Khi nghĩ đến người mù, nhất là những người
bị mù bẩm sinh, ta thường nghĩ đến hai chữ “tội nghiệp”, “đáng thương”, hay “bất
hạnh”. Dĩ nhiên có khi chính bản thân người mù cảm thấy bất hạnh thật, vì họ
không được nhìn thấy ánh sáng, không được nhìn thấy vẻ đẹp thiên nhiên, nhất là
không được nhìn thấy những người thân yêu của mình. Và ngay cả khái niệm về màu
sắc, họ cũng không biết đến.
Tuy nhiên, chưa hẳn bị mù loà đương
nhiên là “bất hạnh”. Có khi vì mắt sáng tỏ, nên người ta “bất hạnh” hơn là bị
mù loà. Bằng chứng là trong các vụ án trộm cắp, lường gạt, đâm chém, hiếp đáp,
ngoại tình,… ta có thấy thủ phạm nào là người mù không, ngoại trừ những người
sáng mắt? Trong số những dân chơi cuồng quay nơi các vũ trường ngập ngụa ma
tuý, thuốc lắc, hàng “đá”, ta có bắt gặp bóng dáng người khiếm thị nào bên cạnh
những người mắt sáng ở đó không?
Trước vành móng ngựa xét xử các quan
tham vô lại, có lẽ ta cũng khó mà tìm được một bị cáo nào là kẻ mù loà ở đấy;
có chăng chỉ toàn là những người cả hai mắt đều tỏ đều tường!!! Và nếu ta cất
công thắp đuốc đi tìm các tù nhân là người mù trong các trại giam, chắc chắn ta
sẽ thất vọng vì nơi đó chỉ thấy toàn những người có đủ cả hai mắt. Vậy thì ai
“bất hạnh” hơn ai? Người mù hay người sáng? Bởi thế, khi nhìn thấy một người
mù, khoan đã cho rằng người đó tội nghiệp, người đó bất hạnh. Hạnh phúc hay bất
hạnh không hệ tại ở việc sáng hay mù cặp mắt thể lý, nhưng là hệ tại ở việc
sáng hay mù cặp mắt tâm hồn, cặp mắt đức tin.
Trong câu chuyện Tin Mừng Chúa Nhật 30
Thường Niên, ta thấy Bartimê là một người mù loà, hành khất bên vệ đường ngoại
thành Giêricô. Không biết anh có thuộc “Hội Người Mù” nào hay không! Song thiết
tưởng anh là một người lương thiện. Anh sống bằng những gì kiếm được từ lòng hảo
tâm của người khác. Mặc dù nghèo, nghèo nên phải đi ăn xin, nhưng cuộc đời anh
thanh thoát. Anh sống vô tư giản dị, không bon chen, giành giật, không tính
toán hơn thua, không đua đòi ăn diện. Anh cũng không vợ nọ con kia, không rượu
bia các thứ. Có lẽ anh cũng chưa bao giờ phạm vào những tội “đội sổ” của con
người thời đại hôm nay: buôn gian bán lận, lậu thuế trốn thuế, tham ô, móc ngoặc,
hối lộ, hay rút ruột các công trình xây dựng…. Suốt cả cuộc đời, chắc hẳn anh
cũng chưa hề lường gạt, bóc lột hay hãm hại ai. Tắt một lời, anh sống hoàn toàn
ngay chính.
Hơn thế nữa, trong khi rất nhiều người
sáng đôi mắt thể lý, lại mù loà trước ánh sáng vô hình, không thể nhận ra Chúa
Giêsu là ai, thì anh mù Bartimê này lại “thấy tỏ tường” chính Đức Giêsu là Đấng
Cứu Thế. Anh không van xin Chúa bằng danh xưng “Giêsu Nazaret”, mà dùng danh
xưng “Con Vua Đa-vít” – một danh xưng ám chỉ tước hiệu Đấng Mêsia.
Tiếng kêu lớn tiếng của anh khi bị mọi
người ngan cản: “Lạy Con Vua Đa-vít”, đồng thời cũng là một lời tuyên xưng niềm
tin vào chính Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, Đấng mà anh tin là sẽ phục hồi sự sáng
cho anh. Bởi đó, khi được Chúa Giêsu hỏi anh muốn xin gì, anh không xin Chúa
Giêsu cho anh được làm chủ tịch “hội người mù”; anh cũng không xin Chúa Giêsu
mua cho anh mấy tờ vé số, hoặc bố thì cho anh ít đồng bạc cắc, như anh đã từng
nói với những người qua lại. Anh chỉ xin Chúa Giêsu cho anh được thấy, tức là
được sáng mắt. Nếu không tin Chúa Giêsu là Đấng có thể mở được mắt cho nguời mù
bẩm sinh, anh đã không xin Ngài điều này.
Đồng ý “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”,
nhưng không phải một khi “cửa sổ” ấy bị đóng vĩnh viễn do mù loà, là đương
nhiên tâm hồn trở nên tối tăm đâu. Có khi ngược lại nữa là khác. Khi đôi mắt của
họ không còn khả năng thấy được những thực tại hữu hình, thì tâm hồn họ lại rất
bén nhạy với những thực tại vô hình. Bởi đó người ta nói rằng người mù thường
có khả năng trực giác rất tốt, và cảm nhận của họ cũng rất sâu sắc. Anh mù
Bartimê là một điển hình.
Dẫu chưa một lần được gặp gỡ Đức Kitô,
chưa một lần được trực tiếp nghe những lời Ngài giảng dạy, cũng chưa một lần được
phúc chứng kiến các phép lạ Ngài đã làm; anh chỉ mới được nghe người ta nói về
con người của Đức Giêsu, nhưng anh đã tin. Anh tin một cách mãnh liệt. Và nhờ
niềm tin đó, anh đã gặp được “hiện thân lòng nhân hậu” của Thiên Chúa, hiện
thân của những mối phúc thật là Đức Giêsu Kitô. Anh được Chúa phục hồi sự sáng,
sự sáng của cặp mắt thể lý, và quan trọng hơn là cặp mắt đức tin nơi anh vốn đã
sáng nay sáng tỏ hơn. Từ đây đời anh hoàn toàn đổi mới. Còn hạnh phúc nào bằng?
Anh đã tự nguyện dấn bước theo Chúa trong niềm vui tràn trào.
Sẽ thật hạnh phúc cho tôi, nếu tôi có
đôi mắt thể lý lẫn đôi mắt tâm linh sáng ngời. Ngược lại sẽ thật bất hạnh biết
bao nếu tôi có đôi mắt thân xác sáng tỏ nhưng đôi mắt tâm hồn lại mù tối như
đêm ba mươi. Hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho tôi có đôi mắt thể lý chưa một lần
phải đến bác sĩ nhãn khoa. Xin Ngài gìn giữ tôi, để đôi mắt đức tin của tôi
cũng luôn được tinh tường sáng suốt. Đặc biệt xin Chúa cho những người mù luôn
giữ được cái tâm trong sáng để cuộc đời của họ không bao giờ là “bất hạnh”, là
“đáng thương” như người ta vẫn nghĩ. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long