Điều 988 §1 của Bộ Giáo Luật quy định: “Sau khi đã xét
mình kỹ lưỡng và ý thức được tội của mình, người Kitô hữu buộc phải xưng các
loại tội trọng và số tội trọng đã phạm sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, mà
chưa được quyền tháo gỡ của Giáo Hội tha trực tiếp và họ chưa xưng trong lần
xưng tội riêng”.
1.1. Phải xưng tất cả mọi tội trọng theo
từng loại và số
Để xưng thú tội lỗi một cách trọn vẹn, người Kitô hữu trước đó
phải xét mình kỹ lưỡng về tất cả tội trọng. “Để lãnh nhận bí tích Giao
Hoà, hối nhân cần chuẩn bị bằng việc xét mình dưới ánh sáng Lời Chúa. Những bản
văn thích hợp nhất cho việc này được tìm thấy trong Mười Điều Răn và trong giáo
huấn luân lý của các sách Tin Mừng và các Thư Tông Đồ: trong bài giảng trên
núi, trong những giáo huấn của các Tông Đồ (x. Rm 12-15; 1 Cr 12-13; Gl 5; Ep
4-6)” (GLHTCG số 1454). Tất cả các tội trọng phải được xưng theo loại
và theo số, nghĩa là những tội trọng này phải được xác định, và số lần của mỗi
tội đã phạm phải được kể ra hết sức có thể.
1.2. Phải xưng tất
cả các loại tội trọng và số tội trọng đã phạm sau khi đã lãnh
nhận bí tích Rửa Tội
Những tội nào đã phạm trước khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội thì được
tha khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, cho nên không cần xưng nữa. Những tội nào đã
phạm sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội mới là chất thể của bí tích Sám Hối.
1.3. Những tội trọng chưa được quyền
tháo gỡ của Giáo Hội tha trực tiếp và chưa được xưng trong lần xưng tội riêng của
hối nhân
- Những tội trọng chưa được tha trực tiếp bởi quyền tháo gỡ của
Giáo Hội bao gồm: những tội mà hối nhân đã ăn năn tội cách trọn; những tội bị
quên mặc dù đã xét mình cẩn thận; những tội bị bỏ sót một cách vô ý trong lần
xưng tội lần trước; những tội mà hối nhân lúc lãnh nhận bí tích Sám Hối vì có
sự bất lực thể lý hay luân lý (x. Điều 960) nên không thể xưng thú tội được.
Mặc dù những tội trọng kể trên, trong lần xưng tội lần trước, đã được tha một
cách gián tiếp, nhưng khi hối nhân nhớ lại hoặc có thời gian thích hợp thì cũng
buộc phải xưng để được tha cách trực tiếp.
- Cũng vậy, người nào có tội trọng được tha nhờ một ơn xá giải
chung thì buộc phải đi xưng tội riêng sớm hết sức có thể khi có dịp (x. Điều
962 §1 và Điều 963).
2. ĐỐI VỚI CÁC TỘI NHẸ
Theo nguyên tắc, tội nhẹ không buộc phải xưng. Nhưng Giáo Hội cũng
khuyên các Kitô hữu xưng cả những tội nhẹ nữa (Điều 988 §2). “Việc xưng
các lỗi phạm hằng ngày (các tội nhẹ), tuy không thật sự cần thiết, vẫn được Hội
Thánh thiết tha khuyến khích. Quả thật, việc năng xưng các tội nhẹ giúp chúng
ta rèn luyện lương tâm, để chiến đấu chống lại các khuynh hướng xấu, để cho Đức
Kitô chữa lành chúng ta, và để chúng ta tiến tới trong đời sống theo Chúa Thánh
Thần. Năng hưởng nhờ hồng ân của lòng thương xót của Chúa Cha qua bí tích này,
chúng ta được thúc đẩy để trở nên hay thương xót như Ngài: “Ai thú nhận và xưng
tội mình là đã cộng tác với Thiên Chúa. Thiên Chúa tố cáo các tội của bạn; nếu
chính bạn cũng cáo tội mình, thì bạn được kết hợp với Thiên Chúa. Con người và
tội nhân là như hai thực tại: khi nói về con người, thì đó là việc Thiên Chúa
làm; khi nói về tội nhân, thì đó là chuyện chính con người làm. Bạn hãy phá đi
điều bạn đã làm, để Thiên Chúa cứu độ điều Ngài đã làm… Khi bạn bắt đầu ghét
điều bạn đã làm, lúc đó những việc tốt đẹp của bạn khởi sự, bởi vì bạn đã cáo
mình về các việc xấu của bạn. Xưng thú các việc xấu là bắt đầu các việc tốt.
Bạn đang thực hiện sự thật và bạn đang đến cùng Ánh Sáng” (GLHTCG số
1458).
Lm LG Huỳnh Phước Lâm