Một ngày hoạt động của “Phòng khám nhân ái” nằm trong khu phức hợp mục vụ rộng lớn Chúa Kitô Vua ở Loikaw với hình ảnh y tá Clement Khun, một tín hữu Công giáo 40 tuổi đang chăm sóc cho các bệnh nhân. Bên cạnh đó là sơ Têrêsa, nữ tu của dòng Nữ tử bác ái Đức Maria đang nở nụ cười đón tiếp các trẻ em và người già.

Khủng hoảng ở Myanmar
Sơ Têrêsa xúc động nói: “Trong thảm cảnh
chúng tôi đang trải qua, đức tin, niềm hy vọng và bác ái vẫn còn. Chúng tôi ở lại
với cộng đoàn trong đó có sự hiện diện của Chúa. Thần Khí Chúa ban cho chúng
tôi lòng can đảm, giúp chúng tôi có thể nâng đỡ nhau”.
Nằm ở thủ phủ của bang Kayah, phía đông
Myanmar, đây là trung tâm Công giáo của giáo phận Loikaw. Khu vực rộng lớn này
ngoài Nhà thờ Chính toà Chúa Kitô Vua được xây dựng vào năm 1939, còn có một
trường học, một phòng khám, hai chủng viện, trung tâm mục vụ, một tu viện, nhà
xứ và toà giám mục, ở đó còn có một nhà thờ cổ do các nhà truyền giáo xây dựng
vào cuối thế kỷ XIX.
Cha Celso Ba Shwe, Giám quản Tông toà
đang coi sóc mục vụ sau cái chết đột ngột của Đức cha Stephen Tjephe vào tháng
12/2020, đã mở cửa cho những người di tản phải rời bỏ nhà cửa ở Loikaw, do các
cuộc đụng độ giữa người dân Myanmar và quân đội. Đa số là những người trẻ phản
đối chính quyền quân đội nắm quyền trong cuộc đảo chính tháng 02/2021.
Trong hơn một năm, bạo lực và khủng bố
đã làm cho đời sống của người dân vô cùng khó khăn, đầy bấp bênh, đau khổ và bệnh
tật. Hiện số người di dời nội bộ là hơn 170 ngàn người. Y tá Clement nói:
“Trong hoàn cảnh này, ánh sáng Phục sinh đã đến chiếu toả ngôi mộ của chúng
tôi. Chúa Kitô ban lại cho chúng tôi niềm hy vọng. Hơn 200 tín hữu Công giáo
đang ở trong khu phức hợp Chúa Kitô Vua. Họ tạo thành một cộng đoàn dân cư đặc
biệt gồm các gia đình, phụ nữ, trẻ em, tất cả đang ở trong khu vực rộng lớn của
Nhà thờ. Họ là những người cần được chăm sóc. Các linh mục và tu sĩ cộng tác với
cha Celso, và nhờ sự giúp đỡ của các giáo xứ khác ở Myanmar, như ở Yangon, và từ
các nhà tài trợ khác, chủ yếu các tín hữu Myanmar trong và ngoài nước, chúng
tôi cung cấp cho họ quần áo, thực phẩm, thuốc men. Nhưng bên cạnh giúp đỡ vật
chất, sự hỗ trợ về mặt tinh thần và đạo đức cũng không kém quan trọng. Lễ Phục
sinh là tia sáng đã đến giữa chúng tôi. Chúng tôi đau khổ với Chúa Kitô, chúng
tôi vác thập giá với Người và đặt thử thách trong tay Người. Thiên Chúa là Chúa
của niềm ủi an và sức mạnh. Tin tưởng vào Chúa giúp chúng tôi tiến bước giữa
đau khổ”.
Và như thế các tín hữu đã nói về những
người phục vụ ở đây là “những bông hoa trong sa mạc của chúng tôi”. Tại đây,
trong lễ Phục sinh vừa qua có hơn một trăm em đã được rước lễ lần đầu và bí
tích Thêm sức. Đó là một khoảnh khắc cảm động cho toàn thể cộng đoàn của trung
tâm mục vụ, nơi mọi người tụ họp để cử hành các lễ nghi Tuần Thánh. Trong hoàn
cảnh bấp bênh, khó khăn, Hội giới trẻ Thánh Luigi do cha Philip Aung Nge hướng
dẫn đã cố gắng đón tiếp và chuẩn bị cho các em một cách chu đáo. Clement, người
đã phục vụ Phòng khám từ năm 2009 nói: “Lời cầu nguyện hàng ngày của chúng tôi
là: Lạy Chúa xin thương xót chúng con, xin thương xót những người bị thương, bị
sỉ nhục, đau đớn này”.
Cho đến tháng 11/2021, Phòng khám này đã
đón tiếp và chăm sóc cho các bạn trẻ bị thương trong các cuộc đấu tranh. Một cuộc
đột kích của quân đội vào Phòng khám đã bắt đi một số linh mục, tu sĩ, bác sĩ
và nhân viên y tế, sau đó họ thả ra. Họ cố ý làm như vậy để ngăn chặn Giáo hội
chăm sóc những người trẻ bị thương, vì vậy trong vài tháng Phòng khám phải đóng
cửa. Hiện nay, “Phòng khám nhân ái” đã mở cửa phục vụ trở lại nhưng quân đội tiếp
tục kiểm soát các lối vào của khu vực này. Một số bạn trẻ bị coi là “những kẻ nổi
loạn” phải chạy trốn vào rừng. Trong số đó có các bạn trẻ Kitô. Và có hàng ngàn
gia đình Kitô chạy trốn trong rừng. Giáo hội địa phương đã không quên họ và đã
cử hành Tam Nhật Thánh với họ.
Tại bang Kayah, một bang nhỏ nhất trong
số 14 bang và khu vực của Myanmar, phần lớn là Kitô hữu, cha Celso Ba Shwe, Tổng
đại diện và Giám quản Tông toà Loikaw khẳng định, mặc dù chiến sự và nguy hiểm,
từ khu phức hợp Chúa Kitô Vua, các linh mục, tu sĩ, giáo dân như Clement và nhiều
người khác không bỏ chạy, họ vẫn ở đó để phục vụ dân chúng, do cuộc chiến đã phải
trả một giá rất đắt.
Cha kết luận: “Các giáo xứ đã bị bỏ
hoang và các tín hữu đã chuyển đến một nơi khác an toàn hơn, nhưng nhiều linh mục
và tu sĩ luôn ở gần bên để chăm sóc họ. Chúng tôi cũng sẽ làm phần việc của
mình. Chúng tôi ở lại đây, chúng tôi không bỏ ngôi thánh đường. Chúng tôi tin
Thiên Chúa Quan Phòng sẽ giúp chúng tôi”.
Ngọc Yến
(Vatican
News 09.05.2022)