Có gì nghịch lý không? Chúa Nhật trước, chúng ta đã kỷ niệm ngày Chúa đến trong tư cách Vua Vũ trụ. Chúa Nhật này, khi Mùa Vọng bắt đầu, chúng ta lại chuẩn bị chào đón Đấng đã đến! Tuy nhiên, ý tứ của các bài đọc hôm nay vẫn không thay đổi nhiều so với các bài đọc của những tuần trước đây:
• Bài đọc 1 theo tiên tri Giêrêmia 33:14-16.
• Bài đọc 2 theo thư Thánh Phaolô gửi tín
hữu Tessalônica 3:12 – 4, 2.
• Bài Tin Mừng theo Thánh Luca 21: 25-28; 34-36.

Hai tuần trước,
chúng ta đã đọc sách tiên tri Đaniel và ngày tận thế theo Tin Mừng thánh Máccô.
Tuần rồi, ngày tận thế theo Tin Mừng thánh Gioan nói với chúng ta về thời kỳ kết
thúc và ngày Quang lâm - Parousia. Hôm nay, đó là ngày tận thế theo Tin Mừng
thánh Luca mà chúng ta đang nghe. Năm phụng vụ 2020-2021 kết thúc và năm phụng
vụ mới 2021-2022 bắt đầu, Omega kết nối với Alpha. Tưởng nghịch lý nhưng thực
ra lại rất có lý: chấm dứt mà không bỏ đi những gì đã qua, để từ đó bắt đầu làm
mới lại một hành trình vốn đã khời đầu. Mùa
Vọng không phải là hướng về một tương lai chưa xác định nào đó, nhưng là để gặp
gỡ lại một Đấng đã đến, đã được tỏ hiện rõ ràng, nhưng lại đang bị bỏ qua,
bị lãng quên, bị biến thành “hàng hóa” cho những phút giây vui vẻ mau qua có thể
thỏa mãn cảm giác hời hợt, nhưng không chiếu sáng được “những bóng tối” trong
cõi lòng: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người…
Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Gioan 1:
11). Đó mới thực sự là điều nghịch thường trong cung cách sống của con người mà
nền phụng vụ Kitô giáo, tưởng như nghịch
lý, đang quan tâm chăm lo và cố gắng “uốn cho ngay khúc quanh co” (Luca 3:
5) để “mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” (Luca 3: 6).
Cùng một từ
xuất hiện trong ba bài đọc của ngày hôm nay, một từ gây tiếng vang trong những
tuần gần đây: từ ngữ “ngày”, Luca nói “trong
những ngày đó” (Luca 21: 23), Phaolô nói “ngày Chúa đến”, Giêrêmia công
bố “Này, sẽ đến những ngày” (Giêrêmia
33, 14-16). Nhưng đó là ngày gì?
I / Ngày cứu độ và công bình. (Giêrêmia
33:14-16)
Cựu Ước, qua
tiên tri Giêrêmia, cho chúng ta biết về những ngày đó khi lời hứa về phúc lành được
hoàn thành: “Này, sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Thiên Chúa - Ta sẽ thực hiện điều
tốt lành Ta đã phán về nhà Israel và về Giuđa. Trong những ngày ấy, vào thời
đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavít; Người
sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực” (Giêrêmia 33: 14-15). Ngày mà
Đấng Mêsia, thuộc dòng dõi Đavít, sẽ khai mạc một vương quốc thái bình và công
lý: “Triều
đại Ngài đua nở hoa công lý, và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng
còn.” (Tv 72:7). Đó là ngày cứu rỗi được Israel mong đợi: một ngày của
hòa bình, của công lý, một ngày không còn chiến tranh, không còn kiêu ngạo,
không còn ích kỷ nữa. Vào ngày này, ánh sáng sẽ mạnh hơn bóng tối. Vào ngày
này, sự sống sẽ mạnh hơn cái chết. Chúng ta sẽ kỷ niệm ngày đó vào lễ Giáng
sinh, một trong những ngày trong năm khi đêm dài nhất và khi chúng ta chào đón
ánh sáng của sự ra đời của Chúa Kitô. Ngày hôm ấy giữa lòng mùa đông, khi thiên
nhiên tưởng như đã chết với những tán cây trơ trụi, thì ngày đó, sự sống xuất
hiện và sự sống chiến thắng trong con người của một Thiên Chúa, Đấng trở thành:
“một
hài nhi đã sinh ra cho chúng ta” (Isaia 9, 1-6). Hôm nay chúng ta bắt đầu
chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh, ngày mà chúng ta đón nhận ánh sáng của Thiên Chúa trong
bóng tối của chúng ta, sự sống của Thiên Chúa trong sự chết của chúng ta. Đây
là ngày mà chúng ta sẽ mong đợi suốt 4 tuần lễ.
II / Một ngày đã đến rồi, tuy nhiên chúng
ta vẫn đang mong đợi: Chúa nhật, ngày của Chúa (Luca 21:
25-28; 34-36)
Vậy mà ngày
đó đã đến. Thiên Chúa đã trở thành con người. Thiên Chúa biết cuộc sống của con
người. Thiên Chúa đã chết và sống lại. Cái chết đã được chinh phục và cuộc sống
đã chiến thắng. Chủ nhật hàng tuần chúng ta ăn mừng chiến thắng này. Chủ nhật
nào cũng là ngày đó, ngày mà Tin Mừng Luca đang nói với chúng ta: “Bấy
giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây
mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu
lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Luca 21: 27-28). Mỗi Chúa nhật,
chúng ta phải tỉnh thức, phải cầu nguyện, chúng ta phải xuất hiện đứng trước
Con Người, Đấng khai mở cho chúng ta vương quốc công lý và hòa bình của Ngài.
Ngày đó, chúng ta đang ở trong đó rồi nhưng chúng ta vẫn sẽ chờ đợi và hy vọng
về ngày đó. Chúng ta sẽ thắp sáng những ngọn nến Mùa Vọng của chúng ta một lần
nữa để cầu xin ánh sáng của ngày đó mau đến và chiếu rọi vào thế giới của chúng
ta.

Để nói về
ngày này, Luca sử dụng ngôn ngữ của Khải Huyền, ngôn ngữ tiết lộ những gì bị
che giấu trước mắt chúng ta. Nhưng, thời Khải Huyền trong Kinh Thánh, không phải
là thời gian trong tương lai, mà là thời điểm của hiện tại, thời điểm chúng ta
đang sống ngày hôm nay, ngày Chúa Nhật này, ngày mà chính Chúa Kitô Phục Sinh
đã khai mạc kỷ nguyên mới, lịch sử mới. trời mới đất mới cho người tín hữu.
Chúng ta đang sống trong thời cách chung theo một nghĩa rộng: Ðức Kitô vinh hiển
đang ngự giữa Hội Thánh, Ngài đã thực sự chiến thắng tội lỗi, ma quỷ và sự chết.
Khi từ cõi chết chỗi dậy, Chúa Kitô đã đạp vùi sự chết để đi lên. Giờ đây, Ngài
làm chủ tuyệt đối lịch sử nhân loại. Cuộc chiến thắng, đối với Ngài là chung cuộc,
không thể đảo ngược được nữa.
III / Phải làm cho ngày này diễn ra và
sinh ra trong mắt thế giới. (Tessalônica 3:12 – 4, 2)
Ngày này đã
có mà cũng chưa có, ngày này là ngày mà chúng ta đang sống và đang kỷ niệm vào
mỗi Chủ nhật, chúng ta phải khiến ngày này xảy ra trong thế giới của chúng ta
và làm cho nó được toàn thế giới biết đến. Chúng ta phải chào đón ngày đó và biến
nó thành hiện thực trên thế giới.
Bằng cách
nào? Thánh Phaolô nói với chúng ta trong những lá thư của ngài: bằng cách sống với
tình yêu thương, một tình yêu mạnh mẽ và tràn đầy: “Lòng bác ái không được giả hình
giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với
tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy
tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn
lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong
dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà”
(Rôma 12: 9-13).
Ánh sáng Mùa
Vọng mà chúng ta phải thắp sáng để chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, chính là ánh
sáng tình yêu phải chiếu rọi trong tâm hồn chúng ta. Đó là ánh sáng của một
tình yêu tiêu diệt lòng ích kỷ và lòng kiêu hãnh của chúng ta, những định kiến
và lòng hẹp hòi của chúng ta. Ánh sáng của tình yêu thương của một trẻ thơ đến
gặp chúng ta bằng cách mở rộng vòng tay của mình với chúng ta. Ánh sáng này, mà
chúng ta chào đón vào lễ Giáng sinh, chúng ta phải bật lên, trước lễ Giáng
sinh, trong trái tim của chúng ta. Xã hội tiêu dùng có lẽ hiểu rõ hơn chúng ta
rằng Giáng sinh là thời điểm của tình yêu thương được chia sẻ thông qua những
món quà và bữa tiệc lễ hội. Nhưng điều cốt lõi của những món quà này và những bữa
ăn này là tình yêu thương của người lân cận và của thế giới được chia sẻ với
chúng ta: “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền
rủa: vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng
tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn
ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy
làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người.
Anh em thân mến, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên
Chúa làm việc đó, vì có lời chép: Đức Chúa phán: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta
sẽ đáp trả. Trái lại, kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống;
làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Đừng để cho sự ác thắng được
mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rôma 12: 14-21).
IV/ Hãy nhìn đường. (Thánh
vịnh 24: 4-5; 8-14)
Một bác tài
xế xe buýt ở bên Mỹ đã đạt kỷ lục xuất sắc. Suốt hai mươi ba năm trong nghề,
bác đã đi được trên 1.500.000 cây số mà không gây ra một tai nạn giao thông
nào. Khi được hỏi làm thế nào mà bác giữ gìn được như vậy, thì bác đã trả lời một
cách đơn giản: Hãy nhìn đường.
Đó không chỉ
là một quy luật cho những sinh hoạt thường ngày của chúng ta mà còn là một lời
khuyên có ích cho đời sống thiêng liêng. Chúng ta vốn thường nói: Hãy chú ý, hãy nhìn cho kỹ và hãy đề cao cảnh
giác.
Đêm
15.4.1912, con tàu Titanic, được mệnh danh là “không thể chìm”, đang vượt qua
vùng biển bắc Đại Tây Dương thì đụng phải một tảng băng cao to như một ngọn núi.
Con tàu bị chém thủng một bên sườn, nước tràn vào các khoang khiến nó mất cân bằng,
gãy làm đôi và chìm xuống đại dương trong đêm tối giá lạnh. Hơn 1500 người bị
thiệt mạng. Đây là một trong những tai nạn khủng khiếp nhất của lịch sử hàng hải
từ trước đến nay. Người ta đã không chú
ý, không nhìn cho kỹ và không đề cao cảnh giác!
Khi thuật lại
thảm họa này trong bài báo của mình, một tác giả đã đưa ra câu hỏi: Nếu chúng
ta có mặt ở đó, khi tàu Titanic đang chìm, thì liệu chúng ta có còn tiếp tục dọn
dẹp bàn ghế trên tàu hay không?
Mới nghe câu
hỏi này, chúng ta cảm thấy nó lạ kỳ, bởi vì khi còi tầu báo động hụ lên, thì liệu
còn có mấy ai đủ bình tĩnh để đi dọn dẹp bàn ghế, giữa những tiếng kêu la kinh
hoàng của những kẻ sắp chết chìm không? Thực ra, qua câu hỏi ấy, tác giả muốn
nêu lên một thực tế vẫn diễn ra hàng ngày trong lối sống và trong tâm tưởng của
con người mọi thời mọi nơi: Cuộc đời tôi, như con tàu đang chìm dần vào cõi chết,
thế mà tôi vẫn mải mê lo dọn dẹp bàn ghế, tôi vẫn còn đang mải miết lo những
chuyện vặt vãnh đời này, tôi cứ miệt mài kiếm sống đến nỗi quên đi những việc thiết
yếu nhất trong đời: mục đích cuối cùng của đời tôi là gì, tôi đang sống theo lối
đường nào, tôi có biết rằng cuộc sống hiện tại là sự chuẩn bị quan trọng cho
tương lai vĩnh cửu, cho con tầu đời tôi được cặp vào bến đỗ đã định trước trong
bình an không? Hãy nhìn đường. Hãy chú ý,
hãy nhìn cho kỹ và hãy đề cao cảnh giác.
Nhiều Kitô hữu
lầm tưởng Chúa chưa đến. Họ nghĩ Chúa chỉ sắp đến thôi, vì Mùa Vọng là mùa mong
đợi Chúa đến! Điều đó cũng đúng thôi, nhưng không hoàn toàn đầy đủ. Chúa đã đến
rồi, từ lâu rồi, trong lần thứ nhất.
Vấn đề là chúng ta đã sẵn sàng ra đón Chúa chưa, vì chính Chúa đang mong chờ
chúng ta, mong chờ chúng ta kịp đến với Ngài, trước khi Ngài lại đến, lần thứ
hai. Giữa hai lần đến này, Ngài vẫn mong
chờ chúng ta, nên Ngài hiện diện giữa loài người, trong Lời của Ngài, trong
Giáo Hội là dân của Ngài, trong các bí tích Ngài thiết lập, và nhất là trong Bí
tích Thánh Thể: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28: 20 ).
Ngài đang đứng chờ từng người ngoài
cánh cửa lòng của mỗi chúng ta: “Này Ta đứng ngoài cửa mà gõ; ai nghe tiếng
Ta gõ cửa và mở cửa cho Ta vào, Ta sẽ vào và dùng bữa với người đó” (Khải
huyền 3: 20). Như vậy, mong chờ Chúa đến có nghĩa là mở cửa tâm hồn mình ra, khát
mong đón mời Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô, đến và bước vào cuộc đời của
chúng ta. Bắt đầu Mùa Vọng là làm mới lại niềm khát mong đó, vốn bị suy giảm,
phai tàn đi trong việc dọn dẹp bàn ghế, giống như những người được Vua mời dự
tiệc cưới, nhưng “kẻ thì đi thăm trại,
người thì đi buôn bán” (Mátthêu 22:5) và rất nhiều thứ quá bận bịu khác trong
con tầu đời mình đến độ họ quên đi rằng nó đang gãy đôi và chìm dần. Tiếng Thiên
Chúa gõ cửa vang lên ở thẳm sâu tâm hồn mỗi người mà những ai chỉ thích sống hời
hợt trên bề mặt và thích nghe những tiếng ồn ào bên ngoài, thì khó lòng mà nghe
thấy. Mùa Vọng là tiếng còi hụ báo động, thúc giục Kitô hữu: “Đã đến
lúc anh em phải thức dậy!” (Rôma 13: 11). Mùa Vọng là thời gian các
Kitô hữu được mời gọi ý thức lại “thân phận con người” nơi “cõi tạm trần gian”
này, nhận thức rõ mục tiêu của chuyến hành trình “đi về đất hứa” này, cảm nghiệm
rõ ràng hiện hữu giới hạn của mình, trong hiện trạng hầu như luôn bấp bênh,
chóng qua và ngặt nghèo, nhất là khi toàn nhân loại đang phải đối mặt với cơn đại
dịch chết chóc thảm khốc chưa biết bao giờ mới chấm dứt này. Trong Mùa Vọng,
chúng ta mong chờ Chúa đến lần thứ hai, nhưng
không phải trong tâm thế chờ đợi ngày cánh chung như chờ đợi một tương lai
không xác định, vịn vào lời Chúa Giêsu: “Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết
chi cả, thiên sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà
thôi” (Mátthêu 24:36), để rồi cảm thấy như đó là một chuyện xa vời,
“Còn lâu lắm mới đến!” Chúng ta hãy nghe Chúa Giêsu: “Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi
không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến … Vậy thì các ngươi cũng hãy chực cho sẵn,
vì Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ.” (Mátthêu 24: 37-
44), vì “ngày Chúa đến như kẻ trộm ban đêm” (Tessalônica 5, 2). Thánh
Phaolô cũng nhắc nhở: “Vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta
đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy
chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để
chiến đấu. Chúng ta hãy ănở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày:
không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương.
Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà
thoả mãn các dục vọng” (Rôma 13: 11-14).
Đối với từng
người, mong chờ ngày Chúa đến là chuẩn bị cho ngày cánh chung của riêng mình, là
ngày cá nhân tôi lìa đời, ngày tôi gặp gỡ riêng tư với Thiên Chúa, chịu xét xử
công phúc và tội lỗi. Không ai biết được ngày mình trở về với Thiên Chúa. Chỉ
có Thiên Chúa, là Đấng làm chủ thời gian, mới biết ngày giờ sống chết của con
người. Do vậy, Chúa Giêsu luôn nhắc nhở chúng
ta phải tỉnh thức và cầu nguyện, gắn bó mật thiết với Chúa luôn, để luôn sống
mùa vọng đón chờ ngày Chúa đến với riêng mình. Luôn sẵn sàng như mười cô
trinh nữ đem dầu theo đèn, tỉnh táo chờ đợi Chàng Rể đến: “Những cô khôn thì vừa mang đèn vừa
mang chai dầu theo. .. Nửa đêm, có tiếng la lên: “Chú rể kia rồi, ra đón đi!” Bấy
giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn” ((Mt. 24, 4-7)
rồi cùng vào dự tiệc cưới. Cũng giống như các cô trinh nữ, không ai trong chúng
ta không mong chờ tiệc cưới, nhưng cũng giống như các cô trinh nữ khờ dại, nhiều
người chỉ mong chờ “suông, chỉ có ước mơ hão huyền” mà thiếu chuẩn bị sẵn sàng
và đầy đủ những “nhu yếu phẩm”, để có thể biến nỗi niềm chờ mong của mình thành
sự thực: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! .. Hãy vào mà hưởng niềm
vui của chủ anh!” (Mátthêu 25: 21) vì: “Xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn;
Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần
truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù,
các ngươi đến hỏi han” (Mátthêu 25: 35-36).
Vậy thì chúng
ta hãy cùng nhau cầu nguyện xướng đáp bằng thánh vịnh 24 của tuần thứ nhất Mùa Vọng này:
Lạy Chúa, đường nẻo Ngài,
xin dạy cho con biết,
lối đi của
Ngài, xin chỉ bảo con.
Xin dẫn con đi theo đường
chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái.
…
Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường
công chính,
dạy cho biết đường lối của
Người.
Tất cả đường lối Chúa đều
là yêu thương và thành tín
đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa.
…
Phàm ai kính sợ Chúa,
Người chỉ cho thấy đường phải
chọn.
Họ sẽ được an vui hạnh phúc một đời,
và con cháu thừa hưởng đất tổ tiên.
Chúa xử thân tình với những ai kính sợ Chúa
và cho họ biết giao ước của Ngài.
(Tv 24: 4-5;
8-14)
Đây chính là
tâm tình Giáo Hội muốn chúng ta sống trong Mùa Vọng, không phải chỉ bốn tuần lễ
trước Giáng sinh, mà còn trong suốt cả cuộc đời, bởi vì cuộc đời chúng ta cũng
chính là một Mùa Vọng kéo dài, mùa mong chờ Chúa đến, mọi ngày trong đời mình.
Phêrô Phạm
Văn Trung