôi đây đã chết và nay nó đã sống lại” (Luca 15: 24).
Văn bản của
Tân Ước rõ ràng hơn nhiều so với tất cả những mô tả đáng sợ về thế giới bên kia
được tạo ra bởi trí tưởng tượng của con người từ thời Trung cổ. Sự sống lại tự nó không phải là một kết
thúc, nhưng là một phương tiện để trở lại với Thiên Chúa. Cái chết được
nhìn nhận là dấu hiệu của sự hữu hạn của con người, nhưng lại là hy vọng về một
sự chuyển tiếp hướng đến sự sống, một cuộc sống trọn vẹn hơn với Thiên Chúa. “Qua cái chết, Thiên Chúa gọi chúng ta về với
Ngài. Vì thế đối với cái chết, Kitô hữu có thể mong ước như
Thánh Phaolô: “Ao ước của tôi là ra đi để
được ở với Chúa Kitô” (Pl 1,23); theo gương Chúa Kitô, họ có thể biến cái chết
của mình thành một hành vi vâng phục và yêu mến đối với Chúa Cha (Lc 23,46)” (GLGHCG
số 1011). Thiên Chúa của Kitô hữu là một Thiên Chúa của sự sống. Thánh Têrêsa
Hài Đồng nói những lời sau cùng trên giường bệnh: “Tôi không chết, nhưng đang bước vào cõi sống” (Thánh Têrêsa Hài Đồng
Giêsu, Truyện Một Tâm Hồn). Chẳng phải
khi ai đó chết chúng ta vẫn thường nói: “Thiên Chúa đã thương gọi ông Giuse…/
bà Maria…về với Ngài”. Cái nhìn của người Kitô hữu về cái chết là cái nhìn tin
tưởng vào một tình yêu thánh thiêng vốn mạnh hơn sự chết:
“Phải, tình yêu mãnh liệt
như tử thần,
cơn đam mê dữ
dội như âm phủ.
Lửa tình là
ngọn lửa bừng cháy,
một ngọn lửa
thần thiêng.”
(Diễm ca 8:
6)
Vì “Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết,
nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối
với Ngài, tất cả đều đang sống.” (Luca 20: 38).
Và: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai
tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ
không bao giờ phải chết” (Gioan 11: 25-26).
Do đó, Đức
Thánh Cha Phanxicô nói rằng sự chết
giết chết “sự hão huyền về “ảo tưởng toàn năng” của chúng ta và dạy chúng ta
tham dự vào mầu nhiệm sự sống. Điều này mang lại cho chúng ta sự tự tin để nhảy
vào khoảng trống và nhận ra mình sẽ không rơi xuống, không bị chìm vì ở đó luôn
có một Đấng nắm lấy chúng ta. Cả trước và sau sự kết thúc” .
Trưa thứ Hai
sau Chúa Nhật Phục Sinh, 05/4/2021 vừa qua, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc
Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng từ Thư viện dinh Tông Toà, Ngài nói: “Chúng
ta đừng bao giờ mệt mỏi tìm kiếm Đức Kitô Phục sinh, Đấng ban sự sống dồi dào
cho những ai gặp Ngài. Tìm kiếm Đức Kitô có nghĩa là khám phá sự bình an trong
con tim... tôi ước mong mọi người cũng có được cảm nghiệm thiêng liêng như vậy,
đón nhận trong tâm hồn, trong nhà và trong gia đình mình Tin Mừng Phục sinh:
“Chúa Kitô Phục sinh không còn chết nữa, cái chết không còn quyền trên Người”
(Ca Hiệp Lễ). Lời loan báo Phục sinh, Chúa Kitô đang sống, Chúa Kitô đồng hành
với cuộc sống của tôi, Chúa Kitô ở bên cạnh tôi. Chúa Kitô gõ cửa trái tim tôi,
để cho Ngài vào, Chúa Kitô đang sống.”
Một câu chuyện
ngắn về bé gái cùng người tài xế taxi.
“Tôi: Này
bé, đừng nghịch xe của chú taxi, chú dậy chú la con đó.
Bé: Dạ con
có nghịch đâu, con trông xe cho ba con ngủ mà.
Tôi: Chú lái
xe là ba con hả?
Bé: Dạ vâng,
ba sợ con ở nhà một mình buồn nên mang con đi theo.
Tôi: Thế má
con đâu?
Bé: Con
không biết, lâu lắm rồi con không gặp má.
Anh taxi
ngái ngủ vươn vai: Má nó bỏ nhà đi lâu lắm rồi anh, anh có đi taxi không?
Tôi: Dạ có,
cho tôi ra Trường Chinh.
Bé thấy vậy
cười tít mắt: Hoan hô ba, lại có thêm khách rồi. Ba con mình đi thôi.
Đây là một mẩu
đối thoại ngắn của một người khách cùng cô bé con và ba của bé. Thấy bé chơi
bên chiếc taxi, người khách đã tiến đến nhắc nhở vì sợ bé gây phiên hà cho người
tài xế. Tuy nhiên, hóa ra chủ nhân chiếc taxi là ba bé. Ba đưa bé đi cùng vì sợ
con gái ở nhà một mình không ai trông, không ai chăm sóc. Nhìn bé gái thoải mái
vui đùa bên chiếc xe, nhiều người thấy xót xa. Cả ngày rong ruổi theo xe của ba
trên các cung đường, bé chẳng có nổi một giấc ngủ tử tế. Ấy vậy, bé vẫn vô cùng
hạnh phúc vì được ở bên ba, hớn hở vui sướng khi ba có khách đi xe.
Tôi suy nghĩ
miên man và thấy bóng dáng của Thiên Chúa là Cha nhân lành trong hình ảnh người
cha lái taxi. Tôi cũng thấy bóng dáng của tôi trong hỉnh ảnh cô bé gái. Tôi
hình dung Chúa lái xe cho tôi đi cùng trong những chuyến hành trình của Ngài vì
Ngài lo lắng, muốn chăm sóc, giữ gìn tôi bên Ngài. Ngài không muốn để tôi xa
Ngài. Và cũng chính Ngài, trên chiếc xe “làm ăn” của Ngài, sẽ chở tôi về nhà
Cha sau khi Ngài và tôi kết thúc một ngày làm việc rong ruổi trên mọi nẻo đường
đời, là cuộc đời của tôi, như lời thánh vịnh:
“Chúa là mục tử chăn dắt tôi,
tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ
xanh tươi, Ngài cho tôi nằm nghỉ.
Ngài đưa tôi
tới dòng nước trong lành
và bổ sức
cho tôi.
Ngài dẫn tôi
trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của
Ngài.
Lạy Chúa, dầu
qua lũng âm u
con sợ gì
nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng
Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn
cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con,
Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con
đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu
và tình thương Chúa
ấp ủ tôi suốt
cả cuộc đời,
và tôi được ở
đền Ngài
những ngày
tháng, những năm dài triền miên”.
(Tv 22)
“Bé vô cùng
hạnh phúc vì được ở bên ba, hớn hở vui sướng khi ba có khách đi xe”. Tôi muốn
thay chữ bé bằng chữ tôi, và chữ ba bằng chữ Chúa:
“Tôi vô cùng hạnh phúc vì được ở bên
Chúa, hớn hở vui sướng khi Chúa có khách đi xe”.
Phêrô Phạm Văn
Trung
https://tangletrongoi.com.vn
Tại cuộc gặp gỡ Quốc tế của người trẻ lần thứ IV do Scholas
Occurrentes và World Ort tổ chức tại Mexico, bắt đầu từ ngày 28/10 tại thành phố
Mexico, với hơn 250 tham dự viên đại diện cho 60 thành phố trên khắp thế giới,
và kết thúc vào ngày 31/10/2019.
https://www.institut-jacquescartier.fr