Trang Missio (tiếng Pháp) phỏng vấn cô Lê Nguyễn Quỳnh Như, giáo lý viên giáo xứ Khiết Tâm, Thủ Đức

Xin cô giới thiệu về
cô cho độc giả chúng tôi và xin cô nói vài lời về gia đình cô.
Cô Lê Nguyễn Quỳnh
Như: Rất vui lòng. Tôi là Lê
Nguyễn Quỳnh Như, năm nay 26 tuổi, tôi sống tại Giáo xứ Khiết Tâm, Thủ Đức
thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn. Tôi học giáo lý khi tôi chưa tròn năm tuổi. Và từ
tám năm nay, tôi dạy giáo lý cho trẻ em và các bạn trẻ ở đây. Tôi tốt nghiệp
trường Đại học Sư phạm Công nghệ Sài Gòn. Tôi chủ yếu học sư phạm tiếng Anh và
hiện tôi vừa là trưởng phòng học thuật vừa là giáo viên dạy tiếng Anh tại Trung
tâm Âm nhạc và Anh ngữ (Happy Days English and Music Center) do các tu
sĩ Salêdiêng dòng Don Bosco (FMA) thành lập.
Tôi cũng xin nói về gia đình tôi. Cha tôi là
hình ảnh tiêu biểu của Thánh Giuse. Ông là nhân viên bảo trì nhà của một khách
sạn Nhà nước, dù có rất nhiều việc phải làm nhưng ông lúc nào cũng về nhà ăn
trưa. Nếu có gì hư hỏng trong nhà, cha tôi sửa được ngay. Mẹ tôi là bà mẹ nội
trợ đảm đang, bà là bảo mẫu chăm sóc em bé ban ngày. Tôi khó hình dung một ngày
đi qua mà không có bà. Mẹ tôi chăm sóc từng người trong nhà. Đôi khi bà bực
bội, nhất là những lúc bà có nhiều việc và chúng tôi không phụ bà bao nhiêu.
Điều làm tôi kính phục cha mẹ là cha mẹ không bao giờ phàn nàn, cả những lúc họ
gặp khó khăn. Cha mẹ cố gắng cho chúng tôi một căn nhà đẹp và một gia đình hạnh
phúc.
Tôi có một người anh trai, hiện đã lập gia đình,
hai người đã có một cháu gái thật dễ thương cách đây hai năm.
Người công giáo là
thiểu số ở Việt Nam. Bằng con đường nào gia đình cô có đức tin công giáo?
Người công giáo đúng là thiểu số ở Việt Nam. Đa
số họ theo đạo từ lâu và giữ được đức tin nhờ truyền thống gia đình. Tôi không
ở trong ngoại lệ này.
Theo tôi biết, ở Việt Nam hầu hết trẻ em trong
gia đình có đạo đều được rửa tội khi còn nhỏ. Một số người lớn học giáo lý để
được rửa tội vì họ muốn lập gia đình với người có đạo.
Kinh Thánh đóng vai
trò gì trong đời sống của tín hữu? Giáo xứ cô có các nhóm học Kinh Thánh, các
cộng đoàn tu sĩ mà giáo dân có thể gặp để cùng đọc sách thánh và chia sẻ không?
Khi trẻ em lên năm, cha mẹ dắt con đi lễ, học
giáo lý và chơi với các bạn cùng tuổi. Giáo xứ của tôi có nhiều khóa học giáo
lý cho trẻ em và thanh thiếu niên do các linh mục, các sơ hoặc các giáo lý viên
phụ trách. Chúng tôi đọc Kinh thánh, chúng tôi khám phá ý nghĩa Lời Chúa và
chúng tôi vui đùa trong khi học. Ngoài ra còn có các sinh hoạt đặc biệt trong
năm phụng vụ như làm máng cỏ sống ngày lễ Giáng Sinh, trang hoàng, trao đổi
trứng Phục sinh, dâng hoa Đức Mẹ tháng 5. Đôi khi chúng tôi dùng các trò chơi
để hiểu Thánh Kinh hơn, như thế dễ dàng và làm cho trẻ em vui khi học Kinh
Thánh. Mỗi mùa hè, các em được đi cắm trại trong lều, đây cũng là dịp để các em
diễn những vai trong các câu chuyện từ Cựu ước và Tân ước.
Giáo dân có đóng vai
trò tích cực trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội không?
Theo tôi, giáo dân đóng vai trò quan trọng trong
đời sống và sứ mệnh Giáo hội. Giáo dân giáo xứ tôi tham gia vào nhiều nhóm, với
các chức vụ và trách nhiệm khác nhau. Họ khuyến khích, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn
nhau để hoàn thành công việc. Ngoài ra, chúng tôi còn có dịp đi thăm người lớn
tuổi và những người thiếu thốn. Chúng tôi làm công việc này trên toàn giáo xứ
kể cả với những người không có đạo. Chúng tôi tặng họ nhiều quà khác nhau
và họ cảm nghiệm được lòng thương xót và tình yêu của Chúa.
Giáo dân cộng tác với các linh mục trong nhiều
chương trình như tái thiết nhà thờ, đòi hỏi sự giúp đỡ của mọi người, công sức,
vật chất, tài chính kể cả mặt tinh thần. Những chương trình như vậy chỉ thành
công khi có động lực và sự nhiệt tình giúp đỡ của mọi người.
Điều gì làm cho Giáo
hội thu hút được với người Việt Nam?
Khi tôi hỏi những người lớn tuổi vì sao họ đi
nhà thờ và điều gì thu hút họ đến đây, họ đều trả lời vì họ cảm thấy thư thái
và bình an khi đến nhà thờ. Chính bầu khí bình an của nhà thờ làm họ quên đi
các khó khăn của cuộc sống.
Còn các người trẻ tuổi, họ xem nhà thờ là nơi họ
có thể ở trong một nhóm đặc biệt gồm những người cùng chia sẻ một sứ mệnh. Họ
cũng cảm thấy mình được hiệp thông với người khác trong tình yêu Chúa. Được
tham gia vào ca đoàn, hoặc các tổ chức công giáo giúp họ xây dựng các mối quan
hệ tốt, có bạn cùng chia sẻ vui buồn trong đời sống hàng ngày.
Nhiều người đến với nhà thờ vì những thứ khác
như tòa nhà mát mẻ thoáng đãng, có tượng, hoa, đèn, nến, v.v. Có người đến vì
các sinh hoạt liên quan đến các dịp đặc biệt như Giáng sinh, Phục sinh hoặc
ngày kiệu tôn vinh Mẹ Thiên Chúa. Có những người thích các buổi học Lời Chúa
trong bầu khí sâu đậm và xác thực.
Cô thấy điều gì đặc
biệt hấp dẫn hoặc thú vị trong giáo xứ để cô bỏ thì giờ ra sinh hoạt. Cô có thể
cho chúng tôi biết cô tham gia vào lĩnh vực nào?
Tôi hiện dạy tôn giáo cho một nhóm hai mươi
thiếu nữ 15 tuổi. Chúng tôi đi lễ sáng chúa nhật (7:15 sáng đến 8:00 sáng).
Chúng tôi nghỉ giải lao mười lăm phút và sau đó chúng tôi có lớp giáo lý cho
đến 9:30 sáng. Như những người khác cùng tuổi, tôi thích dành thì giờ để tháp
tùng các học sinh giáo lý. Chúng tôi nói chuyện với các em về Lời Chúa và khả
năng thực hành đức tin của chúng tôi trong cuộc sống cụ thể. Theo tôi, đây cũng
là cơ hội tốt để cùng nhau đọc Kinh Thánh, chia sẻ đức tin vào Chúa và cảm thấy
hạnh phúc vì Ngài yêu thương chúng tôi. Chúng tôi thấy mình như ở trong một gia
đình lớn, chúng tôi chia sẻ lo lắng, niềm vui và giúp nhau tăng trưởng đức tin
mỗi ngày.
Tôi cũng là thành viên của ban truyền thông giáo
xứ. Nhiệm vụ chính là cập nhật thông tin trên trang mạng của giáo xứ (http://gxkhiettam.net/). Chúng tôi truyền thông tin hữu ích cho giáo dân, viết bài, chụp
hình các sự kiện của năm phụng vụ. Sau đó, chúng tôi đăng tóm tắt trên Facebook
và trên bảng thông báo giáo xứ.
Cô thích các lễ hay sự
kiện tôn giáo nào nhất và tại sao?
Không có thời điểm nào trong năm vui tươi, sôi
động và yên bình như ngày lễ Giáng sinh. Tôi nghĩ ngày lễ Giáng sinh là lễ tôi
thích nhất. Với tôi và cũng với nhiều người trong giáo xứ, lễ Giáng Sinh là lễ
đặc biệt, giáo dân gặp nhau để cùng nhau sinh hoạt, trang trí nhà thờ, cây
Noel, làm máng cỏ ở nhà thờ và nhà nào cũng có máng cỏ. Nhiều người, có đạo hay
không, tay trong tay dắt nhau đi lễ nửa đêm. Có thể nói Giáng sinh là lễ nối
kết mọi người lại với nhau!
Các sinh hoạt xã hội
và mục vụ nào ở Giáo hội Việt Nam, đặc biệt là ở giáo xứ của cô? Ai tham dự và
chính xác là như thế nào?
Giáo xứ chúng tôi có nhiều nhóm trẻ. Họ kiếm
tiền để làm việc thiện bằng cách thu gom đồ cũ và bán vào cuối tuần để giúp đỡ
người nghèo. Trong giáo xứ, họ khuyến khích mọi người giúp tiền hoặc thức ăn.
Vào các ngày lễ đặc biệt như Giáng sinh, Phục sinh hoặc Tết Nguyên đán, các
nhóm nay cùng đi với các linh mục đến thăm đồng bào dân tộc thiểu số hoặc những
người bị ảnh hưởng do thiên tai, cung cấp thực phẩm, quần áo cho những ai cần.
Họ cũng tổ chức các sự kiện hoặc các sinh hoạt văn hóa cho trẻ em.
Theo cô, đâu là những
thách thức cấp bách nhất mà Giáo hội Việt Nam phải đối diện?
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ. Mọi
người dường như không đủ thời gian dành cho Chúa. Đặc biệt những người trẻ, họ
thấy đi lễ là quá mất thì giờ, không phù với cuộc sống hiện đại. Nhiều người
cho sinh hoạt nhà thờ hoặc học Kinh Thánh là nhàm chán. Người trẻ dành nhiều
thì giờ cho Internet, Facebook hoặc các dịch vụ tương tự hơn
là cho các hoạt động cộng đồng.
Ngoài ra, có nhiều em tiếp xúc với những loại
văn hóa không lành mạnh, ảnh hưởng đến nhân cách, lối suy nghĩ của các em. Vì
vậy, là giáo lý viên, chúng tôi không ngừng rèn luyện bản thân, sốt sắng cầu
nguyện, đổi mới phương pháp giảng dạy để làm cho các bài học giáo lý trở nên
hấp dẫn, tìm cách tiếp xúc với các em hiệu quả hơn, đồng hành với các em trên
con đường tốt.
Số lượng lớn người di cư cũng tạo những khó khăn
cho chúng tôi. Họ bỏ làng ra đi để sống
và làm việc trong các thành phố lớn. Điều này
tạo các thay đổi quan trọng trong các cộng đồng. Cách đây 20 năm, giáo dân
trong giáo xứ biết nhau rất rõ, vì giáo xứ chưa đến một trăm gia đình, nhưng
bây giờ hầu như không thể vì có quá nhiều người sống và làm việc trong giáo xứ!
Đối với giáo lý viên, khó có thể biết được hoàn cảnh gia đình của từng em. Một
số trường công còn không đủ chỗ cho các em học. Đó là lý do vì sao các con em
trong các gia đình di cư không được đi học trường công.
Đại dịch Covid-19 đã gây trở ngại nghiêm trọng
cho cuộc sống giáo xứ. Chúng tôi không còn dạy giáo lý nữa và chúng tôi hạn chế
các buổi phụng vụ. Chúng tôi cầu nguyện để đại dịch chóng chấm dứt!
Đức Phanxicô đã chọn
câu sau làm chủ đề cho chúa nhật Truyền giáo Toàn cầu: “Phần chúng tôi, những
gì tai nghe mắt thấy, chúng tôi không thể không nói ra ” (Cv 4: 20).
Những lời này truyền cảm hứng cho cô như thế nào?
Là người công giáo, tôi có bổn phận phải nói về
Chúa Giêsu, chứng tỏ tình yêu của Chúa qua đời sống của tôi. Tôi hiểu, qua lối
sống, qua hành động của Ngài, Chúa Giêsu luôn thể hiện hình ảnh Thiên Chúa là
tình yêu. Chúa Kitô đã sống một cuộc đời giản dị, Ngài gần gũi với người nghèo
và người bị khinh miệt. Ngài chữa lành các vết thương về thể xác cũng như tinh
thần, đặc biệt với những người bị lên án là kẻ phạm tội, là người mắc bệnh
phung hủi. Ngài nâng đỡ và bảo vệ những người bị loại trừ khỏi xã hội. Khi tôi
nhìn vào tấm gương cao cả của Chúa Giêsu, tôi có thêm can đảm để sống cho Ngài.
Tôi không có lý do gì để im lặng khi suy ngẫm về
kế hoạch cao cả của Chúa. Tôi tạ ơn Ngài vì tôi biết tất cả những chuyện tốt
đẹp và tươi sáng, mọi sinh vật dù nhỏ dù lớn đều đến từ Chúa, và tôi cũng muốn
mang lại niềm vui cho những người tôi gặp.
Khi đọc đoạn 4 câu 20 của sách Công vụ
Tông đồ, tôi nhận ra tôi thường do dự và chưa nói với những người bạn ngoài
công giáo của tôi về Chúa khi có dịp. Như Thánh Phaolô đã nói: “Khốn cho tôi
nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Co 9: 16). Tôi cảm thấy không tốt khi bỏ
lỡ dịp để nói về tình yêu lớn lao mà Chúa ban cho chúng ta. Nhưng đây là công
việc khó khăn, nó không thể sinh hoa trái nếu không có sự giúp đỡ của Chúa.
Cũng như Thánh Phêrô đã trả lời cho các giáo sĩ do thái trong đền thờ: “Chúng
tôi không thể im lặng trước những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe”, tôi sẽ cố
gắng hết sức để theo Chúa Giêsu. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, tôi có đủ sức mạnh để
nói cho người khác biết về Nước Chúa, dù đức tin của tôi có thể chỉ bé bằng hạt
cải.
Cô có điều gì muốn nói
với các tín hữu ở Thụy Sĩ không?
Chúng tôi rất vui khi có thể nói “cha” hoặc “abba”
với Chúa và được sống trong tình yêu thương của Ngài. Thuật ngữ “abba” này –
như em bé trìu mến gọi cha mình – là một từ đầy đức tin, tình yêu và sự tin
cậy.
Tôi muốn chia sẻ với các bạn một câu trích trong
cuốn sách yêu thích của tôi, “Tôn giáo của tình yêu”: “Bạn có thể tự
hỏi: Nếu tôi tin vào Chúa Giêsu Kitô và tôi trở lại đạo công giáo, tôi nên biến
đổi cuộc đời mình như thế nào? Câu trả lời rất đơn giản: Nếu bạn là người công
giáo, bạn sẽ tiếp tục sống một cuộc sống hoàn toàn bình thường với tất cả trách
nhiệm cá nhân của mình với gia đình và xã hội. Tuy nhiên, cuộc sống của bạn sẽ
tràn ngập hai tình cảm: tình yêu của Chúa và tình yêu tha nhân.”
Chúng tôi xin cám ơn
rất nhiều về cuộc phỏng vấn này!
Tôi cũng xin cám ơn Missio đã
cho tôi có cơ hội kể về giáo xứ của tôi.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch