Vào những năm 1930, sự xuất hiện của chương trình Alcoholics Anonymous đã tạo nên một cuộc cách mạng trong nhận thức về chứng nghiện rượu trên toàn thế giới. Nhưng ít ai biết rằng chương trình này có được một phần là nhờ sự hy sinh quên mình của sơ Ignatia Gavin (1889-1966). Nữ tu người Mỹ này đã phải đấu tranh cả đời để những người nghiện rượu được đưa vào bệnh viện chữa trị.

Alcoholics Anonymous là một hiệp hội
chuyên giúp những người bị nghiện rượu. Trong hội này, chính những người đã từng
nghiện rượu, được cai và thoát khỏi chứng nghiện rượu, giờ đây mong muốn giúp
những người khác đang phải trải qua tình trạng không kiểm soát được chính mình,
bị lệ thuộc vào rượu, có thể thoát khỏi nó. Chương trình cai nghiện được thực
hiện gồm các buổi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và thực hành chương trình phục hồi
được gọi là “chương trình 12 bước”, giúp người nghiện thay đổi lối sống và tìm
lại sự thanh thản, tỉnh táo. Như chính cái tên của nó, hiệp hội đảm bảo đời sống
riêng tư của mỗi người, nên người đến đây cai nghiện không cần nói về thông tin
cá nhân.
Không có lệ phí hoặc thuế để trở thành một
thành viên của Người nghiện rượu Ẩn danh. Hiệp hội Alcoholics Anonymous không
liên kết với bất kỳ loại lý tưởng chính trị hoặc tổ chức nào. Hội không có ý kiến
trong bất kỳ cuộc tranh cãi hoặc vụ việc dân sự nào, trên hết hội không ủng hộ
các quan điểm của chủ nghĩa cấm hoặc chống chất cấm liên quan đến rượu. Các
thành viên tự nguyện phục vụ trong hiệp hội, đóng góp vào việc vận hành và duy
trì. Nhiều thành viên của hội cho biết họ đã nhận được kết quả tốt đối với
phương pháp nhóm hỗ trợ. Cho tới nay, phương pháp “12 bước” được cho là phương
pháp tối ưu so với các phương pháp cai nghiện khác.
Tất cả kết quả trên bắt đầu từ năm 1935,
ở tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ. Một ngày kia, cũng là lần cuối cùng, sơ Ignatia Gavin
rời văn phòng của sơ Bề trên với tiếng thở dài trong khi đi dọc hành lang bệnh
viện thánh Thomas ở Akron. Đây là lần thứ ba trong một tháng, sơ bị kết tội vì
đã đưa một người nghiện rượu vào trong bệnh viện để điều trị.
Y học không nhìn nhận những người nghiện
rượu là những bệnh nhân theo đúng nghĩa. Hầu như không có bệnh viện nào đón nhận
họ. Và khi họ xuất hiện với những cơn mê sảng, một trạng thái mê sảng đáng sợ,
họ sẽ nhanh chóng bị đưa vào trại tâm thần. Họ không có chỗ trong số các bệnh
nhân. Và sau tất cả, họ không chọn từ bỏ rượu.
Từ khi bệnh viện được thành lập vào năm
1928, sơ Ignatia đã làm việc trong văn phòng đón tiếp bệnh nhân. Vì trung tâm y
tế được điều hành bởi dòng Augustinô là hội dòng của sơ, sơ nghĩ rằng cuối cùng
sơ có thể giúp những người bị mắc các chứng nghiện. Nhưng sơ không được mọi người
ủng hộ việc làm này, ngay cả các nữ tu Augustinô khác cũng đổ lỗi cho sơ vì đã
lãng phí nguồn lực của bệnh viện để chăm sóc những người nghiện rượu.
Một ngày kia, Andy, một công nhân 40 tuổi
đã mất vợ vào mùa đông trước đó. Từ đó, anh chìm sâu vào nỗi buồn trong những
cuộc nhậu nhẹt. Và rồi con trai đã đưa anh đến bệnh viện Thomas trong cơn khủng
hoảng. Sơ Ignatia không thể đưa Andy đến nơi tạm trú. Sơ tự hỏi làm sao có thể
bỏ rơi những người dân nghèo vào nhà tù bất hạnh của họ? Họ lệ thuộc vào rượu đến
mức hủy hoại thể xác và tâm hồn. Và các bệnh viện chỉ nhận họ khi cơ thể của họ
đã quá tổn thương.
Rồi một ngày, “Sơ Ignatia, bác sĩ Smith
muốn gặp sơ”, một y tá đến gặp sơ nói.
Bác sĩ Robert Smith, được biết đến với
cái tên bác sĩ Bob, là một người đàn ông cao lớn với vẻ ngoài nghiêm nghị. Ông
là một trong số ít đồng minh của sơ Ignatia trong cuộc chiến vì người nghiện rượu.
Bản thân từng là một người nghiện rượu, trong vài năm ông đã cố gắng thoát khỏi
cơn nghiện. Hai người bạn thường trao đổi về tệ nạn này.
Trong lúc nói chuyện, có một sự nhiệt
tình sáng lên trong ánh mắt bác sĩ phẫu thuật. Với cái nhìn này, sơ Ignatia
đoán rằng có một cái gì đó lớn đang được chuẩn bị. Bác sĩ Bob kể cho sơ nghe về
người bạn của ông, William Wilson, được biết đến với cái tên Bill. Sau nhiều
năm nghiện rượu, Bill nói rằng anh ta đã có một trải nghiệm thần bí, điều đã
không chỉ làm anh thay đổi, nhưng còn chữa lành anh khỏi nỗi sầu khổ.
“Chúng tôi quyết định tạo ra một chương
trình dành cho những người nghiện rượu. Và chúng tôi cần sự hỗ trợ của sơ”, bác
sĩ Smith nói.
Sơ Ignatia không ngừng cầu nguyện cho
chương trình này. Cùng năm đó, bệnh viện Thomas chính thức nhận bệnh nhân nghiện
rượu đầu tiên. Nhờ Smith và Wilson, sơ Ignatia mở một trung tâm đón tiếp những
người nghiện rượu ở Akron. Lấy cảm hứng từ những ý tưởng của thánh I-nhã, sơ
Ignatia quan tâm đến sức khỏe và linh hồn của những bệnh nhân.
Bằng sự nhân từ và khiêm tốn, sơ Ignatia
được gọi là “thiên thần hy vọng”. Cảm động trước đức tin và lòng tốt của sơ,
nhiều bệnh nhân đã được biến đổi. Sơ Ignatia cũng là người đã khám phá ra lợi
ích của cà phê trong việc điều trị cho các bệnh nhân.
Ngày nay Smith và Wilson được công nhận
là những người sáng lập Hiệp hội Alcoholics Anonymous. Nhưng người ta ước tính
một mình sơ Ignatia đã chăm sóc hơn 15.000 người nghiện rượu. Sơ Ignatia đã qua
đời năm 1966. Đối với nhiều người, sơ thực sự là một vị thánh, là “thiên thần
hy vọng” của những người nghiện rượu.
Ngọc Yến
(Vatican
News 27.11.2021)