Sau khi cử hành lễ Chúa nhật Lời Chúa trong Đền thờ Thánh Phêrô, vào lúc 12 giờ trưa Chúa nhật 23/01/2022, Đức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ Dinh Tông toà để đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha tập trung vào câu Lời Chúa “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”, để nhấn mạnh rằng trải qua muôn thế hệ Lời Chúa vẫn còn nguyên giá trị.

Trải qua muôn thế hệ, Lời Chúa vẫn còn nguyên giá trị
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong Tin Mừng phụng vụ hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu
bắt đầu rao giảng (Lc 4,14-21). Chúa đến Nazareth, nơi Người lớn lên, và tham
dự buổi cầu nguyện trong hội đường. Chúa đứng dậy đọc Sách Thánh, và trong cuộn
sách Ngôn sứ Isaia, Người tìm thấy đoạn nói về Đấng Mêsia, Đấng công bố sứ điệp
an ủi và giải thoát cho người nghèo và người bị áp bức (Is 61, 1-2). Khi Chúa
đọc xong, “mọi người đều chăm chú nhìn Người” (câu 20). Chúa bắt đầu nói: “Hôm
nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (câu 21). Chúng ta hãy dừng
lại ở cụm từ “hôm nay”. Đó là lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu được ghi
lại trong Tin Mừng Luca. “Hôm nay”, được Chúa công bố, trải qua mọi thời đại
luôn có giá trị. Lời Chúa luôn là “hôm nay”. Khi anh chị em đọc Lời Chúa, trong
tâm hồn anh chị em luôn bắt đầu bằng “hôm nay”, là một điều tốt nếu anh chị em
hiểu như vậy. Lời ngôn sứ Isaia đã có từ nhiều thế kỷ trước, nhưng Chúa Giêsu,
“trong quyền năng của Thánh Thần” (câu 14), làm cho lời ngôn sứ này trở nên phù
hợp và trên hết, được ứng nghiệm và chỉ ra cách lãnh nhận Lời Chúa: “hôm nay”.
Không phải như một câu chuyện cổ xưa, “hôm nay” nói với tâm hồn anh chị em.
Lời Chúa phải có sức mạnh của “hôm nay”
Lời của Chúa gây ấn tượng cho những người đồng hương của
Người. Mặc dù, bị bao phủ bởi thành kiến, họ không tin Người, nhưng họ nhận ra
rằng lời giảng dạy của Người khác với lời giảng dạy của những vị thầy khác (câu
22): họ cảm thấy trong Chúa Giêsu còn có nhiều điều khác nữa. Điều gì vậy? Có
sự xức dầu của Chúa Thánh Thần. Thực tế, đôi khi xảy ra là các bài giảng và
giáo lý của chúng ta còn chung chung, trừu tượng; không chạm đến tâm hồn và
cuộc sống của dân chúng. Tại sao? Bởi vì thiếu sức mạnh của hôm nay, điều mà
Chúa Giêsu “lấp đầy ý nghĩa” bởi quyền năng của Thánh Thần. Chúng ta nghe những
hội nghị hoàn hảo, những bài phát biểu được xây dựng tốt, nhưng chúng không làm
lay động tâm hồn và vì vậy mọi thứ vẫn như trước. Tôi nói điều này với sự tôn
trọng nhưng cũng với nỗi đau: có nhiều bài giảng trừu tượng, thay vì đánh thức
linh hồn lại làm cho linh hồn ngủ mê. Khi các tín hữu bắt đầu nhìn đồng hồ với
câu hỏi “Khi nào bài giảng sẽ kết thúc?”. Điều này làm cho linh hồn ngủ mê.
Rao giảng có nguy cơ này: nếu không có sự xức dầu của
Thánh Thần, thì Lời Chúa sẽ nghèo nàn, chỉ là những bài giảng luân lý và các
khái niệm trừu tượng; bài giảng trình bày Tin Mừng với sự tách rời, như thể nó
ở ngoài thời gian, xa rời thực tế. Nhưng một lời nói mà sức mạnh của hôm nay
không làm rung động thì không xứng với Chúa Giêsu và không giúp ích gì cho cuộc
sống con người. Đó là lý do tại sao những người rao giảng là những người đầu
tiên cảm nghiệm được hôm nay của Chúa Giêsu, để có thể thông truyền điều đó
trong ngày hôm nay của người khác. Nếu người giảng Lời Chúa muốn thực hiện một
hội nghị thì hãy làm nhưng ở nơi khác, không phải trong lúc giảng, đây là nơi
làm lay động tâm hồn.
Lời Chúa biến một ngày bình thường thành “hôm nay”
Anh chị em thân mến, trong Chúa nhật Lời Chúa này, tôi
cám ơn tất cả những người rao giảng và loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy cầu
nguyện cho họ, để họ sống hôm nay của Chúa Giêsu, quyền năng dịu ngọt của Thánh
Thần đã làm cho Kinh Thánh trở nên sống động. Lời Thiên Chúa sống động và hữu
hiệu (Dt 4, 12); Lời biến đổi chúng ta, đi vào các sự kiện của chúng ta, chiếu
sáng cuộc sống hàng ngày của chúng ta, an ủi và mang lại trật tự. Chúng ta hãy
nhớ rằng: Lời biến một ngày bình thường thành hôm nay, trong đó Chúa nói với
chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy cầm lấy Tin Mừng trong tay và mỗi ngày chọn một
đoạn ngắn đọc đi đọc lại một cách thanh thản. Với thời gian, chúng ta sẽ khám
phá ra rằng những lời này dành cho chúng ta, cho cuộc sống của chúng ta. Lời sẽ
giúp chúng ta đón nhận mỗi ngày với một cái nhìn tốt đẹp hơn, thanh thản hơn,
bởi vì khi Tin Mừng đi vào thế giới hôm nay, thì Tin Mừng tràn đầy Thiên Chúa.
Tôi muốn đề nghị với anh chị em điều này, vào các Chúa nhật của năm phụng vụ
này, Tin Mừng Luca, Tin Mừng của lòng thương xót, được công bố. Tại sao mỗi
ngày, mỗi người không đọc một đoạn ngắn của Tin Mừng này? Chúng ta hãy làm quen
với Tin Mừng, Lời sẽ mang lại cho chúng ta sự mới mẻ và niềm vui của Chúa!
Lời Chúa cũng là ngọn đèn dẫn lối cho tiến trình hiệp
hành đã bắt đầu trong toàn Giáo hội. Khi chúng ta cố gắng lắng nghe nhau, với
sự chú ý và phân định, chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe Lời Chúa và Chúa Thánh
Thần. Xin Đức Mẹ ban cho chúng ta sự kiên trì để chúng ta được Tin Mừng nuôi
dưỡng mỗi ngày.
Ngọc Yến
(Vatican
News 23.01.2022)