18.4 Thứ Hai tuần BNPS (Cv 2:14,22-32; Tv 16:1-2,5,7-8,9-10,11; Mt 28:8-15)
Các
bài Tin mừng trong tuần bát nhật mừng Chúa Giêsu Phục sinh đều ghi lại các cuộc
hiện ra của Chúa Giêsu. Bài Tin mừng hôm nay ghi lại việc Chúa Giêsu hiện ra
với các phụ nữ, cách riêng với bà Maria Mađalêna, để củng cố niềm tin và sai
các bà đi báo tin cho các Tông đồ. Ngoài ra, Tin mừng còn nói đến việc các nhà
lãnh đạo tôn giáo Do thái mua chuộc các lính canh mồ để phản bác việc Đức Kitô
sống lại.
Chúa đã sống lại– đây là một sự kiện vui mừng trọng đại có một
không hai trong lịch sử mà cả bốn sách Tin Mừng đều ghi lại với nhiều dẫn chứng
khác nhau. Hôm nay, thứ hai trong tuần bát nhật Phục Sinh, Thánh Matthêu đã
thuật lại cho chúng ta nghe chuyện xảy ra vào sáng sớm ngày Phục Sinh.
Nhà cầm quyền Do thái giáo đã mua chuộc lính canh mồ, khiến họ
chối bỏ sự kiện Chúa đã sống lại mà chính họ đã chứng kiến. Dĩ nhiên – trong
hôm nay – tin đồn lệch lạc này vẫn được loan truyền khắp thế giới con người… Sự
kiện đưa chúng ta đến hai vấn đề: đó là hối lộ là chuyện muôn thuở và tham
nhũng luôn nhằm bóp méo sự thật.
Các phụ nữ đến mồ, thấy mồ trống, gặp thiên thần. Thiên thần cho
hay Chúa Giêsu đã sống lại và bảo các bà đi báo tin cho các môn đệ và bảo họ
Chúa Giêsu chờ họ tại Galilê. Trong tâm trạng vừa sợ vừa vui mừng, các bà chạy
đi báo tin cho các môn đệ.
Tâm trạng sợ hãi: không phải là sợ hãi, mà là nỗi sợ tôn giáo, tâm
trạng của người ý thức Thiên Chúa đang có mặt hoạt động. Vậy các bà “sợ” nghĩa
là các bà ý thức Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giêsu sống lại.
“Đừng sợ”: từ nỗi “sợ hãi” trong lúc Chúa Giêsu chịu nạn chịu
chết, các bà đã chuyển sang “kính sợ” khi nhận thấy quyền năng Thiên Chúa. Lòng
“kính sợ” đi kèm với nỗi “vui mừng hớn hở”. Khi ta thực sự tin vào quyền năng
Chúa, ta sẽ không còn “sợ hãi” bất cứ điều gì nữa, thậm chí còn có thể “vui
mừng hớn hở” trong bất cứ tình huống nào, kể cả cái chết.
Chúa Giêsu đã Phục sinh với các chứng từ rõ ràng không thể chối
cãi được. Đối với Chúa Giêsu, phục sinh là chiến thắng hoàn toàn sự chết, thế
gian và xác thịt, nghĩa là thân xác phục sinh không thể chết được nữa, thân xác
phục sinh không thể bị giới hạn trong không gian hoặc thời gian. Chẳng hạn Chúa
Giêsu khi phục sinh vẫn đi vào nhà các môn đệ khi cửa đóng kín, vẫn có thể hiện
diện nhiều nơi như vừa đồng hành với môn đệ trên đường Emmau, nhưng khi các môn
đệ đó quay lại thì lại được các môn đệ ở nhà kể lại vừa gặp Chúa.
Thánh Matthêu đã nêu ra hai thái độ khác nhau trước biến cố Phục
sinh: một của các phụ nữ, một của đội lính canh. Đối diện với ngôi mộ trống,
các phụ nữ tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng” (Mt 28, 8). Các bà tin vào
lời của Thiên Thần Chúa loan báo và với những gì mình đã tận mắt chứng kiến,
các bà xác tín rằng Chúa đã phục sinh.
Niềm vui gặp Chúa Phục Sinh tràn ngập tâm hồn các bà. Cùng được
chứng kiến những sự việc như vậy nhưng đội lính canh mồ “khiếp sợ run rẩy chết
ngất đi” (Mt 28, 4). Họ không muốn tin và cũng không dám tin vào những gì mình
đã thấy. Họ sợ hãi, chính sự sợ hãi này khiến đầu óc họ không còn minh mẫn nữa.
Họ ngoan ngoãn làm theo điều dối trá mà các thượng tế và kì mục bày cho, họ
phao tin rằng: “Ban đêm lúc chúng tôi đang ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy
trộm xác” (Mt 28,13).
Câu nói của họ thật mâu thuẫn: được cử đi canh mồ mà lại ngủ, ngủ
mà lại biết môn đệ đã lấy trộm xác Chúa, mà nếu biết môn đệ lấy trộm xác sao
không ngăn lại? Họ làm tất cả chỉ mong được vô sự, nhưng họ không biết rằng chỉ
có sự thật mới giải thoát họ khỏi tất cả những nỗi sợ đó.
Chiêm ngắm ngôi mộ trống và suy gẫm về thái độ của các phụ nữ cũng
như đội lính canh mồ, tôi tự hỏi, tôi có tin Chúa sống lại thật không? Nếu tin
thì tôi đã vui mừng, hạnh phúc “chạy” đi báo cho người khác để họ cũng được vui
mừng như tôi chưa? Khi phải đối diện với những khó khăn thử thách tôi có biết
hướng về Chúa Phục Sinh để hy vọng và tín thác không? Hay tôi cũng như những người
lính canh vì chút lợi lộc và an phận đời này mà sợ hãi, lẩn tránh trong những
trò giả trá, bịp bợm?
Kitô hữu là người đối diện với Tin mừng Phục sinh và được trao
nhiệm vụ đi loan báo cho người khác tin vui này… Tuy nhiên, như nhóm lính canh,
có thể vì sợ hãi trước quyền lực trần thế, hay vì một chút lợi lộc, họ đành tâm
phản bội Tin mừng, và do đó cho đến nay vẫn còn những hiểu biết lệch lạc về Đức
Kitô và về Giáo hội.
Chúa Giêsu Phục sinh đã gọi các môn đệ là “anh em” của Ngài: sự
Phục sinh của Chúa đã cứu chuộc tội lỗi của loài người, ban lại cho loài người
quyền làm con Thiên Chúa như Chúa Giêsu. Tạ ơn Thiên Chúa và Chúa Giêsu.
Lm. Anmai, CSsR