Trong Thánh Lễ, phần nghi thức đầu lễ, sau làm dấu thánh giá, lời chào phụng vụ, linh mục nói vài lời hướng cộng đoàn về ý lễ hôm ấy, rồi mời gọi các tín hữu làm việc thống hối.
Như chúng ta biết, trong Sách Lễ Rôma, có bốn mẫu Hành Động Thống Hối:1/ Tôi thú nhận cùng
Thiên Chúa toàn năng... – Xin Thiên Chúa toàn năng, thương xót,
tha tội...
2/ Lạy Chúa xin
thương xót chúng con – Vì chúng con đã xúc phạm đến Chúa... + Xin Thiên Chúa
toàn năng, thương, xót tha tội...
3/ Lạy Chúa, Chúa đã
được sai đến để cứu chữa những tâm hồn thống hối... (+ kinh Lạy Chúa, xin thương xót)... – Xin Thiên Chúa toàn năng, thương xót, tha tội...
4/ Nghi thức làm phép
nước và rảy nước Thánh (dùng trong các ngày Chúa nhật, nhất là trong Mùa Phục
Sinh).
Theo Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma 2002 (QCTQ), số 52 : “Sau hành động thống hối, bắt đầu kinh “Lạy Chúa, xin thương xót”
trừ khi đã dùng kinh này trong hành động thống hối” (đây là trường hợp của
mẫu thứ ba).
Sau mẫu số 4 (Nghi thức làm phép nước và rảy nước Thánh), bỏ kinh
“Lạy Chúa, xin thương xót”, mà đọc hoặc hát kinh Vinh Danh liền.
Trong phạm vi của bài viết, người viết chỉ đề cập đến kinh “Lạy
Chúa, xin thương xót” và đặt câu hỏi: kinh “Lạy Chúa, xin thương xót” dùng
trong Thánh Lễ hiện nay đã được dịch đúng chưa?
Chúng ta đọc lại số 52 của QCTQ để hiểu rõ đặc tính của kinh này:
“Sau hành động thống hối, bao giờ cũng xướng
kinh Lạy Chúa, xin thương
xót trừ khi đã đọc lời tung hô này trong hành động thống hối. Vì là bài
ca các tín hữu dùng để ca tụng và kêu cầu lòng thương xót của Chúa, nên thông thường mọi
người cùng hát, nghĩa là cả dân chúng lẫn ca đoàn hoặc ca xướng viên đều góp
phần vào đó...”
Trong phần hành động thống hối, chúng ta nhìn nhận mình là những
tội nhân và kêu cầu Chúa Kitô dủ lòng thương xót chúng ta. Và trong kinh “Lạy
Chúa, xin thương xót”, chúng ta ca tụng và tung hô Chúa Kitô là Đấng thương
xót. Chúng ta tuyên xưng rằng Chúa Kitô luôn yêu thương, mặc dù chúng ta yếu
đuối và tội lỗi, vì vậy chúng ta cần đón nhận lòng thương xót của Người.
Như thế, theo đoạn văn này thì mẫu tiếng Hi-lạp “Kyrie, eleison”
trong bản gốc của Sách Lễ Rôma (Missale romanum editio typica) và các mẫu ngôn
ngữ khác được dịch đều có hai khía cạnh: ca tụng và kêu cầu lòng thương xót của
Chúa:
|
Ca tụng
|
Kêu cầu lòng thương xót của Chúa
|
Tiếng Hi-lạp (bản gốc)
|
Kyrie,
|
eleison
|
Tiếng Anh
|
Lord,
|
have mercy
|
Tiếng Pháp
|
Seigneur,
|
prends pitié
|
Tiếng Ý
|
Signore,
|
pietà
|
Tiếng Tây Ban Nha
|
Señor,
|
ten piedad
|
Tiếng Đức
|
Herr,
|
erbarme dich
|
Tiếng Việt (QCTQ)
|
Lạy Chúa,
|
xin thương xót
|
Vào thời văn minh cổ ngoại giáo, từ Kyrios trong tiếng Hi-lạp được coi như là một lời chúc tụng dành cho một
thần minh hay một vị chúa tể mà người ta tôn kính như một vị thần. Giáo Hội đã
chấp nhận thuật ngữ này theo nghĩa của các bản văn của thánh Phaolô về Chúa
Kitô, Đấng được coi như là Thiên Chúa của ngài. Chẳng hạn, trong thư gửi tín
hữu Philípphê (2,11), thánh Phaolô tuyên bố: “và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng
rằng: ‘Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Kyrios).
Theo Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, ấn bản tiếng Việt, của Ủy Ban
Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, với ấn bản mẫu thứ 2 (1992) và
ấn bản mẫu thứ 3 (18/06/2009), đều có cụm từ “Lạy Chúa, xin thương xót”,
nghĩa là dịch sát bản gốc “Kyrie, eleison”.
Thế nhưng, trong Sách Lễ Rôma ấn bản mẫu thứ 2 (1992) và ấn bản
mẫu thứ 3 (một phần đã được dịch trong cuốn “Nghi thức Thánh Lễ” (2005), trong
Thánh Lễ, thì vẫn dịch là “Xin Chúa thương xót
chúng con”! Ta có thể nói cụm từ này dịch chưa đúng vì chỉ
nhấn mạnh khía cạnh thứ hai của kinh mà thôi, đó là kêu cầu lòng thương xót của
Chúa!
Nếu theo bản gốc, chúng ta sẽ dịch kinh “Lạy
Chúa, xin thương xót” như sau:
Lạy Chúa, xin thương xót (chúng con).
Lạy Chúa Kitô, xin thương xót (chúng con).
Lạy Chúa, xin thương xót (chúng con).
Không hiểu vì lý do gì mà cho đến nay, bản dịch chưa chính xác này
(“Xin Chúa thương xót chúng con”) vẫn được dùng trong Thánh Lễ, vẫn chưa được
xem lại và điều chỉnh...
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa