Phần phụng vụ của ngày thứ 2 sau Chúa nhật 23 TNB hôm nay trình bày cho chúng ta một số lưu ý trong việc rao giảng Tin mừng.
Ai cũng chọn việc dễ dàng, thoải mái và
sung sướng, nhưng công việc rao giảng Tin mừng không phải như vậy. Để rao giảng
Tin Mừng, chúng ta được mời gọi phải chấp nhận bỏ mình để đón nhận những khó
khăn và gian nan hầu Tin mừng được rao giảng. Chính Thánh Phaolô đã minh định
điều đó khi ngài nói: “Thưa anh em, giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì
anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào
thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh. Tôi đã trở nên người
phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến
anh em : đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm
đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho
dân thánh của Thiên Chúa.” (Cl 1, 24-26).
Để Tin mừng của Chúa Giê-su được lan toả
và được nhiều người đón nhận, người rao giảng phải biết hy sinh, dấn thân và chấp
nhận những khó khăn dù bị bách hại. Trò không hơn Thầy là vậy, để đem ơn cứu độ
cho muôn người, Đức Giê-su đã phải trải qua nhiều đau khổ, nhất là phải trải
qua cái chết trên thập giá. Hơn nữa, rao giảng Tin mừng không phải chọn thời cơ
nhưng chúng ta được mời gọi hãy nói lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện
trong mọi môi trường sống. Nghĩa rằng là chúng ta đừng bỏ một cơ hội nào cả dù
nhỏ nhoi dù ở đâu đi chăng nữa miễn sao Đức Giê-su được giới thiệu.
Nơi bài Tin mừng (Lc 6,6-11), lại trong
ngày Sa-bat, Đức Giê-su tiếp tục giảng dạy. Ngài lại bắt gặp một người bại tay
và đã chữa lành cho anh ta. Vì Ngài muốn dạy rằng dù là ngày Sa-bát đi nữa cũng
là nhằm để cứu mạng người chứ không phải giết chết, làm việc lành hơn là điều xấu.
Đây cũng là cách răn dạy cho những kinh sư và các người Pha-ri-sêu. Họ chỉ giữ
luật bề ngoài với cái tâm không tốt: ‘Rình và giận điên’ và bàn nhau để làm điều
xấu. Họ đã không có cơ hội để gặp gỡ Chúa và không có cơ hội để làm việc lành
phúc đức. Còn Đức Giê-su, trong mọi nơi mọi lúc, nhất là ngay trong lúc này,
Ngài đã thực hiện một nghĩa cử yêu thương nhằm diễn ta uy quyền và tình yêu của
Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa chỉ có yêu thương và tha thứ, chỉ có
con người mới hận thù và ghen ghét mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, ai trong chúng con cũng
thích tự do, nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ. Có nhiều xiềng
xích do chính chúng con tạo ra.Xin giúp chúng con được tự do thực sự :tự do trước
những đòi hỏi của thân xác,tự do trước đam mê của trái tim,tự do trước những
thành kiến của trí tuệ.Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,để dễ nhận
ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,xin cho chúng con được tự
do như Chúa.Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,khi Chúa đồng bàn với người
tội lỗi và chữa bệnh ngày Sabát. Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật. Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái
chết, vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng. Xin cho chúng con đôi cánh của
tình yêu hiến dâng, để chúng con được tự do bay cao. (Lm. Antôn Nguyễn Cao
Siêu, S.J.)
Linh mục Phaolo Phạm Trọng Phương
