HTTH SỐ 22, NĂM THỨ TÁM (1998) - Chủ Ðề: Thiên khảo luận Giáo Hội Học, số III - GIÁO HỘI HỌC III - CHƯƠNG 16: NHỮNG THỪA TÁC VỤ KHÁC

NHẬP ÐỀ
Toàn thân Giáo hội là “một tổng thể dịch
vụ” (corpus ministeriale), tức là một đoàn hội nhằm vào mục
đích phục vụ ï: đối ngoại, Giáo hội phục vụ nhân loại; đối nội, các thành
phần phục vụ lẫn nhau. Sứ mạng phục vụ ấy phát sinh từ các bí tích : bí
tích Thánh tẩy biến con người thành kitô hữu, thành chi thể của “Tôi tớ Thiên
Chúa ” và, bởi thế, cũng trở thành “tôi tớ của con cái Thiên Chúa.” Bí
tích Thánh chức biến kitô hữu thành “thừa tác viên” của Giáo hội, đặc
trách những nhiệm vụ ủy thác cho “phẩm trật ,” túc là cho giám mục, linh mục
và phó tế. Thừa tác vụ “Phêrô” chỉ là một dạng trách vụ độc đáo của chức giám mục:
làm giám mục của “tòa đứng đầu” (prima sedes) với một nhiệm vụ
đặc thù.
GIÁM MỤC
Các giám mục là những người kế vị
các tông đồ trong nhiệm vụ chăm sóc và giám sát một Giáo hội địa phương (x. LG
20). “Nhờ Thánh Thần các ngài đã lãnh nhận, các giám mục trở thành thầy dạy đức
tin, chánh tế, chủ chăn thực thụ và chính thức” (CD 2b).
Giám mục làm người đại diện Ðức
Kitô (vicarius Christi ) theo hai cung cách: nhờ
được kế nhiệm tông đồ , ngài liên kết với Ðức Giêsu lịch sử; và nhờ nhận
ơn thánh chức, ngài trở thành hiện thân của “Linh mục Thượng phẩm – Ðức Kitô phục
sinh – hằng hiện diện giữa cộng đoàn các tư tế của Ngài, và qua dịch vụ của họ,
Ngài rao giảng Lời Thiên Chúa cho các dân nước và không ngừng ban phát các bí
tích đức tin cho tín hữu...” (LG 21a).
1. “Giám Mục” Là Một Bí
Tích
Không đọc thấy được trong truyền thống một
giáo lý dạy rõ về bí tích thánh chức. Thánh Hiêrônimô († 420) nói rằng các
giám mục chỉ là linh mục với vinh dự đặc biệt. Vì thế nhiều nhà thần học thời
Trung cổ chủ trương giám mục cũng chỉ chịu cùng một bí tích như các linh mục,
chứ không phải là một bí tích khác. Công đồng Trêntô đã dạy là giám mục
thuộc bậc cao hơn linh mục, nhưng chẳng nói rõ về phương diện nào; chỉ nói là
các ngài “có quyền ban bí tích Thêm sức và phong chức thánh” (DS 1777). Bao giờ
chức giám mục cũng được ban qua nghi thức “đặt tay.” Vì vậy, nghiên cứu truyền
thống sâu xa hơn, thần học đã dần dần đi đến chỗ chấp nhận bí tích tính của
nghi thức ấy. Trong tông hiến Sacramentum Ordinis (năm 1947),
Ðức Piô XII giải thích rõ về bí tích chức thánh ba bậc, tức là giám mục,
linh mục và phó tế (DS 3858). Còn Vaticanô II thì nhấn mạnh như sau: “Thánh
Công đồng dạy rằng, khi được tấn phong, các Giám mục nhận lãnh trọn vẹn những
gì bí tích Truyền chức thánh thông ban, tức là chức năng mà tập tục phụng vụ của
Giáo hội và các thánh Giáo phụ gọi là chức tư tế tối cao, là thực tại tột
bậc của tác vụ thánh.” (LG 21b). Giám mục không phải là phần “bổ túc” cho bí
tích linh mục. Trong lịch sử, đã có những giáo dân được trực tiếp tấn
phong giám mục, mà không phải chịu chức linh mục trước đó.
Bí tích là nguồn gốc của quyền bính giám
mục. Do việc chịu bí tích truyền chức và hiệp thông với giám mục đoàn, một kitô
hữu trở thành phần tử của giám mục đoàn và, do đó, có nhiệm vụ và trách nhiệm đối
với toàn thể Giáo hội.
2. Nhiệm Vụ Phổ Quát
“Tất cả các giám mục , trong tư
cách là thành phần của giám mục đoàn kế vị tông đồ đoàn, được thánh hiến
không phải chỉ cho một giáo phận nào đó mà thôi, nhưng còn cho phần rỗi của
toàn thế giới nữa” (AG 38a; x. LG 23b).
Vì Giáo hội địa phương là “công
giáo,” nên giám mục phải biết mở tầm quan tâm của mình rộng ra cho toàn thể Hội
thánh, trước hết là đối với sứ mệnh tông đồ, tức là truyền giáo (LG 23c):
“Nhất là giám mục phải lo lắng đến những
miền trên thế giới chưa được rao giảng Lời Chúa, hay đặc biệt những miền mà
chính vì quá ít linh mục, các kitô hữu đang sống trong nguy cơ xa lìa những huấn
giới của đời sống kitô giáo và mất cả đến đức tin” (CD 6)
Nhiệm vụ này đòi hỏi phải dành cho việc
truyền giáo đầy đủ nhân sự và phương tiện, và phải luôn luôn phối kết các hoạt
động theo đường hướng của Giáo luật chung.
Giám mục cũng có nhiệm vụ cổ vũ niềm hiệp
thông với các giám mục khác. Ngày xưa, các giám mục thường gửi cho nhau những
bức “thư chúc hòa bình và hiệp thông.” Mỗi giám mục có bổn phận phải quan tâm đến
các Giáo hội khác, và góp phần xây dựng để cho đức tin và quy luật chung được bảo
toàn. Các ngài thi hành nhiệm vụ này đặc biệt là qua các hội nghị và công đồng.
Hiện tại có nhiều tổ chức giúp chu toàn nhiệm vụ này, như: các cơ quan trung
ương ở Rôma, các hội đồng giám mục, và bao nhiêu là những ủy ban của Giáo hội đặc
trách về các vấn đề tôn giáo hay các công tác từ thiện.
3. Ba Chức Năng Của Ðức
Kitô
Truyền thống đã phân biệt ba chức
năng trong nhiệm vụ của Ðức Kitô – và cũng là nhiệm vụ của các tông đồ và
các vị kế nhiệm các tông đồ – đó là: tư tế, vương đế và tiên tri
(hay là thầy dạy), tương ứng với các tác vụ thực tế là: thánh hóa, quản trị và
giáo huấn. Chủ thể điển hình của ba chức năng này là giám mục.
a. Nhiệm Vụ Thánh Hóa
“Nhiệm vụ thánh hóa được thi hành
trước hết do các giám mục, vì các ngài là những đại tư tế, những người phân
phát chính yếu các mầu nhiệm của Thiên Chúa, và là những vị điều hành, cổ vũ và
bảo toàn trọn bộ đời sống phụng vụ trong Giáo hội đã được ủy thác cho các ngài”
(Giáo luật, đ 835 §1)
Giám mục trước hết là tư tế, nghĩa là thừa
tác viên của Lễ Tạ Ơn: ở đâu giám mục dâng Lễ Tạ Ơn, thì ở đó có một Giáo hội địa
phương.
“Mọi việc cử hành hợp pháp Lễ Tạ Ơn đều
do giám mục điều khiển, bởi ngài là người đã được trao phó nhiệm vụ dâng lên
Thiên Chúa uy linh nền phụng tự kitô giáo, và có phận sự điều hành việc phụng tự
đó theo đúng huấn giới của Chúa và lề luật Giáo hội, lề luật mà ngài sẽ dùng
phán quyết riêng để quy định thêm cho phù hợp với giáo phận mình” (LG 26b; x.
CD 15).
Như xưa Inhaxiô Antiôkia đã nhận định
là ngoài giám mục không ai có thể cử hành Thánh Lễ, thì ngày nay cũng
không có một buổi cử hành phụng vụ Tạ Ơn nào mà trong đó lại không đọc tên của
giám mục. Giám mục điều khiển quy luật phụng vụ trong địa phận.
Giám mục thánh hóa dân Chúa nhờ cầu nguyện,
nhờ các bí tích và gương sáng. Ngài cử hành các bí tích, hoặc trực tiếp hoặc nhờ
các thừa tác viên khác. Ngài là thừa tác viên độc nhất của bí tích truyền chức
thánh, và của việc thánh hiến dầu để dùng trong các bí tích; là thừa tác viên
thường quyền của bí tích Thêm sức. Ngài có quyền cử hành bí tích hòa giải trong
khắp thế giới và ban năng quyền giải tội cho các linh mục trong địa phận của
mình. Là chủ chăn, giám mục được Ðức Kitô ủy thác nhiệm vụ nuôi dưỡng một phần
của dân Ngài.
b. Nhiệm Vụ Cai Quản Của Giám Mục
“Là đại diện và là sứ giả của Ðức Kitô,
các giám mục điều khiển Giáo hội địa phương Ngài đã ủy thác cho... bằng uy quyền
cùng thánh quyền... Quyền bính các ngài đích thân hành sử nhân danh Ðức
Kitô là quyền biệt hữu, thông thường và trực tiếp... các giám mục có nhiệm vụ đặt
ra các luật lệ cho những người thuộc quyền, xét xử và quy định tất cả những gì
liên hệ tới việc phụng tự và việc tông đồ... Không được coi giám mục như là đại
diện của giáo hoàng Rôma, vì các ngài thi hành quyền bính riêng của mình và thực
sự là thủ lãnh của các dân các ngài cai quản. Vì thế, quyền bính giám mục không
bị quyền bính tối cao và phổ quát làm giảm bớt, nhưng trái lại, còn được nâng đỡ,
củng cố và bảo đảm” (LG 27ab)
Giám mục là chủ chăn đã được trao cho
quyền hành như vừa đề cập đến trên đây: ngài dùng quyền ấy để xây dựng như người
tôi tớ. Trong thực tế, việc
thi hành quyền ấy còn tùy thuộc nhiều vào giáo hoàng. Giáo luật vẫn còn
thiếu sót về điểm này. Thời xưa, giám mục được gọi là “vicarius Christ i,” tước
hiệu mà bây giờ chỉ được dành riêng cho một mình giám mục Rôma.
Cung cách giám mục cai quản không phải
là cách kiểu “quân chủ tuyệt đối,” bởi một đàng, quyền giám mục chịu giới hạn
do quyền tối cao (giáo hoàng, công đồng chung) và tùy phục Giáo luật; rồi đàng
khác, quyền ấy nhằm chủ đích mục vụ và mang tính cách tập đoàn: phía trên, có
quan hệ với giám mục đoàn – giáo hoàng, hội đồng giám mục, luật chung – phía dưới
thì có những cơ cấu thành lập do luật định hay khuyên, như: công nghị giáo phận,
phủ giáo phận, hội đồng linh mục, hội đồng tư vấn, hội đồng mục vụ, v.v.
Các kitô hữu trong địa phận (giáo dân,
giáo sĩ, tu sĩ) có bổn phận phải kính trọng giám mục và giữ niềm hiệp thông với
ngài. Cắt đứt hiệp thông với giám mục là rơi vào tội phạm ly khai. Giám mục có
quyền tuyên kết vạ tuyệt thông, cấm chế, huyền chức và các hình phát khác, vì
trong địa phận thẩm phán sơ cấp là giám mục (đ. 1419). Nhưng công đồng Vaticanô
II khuyên: “Ðược Cha sai đi cai quản gia đình mình, vị giám mục phải chiêm ngắm
gương mẫu Chủ chiên lành; Người đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ...”
(LG 27d).
c. Nhiệm Vụ Giáo Huấn
Quyền giáo huấn hay huấn quyền thì
khác với quyền tài phẩm. Bởi mục đích của huấn quyền là nhằm bảo toàn chân lý
và chuyển truyền chân lý với uy thế. Chân lý này là của Thiên Chúa chứ không phải
là của Giáo hội. Vì thế, giáo huấn ấy đòi hỏi người môn đệ phải biết giữ tư thế
và ý thức về thân phận của mình: chăm chỉ lắng nghe và ra sức gắn bó với Thầy
mình.
Giáo huấn (Magisterium , bởi
từ magister = “thầy” mà ra) phát sinh từ nhiệm vụ “tiên tri ,” đặt
nền tảng trên lời hứa của Ðức Kitô, và hình thành do sự hiện diện trợ giúp của
Thần Khí Ngài (x. Ga 16: 13). Mọi kitô hữu đều được tham dự vào nhiệm vụ này
theo những mức độ khác nhau, tùy tư thế của mỗi người trong Giáo hội. Ở đây chỉ
xin bàn riêng về nhiệm vụ dạy dỗ của giáo phẩm. Quả vậy, nói đến giáo phẩm là
phải nói đến giáo huấn, bởi trong lịch sử cũng như trong thần học, khái niệm
“giáo huấn” bao giờ cũng đi đôi với ý niệm “kế nhiệm các tông đồ .” Lý do
là vì cộng đồng kitô sống nhờ “giáo lý của các tông đồ” (Cv 2: 42).
Trong lịch sử Giáo hội, đã từng có một
cơ cấu giảng dạy giao và bảo toàn chân lý Phúc âm. Chính thế, là Dân Thiên
Chúa , Giáo hội phải có một cơ quan để bảo toàn, giải thích, và chuyển
truyền những biểu tượng, giáo thuyết, nghi thức, lề luật, và giá trị chung, thì
mới có thể triển phát mà không mất đi căn tính. Vì nguồn gốc và cứu cánh của
Dân Chúa – Bí tích cúu độ – là siêu nhiên, nên giáo huấn của Giáo hội mang bản
chất đặc thù, khác hẳn với lý thuyết của những cơ quan tương tự trong xã hội về
mục đích, phương pháp và uy thế. Ðức Kitô là chân lý (x. Ga 14: 6) và Lời Cha
Ngài là chân lý để thánh hóa các môn đệ (x. Ga 17: 17). Các môn đệ được sai đi
khắp thế giới để loan báo chân lý ấy cho muôn dân được cứu rỗi. Vì thế, thánh
Phaolô rao giảng “lời chân lý là Tin mừng cứu độ” (Ep 1: 13), và đã phải chiến
đấu để bảo vệ chống lại những ai bóp méo chân lý đó (x. Gl 2: 5). Giáo huấn của
Giáo hội cũng không nhằm một mục đích nào khác ngoài việc phục vụ và bảo vệ
chân lý ấy (LG 25).
Giáo huấn làm chứng mạnh hơn và hữu hiệu
hơn giáo sư, bởi có uy thế do sự việc được chính Thiên Chúa ủy thác, chứ không
phải vì dựa vào những lý lẽ vững chắc khả dĩ thu phục người nghe. Ðón nhận chứng
từ ấy là được ở lãnh vực cứu rỗi; còn từ chối thì sẽ bị kết án (x. Mc 16: 16).
Cả đến một thiên thần cũng không thể thay đổi chân lý ấy được (x. Gl 1: 8). Các
tông đồ đã tỏ ra rất nghiêm khắc đối với những ai không gìn giữ chân lý của
Phúc âm. Các Giáo phụ và
các công đồng cũng đã giữ thái độ nghiêm cách như vậy đối với những lý thuyết lạc
giáo.
a.) Phận Sự Của Huấn quyền
Bổn phận căn bản của nhiệm vụ giáo huấn là
bảo toàn, giải thích, xác định, loan báo và chuyển truyền chân lý Ðức Kitô đã
trao phó cho Giáo hội. Giáo phẩm phải “thận trọng trong lời giảng dạy” để “bảo
toàn giáo lý đã được giao phó” (1Tm 4: 14; 6: 20) ngõ hầu truyền lại nguyên vẹn
cho “những người có khả năng dạy cho người khác” (2Tm 2: 2).
Giáo hội là thầy giảng dạy, trước hết là
cho các kitô hữu, rồi kế đến là cho muôn dân như Ðức Kitô đã truyền chỉ (x. Mt
28: 19-20). Ðối với các tín hữu, thì Giáo hội dạy dỗ giáo lý; còn đối với lương
dân, thì Giáo hội loan báo Tin mừng và mời gọi đón nhận Lời Chúa.
Chân lý của Ðức Kitô vốn kết tinh trong
Kinh Thánh . Mà vì nội dung Kinh Thánh lắm lúc tỏ ra là rất phức tạp khó
hiểu, cho nên cần phải được giải thích, và phải giải cho có uy thế cũng như
chính xác; đó là chức năng và là sứ mạng của huấn quyền:
“Nhiệm vụ chính thức giải thích Lời Chúa
viết thành văn hay lưu truyền, chỉ được ủy thác cho một mình huấn quyền sống động
của Giáo hội, và Giáo hội thi hành quyền này nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Tuy
nhiên, quyền giáo huấn ấy không vượt trổi trên Lời Chúa, trái lại, khiêm nhu phục
vụ Lời Chúa qua việc đơn thuần giảng dạy những gì đã được truyền lại” (DV 10b).
Một giả thuyết sai lạc có thể làm cho đức
tin của nhiều người lâm nguy. Huấn quyền có bổn phận phải giải rõ chân lý và kết
án lạc giáo nhằm soi sáng và củng cố lòng tin của tín hữu. Lạc giáo lại
còn gây chia rẽ. Thánh Phaolô đã từng lên tiếng mạnh mẽ cảnh cáo các tín hữu
(x. 1Cr 11: 18-19). Thư thứ hai của thánh Phêrô gắt gao kết án những giáo thuyết
sai lệch ấy (x. 2Pr 2: 1-4, 9-10). Các Giáo phụ cũng thường xuyên nhắc nhở các
tín hữu phải lo cảnh giác với các thứ lạc giáo. Inhaxiô Antiôkia cảnh báo
cho Giáo hội Trallia về lạc giáo ảo thân thuyết; còn
Irênêô thành Lyon thì lo soạn cuốn Chống các lạc giáo, và cho
rằng người rối đạo chỉ đi theo ý kiến của mình thay vì nghe theo Lời Thiên
Chúa. Muốn giữ đức tin
chính thực thì phải sống trong Giáo hội hiệp nhất. Vì thế – theo
thánh Ambrôsiô – kẻ rối đạo là người ghét bỏ chân lý và đức tin. Lịch sử
hình thành các tín điều là một thiên sử chiến đấu với lạc giáo. Lúc đầu đã phải
nêu rõ những tín quy hay kinh tin kính; rồi tiếp đó, các công đồng đã phải định
tín các chân lý bằng những công thức chính xác. Muốn cho con người hiểu được,
thì chân lý phải mặc lấy hình thức mệnh đề, nhất là khi cần được phổ biến rộng
trong cộng đồng lớn. Và cũng do vậy mà cần phải tái tục mãi công việc giải
thích các tín điều, bởi lẽ: thứ nhất, nội dung là mầu nhiệm, tất không công thức
nào có thể chứa đựng hết và diễn đạt trọn vẹn được; thứ hai, vì ảnh hưởng của
văn hóa trên những phạm trù dùng để định tín giáo lý; thứ ba, vì Giáo hội
phải dùng đến một ngôn ngữ loài người với nhiều giới hạn và biến đổi theo dòng
thời gian, rồi vấn đề lại càng trở thành phức tạp hơn nữa khi cần phải dịch ra
những thứ tiếng khác; và thêm vào đó, khi một điểm giáo lý nói chung được hiểu
rõ thêm thì cũng có thể giúp cho việc hiểu tín điều khác chính xác hơn. Ý thức
rõ về tính cách lịch sử thường chuyển biến của mọi thực tại văn hóa, thần học
đã biết giữ thái độ dè dặt đối với ý nghĩa của các mêïnh đề ấy. Chân lý của các
tín điều là quy phạm của lòng tin các tín hữu, nhưng vẫn còn có thể được đào
sâu hơn, hiểu rõ hơn, lĩnh hội đầy đủ hơn.
b). Phẩm Trật Tính Của Huấn Quyền
Như Giáo hội gồm có những thành viên
khác nhau, với những đoàn sủng và trách nhiệm khác nhau, thì huấn quyền
cũng vậy: quả là có một phẩm trật trách nhiệm trong tác vụ giảng dạy chân lý
Phúc âm. Ðó là giáo thuyết của Vaticanô I (DS 3074) cũng như của Vaticanô II
(LG 25).
Chủ thể của huấn quyền tối cao là giám mục
đoàn , trong tư cách là đoàn thể kế nhiệm tông đồ đoàn. Trong giám mục
đoàn, là người kế vị Phêrô, giám mục Rôma có địa vị đặc thù. Vì vậy, theo
LG 25, huấn quyền có thể được thực thi qua ba cấp giáo huấn khác nhau:
° Giáo huấn của các giám mục rải rác khắp
thế giới, thông hiệp với nhau và với giám mục Rôma.
° Giáo huấn của giám mục đoàn họp thành
công đồng chung.
° Giáo huấn của giáo hoàng như là đầu của
tập thể các giám mục.
Giáo huấn này có thể được biểu
trình qua hai dạng sau đây:
— Giáo huấn chính thực và bất
khả ngộ, hoặc
— Giáo huấn chính thực và
thông thường.
Huấn quyền bất khả ngộ có thể được
thực thi qua ba dạng cách như sau:
1. Ðặc huấn của công
đồng chung, tức là giáo huấn giám mục đoàn long trọng ban bố khi họp
công đồng , và chung quyết coi đó là chân lý mạc khải của kho tàng đức
tin; nói cách khác: đó là chân lý cần phải tin (LG 25).
2. Ðặc huấn của giáo hoàng, tức
là giáo huấn mà ex cathedra (từ thượng tòa, dùng quyền tối thượng)
giáo hoàng ban bố hay minh định một cách chính thức và long trọng, coi đó là
chân lý mọi tín hữu phải tin. Công đồng Vaticanô
I minh định rằng định tín của giáo hoàng thì “bất khả biến dịch do tự nó (ex
sese), chứ không do bởi sự việc Giáo hội ưng thuận” (DS 3074). Ðiều đó
muốn nói rằng chân lý của mệnh đề được định tín không tùy thuộc vào một điều kiện
pháp lý – như phái Pháp giáo chủ trương – là phải có Giáo hội ưng thuận trước
đã, thì mới được chính thức chấp nhận. Nhưng bao giờ giáo hoàng cũng căn cứ vào
đức tin của Giáo hội.
3. Thường huấn phổ quát, là
giáo huấn mà hết thảy các giám mục hiệp thông với nhau trong khắp thế giới,
liên tục truyền dạy về một chân lý đức tin hoặc luân lý, xác tín là mình rao giảng
một chân lý thuộc kho tàng mạc khải.
Huấn quyền chính thực và thông thường là quyền giảng dạy mà
giáo hoàng hoặc mỗi giám mục hành sử trong hoàn cảnh hay cuộc sống thường nhật;
đặc tính của huấn quyền này là “chính thực,” nghĩa là nhân danh Ðức Kitô (LG
25). Mục đích là để dẫn dắt Dân Chúa trong đời sống đạo hằng ngày. Giáo huấn của
huấn quyền này có thể thay đổi tùy hoàn cảnh.
c). Ðối Tượng Của Huấn Quyền
Phạm vi của tác vụ giáo huấn là Lời
Chúa, tức là giáo lý đức tin và phong hóa (DS 3018). Thần học phân biệt
hai loại đối tượng: trực tiếp và gián tiếp. Ðối tượng trực tiếp là những điều
Thiên Chúa đã mạc khải để cứu rỗi loài người (DV 10); còn đối tượng gián tiếp
là những chân lý dù không thuộc mạc khải nhưng lại liên hệ chặt chẽ với những mầu
nhiệm đức tin đến nỗi lý trí con người cần dùng đến để giải nghĩa Lời Chúa (x.
DS 3015, 3017); chẳng hạn như là những “khai đoạn đức tin ” (praeambula
fidei ), nhiều chân lý của “luật tự nhiên,” hoặc là những
“tín kiện” (facta dogmatica ).
Tín hữu có bổn phận phải đón nhận giáo
huấn của huấn quyền với những mức độ xác tín hơn kém tùy bản chất của sự việc. Phải chấp nhận với
đức tin thần khởi những chân lý Thiên Chúa mạc khải và Giáo hội long trọng loan
bố hoặc huấn quyền thông thường xưa nay giảng dạy như giáo lý phải tin. Phải lấy lòng phục
tùng mà kiên quyết đón nhận những giáo thuyết huấn quyền dạy, dùø nhiều điều
còn có thể thay đổi; thật ra đa số các văn kiện giáo huấn ấy chỉ có tính cách kỷ
luật và mục vụ.
d). Vấn Nạn Thời Nay Ðặt Cho Huấn Quyền
Văn hóa thời nay thường thẳng thừng đặt
vấn đề cho hết mọi thứ “quyền bính .” Ðặc biệt hiện rõ trong lãnh vực trí thức
là não trạng phê bình thực chứng, tức là không chịu chấp nhận những gì mình
không “chứng minh” được, và chỉ một khi đã tìm thấy những lý chứng thuyết phục
được mình thì mới chấp nhận. Trong Kitô giáo, phía Tin lành chỉ nhận một mình
Kinh Thánh là có uy thế, và cho rằng Giáo hội (cả đến các giáo hoàng) đã từng
sai lầm nặng nề; dù vậy, Thánh Thần hằng gìn giữ Giáo hội trong chân lý căn bản
của Phúc âm. Tin lành cũng nghĩ rằng giáo lý công giáo đặt giáo quyền trên Lời
Chúa.
Thần học công giáo xác định rõ là huấn
quyền không những không vượt trổi trên Lời Chúa, mà còn làm công cụ phục vụ Lời
Chúa (DV 10b). Như đã hợp tác để xác định danh mục các sách chính lục Kinh
Thánh, thì huấn quyền cũng có nhiệm vụ chủ chốt trong việc giải thích và truyền
lưu Kinh Thánh. Giáo hội tông truyền đã từng hiểu như thế. Quả vậy, Kinh Thánh,
Truyền thống và Huấn quyền phối kết với nhau để làm nên một tổng thể duy nhất bảo
tòan kho tàng Lời Chúa (x. DV 10a).
Thần học công giáo thường đặt câu hỏi về
mối liên hệ giữa huấn quyền và dân Chúa. Ðặc ân “bất khả ngộ ” là một khía cạnh
trong “bất khả khuyết tính” của Giáo hội. Ðiều đó muốn nói rằng đặc ân ấy là của
toàn thể Dân Chúa. Vì thế, Vaticanô
II dạy rằng xét theo tư thế là toàn thể, Dân Chúa “không thể sai lầm trong đức
tin” (LG 12a). Vì vậy, thần học đặt câu hỏi: Dân Chúa và huấn quyền có thể có những
lập trường tương khắc nhau không? Vaticanô II trả lời là không, ít là trong những
vấn đề đã được định tín (LG 25c). Nhưng đối với những vấn đề thuộc giáo huấn
thường, dĩ nhiên là có nhiều bất đồng ý kiến trong Giáo hội như thường thấy. Hẳn
là huấn quyền cần phải lưu ý nhiều hơn đến các luồng “dư luận” trong Giáo hội.
Như thế là thần học muốn ám chỉ đến thái
độ tiếp nhận (reception ) đối với một giáo lý: Dân
Chúa có thể tiếp nhận hay từ chối một giáo huấn…Thông điệp Humanae
vitae của Ðức Phaolô VI là một trường hợp điển hình: một số điểm trong
văn kiện này đã gây nhiều phản ứng sôi nổi. Một số vị trong giám mục đoàøn đã cố
giải thích cho dễ hiểu hơn, nhưng rốt cuộc rồi cũng chấp nhận thông điệp. Dù
sao thì cũng chưa chắc hẳn là học thuyết ấy bất khả ngộ.
Một vấn đề đặc biệt khác cũng đã được đặt
ra: đó là vấn đề “giáo huấn của các nhà thần học .” Trong lịch sử Giáo
hội, giáo lý đã được các học giả giảng dạy và giải thích. Thời xưa, đa số các học
giả này là giám mục, chẳng hạn như các Giáo phụ, nhưng cũng có linh mục
(Oârigênê , Tertullianô …), hoặc phó tế (Êphrên …) và cả giáo dân (Giustinô …);
tất cả đều đã hưởng uy thế tương tự như nhau. Ngày nay, ai cũng ý thức được rằng
giải thấu suốt và giải thích chính xác những văn kiện cổ xưa là việc khó, đòi hỏi
nhiều tài năng và học tập: các chuyên viên này là những thần học gia. Là tín hữu, nhà thần
học cố công tìm hiểu về đức tin của mình cho sâu xa hơn, bằng cách dựa vào trí
lực và các ngành khoa học; đó là thừa tác vụ phục vụ chân lý. Trong thời gian
giữa hai công đồng Vaticanô I và Vaticanô II, thần học công giáo đã chú tâm quá
nhiều đến việc bào chữa cho giáo lý của huấn quyền; vì thế mang quá nặng tính
cách biện giáo. Vaticanô II nhận là khoa học phải có tự do để nghiên cứu sự thật
(GS 36), và mời gọi các thần học gia “dùng phương pháp và đòi hỏi của ngành
khoa học mình mà không ngừng gia công tìm kiếm phương cách thích hợp
nhất đối với việc chuyển thông giáo lý cho con người thời mình, bởi vì kho tàng
hay những chân lý của chính đức tin là một chuyện, còn cách thức diễn đạt các
chân lý ấy thì lại là một chuyện khác...” (GS 62b). Năm 1976, Uỷ ban thần học
quốc tế đã đề xuất 12 luận đề về tương quan giữa huấn quyền và các nhà thần học;
rồi đến năm 1990, Bộ Giáo Lý Ðức Tin đã công bố một văn kiện về ơn gọi trong
Giáo hội của các nhà thần học. Thần học gia nhận
mạc khải (Kinh Thánh) làm quy phạm chuẩn tắc (norma normans ), và
huấn quyền (nhất là các công đồng chung) làm quy phạm quy định (norma
normata), hướng dẫn mình trên đường tìm về với chân lý. Thần học gia
không phải là một học giả “tự trị,” nghiên cứu theo sở thích và đường lối riêng
của mình, mà là một tín hữu đang sống và sinh hoạt trong truyền thống sinh động
của Giáo hội. Thần học và huấn quyền hợp tác với nhau để phục vụ cùng một chân
lý duy nhất là Ðức Kitô. Các công đồng thường mời các nhà thần học đến tham dự
trong tư cách là chuyên viên; còn phẩm trật thì bổ nhiệm những giáo sư thần học,
và một cách nào đó, họ giảng dạy nhân danh Giáo hội. Thần học không sản
xuất chân lý, nhưng là ra sức tìm hiểu và thích nghi chân lý mình tin với hoàn
cảnh mình sống; ra sức suy tư về nền tảng và lý do của niềm tin, về ý nghĩa
thích đáng của giáo điều, để làm sao đức tin và văn hóa có thể hài hòa hợp tác
với nhau cũng như tương tác giúp nhau, v.v. Thần học có tự do để nghiên cứu,
nhưng đồng thời cũng phải đảm nhận trách nhiệm đối với anh em, có thế thì mới
thực sự được chân lý giải phóng (x. Ga 8: 32). Thần học đề nghị những giả thuyết,
còn huấn quyền thì có bổn phận xét xem chúng có ăn khớp với đức tin của Giáo hội
hay không. Ðôi lúc cũng có thể xảy ra những trường hợp khó xử đối với nhà thần
học: hoặc là trung thực với lương tâm hoặc là trung thành với giáo quyền; thế
lưỡng nan này có thể được giải gỡ nếu biết đối thoại khiêm nhường, vì xác tín rằng
mầu nhiệm thì lớn hơn cá nhân mình, và lợi ích của hiệp thông thì quý hơn “chân
lý” của quan điểm riêng mình; ngoài ra, sớm muộn gì rồi sự thật cũng sẽ thắng
cuộc. Nếu có những lý lẽ thực sự vững chắc, thì nhà thần học có thể bất đồng ý
kiến với giáo quyền trong những vấn đề không thuộc phạm vi tín điều. Lịch sử quả
cho thấy là đã có những trường hợp như thế, và đã có nhiều lần giáo quyền thay
đổi lập trường. Cả huấn quyền lẫn
thần học đều ý thức rõ là đa số những quyết định trong Giáo hội chỉ có tính cách
tạm thời. Hơn nữa các tín điều lại được minh định với những phạm trù tương đối,
những phạm trù dựa vào bằng cứ triết lý hoặc chú giải có lẽ không mấy chính
xác, v.v. Hay là dù đồng ý với nội dung, một người có thể từ chối hình thức, hoặc
tính cách hợp thời, v.v... của công thức diễn đạt. Ðể việc hợp tác giữa hai
phía được tốt đẹp và hữu hiệu, mang lại lợi ích to lớn hơn cho toàn thể Giáo hội
thì – như ý kiến đề xuất và được nhiều giới tán đồng – phía huấn quyền: nên thu
nhỏ lại con số các văn kiện ban bố, và nên tiếp xúc thường xuyên hơn với các giới
thần học và chú giải; còn phía các nhà thần học: phải biết giữ thái độ tích cực
hơn đối với các tuyên ngôn của huấn quyền, và tránh những tranh luận gây hại đến
niềm hiệp nhất của Dân Chúa.
THỪA TÁC VỤ CỦA LINH MỤC
Thần học thời mới xếp hạng linh
mục vào bậc hai của phẩm trật. Kế tiếp các tông đồ, Giáo hội sơ khai
đã có những episkopoi và presbyteroi, nhưng
không phân biệt rõ nhiệm vụ của mỗi thứ vị; rồi sau đó, dần dần hai tước hiệu ấy
được dành riêng cho hai nhiệm vụ khác nhau: các giám mục và những phụ tá, là
các linh mục (PO 2b). Lúc đầu, hai thứ vị ấy chủ tọa cộng đoàn và, vì thế, cả Lễ
Tạ Ơn. Sau khi Giáo hội
được tự do (thế kỷ 4), vai trò của linh mục quan trọng hơn vì họ phụ trách những
cộng đồng riêng biệt (nhất là ở thôn quê). Do đó dần dần chức linh mục được
quan niệm rõ hơn theo bản chất tư tế, qua những phạm trù tư tế của Cựu Ước hiểu
theo ý nghĩa của ánh sáng mới. Linh mục được các
Giáo phụ gọi là “tư tế bậc nhì.”
Dựa theo Rm 15: 16, Vaticanô II đã cố
nêu bật khía cạnh dịch vụ hơn là nhấn mạnh đến phụng vụ tính của chức linh mục. Linh mục liên kết
với Ðức Kitô bằng hai cách: cách lịch sử với việc kế nhiệm trong thừa tác vụ,
và cách bí tích với việc “Chính Thiên Chúa hiến thánh họ qua thừa tác vụ của
giám mục” (PO 5a).
“Linh mục” là một bí tích, bí tích thánh
chức, có sức năng biến một con người – với ấn tích không tẩy xóa được, như Truyền
thống vẫn dạy,– thành người được
thông phần vào chức thượng tế duy nhất của Ðức Kitô (LG 28a). Ấn tích là đoàn sủng
nhờ đó, khi cử hành các bí tích, linh mục có khả năng hành động trong chính bản
thân Ðức Kitô và thay mặt Dân Chúa:
“Linh mục, hiện thân Chúa Kitô, chủ tọa
cộng đoàn, dâng những lời kinh lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân thánh và mọi
người tham dự” (SC 33b).
Vai trò chính yếu của linh mục, “Cha và
Thầy,” là chủ tọa: chủ tọa một cộng đoàn trong Giáo hội địa
phương, hầu đoàn họp các tín hữu thành một thân thể hữu hình; đó là điều thể hiện
rõ trong Lễ Tạ Ơn của họ đạo. Chủ tọa bàn Lời và bàn Bánh, linh mục phân phát
Tin mừng và Thánh thể:
“Dân Chúa được đoàn tụ trước hết là nhờ
Lời Thiên Chúa hằng sống; Lời này phải được đạêc biệt tìm thấy nơi miệng lưỡi
các linh mục” (PO 4a). “Phép Thánh Thể là nguồn mạch và là tuyệt định của toàn
bộ công cuộc rao giảng Phúc âm” (5b).
Linh mục là thừa tác viên đặc vụ của
Thêm sức và nghi thức cung hiến nơi thánh, và là thừa tác viên thường vụ của
các Phép lành và các bí tích khác, trừ hai bí tích Chức thánh và Hôn phối.
Nhưng linh mục không phải là viên chức
được trực tiếp ủy thác một nhiệm vụ “độc lập,” song là “hợp tác viên của chức
giám mục:”
“Mọi linh mục, hiệp nhất với hàng giám mục,
đều tham dự vào cùng một chức tư tế và thừa tác vụ duy nhất của Chúa Kitô;
chính tính cách duy nhất của việc thánh hiến và sứ mệnh đòi phải có sự hiệp
thông phẩm trật giữa các ngài và hàng giám mục… vì thế, các giám mục phải coi
các linh mục như những trợ tá và cố vấn cần thiết trong thừa tác vụ, cũng như
trong chức vụ dạy dỗ, thánh hóa và chăn dắt dân Chúa” (PO 7a)
Lễ Tạ Ơn là gốc rễ của sức sống và mối
hiệp nhất trong cộng đoàn, mối hiệp nhất mà linh mục có bổn phận bảo toàn và cổ
vũ:
“Không một cộng đoàn kitô hữu nào được
thiết lập mà lại không đặt nền tảng và trọng tâm vào nơi việc cử hành Phép
Thánh Thể chí thánh: cho nên, mọi công tác giáo dục về tinh thần cộng đoàn phải
được bắt đầu từ đó” (PO 6e; 5c)
Là sứ giả tiên tri, linh mục hằng gióng
lên lời thách đố nhằm thúc đẩy kitô hữu dấn thân vào việc đổi mới xã hội, vì
“không thể nào Giáo hội lại thu hẹp sứ mạng mình vào trong lãnh vực đơn thuần
tôn giáo, và bỏ mặc những vấn đề khác trong thế giới.”
Không chỉ cử hành Thánh lễ, linh mục còn
phải ra sức biến cộng đoàn thành lễ thánh tạ ơn Chúa:
“Vì được thông dự vào chức vụ của các
tông đồ theo phận sự mình, nên các linh mục được Thiên Chúa ban ơn sủng để làm
thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô giữa muôn dân, và thi hành thánh chức rao giảng
Phúc âm để muôn dân trở nên hiến lễ đẹp lòng Chúa, và được Thánh Thần thánh
hóa” (PO 2d).
Vì chức linh mục không chỉ đơn thuần
phát sinh từ buổi tiệc ly của Ðức Giêsu, mà còn từ toàn bộ thừa tác vụ của Ngài
nữa, nên linh mục là thừa tác viên chủ tọa cộng đoàn thừa tác; và bởi ý thức
mình cũng là môn đệ của Ngài, rập khuôn theo mẫu gương Ngài, linh mục cố khuyến
khích mọi thành phần trong cộng đoàn đóng giữ một vai trò tích cực, cũng như biết
nhường bước cho tài năng và đoàn sủng của người khác, chứ không làm tất cả một
mình (PO 9).
Các linh mục làm thành một đoàn thể
chung quanh giám mục (Presbyterium ). Trong Giáo hội
sơ khai đã từng thấy có những trưởng lão đoàn; ngày nay, linh mục đoàn cũng hiện
diện khắp nơi trong tinh thần huynh đệ và tương trợ (LG 8c; PO 8c).
CÁC PHÓ TẾ
“Ở bậc thấp hơn trong hàng giáo phẩm thì
có các phó tế , là những người đã được đặt tay không phải để lãnh nhận chức vụ
linh mục, nhưng là để phục vụ. Thực vậy, được ân sủng bí tích bồi bổ, các phó tế
phục vụ dân Thiên Chúa qua việc phụng vụ, giảng dạy và bác ái, trong niềm hiệp
thông với giám mục và linh mục đoàn” (LG 29a).
Chức phó tế là bậc ba của phẩm trật
“theo thần luật” (DS 1776, 3859-60). Trong Pl 1: 1, thánh Phaolô ám chỉ đến các
vị, và trong 1Tm 3: 8-13, ngài phác tả những đặc nét của tư cách các vị. Bảy vị
mà Cv 6: 1-6 nói đến, được gọi là diakónoi, nhưng chưa hẳn là
những phó tế theo nghĩa của ngày nay. Trong những thế kỷ đầu, các phó tế đã có ảnh
hưởng lớn trong Giáo hội, đến độ nhiều nơi đã đặt họ trước cả các linh mục. Từ
thế kỷ 4-5, khi mà ý nghĩa của Thánh Thể càng được nêu bật, thì chức linh mục
cũng càng được đánh giá cao, và uy thế của các phó tế cũng giảm dần.
“Phó tế” là bí tích thông ban và lãnh nhận
qua nghi thức đặt tay có từ thời các tông đồ (x. Cv 6: 6). Nhiệm vụ chính của
chức phó tế là phục vụ; từ điákonos (La ngữ gọi là minister) có
nghĩa là tôi tớ, người hầu bàn phụ việc. Trong Giáo hội, phó tế phụ trách công
tác từ thiện hoặc quản trị tài sản. Vì ở thời Trung cổ, công tác từ thiện được
các đan viện đảm nhận, thế nên vai trò của phó tế cũng thu hẹp vào lãnh vực hầu
như đơn thuần phụng vụ, như tên gọi “phó teá”của tiếng Việt cho thấy
rõ. Rồi dần dần chức phó tế trở thành một bực thang trên đường tiến lên linh mục.
Như vậy, từ thế kỷ 5 về sau, bậc phó tế vĩnh viễn đã biến mất ở Tây phương.
Công đồng Vaticanô II đã quyết định hồi
phục chức phó tế vĩnh viễn trong Giáo hội công giáo Latinh (LG 29b), cũng như
Ðông phương (OE 17), và Ðức Phaolô VI đã thực thi quyết định ấy. Hiện nay,
trong Giáo hội công giáo có hai loại phó tế: “vĩnh viễn” và “chuyển tiếp” (đang
trên đường tiến đến chức linh mục). Là giáo sĩ , phó tế phải nhập tịch vào một
địa phận (đ 266 §1)
Phó tế tiếp tục công tác phục vụ Ðức
Kitô đã làm cho dân chúng. Trong nhiều thế kỷ,
các tu sĩ đã đảm nhận dịch vụ ấy; nhưng ngay từ đầu, Giáo hội vẫn có một chức
thánh với một đoàn sủng đặc thù để chu toàn dịch vụ ấy. Gắn liền với chức phó tế
là những dịch vụ không cần đến ấn tích của chức linh mục, chẳng hạn như công việc
hành chánh tư pháp và quản lý, tác vụ giảng dạy giáo lý, khuyên dẫn thiêng
liêng, v.v. và cả đến công tác chính thức giữ vai quản nhiệm của họ đạo (đ 517
§2).
Trong phụng vụ, phó tế hành sử năng quyền
của thánh chức mình: trong tư thế là thừa tác viên thường vụ, phó tế cử hành bí
tích Thánh tẩy (đ 861 §1), phân phát Thánh Thể, công bố Phúc âm và tuyên giảng
Lời Chúa (đ 767 §1). Phó tế cũng có thể chủ tọa Hôn phối và phụng vụ an táng.
NỮ PHÓ TẾ
Thư Rôma – Rm 16: 1 – nói về bà Phêbê
như là điákonos (trợ tá), và khi đề cập đến các phó tế, 1Tm 3:
11 cũng nói về các “phụ nữ” với những đức tính cần phải có... làm như họ là phó
tế hay ứng viên vào chức phó tế; nhưng có lẽ họ chỉ là những trợ tá hoặc phu
nhân của các trợ tá. Sử gia Plinius (ngoại giáo, thế kỷ 2) cho biết là trong
Giáo hội Kitô, đã có những ministrae (nữ trợ tá). Thế kỷ 3, Sách Didascalia
Apostolorum mô tả nghi thức phong chức nữ phó tế với việc đặt tay, và
công đồng Calcêđônia (năm 451) xác định về một vài chi tiết thời đầu Giáo hội
(đ. 40). Còn công đồng Orange (năm 441) thì cấm phong chức cho phụ nữ làm trợ
tá. Bên Ðông phương, các nữ trợ tá như thế biến mất hẳn từ thế kỷ 11.
Vai trò của chức trợ tá này quả là quan
trọng đối với công tác mục vụ bên cạnh nữ giới trong Giáo hội, đặc biệt là để
chuẩn bị họ chịu phép Rửa và trong chính phụng vụ Thánh tẩy (như nghi thức xức
dầu phụ nữ). Nhiều dịch vụ tương tự hiện đang tiến hành qua hoạt động của các nữ
tu ngày nay. Năm 1976, Tòa thánh tuyên bố là các phụ nữ không thể được nhận vào
chức linh mục; nhưng lại không nói gì về chức phó tế.
THỪA TÁC VỤ GIÁO DÂN
Ở đây, từ “giáo dân ” mang ý nghĩa chỉ về
những kitô hữu không thuộc hàng giáo sĩ hay tu sĩ (LG 31a). Trong bản dịch Kinh
Thánh LXX , danh từ Hy lạp Laós (“dân”) được dùng để chỉ các
tín hữu Ítraen nói chung, và Giáo hội đã dùng từ này để chỉ các tín hữu không
chịu chức thánh. Vaticanô II phân biệt giáo dân với giáo sĩ và tu sĩ, và dành
chương 4 của Hiến chế tín lý về Giáo hội và một văn kiện riêng khác, tức
là Sắc lệnh về tông đồ giáo dân, để bàn về tư thế và hoạt động của
giới giáo dân ở trong Giáo hội (AA).
Thời xưa, hầu như đại đa số dân chúng đều
mù chữ, ít học, và giới giáo sĩ lại thường gồm những thành phần có học hay trí
thức, thế nên, giới giáo dân chỉ đóng giữ một vai trò thụ động, và được gọi là
“Giáo hội thụ huấn ” tương ứng với “Giáo hội chủ huấn ” là phẩm trật . Vaticanô II đã tận
gốc đổi mới quan niệm này. Là “Dân Thiên Chúa,” giáo dân đã “nhận chức tư tế
thánh, nhờ đó, qua mọi hoạt động của con người kitô, dâng hy tế thiêng liêng và
rao truyền những kỳ công của Thiên Chúa” (LG 10a). Không còn là người phàm, mà
là người được thánh hiến, là nền tảng của Dân Thiên Chúa, là chi thể trong thân
mình Ðức Kitô, người kitô quả là khí cụ để cứu rỗi nhân loại.
Vì đã lãnh nhận Thánh Thần và ấn tích
Phép Rửa, giáo dân có khả năng và nhiệm vụ thông truyền Tin mừng, mở rộng Nước
Chúa, cử hành các bí tích Rửa tội và Hôn phối, cũng như chủ động tham dự vào phụng
vụ của Giáo hội (LG 11).
“Làm nên ‘một con người mầu nhiệm duy nhất’
với Chúa Kitô là Ðầu của mình, Giáo hội hành động trong các bí tích như ‘một cộng
đoàn tư tế,’ ‘được cấu trúc như một cơ thể’: Nhờ phép Rửa tội và phép Thêm sức,
dân tộc tư tế trở nên xứng hợp để cử hành Phụng vụ: đàng khác, một số tín hữu
‘có chức thánh, đã được đặt lên nhân danh Chúa Kitô để chăn nuôi Giáo hội bằng
Lời và ân sủng của Thiên Chúa.”
Thừa tác vụ đặc thù của giáo dân là
“Kitô hóa thực tại trần gian:”
“Thiên Chúa kêu gọi giáo dân để dưới sự
hướng dẫn của tinh thần Phúc âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng
việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế với lòng tin cậy mến sáng ngời
và nhất là với bằng chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác, vì thế họ
có nhiệm vụ đặc biệt là soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ
mật thiết với họ, để chúng không ngừng triển phát và bành trướng theo thánh ý
Chúa Kitô, hầu ca tụng Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Ðộ” (LG 31).
Thế nên, tìm giải đáp cho những vấn đề
xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa, v.v... không phải là chuyện của giáo phẩm
nhưng là của giáo dân. Chẳng thế mà các tác giả nói về một dạng thừa tác vụ có
thể coi như là mới được ý thức rõ hơn: thừa tác vụ chính trị, văn hóa, xã hội,
kinh tế, phát triển, trị liệu, v.v.
Trong Giáo hội, Thần Khí ban phát ân sủng
tùy ý Ngài làm cho “người kitô có khả năng và sẵn lòng đảm nhận công việc và
nhiệm vụ khác nhau nhằm mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo
hội…” (LG 12b). Giáo dân có quyền – và không cần phải xin phép – để làm việc
tông đồ. Người kitô được thông phần vào nhiệm vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của
Ðức Kitô (LG 34), chứ không phải thông phần vào nhiệm vụ của phẩm trật. Thế
nên, mọi giáo dân đều có trách nhiệm đối với Giáo hội, để gìn giữ những giá trị
công giáo và phát triển “Nhà Chúa.” Trong lịch sử, nhiều giáo dân đã sáng lập
những cộng đồng kitô giáo, loan báo Tin mừng, và làm chứng cho Chúa ở giữa thế
gian (x. 1Pr 2: 9; Rm 16: 1-16; AA 3).
Trong Giáo hội của tương lai, các giáo
dân phải giữ một vai trò tích cực hơn; có người còn cho rằng cần phải giảm bớt
vai trò của giáo sĩ và tăng cường trách nhiêïm của giáo dân. Bộ Giáo luật
mới liệt kê nhiều nhiệm vụ giáo dân có thể đảm trách và thi hành: không chỉ là
tác vụ giúp lễ và đọc sách trong phụng vụ (đ 230), mà còn giảng Lời Chúa (trừ
ra bài giảng sau Phúc âm (đ 776; 762.1). Giáo dân có thể dạy thần học với danh
nghĩa chính thức (đ 229.3) và đến một mức nào đó, đảm nhiệm phận vụ chưởng ấn
(đ 483.2), lục sự (đ 483.2) và biện lý trong giáo phận (đ 494); có thể làm thẩm
phán trong một tòa án tập đoàn (đ 1431.2), cố vấn thẩm phán (đ 1424), chưởng lý
và bảo hệ viên (đ 1435); có thể làm kiểm toán viên (đ 1428.2) và thụ ủy (đ
1483). Trong giáo phận, giáo dân có thể làm thành viên của hội đồng kinh tế (đ
492.3) và hội đồng mục vụ (đ 512.1); còn trong họ đạo thì giáo dân có thể phối
trí những công tác tông đồ dưới quyền chỉ đạo của cha xứ, và nếu không có linh
mục, môït giáo dân có thể phụ trách cả họ đạo (đ 517.2). Giáo dân có thể làm thừa
sai (đ 784), làm thừa tác viên ngoại thường của Phép Rửa (đ 861.2), phân phát
(đ 910.2) và đặt Mình Thánh (đ 943); giáo dân cũng có thể cử hành phụng vụ hôn
phối (đ 1112), an táng và nhiều á bí tích khác (đ 1168).
Vì chính mình là Giáo
hội, mọi kitô hữu đều là thừa tác viên với những mức độ trách nhiệm và những phận
vụ khác nhau tùy đoàn sủng, tài năng và địa vị trong Giáo hội (AA 2), vì tất cả
đều là anh chị em của nhau (x. Mt 23: 8). Giáo dân được mời gọi trở nên thánh
và thánh hóa xã hội; họ truyền thụ đức tin cho con cái và xây dựng “Giáo hội tại
gia ” (LG 11b). Hợp tác với phẩm trật, giáo dân có thể lãnh nhận một sứ mệnh
(LG 33c), mà Vaticanô II gọi là “thừa tác vụ” (SC 29; AG 15i; GE 7a). Tuy
nhiên, giáo dân không cần phải được “ủy nhiệm” của phẩm trật để làm việc tông đồ,
bởi đã từng nhận được “năng quyền” từ bí tích Thánh tẩy và Thêm sức: “họ có quyền
hạn và nhiệm vụ” từ bởi chính Chúa (AA 3a; đ 224). Ðức Kitô thực thi nhiệm vụ
ngôn sứ của mình không chỉ qua phẩm trật mà còn qua cả tác vụ của giáo dân nữa,
vì “Ngài làm cho họ trở thành chứng nhân, và ban cho họ cả cảm thức đức tin lẫn
ơn ngôn ngữ (x. Cv 2: 17-18; Kh 19: 10)” (LG 35a)
KÝ
HIỆU
†
Chết năm...
AA Apostolicam Actuositatem (Sắc lệnh về hoạt động tông đồ giáo dân)
AAS Acta Apostolicae Sedis (Công báo Tông Tòa)
AG Ad Gentes (Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo)
CD Christus Dominus (Sắc lệnh về các giám mục)
CIC Codex Iuris Canonici (Bộ Giáo Luật)
Col. Collectif: tác phẩm tập thể.
DC Documentation Catholique
DH Dignitatis Humanae (Tuyên ngôn về tự do tôn
giáo).
DS Denzinger-Schommetzer, Enchiridion
Symbolorum - Tuyển tập Tín Ðiều (những lần xuất bản sau 1963).
DV Dei Verbum (Hiến chế tín lý về Mặc khải)
ed(s)., editor(s): (những) người xuất bản
đ. điều, khoản Giáo luật
EN Evangelii Nuntiandi.
GE Gavissimum Educationis (Tuyên ngôn về giáo
dục Kitô giáo).
GS Gaudium et Spes (Hiến chế mục vụ)
Id., Idem: cùng một tác giả
Ibid., Ibidem: cùng một chỗ.
IM Inter Mirifica (Sắc lệnh về các phương tiện
truyền thông xã hội).
LG Lumen Gentium (Hiến chế tín lý về Giáo hội)
NA Nostra Aetate (Tuyên ngôn về các tôn
giáo không kitô giáo).
o.c. opus citatum: tác phẩm đã trưng dẫn
OE Orientalium Ecclesiarum (Sắc lệnh về
các Giáo hội công giáo đông phương).
OT Optatam Totius (Sắc lệnh về đào tạo
linh mục).
PC Perfectae Caritatis (Sắc lệnh về đời sống dòng tu).
PG Migne, Patrologia Graeca (Bộ Giáo phụ Hylạp)
PL Migne, Patrologia Latina (Bộ Giáo phụ Latinh)
PO Presbyterorum Ordinis (Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục).
Sách giáo lý.. Sách Giáo Lý của Giáo Hội
Công Giáo
SC Sacrosanctum Concilium (Hiến chế về Phụng vụ)
tt. tiếp theo
UR Unitatis Redintegratio (Sắc lệnh về hiệp nhất).
x. xem
Rahner. K. , Bishops:
Their Status and Function, Baltimore: Helicon 1964; Betti,
U. , La dottrina sull’episcopato del Concilio Vaticano II, Roma,
1984.
Wood, S. , “The
Sacramentality of episcopal consecration” Theol. Stud. 51(1990)
479-496
Xem Bộ Giám mục, Chỉ Nam
cho các Giám Mục, Vaticano 1973.
Xem Thư gửi Smyrna, 8;
PG 5.714.
Mallet, J.K., (eđ) The
Ministry of Governance, (Canon Law Society of America) 1988.
xem Mt 24: 24; Mc 13: 22; 2Cr 11:
13; 1Tm 4: 1t; 2Pr 2: 1; 1Ga 4: 1; 2Ga 10, vv.
Th. Cyprianô, De catholica
Ecclesiae uniate.
Fransen, P.F. , Hermeneutics
of the Councils and Other Studies Leuven U.Press 1985.
Khoản Giáo luật, số 750: “Phải tin
nhận với đức tin thần linh và công giáo hết tất cả những gì hàm chứa trong Lời
Chúa được ghi chép hay truyền tụng lại, nghĩa là trong kho tàng đức tin đã được
ký thác cho Giáo hội; và đồng thời được công bố là đã được Chúa mạc khải do quyền
giáo huấn trang trọng, hay quyền giáo huấn thông thường và phổ quát của Giáo hội
được biểu lộ qua sự đồng thanh chấp nhận của các tính hữu dưới sự hướng dẫn của
quyền giáo huấn. Bởi vậy, mọi người phải xa tránh những giáo thuyết nào trái
ngược với những điều phải tin.”
Giáo lý Công Giáo, 88; Bộ Giáo luật, đ
749.
Giao lý số 891; xem tuyên ngôn Mysterium
ecclesiae, AAS 65 (1973) 399tt.
Thí dụ: một công đồng thật là công
đồng chung đích thực, một giáo hoàng đã được bầu cử cách hợp luật, việc phong
thánh, vân vân; xem Giáo lý số 2032-38.
Xem Professio fidei et
jusjurandum fidelitatis, AAS 81 (1989) 105
Xem chú thích số 12 trên.
Xem Rahner, K. , “Teaching
Authority after the Council” trong Theological Investigations, 9,
New York: Crossroad Publ. 1972, 83-100; “The Dispute Concerning the
Church’s Teaching Office” Ibid. 14, 1976, 86-97.
Femiano, S. , Infallibility
of the Laity, New York 1967; Congar, Y. , Ministères et
communion ecclésiale, Paris: Cerf 1971, trg. 140-165; Sesboưé,
B. “Authorité du Magistère et vie ecclésiale” Nouv.Rev.Théol.
93 (1971) 337-373.
Congar, Y. , “La ‘réception’ comme réalité ecclésiologique,” Rev. Scienc. Philo.
et Théol., 56(1972) 369-403; Routhier, G. , La Réception
d’un concile, Paris: Cerf 1993.
Rahner, K. , “On the
Encyclical ‘Humanae vitae’” Theol. Invest. 11, 1974, 263-387;
Komonchak, J.A. , “Humanae vitae and Its Reception:
Ecclesiological Reflection,” Theol. Stud., 39 (1978) 221-257.
Th. Thôma nói về hai
tòa: cathedra pastoralis và cathedra magistralis,
tức “tòa của các mục tử” và “tòa của các giáo sư” trong Quodlibeta III 9.
ad 3; Deschamps, A. , “Théologie et magistère,” Eph.Theol.Lov. 52
(1976) 82-133; Brown, R. , “The Dilemma of the Magisterium vs the
Theologians; Debunking Some Fictions,” Chicago Studies 17
(1978) 282-299.
Colombo, G. (ed.), Il
teologo, Milano 1989.
Xem Congrégation pour la
Doctrine de la Foi, “La vocation ecclésiale du théologien” DC 72
(1990) 653-670.
“Những người dạy các môn thần học
trong bất cứ một học viện cao đẳng nào, đều phải có ủy nhiệm thư của nhà chức
trách có thẩm quyền” (đ 812).
Dionne, J.R. , The
papacy and the Church: A Study of Praxis and Reception in Ecumenical
Perspective, New York: Philosophical Library 1987.
Xem Dulles, A. , The
Craft of Theology, New York: Crossroad 1995, đặc biệt ch. 7, 10, 11;
Sullivan, Fr. A. , Creative Fidelity, Weighing and interpreting
documents of the Magisterium, New York: Paulist P. 1996.
Xem Clemente Epist. Ad
Corinthios 90.1; Ignaxiô Antiokia , Ad Smyrn.
8.1-2; Giustinô , Apologia I, 67. Xem Brown,
R. , Priest and Bishop, Mahwak, NJ: Paulist Pr., 1980.
Mohler, J. , The
Origins and evolution of the Priesthood, New York: Alba House, 1970;
Osborne, K.B. , Priesthood: a history of ordained ministry in
the Roman Catholic Church, Paulist Press 1989; Bernier, P. , Ministry
in the Church, Mystic, CT: Twenty-Third Publ. 1992, ch. 4.
Denis, Henri , Les
Prêtres, Formation, ministère et vie, Unam Sanctam 68, Paris: Cerf
1968.
Giáo lý, 1581; Galot, J. , La
nature du caractère sacramentel. Étude de théologie médiévale, Bruges,
Gembloux 1956; Legrand, H.-M. , “The ‘indelible’ Character of the Theoloy
of Ministry,” trong H. Kung và W. Kasper (eds), The Plurality
of Ministries, New York: Herder & Herder 1972.
Giáo luật, đ. 884 và 1207.
Phaolô VI , trong Evangelii
nuntiandi 34.
Có một vấn đề chúng tôi không có
thể bàn luận đây, là vấn đề liên quan đến những “việc phong chức tuyệt đối.” Ðó
là trường hợp của các giám mục và linh mục không là “mục tử,” không có “đàn
chiên”… như là nhiều vị ở giáo triều Rôma hoặc tu sĩ, đan sĩ, v.v.
Xem Colson, J. , La
fonction du diaconat aux origines de l’Eùglise, Paris 1960.
Nowell, R. , Ministry
of Service, London: Burns & Oates 1968; Shugrue, T. , Service
Ministry of Deacons, Washington (Nat. Comm. of Cath. Bish.) 1988;
Ziegler, J. , Let them anoint the sick, Collegeville Mn:
Liturgical Press 1987.
Về khả năng của chức vụ này
xem Diaconat au XXIe siècle. Actes du colloque
de Louvain-la-Neuve (13-15 Sept. 1994), Bruxelles 1994.
Xem Tavard, H. , Woman
in Chistian Tradition, Univ.of N.D. Press 1973; Martimort, A. , Les
Diaconesses: Essai historique, Rome: CLV 1982; Schussler-Fiorenza,
E. , Discipleship of Equals, New York: Crossroad 1993.
Về thừa tác vụ của phụ nữ xin xem
Schussler-Fiorenza, E. , In Memory of Her, London 1983.
Xem Gioan Phaolô II , Christifideles
laici, 1988 (là kết quả của Hội đồng giám mục năm 1987); Congar,
Y., Jalons pour une théologie du Laðcat, Paris: Cerf 1954;
Semeraro, M. , Con la Chiesa nel mondo. Il laico nella storia,
nella teologia nel magistero, Roma 1991; Rademacher, W.J. , Lay
Ministry, Crossroad Publishing 1996.
Giáo lý Công Giáo, số 1119.
Xem Provost, J. , Preaching
and the Non-Ordained, Collegeville, Mn.: Liturgical Press,
1983.
Doohan, L. , A
Lay-Centered Church, Minnepolis:Winston Press 1984; FABC
Papers các số 46a-l, 47 (1986); Rademacher, Azevedo,
M. , Basic Ecclesial Communities, Washington: Georgetown
U.P., 1987; Rademacher, W., Lay Ministry, New York: Crossroad
1990; Beal, J.P. , “The exercise of the Power of Governance by lay people.
State of the question” The Jurist 55 (1995) 1-92.