Có thể nói tất cả các ngôn sứ từ thời Cựu Ước sang Tân Ước đều là những nhà thần bí và có chung đặc điểm là cảnh báo về cuộc khủng hoảng và đưa ra phương thế để giải quyết nó. Trong thời Cựu Ước, các ngôn sứ được gọi là tiên tri như tiên tri Isaia, Geremia v.v…Tuy nhiên tiên tri không phải là biết trước nhưng chỉ là …nói thay có nghĩa những lời ấy không phải của tự thân các ngài nhưng là của Thiên Chúa, Đấng Ẩn Giấu ( Deus Abconditus – Is 45, 15 ).
Để bảo chứng cho việc…nói thay ấy, Thiên Chúa đã ban cho các ngôn sứ những khả năng đặc biệt, lạ lùng mà vì không hiểu, chúng ta cho đó là thần bí. Thánh Faustina chính là một nhà thần bí và tính chất thần bí ấy theo lệnh truyền của Chúa Giê Su đã được ghi chép lại trong một cuốn nhật ký gọi là “ Nhật Ký Lòng Thương Xót Chúa Trong Linh Hồn Tôi”.
Cuộc khủng hoảng của giáo hội hiện nay đã bước vào cao trào của nó và hậu quả đưa đến sẽ là Ngày Tận Thế. Có nhiều biểu hiện cho ngày đó nhưng có hai điều quan hệ. Một là người ta sẽ mất đức tin: “ Dầu vậy, khi Con Người đến, há sẽ tìm được đức tin trên đất này chăng ?” ( Lc 18, 8 ). Hai là sự bội giáo như thánh Phao Lô nói: “ Chớ để tâm trí mình nhạy rúng động cũng đừng kinh hoảng hoặc bởi tà linh hoặc bởi lời nói hoặc bởi bức thư mạo danh chúng tôi nói rằng Ngày Chúa gần đến rồi vì phải có sự bội đạo đến trước và có người đại tội là con của sự hư mất được hiển lộ. Nó là kẻ đối địch, tự nhắc mình lên trên mọi vị xưng là thần hoặc vật gì người ta kính thờ, rất đỗi ngồi trong đền thờ ĐCT tự xưng là ĐCT” ( 2Tx 2, 2 -4 ).
Bội đạo ở đây chính là phản bội mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những người Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 23 ). Một khi Chúa đã nói: “ Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha”. Điều ấy có nghĩa không có một thứ đạo giáo hoặc triết học nào có thể nhận biết về Đấng Cha. Thế nhưng thần học lại khẳng định lý trí cũng có thể nhận biết Thiên Chúa và đó chỉ là một thứ khái niệm thần học chứ không phải Thiên Chúa chân thật là Cha của Đức Ki Tô cũng là Cha của mỗi một người trong chúng ta.
Chính bởi Thiên Chúa của thần học chỉ là một thứ khái niệm thế nên đâu cần tìm kiếm chi nữa ? Đang khi đó với một Đấng Thiên Chúa chân thật thì nhất định cần phải tìm mới gặp: “ Nhưng trước hết, hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” ( Mt 6, 33 ).
Thánh Faustina ngay khi còn thơ ấu tỏ ra đã có lòng tìm kiếm Thiên Chúa, lúc chưa đầy bảy tuổi, Helenka ( Tên thường gọi ở nhà ) đã nhiều lần tỉnh giấc và ngồi dậy cầu nguyện lúc nửa đêm. Bà mẹ thấy con có lối đạo đức…bất thường như thế nên nhắc nhở: “ Thôi nằm xuống ngủ đi, kẻo điên mất đấy ! Nhưng Helen lễ phép trả lời: Ồ không thưa mẹ, thiên thần bản mệnh đánh thức con dậy cầu nguyện đấy chứ !
Chính cái ý thức về cầu nguyện như thế đã khiến Helen muốn tận hiến cuộc đời mình để phụng sự Thiên Chúa. Vào năm mười sáu tuổi, tuy vẫn sống trong mái ấm gia đình nhưng tâm trí chị đầy ắp những tư tưởng và ước muốn thánh thiện. Chị không màng sống mãi tại gia đình vì lẽ một nếp sống khác đang cuốn hút chị. Chị muốn toàn tâm phụng sự duy một mình Thiên Chúa. Mặc dù chưa mường tượng nổi đời sống tu dòng là như thế nào nhưng Helen biết đã có một nếp sống như vậy ở một nơi nào đó và nếp sống ấy là dành cho mình.
Con người có ước muốn thế nào thì sẽ sống cuộc đời mình như vậy. Có ước muốn Nên Thánh thì mới có thể sống đời thánh thiện. Ngược lại ước muốn thế gian thì sẽ sống cuộc sống thế gian. Ước muốn nên thánh thì tư tưởng luôn hướng thượng còn ước muốn thế gian thì sẽ bị lôi cuốn vào con đường đam mê, dục vọng. Tuy nhiên để có thể theo đuổi con đường Nên Thánh thì cần có Ơn Chúa.
Vì cha mẹ cương quyết không chấp nhận cho đi tu vào dòng và một vài trắc trở khác, Helen nhiều khi muốn buông xuôi để bắt đầu lối sống trần tục, đua đòi sắm sửa cho bản thân và tham dự những cuộc vui. Trong một lần kia theo chị dự buổi dạ vũ, khi tiếng nhạc vừa trổi lên người ta bắt đầu kéo nhau ra sàn nhảy thì Helen bất chợt có một kinh nghiệm thần bí. Chúa Giê Su hiện ra mình đầy thương tích, nhìn chị như oán than và nói: “ Cha còn phải chịu đựng con đến bao giờ ? Con còn phụ rẫy Cha cho đến bao giờ nữa đây ? ( NK 9 ).
Những lời của Chúa Giê Su và hình dạng thảm thương của Ngài đã khiến Helen có một quyết tâm dứt khoát trên con đường phụng sự Thiên Chúa và quyết tâm ấy đã được thể hiện bằng cách hết lòng vâng lời và yêu mến Chúa Giê Su dù cho có phải chịu gian nan khổ sở đến đâu !
Thánh Faustina vâng lời Chúa Giê Su trong việc thực thi sứ mạng của Ngài: “ Con sẽ chuẩn bị thế giới trong lần đến sau cùng của Cha” ( NK 429 ). Có câu hỏi cần đặt ra. Tại sao Chúa lại đòi hỏi cần chuẩn bị thế giới cho lần đến sau cùng của Chúa tức Ngày Tận Thế ? Lý do là vì con người ngày nay nói chung và giáo hội của Chúa nói riêng đã và đang xa rời đức tin chân chính vào Tin Mừng của Đức Ki Tô: “ Thời đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần. Các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ).
Chúa nói: Hãy tin vào Tin Mừng và đó là Tin Mừng về Nước Trời…nội tại: “ Người Pharisi hỏi Chúa Giê Su về Nước Thiên Chúa chừng nào đến ? Ngài đáp: Nước Thiên Chúa không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được: Đây này hay đó kia, vì này Nước Thiên Chúa ở trong ( Tâm ) các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).
Chỉ với một thứ Nước Trời ở trong ( Tâm ) như thế chúng ta mới cần phải tin và ăn năn sám hối tội lỗi mình. Chúa Giê Su ví “ Nước Trời giống như của báu chôn trong ruộng có người tìm được thì yểm đi, bán hết gia sản mình rồi mua lấy thửa ruộng đó” ( Mt 13, 44 ). Ruộng đây ám chỉ cho Tâm, Nước Trời là một Thực Tại mầu nhiệm, bởi đó mới cần hết lòng tìm kiếm tức sám hối ăn năn dốc lòng chừa cải mới có thể gặp. Trái lại, thần học vì đã bác bỏ mạc khải của Đức Ki Tô nên đã chủ trương một thứ Nước Trời…Tục Hóa: “ Loan báo Tin Mừng cũng là một thành phần của công trình giải thoát. Nội dung của nó là Nước Thiên Chúa đã đến, đến cho người nghèo khó và bị áp bức. Nền tảng của nó là các mối phúc. Nước Thiên Chúa ở ngay giữa thế gian, khi người nghèo không còn nghèo, người bị áp bức thoát ách khốn khổ” ( Đgm Phao Lô Bùi Văn Đọc và các LM khác – Đức Ki Tô, hôm qua, hôm nay và mãi mãi ).
Với một thứ Nước Trời…Tục Hóa như thế thì cần gì phải tin và nếu đã không tin thì việc ăn năn sám hối tội mình đâu còn nghĩa lý gì nữa ? Mặt khác chính là vì chủ trương một thứ Nước Trời Tục Hóa như thế, giáo hội hiện nay không cách chi thoát khỏi khủng hoảng. Khủng hoảng về đức tin đã đành mà còn khủng hoảng về đời sống đạo đức trong hàng ngũ giáo sĩ. Có thể nói nạn ấu dâm của các linh mục, giám mục, hồng y đã làm lung lay đến tận nền tảng giáo hội. Có những giám mục đã từ bỏ chức vụ cao quý hồi tục ra lấy vợ. Điển hình nhất mới đây là có…cụ giám mục đã 84 tuổi còn xin phép lấy vợ vì đã trót gian díu từ nhiều năm nay ???
Việc những người mang chức thánh sa đọa như thế thật ra cũng chưa nguy hại cho bằng chính cái chủ trương Tục Hóa khiến giáo hội hầu như đã hoàn toàn mất đi ý thức về tội. Thật vậy vì đã mât ý thức về tội thế nên mới nảy sinh cái gọi là Tiến Trình Công Nghị Đức diễn ra từ vài năm nay với những quyết nghị…động trời như là bãi bỏ luật độc thân linh mục, phong chức linh mục cho phụ nữ, cho phép kết hôn đồng tính hoặc cho phép những người công khai ủng hộ phá thai được Rước Lễ mặc dầu đã bị cả HĐGM Mỹ khuyến cáo v.v…
Với những đồi trụy xấu xa trong hàng ngũ giáo sĩ như vậy làm sao không ảnh hưởng đến đời sống đức tin và lòng đạo của toàn thể giáo dân và như thế chắc chắn sẽ bị luận phạt “ Ta sẽ tùy công việc của mỗi người trong các ngươi mà báo ứng” ( Kh 2, 23 ). Sự báo ứng tất nhiên phải đến như lời Đức Mẹ đã nói với thánh Faustina: “ Mẹ đã ban Đấng Cứu Độ cho thế giới. Còn con, con phải nói cho thế giới về lòng thương xót bao la của Người. Người không đến trong tư cách Đấng Cứu Độ Nhân Lành nhưng trong tư cách của Thẩm Phán Chí Công” ( NK 635 ).
Với lòng thương xót bao la, Chúa Giê Su đã tuyển chọn chị thánh Faustina để trao cho ngài chuẩn bị thế giới cho lần đến sau cùng. Sứ mạng ấy bao gồm trong hai việc. Một là vẽ Bức Ảnh Chúa Thương Xót, hai là tổ chức Đại Lễ kính Lòng Thương Xót. Về việc vẽ Bức Ảnh, chị thánh kể: “ Vào buổi tối lúc ở trong phòng, tôi được nhìn thấy Chúa Giê Su trong y phục màu trắng. Một tay Người giơ lên trong tư thế ban phép lành, tay kia chạm vào ngực áo. Từ phía dưới trang phục, hơi chếch một bên ngực phát ra hai luồng sáng lớn, một màu đỏ và một màu xanh nhạt…
…Trong thinh lặng, tôi chăm chú chiêm ngắm Chúa, linh hồn tôi bàng hoàng trong niềm kính sợ nhưng cũng dạt dào hoan lạc. Sau một lúc, Chúa Giê Su phán: Hãy vẽ một mẫu ảnh như mẫu con nhìn thấy với hàng chữ: Lạy Chúa Giê Su, con tín thác vào Chúa. Cha ước mong bức ảnh này được tôn kính trước là trong nhà nguyện của các con và sau đó là trên khắp thế giới” ( NK 47 ).
Khi trình bày thị kiến này với cha giải tội thì ngài đã giải thích theo chiều hướng có tính nội tâm: “ Điều ấy chỉ về linh hồn chị, chắc chắn chị hãy vẽ hình ảnh Chúa vào linh hồn chị”. Nhưng sau khi ra khỏi tòa giải tội, Chúa Giê Su nhắc nhở cách cụ thể: “ Hình ảnh Cha đã có trong linh hồn con rồi. Cha ước ao có một lễ kính Lòng Thương Xót của Cha. Cha muốn bức ảnh được con vẽ bằng một cây cọ, sẽ được làm phép trọng thể vào chúa nhật liền sau lễ Phục Sinh, Chúa Nhật đó sẽ là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha” ( NK 47 -52 ).
Như vậy, ý của Chúa là vẽ Bức Ảnh bằng cây cọ để mắt mọi người có thể nhìn thấy và đọc được câu: Lạy Chúa Giê Su con tín thác vào Chúa. Lý do khiến Chúa muốn chúng ta tôn kính Bức Ảnh với hàng chữ như vậy để cho ta mỗi khi nhìn vào đó mà giục lòng tin nơi Ngài: “ Đó sẽ là một vật nhắc nhở về Lòng Thương Xót của Cha, bởi vì dù mạnh mẽ đến mấy, đức tin cũng chẳng ích gì nếu thiếu việc làm kèm theo” ( NK 742 ).
Tin Chúa Giê Su qua Bức Ảnh Chúa Thương Xót là điều hết sức cần thiết. Lý do bởi vì trong Ngày Chúa đến sẽ có lắm kẻ lừa dối: “ Hãy coi chừng kẻo có kẻ lừa dối các ngươi. Vì lắm kẻ sẽ mạo danh Ta mà nói:Ta là Đấng Ki Tô và sẽ lừa dối nhiều người” ( Mt 24, 4 -5 )
Sau khi được thị kiến, chị thánh Faustina đã trình bày với cha giải tội và mẹ bề trên và rồi đã bị các nữ tu trong dòng bàn tán sôi nổi và coi chị như một thị nhân điên khùng. Những lời đồn đại ngày một nhộn nhạo hơn, một nữ tu cảm thấy thương hại nên thành thực nói với chị: “ Này chị, tôi nghe người ta nói chị là người hoang tưởng và có nhiều thị kiến. Người chị em đáng thương của tôi ơi, chị hãy giữ mình trong vấn đề này”
Không những chỉ bị chị em ngờ vực, đoán xét này nọ, có lần chị thánh còn bị một mẹ bề trên nhục mạ đuổi ra khỏi phòng: “ Cái chị dở hơi, đồ thị kiến điên khùng, hãy xéo khỏi cái phòng này ngay, đừng có mà đứng đó nói vớ nói vẩn”. Chị lui về phòng mình với nỗi nhục nhã ê chề, gục đầu trước Ảnh Chuộc Tội than thở: “ Lạy Chúa Giê Su, lạy Chúa Giê Su, con không thể tiếp tục được nữa. Chị ngã gục vì sức nặng ấy, mình đẫm mồ hôi và nỗi sợ hãi bắt đầu chụp xuống. Trong lòng chị thánh thấy không còn một ai để nương tựa. Đột nhiên chị nghe một tiếng nói trong linh hồn: “ Đừng sợ, Cha ở với con” và một ánh sáng soi chiếu cho tâm trí chị và chị đã hiểu rằng không nên đầu hàng trước các phiền sầu như thế. Được đầy tràn sức mạnh, chị bước ra khỏi phòng với lòng can đảm mới mẻ để chịu đựng đau khổ” ( NK 129 )
Lời nói của Chúa: “ Đừng sợ, Cha ở với con” đã khiến chị Faustina có được can đảm vượt qua sầu khổ. Điều ấy chứng tỏ được có Chúa…ở cùng là hết sức quan trọng trong cuộc hành trình tâm linh. Tính chất…Ở Cùng của Chúa Giê Su được thể hiện rõ nhất nơi Bí Tích Thánh Thể. Con người ngày nay đã mất lòng tin nơi Chúa Giê Su chỉ vì đã không tin Chúa ngự thật trong Phép Mình Thánh: “ Vì thịt Ta thật là của ăn. Máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” ( Ga 6, 55 -56 ).
Chính bởi không tin Chúa Giê Su Thánh Thể nên mới gây ra tội Phạm Thánh như hiện nay đang thấy. Trong nhiều trường hợp, thánh Faustina đã được Chúa cho biết tội phạm thánh đã gây cho Ngài đau đớn thế nào !” Hôm nay, tôi biết được Chúa Giê Su rất kinh hãi khi đến với một linh hồn kia khi hiệp lễ. Người vào nhà linh hồn ấy như vào ngục thất tăm tối để chịu tra tấn và đau khổ” ( NK 1280 ).
Đối với các tu sĩ, linh mục cũng vậy, đa số họ chỉ rước lễ theo thói quen, đây cũng là điều gây đau khổ cho Chúa: “ Hôm nay Chúa phán với tôi: Hỡi ái nữ của Cha, con hãy viết rằng điều làm Ta hết sức đau khổ là linh hồn các tu sĩ lãnh nhận Bí Tích Tình Yêu theo thói quen, dường như họ không phân biệt được thần lương này. Cha không gặp được đức tin hoặc tình yêu trong tâm hồn họ. Cha hết sức miễn cưỡng phải vào những linh hồn như thế. Chẳng thà họ đừng lãnh nhận thì hơn” ( NK 1288 ).
Bí tích Thánh Thể là nguồn ơn là sức mạnh nâng đỡ giáo hội. Làm mất đi nguồn ơn thiêng ấy, giáo hội sẽ lâm cơn yếu nhược và… chết. Chính bởi lẽ đó Chúa Giê Su đã cho thánh Faustina được nhiều thị kiến về mầu nhiệm cao cả này. Chị thánh bị đau rất nặng không thể đến tham dự Thánh Lễ nơi nhà nguyện dù hết sức ước ao. Thế rồi chị đã được một thiên thần đến tận bên giường cho rước lễ: “ Khi Tình Yêu và niềm mong nhớ của tôi lên tới cao độ, tôi nhìn thấy bên mình một vị luyến thần, ngài đã cho tôi rước lễ và tuyên bố: Này đây, Chúa các thiên thần. Khi tôi rước Chúa, thần trí tôi được đắm đuối trong Tình Yêu Thiên Chúa và sự ngạc nhiên. Việc này được lặp lại trong suốt 13 ngày” ( NK 1676 ).
Có thể nói Bí Tích Thánh Thể là trụ cột đỡ nâng và là động lực tồn tại của Đạo Công giáo lý do là vì Bí Tích này đem Chúa Ki Tô hiện diện giữa lòng thế giới. Tuy nhiên nói đến Bí Tích Thánh Thể thì không thể không nói đến thiên chức Linh Mục hiểu như là một Ki Tô Khác ( Alter Christus ). Sự thật, nếu không có linh mục thì cũng chẳng có Bí Tích Tình Yêu ! Bởi đó cho nên vai trò của linh mục là không thể thiếu trong Nhiệm Thể Chúa Ki Tô.
Trong một thị kiến khác, thánh Faustina đã được cho biết vai trò của linh mục quan trọng như thế nào ? “ Một lần kia, ngay trước lúc hiệp lễ, trong lòng tôi nổi lên một mối nghi ngờ, vị luyến thần đem Chúa Giê Su lại đứng ngay trước mắt tôi. Tôi hỏi Chúa Giê Su nhưng không được trả lời, tôi liền nói với vị luyến thần: Ngài có thể giải tội cho tôi được chứ và thiên thần đáp lại: Không thiên thần nào trên trời có được năng quyền ấy và lúc ấy Bánh Thánh đã được đặt trên môi tôi” ( NK 1677 ).
Hiệp lễ là để có Chúa…ở cùng, thế nhưng việc có Chúa Ở Cùng ấy hẳn nhiên ngoài những ơn lành cần thiết, Chúa còn muốn dẫn dắt ta tiến bước trên Con Đường Trọn Lành: “ Hôm nay trong Thánh lễ, tôi nhìn thấy Chúa Giê Su Hài Đồng sát bên bàn quỳ của tôi. Dường như Chúa chỉ khoảng một tuổi và Người đòi tôi bồng ẵm. Khi tôi đã ẵm Chúa trên tay, Người rúc sát vào người tôi và nói: Thật thích thú được gần sát bên trái tim con. Tôi nói với Chúa, mặc dù Chúa nhỏ bé nhưng con vẫn biết Chúa là Thiên Chúa. Tại sao Chúa lại mang hình một con trẻ bé bỏng thế này để kết nghĩa thân thiết với con ? Bởi vì Cha muốn dạy con Con Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng. Cha muốn con thật nhỏ bé, Cha sẽ đưa con đến sát gần Trái Tim Cha, giống như lúc này con đang ẵm Cha sát bên trái tim con vậy” ( NK 1481 )
Qua việc Rước Lễ, Chúa Giê Su đã dạy thánh Faustina Con Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng cũng chính là Đạo Lý Bỏ Mình. Bao lâu còn thấy…có “Mình” thì không thể có Chúa…ở nơi mình. Đang khi đó thì Thiên Chúa, Đấng Ẩn Giấu ấy vẫn hằng hữu ở nơi ta mà ta không biết. !
Mester Eckart ( 1260 - ? ) nhà thần bí cũng là một linh mục Dòng Đa Minh trong một bài giảng đã đặt câu hỏi và tự trả lời thế này: “ Tại sao chúng ta cầu nguyện ? Tại sao chúng ta ăn chay ? Tại sao chúng ta làm mọi việc ? Tại sao chúng ta được rửa tội ? Tại sao ( quan trọng nhất ) Thiên Chúa đã làm người ? Tôi sẽ trả lời: Để Thiên Chúa có thể được sinh ra trong linh hồn và linh hồn được sinh ra trong Thiên Chúa. Vì lý do đó mà Kinh Thánh được viết ra, vì lý do đó mà Thiên Chúa tạo dựng nên thế giới và các thiên thần” ( Richard Woods O.P – Thần Bí và Ngôn Sứ - Truyền Thống Đa Minh ).
Về mục đích của việc sống đạo, nhà thần bí đã đưa ra quan niệm: “ Để Thiên Chúa được sinh ra trong linh hồn và linh hồn được sinh ra trong Thiên Chúa”. Có thể nói mặc dù quan niệm này rất chính xác nhưng chẳng những vào thời ấy mà cho đến tận ngày nay giáo hội vẫn không sao có thể chấp nhận ! Tại sao ? Đó là vì vẫn chưa thể thoát khỏi cái chấp cho thân xác này là…mình: “ Vì thế không được khinh miệt đời sống thể xác con người nhưng trái lại phải coi thân xác là tốt lành, đáng tôn trọng vì được Thiên Chúa tạo thành và sẽ được sống lại trong ngày sau hết” ( HCMV về GH trong thế giới ngày nay – Gaudium Spes ).
Phải chăng cũng vì coi xác thân này là…tốt lành, đáng tôn trọng thế nên người ta kể cả hàng tu sĩ lẽ ra là những con người Thánh Hiến cần phả biết khinh chê thế gian thì lại để cho dục tình lôi kéo đến nỗi đã phản bội Con Đường Thập Giá Chúa Ki Tô: “ Vì lắm kẻ ăn ở như tôi đã ghe phen nói với anh em, lại nay cũng khóc mà nói nữa rằng họ là thù nghịch với thập giá Đức Ki Tô, kết cục của họ là hư mất, thần của họ là cái bụng. Họ lấy sự nhơ nhuốc mình làm vinh hiển, họ chỉ chí hướng về những việc thuộc về đất” ( Pl 3, 18 -19 ).
Bao lâu còn chấp xác thân này là…mình thì tất cả việc sống đạo chỉ là hình thức nếu không muốn nói là một thứ tôn giáo vong thân, đánh mất mình !. Chấp xác thân là mình, điều đó người đời không một ai tránh khỏi. Tuy nhiên có sự thật này là ai ai rồi ra cũng phải chết nhưng nếu quả thật xác thân này là mình sao không cứ…ở lại nhà lại phải gấp đem đi chôn, sau vài ngày mà không tống táng đi thì chẳng ai chịu nổi cái mùi xú uế ghê tởm của nó !!!
Không phải chỉ khi chết đi mới xông mùi xú uế mà ngay khi còn sống sờ sờ ra đó thì đã bốc mùi rồi, thánh Faustina đã được Chúa cho cảm nghiệm về điều kinh khủng đó: “ Một ngày kia, tôi đâm hồ nghi vì sao tôi lại cảm nghiệm thân xác không ngừng bị thối rữa nhưng đồng thời vẫn có thể đi lại và làm việc. Có lẽ đây là một hình thức ảo tưởng chăng ? Tuy nhiên không thể là ảo tưởng bởi vì điều ấy gây cho tôi những cơn đau dữ dội. Khi tôi miên man nghĩ về điều ấy thì có một chị đến nói chuyện với tôi. Sau một vài phút chị ấy nhăn nhó kinh hãi nói: Chị ơi, em ngửi thấy có một xác chết ở đây như thể đang thối rữa, hãi quá đi thôi !Tôi đáp: Này chị, chị đừng hoảng sợ, cái mùi xác chết là từ em phát ra đó. Chị ấy rất kinh ngạc và nói không sao chịu nổi. Sau khi chị ấy đi khỏi, tôi hiểu ra Thiên Chúa đã cho chị ấy ngửi thấy như vậy để tôi không còn nghi ngờ gì nữa” ( NK 1430 ).
Chẳng những thân xác không ngừng tan hoại thối rữa mà cả cõi thế gian này cũng vậy. Thế nhưng con người vì sống trong vòng trói buộc của Sa Tan nên đã bị nó lừa dối giống như Nguyên Tổ nơi Vườn Địa Đàng xưa. Một đàng Đức Chúa Giehova cấm không được…ăn trái cây phân biệt, ăn vào sẽ chết. Một đàng rắn Sa Tan nói:” Hai người chẳng chết chóc gì đâu nhưng ĐCT biết rằng hễ ngày nào hai người ăn trái đó mắt mình mở ra sẽ như ĐCT biết điều thiện điều ác” ( St 3, 4 -5 ).
Xét về một khía cạnh nào đó, quả thật Sa Tan không…nói dối, đúng là mắt hai ông bà nguyên tổ đã mở ra nhưng mở ra để thấy mình trần truồng, lỏa lồ tức bước vào con đường ác tập nhị nguyên, thấy có Ta ( Ngã ) có Người ( Nhân ) và vì sự phân biệt ấy con người phải đối diện với muôn vàn khổ đau để rồi cuối cùng cũng phải chết cả về phần xác lẫn phần hồn !!!
Con đường Ác Tập Nhị Nguyên ấy chỉ có thể tháo gỡ thông qua Con Đường Bỏ Mình của Đức Ki Tô: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, hàng ngày vác thập tự giá mình mà theo” ( Lc 9, 23 ). Ý nghĩa sâu xa của việc Bỏ Mình đó là bỏ ý riêng mình đi. Điều này xem ra có vẻ…đơn giản nhưng trong thực hành đó quả thật là…vạn nan. Thánh Faustina được ơn gọi để chuẩn bị cho Ngày Chúa đến. Đây là một trọng trách khó khăn nếu không bỏ được mình thì không cách chi có thể chu toàn !
Trong một buổi tĩnh tâm, chị thánh được Chúa Giê Su phán bảo: “ Cha ở với con, trong Tuần Tĩnh Tâm này, Cha sẽ củng cố con trong an bình và can đảm để con đủ sức mạnh mà thực hiện những chương trình của Cha. Vì thế, con sẽ hoàn toàn khước từ ý riêng trong Tuần Tĩnh Tâm này và như vậy trọn vẹn Thánh Ý Cha sẽ được thực hiện nơi con. Con hãy biết rằng điều này đòi hỏi con rất nhiều. Vậy con hãy viết những chữ sau đây trên một trang giấy sạch: “ Từ nay trở đi ý riêng của tôi không còn nữa” và gạch chéo qua trang giấy ấy. Ở trang bên kia, con hãy viết những chữ này: Từ nay trở đi, tôi thực thi Thánh Ý Chúa mọi nơi, mọi lúc và trong mọi sự. Con đừng sợ hãi gì, Tình Yêu sẽ ban cho con sức mạnh và làm cho điều này trở nên dễ dàng thực hiện”.
…Lúc quỳ xuống gạch bỏ ý riêng của tôi như Chúa đã truyền, tôi nghe được lời này trong linh hồn: “ Từ nay trở đi, con đừng sợ hãi công phán của Thiên Chúa vì con sẽ không bị phán xét” ( NK 372 – 373 )./.
Phùng Văn Hóa