Trong bài báo có tựa: “ Hành trình tâm linh như đi tìm trâu”, linh mục Phan Tấn Thành sau khi trình bày mấy quan điểm về “ Mười bức tranh chăn trâu” tức Thập Mục Ngưu Đồ của các thiền sư và sau đó đã nêu lên hai điểm khác biệt lớn với Ki Tô giáo như sau:
1/- Sự khác biệt nhất ở chỗ
hành trình huyền bí không đưa đến sự kết hợp với Thiên Chúa ( Theo quan điểm của
Ki Tô giáo ) nhưng đến chỗ VÔ. Đây là sự khác biệt về tận điểm.
2/- Một sự khác biệt nữa nằm
ngay ở hướng đi của hành trình không phải từ Hữu đến Vô nhưng là đến chỗ khám
phá ra Phật Tính ở ngay trong mình. Hai loạt bức tranh của Quách Am và Kyotetou nêu bật điều đó: Mục đồng đi tìm
con trâu lạc tức là đi tìm chân lý ( Hay Phật Tính ). Anh tưởng rằng chân lý ở mãi tận đâu đâu nhưng nào ngờ lại ở ngay trong chính mình. Vì
thế cần phải trở lại với chính mình” ( Nguồn: TTHV Đa Minh – 01/2/2021 ). Phan
Tấn Thành – Hành trình tâm linh như đi tìm trâu ).
Nói rằng cuộc hành trình tâm
linh như đi tìm trâu là đúng. Tuy nhiên trong cuộc hành trình ấy thật ra không
có gì gọi là khác biệt với việc tìm trâu
qua từng giai đoạn, nếu chúng ta biết gạt bỏ đi những giới hạn của ngôn từ để
cùng nhau khám phá ra chân lý Kinh Thánh mà bấy lâu đã bị thần học duy lý làm
cho khuất lấp.
Sau đây lần lượt xin trình
bày về Mười Bức Tranh Chăn Trâu dưới nhãn quan Thiền Tông:
Bức
Tranh Thứ Nhất
Tìm Trâu
Sống đời tâm linh là sống một
cuộc tìm, thật vậy Đức Ki Tô nói: “ Hãy xin sẽ được. Hãy gõ sẽ mở cho. Vì hễ ai
xin thì được. Ai tìm thì gặp. ai gõ sẽ được mở cho” ( Lc 11, 9 -10 ). Chúa nói
hãy xin sẽ cho, hãy tìm sẽ gặp. Điều ấy có nghĩa nếu không xin thì sẽ không
cho, không tìm thì sẽ không thể gặp. Cuộc
khủng hoảng trong giáo hội hiện nay cũng như từ thuở xa xưa trong thời Cựu Ước
chính là vì đã không có sự tìm kiếm Thiên Chúa như đáng phải tìm:
“ ĐCT từ trên trời ngó xuống
con loài người, đặng có ai thông sáng tìm kiếm ĐCT chăng ? Chúng nó thay thảy đều
lui lại cùng nhau trở nên ô uế. Chẳng có ai làm điều lành, dẫu một người cũng
không” ( Tv 53, 2 -3 ).
Với cách diễn tả của Kinh
Thánh ( Cựu Ước ) dường như cho thấy có một đấng Thiên Chúa…ngoại tại ( Ở trên
trời ) nhưng không phải vậy, Đấng cần tìm kiếm
ấy theo tiên tri Isaia đó là Đấng Thiên Chúa Ẩn Giấu ( Deus Abconsditus
– Is 45, 15 ).
Trong suốt cuộc hành trình
tìm kiếm của Dân Chúa cho thấy đó là cuộc tìm về với Đấng Thiên Chúa Ẩn Giấu và
sự…giấu ẩn đó chỉ có thể giấu ở trong
Tâm mỗi người chứ chẳng thể ở bất cứ nơi nào khác: “ Cốt để họ tìm kiếm
ĐCT hầu mong gặp được Ngài dẫu Ngài chẳng
ở xa mỗi một người trong chúng ta” ( Cv 17, 27 ).
Thiên Chúa chẳng ở xa là để
cho chúng ta không ngại trong việc tìm kiếm. Thế nhưng Đấng ấy chẳng những chẳng ở xa mà đó chính là Bản Tâm
là cái Tâm Chân Thật hằng hữu ở nơi mỗi người. Ở đây có một vấn đề hết sức nan
giải mà đối với thần học duy lý không bao giờ có thể chấp nhận. Thế nhưng đây lại
là chân lý Thánh Kinh không thể không giải đáp. Nếu Thiên Chúa là Đấng…nội tại
trong ta thì tại sao lại phải đi tìm ? Nói tìm kiếm Thiên Chúa thì chẳng lẽ ta
là kẻ đi tìm còn Thiên Chúa là đối tượng của việc tìm kiếm ấy hay sao ?
Trong bức tranh thứ nhất “
Tìm Trâu” chúng ta thấy chỉ có một mình mục đồng với cảnh núi rừng, non nước
bao la chẳng thấy bóng dáng …trâu đâu ? người Công giáo nói chung sở dĩ không
tìm kiếm Thiên Chúa là do ảnh hưởng của
thần học chỉ tìm cách chứng minh sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa. Thế nhưng Thiên
Chúa vẫn luôn mong mỏi con người tìm kiếm Ngài để được sống: “ Hễ ai tìm được
Ta thì gặp sự sống” ( Cn 8, 35 ).
Bức
Tranh Thứ Hai
Thấy Dấu
Đối với thần học thì việc
tìm kiếm chẳng những không bao giờ được đặt ra mà còn đang tâm…khai tử Thiên
Chúa bằng một thứ thần học gọi là thần học về cái chết của Thiên Chúa “ Theologie
de la mort de Dieu”. Đang khi đó cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều chủ trương việc tìm
kiếm. Đức Ki Tô nói: “ Nhưng trước hết hãy lo tìm kiếm Nước ĐCT và sự công
chính của Ngài thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi” ( Mt 6, 33 ).
Người đời chỉ biết lo cơm
ăn, áo mặc, công danh sự nghiệp, còn người có đạo mà cũng chỉ biết lo toan những
thứ đó thì chẳng xứng đáng là con cái
Chúa. Là con thì phải biết, phải nhớ đến Người Cha Thiên Chúa của mình. Thế
nhưng để có được cái sự biết, sự nhớ đó thì cần có người chỉ cho mới biết. Người
…chỉ cho tức mạc khải ấy chính là Đức Giê Su Ki Tô: “ Ngoài Cha không ai biết
Con. Ngoài Con và những ai Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10,
22 ).
Chỉ nhờ vào mạc khải chúng
ta mới có thể…biết về Cha và chính Cái Biết ấy là một dấu chỉ cho thấy về Tâm.
Thực tế cho thấy trong Đạo Công Giáo từ các em giáo lý khai tâm cho đến các nhà
thần học đều không hề được học hỏi về Tâm. Đang khi đó toàn bộ Kinh Thánh từ Sách Sáng Thế cho đến sách Khải Huyền đều
nói rất rõ về Tâm.
Thật vậy, trong câu chuyện
sa ngã của nguyên tổ, chẳng phải đã nói về Tâm đó sao ? Vườn Địa Đàng ám chỉ
cho Bản Tâm Vô Phân Biệt. Ông A Dong, bà Eva chỉ cho hai nguyên lý Âm và Dương.
Con rắn tượng trưng cho Lý Trí. Từ Vườn Địa Đàng tức Bản Tâm Vô Phân Biệt,
nguyên tổ vì nghe theo cám dỗ của rắn Sa Tan …ăn trái cấm phân biệt thiện ác mà
đã bị đuổi tức đọa vào chốn gian trần khổ
ải.
Trong câu chuyện mang tính
minh triết đặc thù ấy cho thấy có ra đi thì cũng có trở về và sự trở về ấy
chúng ta chỉ có thể thực hiện bằng cách dứt bỏ cái tâm phân biệt thiện, ác. Thiền
tông luôn chủ trương phá bỏ cái niệm hai bên tức cái niệm phân biệt ( Tội
nguyên tổ ). Tuy nhiên đây chỉ là nghe và tin Lời Chúa trong Kinh Thánh thôi thế
nên chỉ là…thấy dấu, không còn bơ vơ trên đường tìm kiếm.
Bức
Tranh Thứ Ba
Thấy Trâu
Bao lâu còn trên đường tìm
là còn chưa thấy. Tuy chưa thấy nhưng do mạc khải của Đức Ki Tô, chúng ta tin rằng
Đấng Cha ấy chẳng ở đâu xa nhưng vẫn hằng
hữu ở nơi mình tức Đấng ấy là một không khác với Bản Tâm. Vấn đề quan trọng đặt
ra ở đây, nếu Đấng Cha quả thật là Bản Tâm ta thì Bản Tâm ấy đích thực là gì ?
Xin thưa đó chính là Tánh Biết cũng gọi là Nguồn của những cảm biết không xa rời nhau.
Ở nơi mỗi người đều có sáu
loại cảm biết khác nhau:
1/- Mắt thấy sắc sinh cảm biết
phân biệt lớn nhỏ, cao thấp, xanh, đỏ, tím vàng…
2/- Tai nghe âm thanh sinh cảm
biết tiếng bổng, tiếng trầm…
3/- Mũi ngửi mùi sinh cảm biết
thơm, thúi…
4/- Lưỡi nếm vị sinh cảm biết,
ngọt bùi, đắng, cay…
5/- Thân đụng chạm sinh cảm
biết trơn, láng, thô nháp…
6/- Ý, Do nơi các cảm biết của
năm thức trước ( Tiền Ngũ Thức ) sanh lòng nhớ tưởng phân biệt. Vì vậy sẽ sanh
các thứ cảm biết của tư tưởng như tham muốn, mong cầu, tiếc giữ, giận hờn…Nói
tóm lại đó là các tình thức của tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến…ở nơi mỗi con
người.
Con người vì vô minh che lấp
nên cứ một mực chạy theo 06 thứ cảm biết vừa nêu cho nó là thật có mà quên đi Tánh Biết vốn có ở nơi mình.Tánh Biết hay Nguồn Cảm Biết
ấy không bao giờ thay đổi, với một đứa trẻ sơ sinh hay một ông lão sắp lìa đời
cũng vậy. Tánh Biết ấy được ví như nguyên liệu ( Bột ) để làm ra những chiếc
bánh như bánh mì, bánh đúc,bánh phở
v.v…Những chiếc bánh ấy có đủ loại hình tướng, màu sắc khác nhau nhưng tất cả đều
được làm bằng bột.
Thử hỏi không có bột làm sao
có được những chiếc bánh ? Cũng vậy không có Tánh Biết thì làm sao có được những
thứ cảm biết như vừa nêu trên ? Người nhận được Tánh Biết vốn hằng hữu ở nơi
mình đó chính là…thấy trâu và mục đồng
có được niềm vui vì biết rằng trâu vẫn quanh quẩn ở đó chứ chẳng mất đi đâu.
Đức Ki Tô mạc khải về Cha
cũng là một với việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Người nghe và tin Nước Trời ở
nơi mình đó thật là niềm vui khôn xiết.
Bức
Tranh Thứ Bốn
Được Trâu
Người nào tin Nước Trời hiện
hữu ở nơi mình thì có niềm vui lớn và vì thế càng ra công ra sức khai phá: “ Nước
Trời ví như của báu chôn trong ruộng, có người tìm được thì yểm đi, vui mừng mà
đi bán hết gia sản mình rồi mua lấy” ( Mt 13, 44 ).
Ruộng đây chính là Tâm là
con trâu mà mục đồng nắm được bằng sợi giây. Tuy đã nhận biết về tâm nhưng hành
giả vẫn còn nhiều tập khí, chạy theo trần cảnh tham, sân vì vậy con trâu Tâm ấy
vẫn còn ngang ngạnh chưa thể khuất phục. Trong bức tranh thứ bốn này ta thấy mục
đồng cố gắng ghìm chặt sợi giây nhưng con trâu
có khi vẫn lồng lộn muốn thoát ra khỏi.
Trong bức tranh thứ ba, dù
đã thấy trâu nhưng để thực sự sống với nó thì còn rất khó khăn bởi vì Tâm chưa
được chuyển hóa. Bởi đó dù có…thấy được Cha ( Kiến Tánh ) nhưng đây mới chỉ là
bước khởi Tu. Từ khi bắt đầu con đường tu tập Thiền Tông cho đến khi chứng đạo,
thiền sư Huệ Trung đã ở núi Bách Nhai 42 năm sau mới ra làm Quốc Sư.
Bức
Tranh Thứ Năm
Chăn Trâu
Nhận biết Cha tức nhận được Tánh Biết vẫn thường hằng ở nơi mình, đó
là một niềm vui lớn nhưng cốt yếu phải làm sao giữ được nỗi vui ấy đừng để nó lụi
tàn. Để giữ được niềm vui đó thì cần rất nhiều công phu nhà Thiền gọi là Bảo Nhậm.
Sở dĩ khó là bởi vọng niệm rất nhạy bén và chỉ có hành giả Thiền lâu năm mới có thể nhận ra điều
ấy.
Trong khi chăn mà thấy trâu
có ý tạt ngang muốn xâm hại lúa bắp ruộng người thì phải giật giây cho nó quay
lại ngay. Trong khi Tu mà biết có vọng niệm khởi thì phải biết và dừng lại. Tổ
Lâm Tế nói: Ông một niệm không thể dừng là cây vô minh. Trái lại ông dừng được
niệm là Cây Bồ Đề.
Vọng niệm khởi rồi liền diệt,
diệt rồi lại sinh cứ liên tu bất tận như thế. Tuy nhiên đối với hành giả, điều ấy
thật không đáng sợ, chỉ sợ chậm, không
biết mà dừng “ Bất úy tham sân khởi. Duy khủng tự giác trì”.
Đối với người Công Giáo thì
sợi giây thừng của người…chăn trâu đó chính là Tràng Chuỗi Mân Côi. Ai cũng biết
Kinh Mân Côi truyền thống chia ra ba Mùa: Vui, Thương, Mừng. Mỗi Mùa có năm Thứ.
Mỗi Thứ có mười Kinh Kính Mừng. Mục đích cần…chia ra như thế là để dừng lại các
vọng niệm mà chúng ta vẫn gọi là chia lòng chia trí đó.
Kinh Mân Côi nếu được tụng đọc
cùng với cộng đoàn hay trong gia đình cũng sinh nhiều ơn ích nhưng đó không phải
là TU bởi vì TU chính là để dứt vọng. Đang khi đó nếu đọc cùng với cộng đoàn
thì dù có chia trí vẫn…chẳng sao. TU ở đây chính là…chăn trâu. Con trâu Tâm ấy
nếu không Tu thì nó mặc
tình rong ruổi để rồi sa đà
vào các thứ tình chấp tham, sân mà không sao cưỡng lại được. Ngược lại với người
kiên trì thực hành Kinh Mân Côi thì khi vọng khởi liền biết và một khi vọng được
nhận biết thì nó không thể tác hại được nữa. Thực hành Kinh Mân Côi không khó
chỉ cần lòng bền đỗ ( Mt 10, 22 ).
Bức
Tranh Thứ Sáu
Cỡi Trâu
Về Nhà
Cỡi trâu về nhà là khi trâu
đã thuần, mục đồng có thể cỡi trên lưng thổi sáo mà về. Tâm trên đường về gốc ( Bản Tâm ) tức vọng đã được
nhận biết. Người không TU thì luôn bị cảnh duyên bên ngoài lôi kéo dẫn dắt, buồn,
vui chợt đến chợt đi không thể kiểm soát. Đối với người Công Giáo khi đang trên
con đường về Nhà Cha thì cả ba nhân đức
Tin, Cậy, Mến đều đã nảy nở, phát triển,
luôn tin rằng mình có Chúa có Đức Mẹ chở che, dìu dắt cả về vật chất lẫn tinh
thần: “ Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Trên đồng cỏ xanh rì, Người cho tôi nằm nghỉ…” ( Tv 23, 1 -2 )
Về nhà ở đây còn gọi là …tùy
duyên có nghĩa tuy vẫn tham dự Thánh lễ,
nguyện ngắm, sinh hoạt cùng với cộng đoàn nhưng trong một tinh thần mới, Thiên
Chúa không còn là Đấng ngoại tại nhưng đây thực là Người Cha Nhân Lành của
mình.
Đứa con hoang đàng sau khi
trải qua những cảnh khổ đau, bầm dập đã
tỉnh ngộ trở về Nhà Cha lòng đầy hoan hỷ: “ Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha mà
thưa rằng: Cha ôi ! Con đã lỗi phạm với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là
con cha nữa, xin đãi con như đứa làm thuê vậy” ( Lc 15, 18 -19 ).
Bức
Tranh Thứ Bảy
Quên Trâu Còn Người
Đến đây xem như trâu đã mất,
chỉ còn người. Vì vậy trong bức tranh thứ bảy này chỉ thấy có chú mục đồng ngồi dưới căn lều cỏ, trước mặt có bụi trúc
phất phơ, trên trời là mặt trăng tròn
sáng không một vẩn mây…
Thiền Tông chủ trương…pháp
không hai ( Lý Bất Nhị ). Trước đây khi còn TU thì thấy có người chăn và trâu
nhưng đó chỉ là cái phương tiện. Đang khi đó ở nơi Bản Tâm thì không…có hai.
Kinh Thánh quan niệm Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất:“ Hay là ĐCT chỉ là ĐCT của
người Do Thái thôi sao ? Há chẳng phải của cả dân ngoại nữa sao ? Phải, cũng là
của dân ngoại nữa. Vì ĐCT vốn là duy nhất” ( Rm 3, 29 -30 ).
Sở dĩ Thánh Phao Lô phải nhấn
mạnh đến tính duy nhất của Thiên Chúa lý do là vì trong quan niệm của người Do
Thái cho rằng Thiên Chúa chỉ là riêng của họ đồng thời Ngài sẽ bảo vệ, nâng đỡ
họ chống lại mọi quân thù nghịch. Thế nhưng trong thời Tân Ước, Đức Ki Tô mạc
khải về một Đấng Cha hoàn toàn khác. Ngài là Đấng Cha của muôn loài vạn vật.
Không những thế Thiên Chúa ấy cũng chính
là Bản Tâm mỗi người.
Sao có thể nói Thiên Chúa
chính là Bản Tâm mỗi người đang khi hình như Chúa Giê Su lại nói về một Đấng
Cha…ngự trên trời ? Ngài nói với Phê Rô: Si Mon con Giona ơi ! ngươi thật có
phúc đó vì chẳng phải xác thịt bày tỏ điều ấy cho ngươi đâu bèn là Cha Ta ở
trên trời vậy” ( Mt 16, 17 ).
Lần khác Chúa dạy chúng ta cầu
nguyện: “ Lạy Cha chúng tôi ở trên trời…” Những lời Chúa nói đây chỉ là…tùy
thuyết dành cho những người chưa được
giáo hóa mục đích để cho họ dễ dàng
trong việc quy hướng. Tuy nhiên đến một trình độ được khai hóa
về tâm linh thì Đấng Cha ấy lại là Đấng…nội tại trong mỗi người. Chúa Ki
Tô Phục Sinh nói với Madalena khi nàng đến viếng mộ và gặp Ngài: “ Ta lên cùng
Cha Ta cũng là Cha các ngươi. Là ĐCT Ta cũng là ĐCT các ngươi” ( Ga 20, 17 ).
Thiên Chúa là Cha nhưng Ngài
là Cha thế nào được một khi…ở tít trên trời cao xanh thăm thẳm ?Cũng chính do
nơi quan niệm Thiên Chúa là Cha trên trời mà người ta đã đánh phá Đạo Công Giáo
cách thậm tệ và tôn giáo đã thành ra một thứ thuốc phiện ru ngủ quần chúng !!!
Như đã biết Thiên Chúa Cha
chính là Tánh Biết là Bản Thể của mỗi người. Trong việc tìm kiếm hiểu như là việc
chăn trâu ấy, ban đầu còn thấy có mục đồng ( Hành Giả ) và trâu nhưng đến giai
đoạn này ( Bức tranh thứ bảy ) thì phải quên trâu tức bỏ qua phương tiện để sống
với thực tại Cha nơi chính mình. Nói thế không có nghĩa có thể bỏ đi mọi thứ phương tiện như tham dự Thánh Lễ,
nguyện ngắm, lần Chuỗi MC, Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót v.v…
Vẫn thực hành nhưng trong
tinh thần…vô vi, làm mà không thấy có người làm tức không còn thấy “ Cái Tôi”
trong mọi việc.
Bức
Tranh Thứ Tám
Người Trâu Đều Quên
Trong bức tranh trước “Quên
Trâu Còn Người” thì nay người cũng cần…quên luôn có nghĩa không còn thấy có
mình. Đức Ki Tô dạy đạo lý Bỏ Mình: “ Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình đi, vác
thập giá mình hàng ngày mà theo” ( Lc 9, 23 ).
Bỏ Mình tức bỏ đi hai cái chấp
về Thân và Tâm. Bỏ đi cái chấp về Thân tương đối dễ. Còn bỏ đi cái chấp về Tâm
là điều cực kỳ khó. Lý do là phải bỏ đi tất cả những kiến thức từ trước đến
nay. Nguyên nhân cần phải bỏ như thế là vì đó là những phát khởi của Tâm Phân
Biệt. Bao lâu còn giữ Tâm Phân Biệt thì ngay cả Lời Chúa cũng trở thành…lời
phàm.
Trên bước đường TU ( Thiền
Tông ) thì đây là chỗ khó khăn nhất bởi vì không còn có chốn nào để…về. Người mục
đồng trong bức tranh trước còn thấy có
nhà để về còn nay cả người cũng…quên thì…nhà còn đâu để về ? Tuy nhiên chính cái Tâm Vô
Phân Biệt ấy mới là chỗ chứng ngộ của người TU.
Đức Giê Su Ki Tô đã chứng ngộ được điều ấy: “ Ngài vốn
có hình thể của ĐCT nhưng chẳng coi sự bình đẳng với ĐCT là sự cần đoạt lấy.
Trái lại Ngài đã tự làm cho mình ra trống không, lấy hình thể tôi tớ giống như
hình dạng loài người” ( Pl 2, 6 -7 ).
Bức Tranh Thứ Chín
Trở về Nguồn Cội
Muôn vật đều trở về chỗ cội nguồn của
nó. Một khi đã ra đi thì ắt phải trở về. Trong bài thơ của thi sĩ Tản Đà có
câu: “ Non xanh đã biết hay chưa. Nước đi ra bể lại mưa về nguồn. Nước non hội
ngộ còn luôn. Bảo cho non nước chớ buồn làm chi ?
Đối với người đời thì ai cũng buồn vì sự
ra đi nhưng với hành giả Thiền thì việc trở về ấy là lẽ tất nhiên. Mặc dầu nguồn
cội đối với Thiền Tông là VÔ nhưng cái VÔ ấy không phải là ngoan không là không
có gì hết nhưng là Vô Ngã tức không còn có “ Cái Tôi”.
Theo thiền sư Quách Am thì tranh chăn trâu trước đây chỉ có tám bức đến
vòng tròn khép kín tức “ Người Và Trâu Đều Quên” là hết. Thế nhưng nếu ngưng ở
đây thì có người sẽ thắc mắc: Như vậy thì chẳng còn gì nữa hay sao, TU như thế
để được cái gì, chẳng lẽ tất cả chỉ là Không hay sao ?
Đây chỉ là cái thắc mắc của người đời
còn của người TU đã chứng ngộ thì không phải như vậy. Vì khi chưa TU chúng ta
thấy núi sông là núi sông nhưng đó là cái thấy trong sự vô minh chấp trước nên
thấy núi sông là thật có, cái chi cũng thật có theo tình chấp của mình. Còn khi
đã chứng ngộ thì núi sông vẫn là núi sông
nhưng tất cả đều trong sáng bình dị vì không còn có bóng dáng của “ Cái
Tôi” trong đó.
Không còn có “ Cái Tôi” tất cả không còn
có sự phân biệt gì nữa: “ Bấy giờ muông sói sẽ ở chung với chiên con. Beo nằm
chung với dê tơ. Sư tử với bò nuôi mập” ( Is 11, 6 ).
Bức Tranh Thứ Mười
Thõng Tay Vào Chợ
Hành giả khi đã chứng ngộ được
cái “VÔ” thì coi như đã vào được Niết Bàn, thế nhưng Niết Bàn hay Nước Trời
không phải là nơi để an nhàn hưởng thụ. Đó chỉ là trạng thái siêu việt của tâm
thức khi đã vượt khỏi “Cái Tôi” ích kỷ,
tham đắm. Cuối cùng, hành giả cần có cái Tâm nhẫn nại, yêu thương hầu cứu độ quần mê trong mênh mông bể khổ.
Chợ ở đây là…chợ đời chứa đầy
nhóc tham, sân, si, hỷ, nộ, ái, ố…Cũng vì các chúng sinh tội khổ ấy mà các Đức
Phật đã xuất hiện nơi đời. Đức Giê Su Ki Tô nói: “ Bởi Con người đến để cứu kẻ
bị hư mất” ( Mt 18, 11 ).
Chúng ta sinh ra được làm
người đó là điều vạn phúc nhưng còn có phúc lớn lao hơn đó là ở trong Hội
Thánh, được làm môn đệ Chúa Ki Tô. Là môn đệ thì phải làm việc Chúa nhưng làm
việc Chúa thì phải lấy lòng vâng phục, khiêm nhượng mà làm:“ Cũng vậy, khi các
ngươi làm xong mọi việc đã truyền cho
thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ đã làm việc
phải làm đó thôi” ( Lc 17, 10 ).
Qua Mười Bức Tranh Chăn Trâu
này cho thấy Kinh Thánh nói chung và Đạo Công Giáo nói riêng chứa đựng những
chân lý tương đồng với Phật Đạo hoàn toàn không có chi trở ngại, chỉ cần
buông bỏ mọi chấp trước về ngôn từ…thật mong thay./.
Phùng Văn
Hóa