18 11 X Thứ Tư Tuần XX Thường Niên. (Tl 9,6-15; Mt 20,1-16a.)
Dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để trình bày
giáo lý của Ngài cho dân chúng được các nhà chú giải xếp thành hai loại: tỷ dụ
và dụ ngôn. Loại tỷ dụ là thể văn mà toàn bộ những chi tiết đều mang ý nghĩa
nòng cốt, còn các chi tiết phụ chỉ làm cho câu truyện thêm thú vị và khiến người
đọc quan tâm chú ý đến ý chính mà thôi.
Câu truyện về những người thợ vào làm vườn
nho của chủ là một dụ ngôn. Chủ đề chính của dụ ngôn là mối liên hệ của con người
với Thiên Chúa trên bình diện ân sủng.
Tin Mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn về Nước
Trời: "Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho
mình”.
Dụ ngôn nêu lên ‘lòng tốt của ông chủ’
khi thuê các người vào làm công nhật trong vườn nho. Cho dù các người làm vườn
nho cho ông chủ vào làm sớm hay trễ, mỗi người đều lãnh được một đồng tiền
công, như họ đã thỏa thuận ngay từ ban đầu vào làm. “Khi đã thoả thuận với những
người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông.”
Chính vì cách trả tiền công ‘giống nhau
là một đồng’, khiến cho những người vào làm vườn nho từ sáng sớm bực tức với
ông chủ, và ghen tị với những người vào làm trễ. Họ lẩm bẩm với ông chủ: “Những
người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt
ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?"
Thế nhưng, ông chủ vẫn có quyền làm như
thế với các người làm công cho ông. Ông chủ làm gì cho ai, cũng bởi lòng tốt của
ông mà thôi: "Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã
không thoả thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn
trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn
sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?"
Tin Mừng giúp chúng ta hiểu ý nghĩa
chính yếu nhất của dụ ngôn: ông chủ vườn nho là Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng
tốt lành vô cùng. Ngài không mắc nợ với ai, nên cũng không phải trả công cho
ai. Tất cả những gì ta có đều do Thiên Chúa ban nhưng không. Thiên Chúa ban điều
gì cho ai tùy ý Ngài. Không ai có quyền kêu trách hay đòi hỏi. Hồng ân Chúa ban
là những gì tốt nhất cho mỗi người.
Thiên Chúa tốt lành và quan tâm mời gọi
mọi người làm vườn nho cho Chúa để được vào Nước Trời. Tất cả mọi người đều được
gia nhập vào đạo thánh Chúa. Nước Trời không chỉ dành riêng cho người Do Thái,
mà cho cả dân ngoại, người lành cũng như kẻ dữ đều được Chúa yêu thương. Tuy
nhiên, được vào Nước Trời hay không, còn tùy vào thái độ sống và chọn lựa cách
tự do của mỗi người: sống xứng đáng hay bất xứng trong cuộc sống hiện tại.
Mỗi người làm vườn nho được hưởng một đồng,
đó là ý của Thiên Chúa ban cho chúng ta được hưởng mọi ân phúc của Chúa. Như vậy,
chẳng có ai bị từ chối vào Nước Trời, trái lại mọi người đều được đón nhận lòng
tốt của Thiên Chúa, chứ không phải do công lao của mình xứng đáng được hưởng.
Hôm nay, chúng ta đang được sống trong
Giáo Hội của Chúa, là chúng ta được sống trong tình thương của Chúa, và bảo đảm
sự sống đời đời. Vì thế, chúng ta hãy luôn tin tưởng vào tình thương của Chúa để
trung tín theo Chúa đến cùng. Chúng ta hãy cố gắng ‘làm vườn nho cho Chúa’ bằng
cách sống theo Lời Chúa, đón nhận nguồn ân sủng là các bí tích, đặc biệt là bí
tích Thánh Thể, bảo đảm cho chúng ta sự sống vĩnh cửu mai sau.
Trong lúc các Rabbi Do thái thường tính
toán phần thưởng Thiên Chúa ban cho mọi việc lành, thì cách tính toán sòng phẳng
theo công bình giao hoán này hoàn toàn bị dụ ngôn làm đảo lộn, vì nếu chúng ta
tính với Chúa, Ngài sẽ tính với chúng ta, và chắc chắn số tội của chúng ta sẽ
nhiều hơn công phúc và chúng ta sẽ là kẻ thiệt thòi.
Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn để cảnh cáo
người Do thái không nên so đo, phân bì với người tội lỗi hay người ngoại giáo
được ơn Chúa trở lại và thừa hưởng Nước Trời, bởi vì Nước Trời là phần thưởng
nhưng không do lòng quảng đại của Chúa, chứ không do lòng đạo đức hay công nghiệp
của con người. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho những kẻ phàn nàn kêu trách nêu bật
lòng quảng đại của Thiên Chúa: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn
đã chẳng thỏa thuận với tôi một quan sao; cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn
tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn, tôi không có
quyền được tùy ý sử dụng của cải tôi sao?".
Thiên Chúa đối xử tốt với mọi người,
Ngài ban ơn cho mọi người chỉ vì lòng thương của Ngài mà thôi. Còn con người
thì dễ bị cám dỗ, ghen tỵ, hẹp hòi, muốn giới hạn hành động yêu thương của
Thiên Chúa.
Chúng ta hãy xét xem mình đã có thái độ
nào đối với người khác, nhất là khi thấy họ được sự lành? Xin Chúa giải thoát
chúng ta khỏi tính ghen tỵ và cho chúng ta sống quảng đại với mọi người.
Ý nghĩa dụ ngôn thợ làm vườn nho nói lên
lòng quảng đại của Thiên Chúa dành cho tân tòng, những người được gia nhập Hội
Thánh vào giờ sau hết. Họ cũng được hưởng mọi quyền lợi và đặc ân như những kẻ
được chọn gọi từ đầu. Dụ ngôn còn nói lên tình thương nhân hậu của Chúa, Ngài
muốn tất cả mọi người được ơn cứu độ. Người tín hữu cũng theo lời Chúa dạy, hãy
dấn thân làm việc trong vườn nho là Hội Thánh, là Họ đạo, là gia đình, biết phục
vụ cho phần rỗi mọi người và mọi hoàn cảnh, cách quảng đại, tránh thói ganh tị,
hờn ghen.
Huệ Minh