Chiara Lubich là một trong những khuôn mặt giáo dân nổi bật của Giáo hội thế kỷ XX. Cái nhìn của bà về thế giới, về linh đạo giáo lý với tất cả các liên hệ trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính trị, có thể được hiểu sâu sắc hơn nếu được xem xét trong bối cảnh lịch sử mà Chiara đã trải qua. Chiến tranh Ucraina nhắc nhở chúng ta nhìn lại đặc sủng của Chiara để tìm ra một hướng đi và hy vọng

Tập sách Vượt thế kỷ XX
Đặc sủng hiệp nhất của Phong trào
Focolare
Chiara Lubich sinh tại Trento ngày
22/01/1920 và qua đời tại Rocca di Papa ngày 14/3/2008. Năm 1943, chị Chiara cảm
thấy một lời mời gọi thành lập Phong trào Focolare -Tổ ấm, với linh đạo theo lời
nguyện của Chúa Giêsu: “Xin cho chúng nên một như Con ở trong Cha và Cha ở
trong Con” (Ga 17,21), hướng đến một thế giới, một gia đình nhân loại duy nhất,
trong đó tất cả mọi người đều nhìn nhận nhau là anh chị em.
Từ đó Chiara được biết đến với những hoạt
động không mệt mỏi vì sự hiệp thông, tình huynh đệ và hòa bình giữa những người
thuộc các Giáo hội khác nhau, các tín hữu của nhiều tôn giáo và ngay cả giữa những
người không nhận mình theo một tín ngưỡng tôn giáo cụ thể. Suy nghĩ của bà mang
đến một lối sống mới trong lĩnh vực dân sự, kinh tế và chính trị.
Hiện nay Phong trào có khoảng 200 ngàn
thành viên và 5 triệu thân hữu thuộc nhiều tôn giáo khác nhau ở 182 nước có
liên hệ và hỗ trợ các dự án của Phong trào.
Trong sứ điệp gửi đến hội nghị “Một đặc
sủng để phục vụ Giáo hội và nhân loại” được phong trào Focolare tổ chức nhân kỷ
niệm 100 năm ngày sinh của Chiara Lubich vào năm 2020, Đức Thánh Cha khẳng định:
“Đặc sủng hiệp nhất là một trong những ơn của thời đại chúng ta, là thời đại
đang trải qua một sự thay đổi lớn lao và mời gọi một cuộc cải cách tinh thần và
mục vụ nền tảng và triệt để, đưa Giáo hội trở về nguồn mạch luôn mới mẻ và hợp
thời của Tin Mừng Chúa Giêsu”.
Vượt thế kỷ XX. Chiara Lubich và lịch sử,
văn học và xã hội của thời đại chúng ta
Kể từ năm 2008, mỗi dịp kỷ niệm ngày mất
của vị sáng lập, ngày 14/3, là cơ hội để các thành viên của Phong trào Focolare
khắc sâu hình ảnh và tư tưởng của bà trong tất cả các khía cạnh, với niềm tin rằng
nơi bà vẫn còn nhiều điều chưa được khám phá hết.
Một sự hiểu biết thấu đáo hơn về học
thuyết của bà cũng là mục tiêu của tập sách được xuất bản gần đây “Vượt thế kỷ
XX. Chiara Lubich và lịch sử, văn học và xã hội của thời đại chúng ta”.
Theo các tác giả tập sách, là người có
nhiều trải nghiệm ở thế kỷ XX và một phần của thế kỷ XXI, bà Chiara nắm bắt được
những điểm nổi bật của những thay đổi của thời đại. Ở tác phẩm này, các chuyên
gia trong các lĩnh vực văn hóa và khoa học khác nhau đã nghiên cứu sâu về kinh
nghiệm của bà trong bối cảnh của thế kỷ XX, và tìm ra những điểm tương đồng của
bà với các nhân vật nổi bật khác của thời nay, những người đã mở ra cái nhìn mới
cho cá nhân và tập thể.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho
Vatican News, ông Donato Falmi, một trong những tác giả viết về Chiara Lubich
đã cho biết một số chi tiết về nội dung tập sách và những tư tưởng hiệp nhất
toàn thể gia đình nhân loại trong bối cảnh ngày nay, đặc biệt với cuộc chiến
tranh tại Ucraina.
Trước hết, ông Donato nhận định rằng,
Chiara Lubich là một trong những khuôn mặt giáo dân nổi bật của Giáo hội thế kỷ
XX. Cái nhìn của bà về thế giới, về linh đạo giáo lý với tất cả các liên hệ
trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính trị, có thể được hiểu sâu sắc hơn nếu
được xem xét trong bối cảnh lịch sử mà Chiara sống. Mục đích của cuốn sách
"Vượt thế kỷ XX" là đóng góp vào việc này.
Tập sách được ra đời, sau hội nghị kết
thúc 100 năm ngày sinh (1920-2020) của Chiara Lubich, với mục đích chính xác là
để gặp gỡ và biết rõ hơn Chiara Lubich là ai và hiện nay, trong Giáo hội và xã
hội Chiara là ai? Đây là lý do tại sao những người nghiên cứu cố gắng đọc tư tưởng
của bà, bắt đầu từ những trải nghiệm để hiểu bối cảnh lịch sử thời của bà, và
xem những đóng góp mà bà đã thực hiện liên quan đến toàn bộ lịch sử của thế kỷ
XX.
Trước hết, thế kỷ XX là thế kỷ của một kỷ
nguyên mới, vì lần đầu tiên chúng ta phải đối diện với những hiện tượng văn hóa
ảnh hưởng cả hành tinh. Chiara cùng với những người khác có liên quan đến Phong
trào 68 - phong trào quần chúng phản đối bộ máy quyền lực thống trị và hệ tư tưởng
của chúng. Mặc dù có ánh sáng và không thiếu bóng tối, Phong trào 68 có một số
đặc điểm quan trọng, thực tế là lần đầu tiên một thế hệ mới gồm những người trẻ
di chuyển và trước mặt họ không có vấn đề cục bộ, nhưng là hành tinh trước mặt.
Đó là một thế hệ quan tâm đến mọi sự, xuống đường để yêu cầu giải pháp cho những
vấn đề cách xa hàng ngàn kilomet về địa lý.
Giáo hội như là sự hiệp thông
Chiara giải thích nhu cầu này là để cảm
thấy rằng tất cả nhân loại được kết nối với nhau và do đó cũng là tầm nhìn
chính trị, xã hội và kinh tế của bà, bắt đầu từ mệnh lệnh Kitô giáo về “tất cả
có thể nên một”. Đây là một tầm nhìn bao trùm toàn thể nhân loại, cái nhìn các
dân tộc thực sự là anh em, các nền văn hóa như chị em, cũng như các Giáo hội và
các cộng đoàn Giáo hội và các tôn giáo tự khám phá ra tất cả những gì hợp nhất.
Đó là thông điệp tuyệt vời đến với chúng ta từ Công đồng Vatican II, từ Thánh
Giáo hoàng Gioan XXIII, người đã nói với chúng ta một cách chính xác rằng hãy
tìm kiếm điều gì hợp nhất và cố gắng xây dựng dựa trên điều đó. Chiara đi chính
xác theo hướng này.
Thực tế, thế kỷ XX là thế kỷ của Công đồng
Vatican II, về sự tái khám phá của giáo dân trong Giáo hội, về sự xuất hiện một
ý tưởng Giáo hội như là sự hiệp thông, giống như những gì đã nói trước đây.

Chiara với các nhà sư Phật giáo
Giáo dân phải dấn thân trong mọi lĩnh vực
xã hội
Như vậy, đề nghị về đời sống Kitô hữu do
Chiara đưa ra chắc chắn mang tính Giáo hội và do đó bao hàm tất cả các ơn gọi của
Giáo hội, nhưng nó có một sự mở rộng mạnh mẽ đến giáo dân vì nó dựa chính xác
vào sứ điệp nền tảng của Chúa Giêsu. Đó là một ơn gọi phổ quát nhằm đặt Thiên
Chúa lên trên hết, xem tất cả là anh chị em và trên hết làm nổi bật những gì có
trong Giáo hội, đặc biệt là trong Giáo hội Công giáo. Và chính giáo dân được
tái khám phá, như Chiara nói một cách rõ ràng rằng giáo dân là Kitô hữu và do
đó có nơi mình toàn bộ chiều kích tâm linh và đời sống Tin Mừng, nhưng cũng là
toàn thể chiều kích nhân loại. Điều này rất quan trọng vì Công đồng đã tự vấn về
cách tốt nhất để Giáo hội hiện diện trong thế giới, đối thoại với thế giới và
Chiara đưa ra đóng góp này. Bà nói: “Chúng tôi muốn có mặt trong xã hội ở mọi cấp
độ, không rút lui để trở thành Kitô hữu, nhưng dấn thân càng nhiều càng tốt vào
tất cả các vấn đề xã hội một cách chính xác để trở thành Kitô hữu”.
Chiara Lubich là một nhà văn rất thành
công với những bài phát biểu, những bài tham luận, những đóng góp về nhiều chủ
đề khác nhau, nhiều tác phẩm mang tính tâm linh. Khía cạnh này cũng được thảo
luận trong tập sách, tạo nên một sự so sánh với các kinh nghiệm văn học khác
trong thế kỷ.
Nói một cách thành thật rằng ở một khía
cạnh nào đó, bà chưa bao giờ viết sách, và điều đó đúng, nhưng cũng đúng khi
Chiara đã giao tiếp không ngừng trong suốt cuộc đời. Trong những năm tuổi trẻ,
bà viết rất nhiều và chủ yếu viết thư vì đây là công cụ phổ biến nhất để có thể
chia sẻ và giữ liên lạc với những người khác. Vì vậy, những nhà nghiên cứu tư
tưởng của bà nhận thấy một số khía cạnh trong các bài viết của Chiara có mối
liên hệ đáng kể, ví dụ, với văn học nữ tính thần bí, văn học dấn thân, là trung
tâm của thế kỷ XX ở Ý, và hơn thế nữa, bà phát triển một nền văn học muốn góp
phần đổi mới xã hội.
Phần thứ tư của cuốn sách “Vượt thế kỷ
XX” mang tựa đề “những cuộc đối thoại ngôn sứ”. Nội dung của phần này mô tả việc
Chiara đối diện với sáu nhân vật nổi tiếng đương thời: từ Simone Weil đến
Gandhi, đặc biệt với Mikhail Gorbachev. Chiara đã sống và chứng kiến bức tường
Berlin sụp đổ, cũng như các sự kiện ở Đông Âu theo sau. Bà rất quan tâm đến
Đông Âu, vì thế trong nhiều năm, các thành viên của Phong trào đã đến sống ở
khu vực này. Tất nhiên con đường của Chiara và Mikhail Gorbachev rất khác nhau,
nhưng họ có mong muốn chung về một nhân loại đổi mới cùng nhau bước đi.

Chiara được công nhận Công dân danh dự ở
Roma
Tin tưởng vào khả năng hiệp nhất của
toàn thể nhân loại
Chiara Lubich đã sống bằng lời nói và
hành động vì một sự hoán cải trong lịch sử nhân loại, với hoạt động nâng cao nhận
thức về sự “cưu mang” của một thế giới mới. Điều này giống như ngày nay Đức
Thánh Cha tiếp tục làm. Ngày nay, tình huynh đệ đã tham gia vào cuộc tranh luận
chính trị, nhưng rồi cuộc chiến ở Ucraina đã làm cho mọi thứ dường như phải được
làm lại.
Chiến tranh Ucraina nhắc nhở chúng ta
nhìn lại đặc sủng của Chiara để tìm ra một hướng đi và hy vọng. Trước đây, khi
chứng kiến cảnh Toà Tháp đôi New York bị tấn công, Chiara đã rất xúc động bởi
vì bà đã thấy có một sự mâu thuẫn, đặc biệt đối với giới trẻ. Trong nhiều năm,
Chiara đã mời gọi các bạn trẻ vào lúc 12 giờ trưa, dành một phút thinh lặng và
cầu nguyện cho hoà bình. Hôm nay, nếu còn sống bà cũng sẽ muốn nói: “Những lý lẽ
cho hoà bình vượt trội hơn chiến tranh, chúng ta tiếp tục tin rằng hoà bình là
điều có thể”. Chiara không ngừng thúc giục con người tin tưởng vào khả năng hiệp
nhất của toàn thể nhân loại. Thực tế, trong những ngày này nhiều phản ứng và
hành động đang lan toả trên khắp thế giới về tình liên đới, và cả cầu nguyện
cho hoà bình là một lời xác nhận cho điều này.
Ngọc Yến
(Vatican
News 24.03.2022)