HIỆP SỐNG TIN MỪNG CN 19 TN B (1 V 19,4-8; Ep 4,30-5,2; Ga 6,41-51)
I.HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 6,41-51.
(41) Người Do Thái liền xầm xì phản đối,
bởi vì Đức Giê-su đã nói: “Tôi là Bánh từ trời xuống”. (42) Họ nói:
“Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta,
chúng ta đều biết cả. Sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?”
(43) Đức Giê-su bảo họ: “Các
ông đừng có xầm xì với nhau! (44) Chẳng ai đến với tôi được, nếu
Chúa Cha, là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy. Và tôi, tôi sẽ
cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.
(45) Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: “Hết mọi người sẽ
được Thiên Chúa dạy dỗ”. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của
Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. (46) Không phải là đã có ai thấy Chúa
Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy
đã thấy Chúa Cha. (47) Thậ̣t, tôi bảo thật các ông: Ai tin thì được
sự sống đời đời. (48) Tôi là Bánh Trường Sinh. (49) Tổ tiên các ông
đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. (50) Còn Bánh này là Bánh
từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. (51) Tôi là Bánh Hằng
Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và Bánh
tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.
2. Ý CHÍNH:
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã khẳng định Người từ
trời mà đến. Điều này làm cho dân chúng xầm xì phản đối vì họ
nghĩ rằng họ đã biết rõ về gia thế của Người. Nhưng dù vậy, Đức
Giê-su vẫn quả quyết: Người từ nơi Chúa Cha mà đến, và sẽ ban Thịt
Máu mình làm lương thực đi dường, để ai lãnh nhận bí tích này sẽ được
kết hiệp mật thiết với Người, được sống nhờ Người và sẽ về Nước Trời
với Người sau này.
3. CHÚ THÍCH:
- C 41-42: + Người Do Thái xầm xì phản đối bởi vì
Đức Giê-su đã nói: “Tôi là Bánh từ trời xuống”: Người Do Thái
đây ám chỉ dân chúng đi theo Đức Giê-su từ hoang địa về thành
Ca-phác-na-um. Họ xầm xì bàn tán khi nghe Người tuyên bố Người là
Bánh từ trời mà đến. + Ông này chẳng phải là Giê-su, con của
ông Giu-se đó sao?....: Dân Do thái nghĩ rằng họ đã biết rõ về
thân thế và cha mẹ của Người.
- C 43-44: + Các ông đừng có xầm xì với nhau: Đức
Giê-su biết đám đông đang bàn tán để phản đối lời Người vừa nói, vì
họ chỉ nghĩ về phạm vi nhân tính của Người. + Chẳng ai đến với
tôi được, nếu Chúa Cha không lôi kéo...: Người cho họ biết đức
tin là một hồng ân do Thiên Chúa ban cho. + Và tôi sẽ cho người
ấy sống lại trong ngày sau hết: Ai tin vào Đức Giê-su
thì sẽ được Người cho sống lại vào ngày tận thế và sẽ được sống
mãi mãi.
- C 45-46: + “Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy
dỗ”: Câu này lược tóm lời tuyên sấm của I-sai-a: “Con cái
ngươi, Đức Chúa đều dạy dỗ” (x. Is 54,13), và lời sấm của
Giê-rê-mi-a: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm
chúng Lề Luật của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ
này nói với người kia: Hãy học cho biết Đức Chúa. Vì hết thảy
chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta” (Gr 31,33-34). +Phàm
ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi: Tuy
mọi người đều được Thiên Chúa kêu gọi và dạy bảo, nhưng chỉ ai nghe
và đón nhận lởi giáo huấn của Chúa Cha thì mới có thể tin Đức
Giê-su là Đấng Thiên Sai. + Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha
đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã
thấy Chúa Cha: “Thiên Chúa là Thần Khí”, là Đấng thiêng liêng
vô cùng (x. Ga 4,24). “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một
là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người
đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Thời Xuất hành, dù được thường
xuyên đàm đạo với Đức Chúa, nhưng ông Mô-sê cũng chỉ thấy được phía
sau lưng của Đức Chúa chứ không được nhìn thấy tôn nhan Ngài (x. Xh
33,23). Nhưng Đức Giê-su, Đấng từ nơi Chúa Cha mà đến, đã xem thấy
Chúa Cha và có thể mặc khải về Ngài cho chúng ta.
- C 47-51: + “Ai tin thì được sự sống đời đời”: Ai
tin vào Đức Giê-su thì sẽ không phải chết trong tội nữa, nhưng sẽ được
Người ban sự sống đời đời, như lời thánh Phao-lô: “Cũng như vì
một người duy nhất đã sa ngã (là A-đam), mà mọi người bị Thiên
Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất (là Đức Giê-su), đã
thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên
công chính, nghĩa là được sống” (Rm 5,18). + “Tôi là Bánh Trường
Sinh”: Đức Giê-su tự ví mình là “Bánh Trường Sinh” hay
“Bánh Hằng Sống”, ám chỉ bí tích Thánh thể mà Người sẽ thiết lập
sau này. “Hằng sống” là một đặc tính của Thiên Chúa (x. Mt 16,16), và
của Chúa Ki-tô Phục Sinh (x. Rm 6,9). + Tổ tiên các ông đã ăn
man-na trong sa mạc, nhưng đã chết: Man-na là lương thực Đức
Chúa ban cho dân Ít-ra-en trong thời kỳ Xuất Hành, là thứ đồ ăn dễ bị
hư nát (x. Xh 16,19-21). Dù dân Ít-ra-en đã ăn man-na, nhưng họ vẫn phải
chết do tội đã phạm (x. Tv 78,29-31) và không được sống đời đời (x. Ga
6,58). + Còn Bánh này là Bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi
phải chết: Đức Giê-su mới là Bánh từ trời thực sự, và ai ăn
Bánh này sẽ “không phải chết” (x. Ga 6,50), nhưng “được sống muôn đời”
(x Ga 6,51.54), “được ở trong Người” (x Ga 6,56), “được sống nhờ Chúa
Cha” (x. Ga 6,57), “được sống và được sống dồi dào” (x. Ga 10,10). +
“Bánh Tôi sẽ ban tặng chính là Thịt Tôi đây, để cho thế gian được
sống”: Nói câu này, Đức Giê-su đã liên kết 5 chiếc bánh trong
phép lạ nhân bánh ra nhiều (x. Ga 6,9) và bánh không men trong
bữa tiệc Chiên Vượt Qua, với Thịt Mình của Người trong Bí tích
Thánh thể (x. Mt 26,26). Từ của ăn nuôi sống thể xác, được Đức
Giê-su biến thành Bánh Hằng Sống đem lại sự sống đời đời (x.
Ga 6,48), thành Thân Mình chịu khổ nạn và được Phục sinh của
Người (x. Ga 6,51), và thành của ăn thần thiêng nuôi dưỡng đức
tin (x. Ga 6,51.63), giúp các tín hữu tiến về Nước Trời để được sống
muôn đời (x. Ga 6,58).
HỎI: 1) Dân Do thái xầm xì phản đối Đức
Giê-su về câu nói nào của Người? Tại sao? 2) Đức Giê-su dạy đức tin có
được là do đâu? 3) Ai tin vào Đức Giê-su thì sẽ nhận được gì? 4) Câu
“Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ” tóm lược lời tuyên sấm của
hai vị ngôn sứ nào và 2 lời đó như thế nào? 5)Thiên Chúa thiêng liêng
được mệnh danh là gì? Ai mới được nhìn thấy Thiên Chúa và mặc khải
Ngài cho chúng ta? 6) Ai tin vào Đức Giê-su sẽ được hưởng ơn gì? Thánh
Phao-lô đã so sánh giữa A-đam cũ với Đức Giê-su ra sao? 7) Khi ví mình
là Bánh Trường Sinh, Đức Giê-su muốn ám chỉ về bí tích nào Người sẽ
thiết lập sau này? 8) Man-na là lương thực được Đức Chúa ban cho dân
Ít-ra-en khi nào và có đem lại sự sống đời đời không? 9) Đức Giê-su
là Bánh Hằng Sống từ đâu mà đến và ai ăn Bánh này sẽ nhận được ơn
gì? 10) Đức Giê-su hứa sẽ thiết lập bí tích Thánh Thể thế nào và để
làm gì?
II.SỐNG LỜI CHÚA:
1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. ai ăn Bánh
này sẽ được sống muôn đời”(Ga 6,51).
2.CÂU CHUYỆN:
1) GIẤC MỘNG
TRƯỜNG SINH BẤT TỬ CỦA TẦN THỦY HOÀNG:
Tần Thủy Hoàng là hoàng đế Trung Hoa,
sống khoảng 200 năm trước Công Nguyên. Ông chính là người đã xây Vạn Lý Trường
Thành dài hơn 2.000 dặm, là một kiến trúc duy nhất trên trái đất, mà các phi
hành gia có thể quan sát được từ ngoài không gian. Theo tạp chí National
Geographic, Tần Thủy Hoàng rất sợ chết, ông muốn được trường sinh bất tử, nên
đã tìm đủ cách để có thể cải lão hoàn đồng. Một ngày kia, các chiêm tinh gia đã
kể cho ông nghe về một hòn đảo thần tiên ở biển Đông, dân cư ở đấy đã khám phá
ra bí quyết sống trường sinh bất lão, nên ai cũng sống lâu. Tần thủy Hoàng liền
phái một số tàu thuyền chất đầy ngọc ngà châu báu lên đường, hy vọng có thể đổi
những đồ quý giá lấy bí quyết trường sinh mang về. Nhưng dân chúng tại đây đã
nhất quyết không chịu đổi bí quyết trường sinh của họ lấy bất cứ thứ gì.
Không lấy được thuốc trường sinh, nên
khi già yếu, Tần thủy Hoàng đã ra lệnh cấp tốc xây một nhà mồ cho mình như một
cung điện nguy nga tráng lệ, rồi ông cho trang trí nhà mồ bằng các đồ trân châu
quý giá, lát tường nhà bằng vàng bạc và truyền sẽ chôn sống hàng trăm cung nữ
với ông sau khi ông chết, hy vọng kiếp sau sẽ được sống an
nhàn sung sướng như thần tiên.
Nhưng kẻ tàn bạo ham hưởng thụ ấy đã chỉ làm vua được hơn chục năm và sống trên
năm mươi tuổi thì chết.
Bí quyết để sống vĩnh hằng đã được Đức Giê-su mặc khải trong Tin Mừng hôm nay: "Tôi là
Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn
đời. Và Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt tôi đây, để cho thế gian
được sống” (Ga.6,47). Ngày nay thánh lễ chính là bàn tiệc gồm hai của ăn là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa, là lương thực thiêng liêng ban sự sống đời đời cho ai lãnh nhận. Vậy chúng ta cần làm gì để được sống đời đời ngay từ hôm nay?
2) GIÁ TRỊ VÔ HIỆU CỦA
VIÊN THUỐC TRƯỜNG SINH:
Thời Chiến quốc, có người đem dâng vua
nước Sở một viên thuốc bất tử. Người ấy đang bưng thuốc vào triều, viên quan canh cửa liền hỏi:
- Đây là cái gì?
- Là viên thuốc trường sinh bất tử tôi
đem đến dâng tiến cho đức vua.
- Viên thuốc này có ăn được không?
Người ấy đáp:
- Ăn được.
Lập tức, viên quan liền cầm lấy viên
thuốc mà ăn. Câu chuyện đến tai nhà vua. Vua liền truyền bắt viên quan đến định
xử tội khi quân và sẽ bị chém đầu. Viên quan nghe án liền kêu oan:
- Thần đã hỏi người dâng thuốc và được
ông ta nói đó là viên thuốc trường sinh bất tử, nghĩa là ai ăn sẽ không bị chết
nữa. Thần có hỏi người ấy “ăn được không”, và người ấy đáp: ”Ăn được”, nên thần
mới ăn. Thế là thần vô tội mà lỗi tại người dâng thuốc. Hơn nữa, người dâng
thuốc lại nói đó là viên thuốc “trường sinh bất tử”, nghĩa là ai ăn vào sẽ
không bị chết nữa. Thế mà thần mới ăn, đã sắp phải chết. Vậy đó là “thuốc tử”,
chớ sao gọi là “thuốc bất tử” được? Nếu bệ hạ giết thần, là bệ hạ đã kết án oan
cho người vô tội, và chứng tỏ bệ hạ là người dễ bị kẻ khác mê hoặc lừa gạt.
Vua nghe viên quan đó nói có lý, nên đã
tha không giết nữa. (Nguồn: Cổ học tinh hoa)
Trong Tin mừng hôm nay Đức Giê-su nói:
“Tôi là Bánh Hằng
Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và Bánh
tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.
Qua đó, Đức Giê-su đã mặc khải: ngoài cuộc sống đời này, còn một cuộc sống vĩnh
hằng đời sau, dành cho những ai tin vào Đức Giê-su, thể hiện qua việc lắng nghe
Lời Người và siêng năng ăn bánh Thánh Thể được Người ban cho.
3) QUYẾT TÂM CẢI GIÁO
NHỜ TIN LỜI CHÚA VỀ BÍ TÍCH THÁNH
THỂ:
Hồng y NIU-MÂN (Newman) trước kia đã từng giữ
chức vụ Tổng Giám Mục Anh Giáo với bổng lộc hằng năm khá lớn. Dù
thuộc tầng lớp quí tộc và là chức sắc cao cấp của Anh Giáo như vậy,
nhưng ngài luôn bị lương tâm dày vò về các mầu nhiệm đức tin trong Tin
Mừng không sao lý giải được. Rồi đến một ngày, sau khi đã suy nghĩ kỹ
về sự khác biệt đức tin giữa Anh Giáo và Công Giáo, cuối cùng ngài
đã quyết định từ bỏ các chức vụ cao cấp và các đặc quyền đặc lợi
đang thụ hưởng của Anh giáo, để cải giáo theo đạo Công Giáo. Biết được
ý định của Niu-mân, bạn bè thân thích đã đến can ngăn để yêu cầu ngài
nghĩ lại. Họ nói: “Trước khi quyết định, xin ngài hãy cân nhắc cẩn
thận. Vì nếu ngài cải giáo thì không những bị mất tất cả các chức
danh và địa vị tinh thần, mà ngay cả lương bổng vật chất hằng năm
cũng không được hưởng nữa !” Nhưng Niu-mân đã thẳng thắn trả lời:
“Tiếc thì tôi cũng tiếc thật. Nhưng tôi đã suy nghĩ kỹ rồi. Chức vụ,
quyền hành và bổng lộc vật chất tuy đáng quí, nhưng có đáng là gì
so với những điều tôi nhận được khi trở nên thành viên của Hội Thánh
Công Giáo và Tông Truyền. Tôi sẽ lãnh nhận được ơn Thánh Thần và được chịu
các phép bí tích, nhất là được ăn tiệc Thánh Thể. Đó mới thực là
Bánh đem lại phúc trường sinh”.
Sở dĩ Niu-mân có được
suy nghĩ và quyết định sáng suốt như vậy, là do ngài đã nghe theo sự
hướng dẫn của Thánh Thần. Thực vậy, nếu không có ơn Thánh Thần, thì
người ta sẽ khó lòng hiểu được Lời Chúa Giê-su và sẽ không tin vào bí tích
Thánh Thể, như đám đông dân Do Thái và phần đông các môn đệ đã không
tin Lời Chúa. Họ đã chán nản bỏ đi và không
muốn đi theo Đức Giê-su, vì họ không thể chấp nhận được mầu nhiệm Thánh Thể
này. Chỉ Nhóm Mười Hai là vẫn trung thành đi theo Thầy, vì dù họ không hiểu Lời
Thầy bằng lý trí, nhưng vẫn tin vào lời dạy của Thầy, như ông Phê-rô đã đại diện anh em
thưa: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?
Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con
đã tin và nhận biết: chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa" (Ga
6,68-69).
4) PHÉP
LẠ VỀ CON LỪA QUÌ LẠY THÁNH THỂ CHÚA:
Thánh AN-TÔN PA-DO-VA (1195-1231)
là tu sĩ dòng Phan-xi-cô khó nghèo. Ngài sinh tại Bồ-đào-nha nhưng sau này lại sống tại
nước Ý. Ngài có tài hùng biện với một lòng đạo đức sâu xa, nên luôn được mời đi
giảng thuyết ở nhiều nơi. Linh Mục An-tôn có biệt tài chống lại lý luân của các lạc giáo, nhất
là nhóm An-bi-gien-sê tại vùng Tây Nam nước Pháp. Ngài rất có lòng sùng kính bí
tích Thánh Thể. Một ngày nọ, An-tôn có mặt tại Tu-lu để bác bỏ lạc thuyết của
nhóm An-bi-gien-sê về bí tích Thánh Thể. Cuộc tranh cãi rất sôi nổi. Với lý
luận sắc bén, An-tôn đã làm cho nhóm lạc giáo cứng miệng. Tuy thua về lý thuyết
nhưng họ vẫn không đầu hàng. Ông trưởng lạc giáo nói: “Bây giờ chúng ta hãy dẹp
bỏ mớ lý luận kia để đi vào thực tế. Nếu ông có thể chứng minh có Chúa Giê-su
hiện diện thực sự trong Bánh Thánh Thể, trước sự chứng kiến của mọi người, thì
tôi sẽ từ bỏ lạc giáo để quay về đức tin Công giáo. Đầy tin tưởng vào quyền năng của Chúa Thánh Thể,
linh mục An-tôn trả lời: “Tôi chấp thuận đề nghị của anh”.
Ông trưởng lạc giáo An-bi-gien-sê nói
tiếp: “Ở nhà tôi có một con lừa cái. Tôi sẽ nhốt nó vào chuồng và bắt nó nhịn
đói 3 ngày. Đến ngày thứ ba, tôi sẽ dẫn nó đến đây trước mặt mọi người, và dọn
ra cho nó một thùng lúa mạch thơm ngon. Còn ông, ông cũng đưa ra trước mặt con lừa ”cái” mà ông gọi là Mình Thánh Chúa. Nếu con lừa đang
đói mà không ăn thóc lúa, nhưng lại quỳ lạy Thánh Thể, thì tôi sẽ tin vào giáo
huấn của Hội Thánh Công Giáo.
Đúng ngày hẹn, toàn dân thành Tu-lu
đứng chen chúc nhau tại quảng trường chính, nơi sắp diễn ra cuộc thách thức,
đang lúc linh mục An-tôn sốt sắng dâng lễ trong một nhà nguyện gần đó.
Đến giờ hẹn, ông trưởng phe lạc giáo
liền dắt con lừa cái của nhà ông đến quảng trường và không quên mang theo thùng
thức ăn thích hợp với nó. Nhóm lạc giáo hiện diện rất đông với nét mặt hân hoan như cầm chắc phần thắng trong tay. Bấy
giờ Linh mục An-tôn từ trong thánh đường gần đó bước ra, tay giơ cao Bánh Thánh
Thể mới được truyền phép trong thánh lễ. Linh mục An-tôn lớn tiếng nói với con lừa rằng: “Nhân danh
Thiên Chúa hằng sống, là Đấng đã dựng nên ngươi. Tuy ta bất xứng, nhưng ta đang
giữ Người trên tay, ta truyền cho ngươi, hỡi con vật đáng thương, hãy mau đến
quỳ gối thờ lạy Người. Cùng lúc ấy, người ta cũng đưa thùng lúa kiều mạch đến
trước mặt con vật. Lạ lùng thay, con lừa không đoái hoài đến thức ăn hợp khẩu
vị, mà đã vâng lời linh
mục An-tôn. Nó chạy đến gập
hai chân trước quì xuống và cúi đầu thờ lạy Mình Thánh Chúa Giê-su.
Trước cảnh tượng ấy, các tín hữu Công
Giáo vui mừng vỗ tay reo hò để tạ ơn Chúa, đang khi nhóm lạc giáo kia ngơ ngác
không biết ứng phó thế nào. Cuối cùng ông trưởng nhóm lạc giáo đã chịu thua.
Ông đã giữ lời hứa là từ bỏ lạc giáo và khiêm tốn quay về tin theo giáo huấn
chân thật của Hội Thánh Công giáo.
5) ĐỐI THOẠI VỀ MẦU NHIỆM THÁNH
THỂ:
Pa-let-ti-na là một vùng đất hiện vẫn còn rất đông người theo
đạo Hồi. Một hôm, một vị thầy lãnh đạo một cộng đoàn Hồi giáo mời một linh mục
Công giáo đến để công khai tranh luận về bí tích Thánh Thể trước sự hiện diện
của các tín hữu đôi bên. Vị thầy hỏi:
– Làm sao một miếng bánh nhỏ
lại có thể trở thành Đức Ki-tô được?
Vị linh mục trả lời:
– Được chứ sao lại không? Tôi xin minh chứng cho thầy biết bằng
một thí dụ đơn sơ. Nếu thầy ăn cơm, thầy có thể biến cơm thành máu thịt của
thầy, có thật như thế không nào? Vậy tại sao Chúa lại không thể biến tấm bánh
nhỏ trở thành máu thịt Chúa được?
Bậc thầy đó lại hỏi tiếp:
– Làm sao Đức Ki-tô to lớn
như thế lại có thể ở trong miếng bánh nhỏ xíu?
Vị linh mục trả lời:
– Thầy hãy nhìn trời, nhìn núi và các thôn làng. Bầu trời thì
mênh mông. Ngọn núi thì cao lớn hùng vĩ, còn thôn làng thì rộng rãi bao la, thế
mà con mắt nhỏ xíu của thầy có thể chứa được tất cả. Nếu con mắt của Thầy làm
được chuyện đó thì tại sao Thiên Chúa lại không thể làm cho miếng bánh nhỏ xíu
chứa đựng được Đức Ki-tô.
Bậc thầy không chịu thua lại hỏi thêm:
– Làm sao có thể cử hành
nhiều thánh lễ cùng một lúc tại nhiều nơi trên thế giới, mà mỗi thánh lễ lại đều
có Mình và Máu của Đức Ki-tô được?
Vị linh mục đáp:
– Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được.
Rồi để chứng minh cho câu trả lời này, vị linh mục lấy một tấm
gương soi ném xuống đất, khiến nó bể tan thành nhiều mảnh nhỏ. Tiếp đến, vị
linh mục giơ tay chỉ cho bậc thầy đang ngạc nhiên và nói:
– Trước đây trong tấm gương này, thầy trông thấy gương mặt mình
có phải không nào? Và bây giờ thầy cũng trông thấy gương mặt mình trong từng
mảnh nhỏ. Thế thì tại sao Thiên Chúa lại không thể hiện diện tại nhiều nơi
trong cùng một lúc được.
Cuộc tranh luận trên giúp chúng ta hiểu được phần nào mầu nhiệm
Mình Máu Thánh Đức Giê-su mà Giáo Hội cử hành bí tích Thánh Thể mỗi ngày. Vậy
chúng ta phải có thái độ nào khi đi tham dự Thánh lễ?
3. THẢO LUẬN: 1) Bạn
sẽ tham dự thánh lễ thế nào để đón nhận được sự sống đời đời do Chúa hứa
ban? 2) Sau thánh lễ,
bạn cần làm gì để giới thiệu Chúa cho tha nhân, nhất là cho những người
nghèo hèn, bệnh tật và bị bỏ rơi… để họ cũng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ và
được tham phần vào sự sống đời đời?
4. SUY NIỆM:
1) Man-na: lương thực bổ sức cho dân
Ít-ra-en trên đường về Đất hứa:
Dân Ít-ra-en dưới sự lãnh đạo của
Mô-sê đã từ Ai Cập tiến về miền đất Ca-na-an do Đức Chúa đã hứa ban
cho Ap-ra-ham và con cháu ông (x. St 12,5-7).
Trong suốt thời gian lưu lạc trong
sa mạc, dân Ít-ra-en tuy không còn bánh ăn nước uống vật chất như khi ở trong
nước Ai Cập, nhưng họ lại được Đức Chúa
ban man-na từ trời rơi xuống (x Xh 16,15) và nước suối
phát xuất từ tảng đá
(x Xh 17). Nhờ đó họ đã đủ sức vượt qua sa mạc hoang
vu trong suốt thời gian 40 năm, để sau cùng về tới miền Đất được
Đức Chúa hứa ban cho tổ
phụ A-bra-ham và con cháu.
Đó là xứ Ca-na-an,
mà nay là xứ Pa-lét-tin.
2) Bánh và nước: bổ sức cho ngôn sứ Ê-li-a về tới núi của Chúa:
Sau khi tiêu diệt 450 sãi bụt Ba-an
trên núi Các-men (x. 1 V 18,20-40), ngôn sứ Ê-li-a đã bị hoàng hậu
I-de-ven sai quân truy bắt, nên ông đã phải chạy đến Núi Khô-rép để được Đức Chúa bảo
vệ.
Trong cuộc trốn chạy, có lúc ông
bị đói khát mệt mỏi và tuyệt vọng, chỉ muốn chết đi cho xong. Nhưng
khi đang thiếp ngủ dưới một gốc cây, ông đã được thiên sứ đến đánh
thức và mang cho ông bánh ăn nước uống. Nhờ được ăn bánh uống nước
của Đức Chúa mà Ê-li-a
đã được hồi phục sức
khỏe để tiếp tục
cuộc hành trình tiến về Núi Thánh của Đức Chúa (x. 1 V 19,1-8).
3) Man-na Mới: bổ sức cho các tín hữu trên đường về Nước Trời:
Man-na xưa là hình ảnh của Bí Tích Thánh Thể do Đức Giê-su
thiết lập trong thời Tân Ước. Người đã tự hiến mình làm lương thực thiêng liêng ban sự sống đời đời cho thế
gian khi tuyên bố: “Tôi là
Bánh Hằng Sống từ trời xuống… Bánh tôi sẽ ban chính là Thịt tôi để
cho thế gian được sống” (Ga 6,48.51).
Lương thực nói trên còn là Lời của
Thiên Chúa như Đức Giê-su đã nói:
“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời miệng
Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,3; Mt 4,4). Chính Lời của Thiên Chúa đã nhập
thể làm người và ở cùng chúng ta, trở thành Đức Giê-su (x
Ga 1,14).
Từ đây ai muốn lên trời phải ăn được
hai của ăn do Chúa Giê-su
ban cho là bánh Lời Chúa và bánh Thánh Thể. Nhưng chúng ta phải ăn Bánh thánh của
Chúa thế nào?
4) Bánh Thánh Thể hôm nay - mầm sống lại của cuộc sống mai sau:
Trong
những cơn khủng hoảng kinh tế của thập niên 1930, hàng triệu người Mỹ thất
nghiệp, và hàng triệu người bị đói. Ở một số thành phố, những nhóm tu sĩ tổ
chức phát chẩn cho những người bị đói, một trong những nhóm đó là tu viện Thánh
Phanxicô ở tỉnh Cincinnati, tiểu bang Chio.
Mỗi ngày
bánh mì kẹp thịt được phân phát cho hàng trăm người đói, đàn ông, đàn bà đứng
xếp hàng đợi đến 5 giờ chiều để được phát bánh. Cả ngày, hai thầy dòng Phanxicô
và năm, bảy người giáo dân trợ giúp, làm bánh mì kẹp thịt và gói lại.
Một tu sĩ sau
khi chứng kiến thái độ của những người nói trên đã chia sẻ như sau:
“Nhìn
những người sa cơ lỡ vận ấy nhận bữa ăn tạm, tôi thấy nhiều người sau khi nhận
gói bánh đã mỉm cười và cám ơn; Có người thì mắc cở, giật lấy gói bánh rồi lẩn mất;
Có người mở gói bánh ra và ăn liền rồi vội vàng bỏ đi; Có người cầm lấy gói
bánh đi vào một ngõ hẻm. Tuy nhiên cũng có một vài người mở gói bánh ra, ăn
thịt và ném bánh đi. Một vài người ăn một phần và bỏ phần còn lại. Nhiều người
bỏ gói bánh vào thùng rác, nhưng một số khác lại xả bừa bãi trên đường. Một vài
người làm dấu thánh giá”.
Cách thức
những người bất hạnh nói trên đến xin ăn, phần nào giống như cách đám đông nghe
lời Chúa Giê-su giảng về bí tích Thánh Thể trong Tin Mừng hôm nay: Họ lầu bầu
phản đối và bỏ đi. Còn các tín hữu chúng ta cần có thái độ thế nào khi tham dự
bàn tiệc Thánh Thể?
5) Thái độ phải có khi tham dự bàn tiệc
Thánh Thể:
Mỗi lần tham
dự thánh lễ và rước lễ là
chúng ta sẽ cảm nếm được hương vị hạnh phúc thiên đàng, sẽ
được nghỉ ngơi trong an
bình như lời Chúa Giê-su
hứa: “Tất cả những ai đang vất vả mang
gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy
mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm
nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và
gánh tôi nhẹ nhàng." (Mt 11,28-30). Hơn nữa, người ăn Bánh Thánh Thể hôm nay còn nhận được mầm sống để sẽ được sống lại trong ngày tận thế sau này.
Sau khi lãnh nhận Bánh Thánh Thể, chúng ta có bổn phận chia
sẻ Chúa cho tha nhân để giới thiệu Chúa là Tình Thương, và khiêm tốn phục vụ
Chúa hiện thân nơi người nghèo đói bệnh tật và đau khổ, hầu chia sẻ niềm vui ơn
cứu độ của Chúa cho họ.
5. NGUYỆN CẦU
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Mỗi
lần dự lễ là chúng con được tham dự bữa tiệc Thánh
với hai của ăn là Lời
Chúa và Mình Thánh Chúa. Khi rước lễ là chúng con được đón nhận cả nhân tính và thần tính
của Chúa. Xin giúp chúng con siêng năng dự lễ mỗi ngày để được Lời Chúa giáo
huấn và được Mình Chúa dưỡng nuôi. Xin cho chúng con biết mở rộng vòng tay
đón nhận mọi người đang sống chung cùng một mái
nhà, đang
ở chung cùng một khu xóm, đang học chung cùng một mái trường, đang làm
việc chung trong một cơ quan hay nhà máy... Xin cho chúng con mở lòng đón
nhận những người đối xử tốt với chúng con và cả những kẻ thù ghét làm hại chúng
con. Xin giúp chúng con ngày một biến đổi nên con thảo của Chúa Cha, nên
môn đệ đích thực của Chúa, và nên anh chị em của mọi người trong đại
gia đình Hội Thánh.
X) HIỆP CÙNG MẸ
MA-RI-A. –Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM