...tôi cầu xin như dân Chúa xưa, chúng ta sẽ mở lòng ra trước lời khẩn xin của biết bao người đang gõ cửa nhà chúng ta. Tôi nhớ lại những lời sau đây: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.”(Kh 3, 20)..
ỦY BAN MỤC VỤ DI DÂN
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
Hướng tới Ngày Thế giới những người Di dân và
Tị nạn năm nay (26/09/2021), Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố sứ điệp với chủ
đề: “Tiến tới một cộng đồng 'chúng ta' ngày càng rộng lớn hơn”, nhằm
xây dựng gia đình nhân loại trong công lý và hòa bình, bảo đảm không ai bị loại
bỏ lại đằng sau. Ngài kêu gọi tất cả, các tín hữu công giáo và mọi người trên
thế giới, cùng quan tâm và thể hiện tình liên đới đối với những người dễ bị tổn
thương khi di tản. Theo Đức Thánh Cha, “Làn sóng di dân có thể được xem là
‘biên cương’ mới cho sứ vụ, một cơ hội đặc biệt để loan báo Chúa Kitô và làm
chứng cho đức tin Kitô trong tinh thần bác ái và tôn trọng sâu sắc dành cho các
cộng đồng tôn giáo khác”. Đức Thánh Cha kêu gọi nỗ lực phá đổ những bức tường
ngăn cản chúng ta và xây dựng các nhịp cầu kiến tạo văn hóa gặp gỡ, với ý thức
sâu sắc về mối liên kết sâu sắc của chúng ta. Ngài nói rằng các phong trào di
dân là cơ hội để chúng ta vượt qua sợ hãi và để cho mình được phong phú bởi sự
đa dạng khả năng của mỗi người.
Tôi xin giới thiệu các bài suy tư được gợi ý
do Phân Bộ Di Dân và Tị Nạn của Bộ Phát triển Con người toàn diện: “ONE CHURCH,
ONE HOME, ONE FAMILY” và “A CHURCH THAT REACH OUT” của Rev. Marcel Uwineza,
S.J., Ph.D., do ông Antôn Uông Đại Bằng và Gioan Lê Quang Vinh chuyển ngữ.
+Louis Nguyễn Anh Tuấn
Chủ tịch Ủy Ban Mục Vụ Di Dân – HĐGMVN.
* * *
KHI HỘI THÁNH GIANG TAY RA
L.m. T.s. Marcel Uwineza,
S. J.
Bản dịch của Antôn Uông Đại Bằng
Hội Thánh là một cộng đoàn thế nhân được
Thiên Chúa, hiện thân nơi Đức Giêsu Kitô, Con của Người, mời gọi. Đức Giêsu
được Chúa Cha sai đến loan báo Tin Mừng Cứu Độ và Nước Trời. Nước Trời hiện
diện ngay bây giờ và Hội Thánh, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, hằng mong
chờ Nước Trời chung cuộc sẽ được thể hiện trọn vẹn. Niềm mong đợi của Thiên
Chúa bộc lộ qua Đức Giêsu là tất cả những ai theo Ngài sẽ hiểu được rằng mối
tương quan của họ với Thiên Chúa không phải chỉ là một chuyện riêng tư, nhưng
là một sự kiện chung cho toàn thể mọi dân tộc trên toàn thế giới.
Tư cách là thành viên Hội Thánh được thực
hiện cụ thể qua việc lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy của mỗi cá nhân. Hội Thánh là
một hiệp thông của những cộng đoàn, được nâng đỡ bởi ký ức về Đức Giêsu Kitô hằng
luân lưu trong Truyền thống Tông đồ. Hội Thánh hóa thân trong những câu chuyện
và thực tiễn Kitô giáo của những người lữ hành đi tìm ơn cứu độ. Hội Thánh bám
rễ trong xác tín và đức tin thần học rằng “tập thể nhân thế này, quốc gia lữ
hành này, trong và cho thế giới, là một phần cơ bản trong kế hoạch lịch sử của
Thiên Chúa, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần.” Do đó, đây không phải là một
cộng đoàn của thuần những người chúc lành, hay một nghiệp đoàn của những người
cùng một nếp suy nghĩ.
Hội Thánh là dấu chỉ bí tích sự hiện diện của
Đức Kitô trong thế giới. Đây chính là một cộng đoàn những người nhờ gặp được
Đức Kitô mà có một căn tính mới. Tin Mừng Thánh Gioan giải thích căn tính mới
này trong Đức Kitô trong đoạn tường thuật cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với
Nicôđêmô, một thành viên của Công nghị và của phái Pharisêu, kẻ lén gặp Đức
Giêsu vào ban đêm (Ga 3, 1-21). Nicôđêmô mong muốn biết thế nào là “sinh ra một
lần nữa” để dự phần trong Nước Trời. Đức Giêsu đã cho ông một lời giải đáp khá
lạ lùng. Nhà thần học dòng Tên Agbonkhianmeghe E. Orobator lưu ý rằng: “Đức
Giêsu quay ngoắt sang một cuộc độc thoại tỉ mỉ về xác thịt và thần khí, các
chuyện dưới đất và các chuyện trên trời, Con Người, Người Con làm quà tặng của
Thiên Chúa cho thế giới, ánh sáng và bóng tối, vân vân.” Diễn từ này tác động
Nicôđêmô ra sao thì chúng ta không biết được. Có thể ông ta ra về mà tâm trí
lại bối rối hơn không chừng. Tuy nhiên, câu chuyện của Nicôđêmô và Đức Giêsu
không kết thúc đêm hôm đó. Về sau, trong sách Tin Mừng này, chúng ta được nghe
kể Nicôđêmô bênh vực cho Đức Giêsu ngay giữa ban ngày. “Nicôđêmô, người trước
đây đã đến gặp Đức Giêsu và là một người trong nhóm của họ, đã lên tiếng hỏi
rằng: “Lề luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và
biết người ấy làm gì không?” Họ trả lời: “Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê
sao? Ông cứ nghiên cứu rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilê
cả” (Ga 7, 50-52). Xem ra Nicôđêmô đã thoát ra khỏi vai trò một chứng nhân yên
lặng của Đức Giêsu và trở thành một người lớn tiếng bênh vực cho Ngài; và chúng
ta có thể suy luận rằng cuộc gặp gỡ Đức Giêsu hôm xưa đã gây một ấn tượng sâu
xa trên tâm hồn ông. Nicôđêmô không còn “bước đi trong sợ hãi” – biểu lộ qua
việc đến gặp Chúa giữa đêm khuya – và đi theo ánh sáng ban ngày – biểu lộ qua
việc bênh vực Đức Giêsu giữa thanh thiên bạch nhật. Trước cái chết của Đức
Giêsu, những môn đệ thân tín của Ngài bỏ rơi Ngài, còn ai là người xuất hiện
trong cuộc Khổ nạn của Ngài? Nicôđêmô chính là người đã mang chừng một trăm cân
một dược trộn với trầm hương để tẩm liệm thân xác Chúa (Ga 19, 39-42). Cha
Orobator kết luận: “Nicôđêmô là gương mẫu của một tín nhân ra sức đào sâu sự
hiểu biết niềm tin của mình.” Nicôđêmô biểu trưng cho tất cả những ai nhận thức
được sự độc đáo nơi Đức Kitô và quyết định dành chỗ trong đời mình cho điều
khám phá mới mẻ và có sức biến đổi này mang đến. Ai gặp được Đức Kitô sẽ có một
căn tính mới và một triển vọng mới.
Khi đọc sách Tân Ước, chúng ta biết được
rằng: không có người nào đã gặp gỡ Đức Giêsu mà lại không được biến đổi sau đó.
Vì lý do gì đi nữa thì một lối sống mới cũng phát sinh. Một cuộc gặp gỡ nghiêm
túc với Đức Giêsu sẽ biến đổi con người tận căn. Thật không nói ngoa khi bảo
rằng: trọn cả cuốn Phúc Âm không có một người nào đến với Đức Kitô rồi rời khỏi
Ngài mà không được biến đổi. Ví dụ đầy dẫy. Hãy nhớ lại các vị đạo sĩ, sau khi
đã thờ lạy Hài nhi Giêsu, đã được báo trong giấc mơ là đừng gặp lại Vua Hêrôđê
nữa, nhưng hãy trở về quê nhà theo ngả đường khác (Mt 2, 12). Hay hãy nghĩ về
những cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với ông Lêvi hoặc Zakêu, hay người Nữ
Samaritanô, hay người Thanh niên Giàu có (người này bước đi mà lòng buồn rầu),
người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, người trộm treo trên thập giá
và những người khác. Người nào trong số họ gặp được Đức Giêsu rồi cũng thay đổi
một cách nào đó. Phần lớn nhất của sách Tân Ước bị chi phối bởi Phaolô (Saulô)
mà cuộc gặp gỡ với Đức Kitô phục sinh trên đường đi Đa-mas đã biến đổi ngài
thành vị Tông đồ của dân ngoại.
Như Đức Giêsu, Hội Thánh cũng có nhiệm vụ làm
một cộng đoàn của tiếp xúc nhân bản đích thực. “Cung cách” Giêsu thách đố Hội
Thánh biết lắng nghe và đồng hành với hết mọi người, đồng thời chú ý
đặc biệt tới những người đang khổ đau trong xã hội chúng ta. Cung cách ấy thúc
giục chúng ta đi vào những phố phường của những vùng ngoại vi để chữa lành
“những người di cư, tị nạn, những người bị dời chỗ cư trú và những nạn nhân của
nạn buôn người, những người mà Chúa muốn biểu lộ tình thương yêu và loan báo ơn
cứu độ.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi người Công giáo làm thành viên của
một Hội Thánh biết liều mình và sẵn sàng bị lầm lẫn khi dấn thân vào thế giới,
nhất là những ai bị coi như đồ bỏ đi trong thế giới chúng ta. Ngài cổ vũ vun
trồng một nền văn hóa gặp gỡ với khát vọng thăng tiến đối thoại chân thành,
bằng cách biết lắng nghe và sẵn sàng trực diện với những thách đố và bất đồng.
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi Hội Thánh ‘nỗ lực cho một nền văn hóa
gặp gỡ’, theo một cách đơn giản, ‘như Đức Giêsu đã nói: đừng chỉ
trông thấy thôi, nhưng phải nhìn; đừng chỉ nghe thấy thôi, nhưng phải lắng
nghe; đừng chỉ đi ngang qua thiên hạ thôi, nhưng phải dừng lại với họ; đừng chỉ
nói ‘thật đáng xấu hổ, tội nghiệp họ!’ nhưng phải để cho mình chạnh lòng thương
họ; và tiến lại gần, chạm vào họ mà nói: ‘Đừng khóc nữa’ và trao cho họ ít ra
một giọt sự sống.” Nói khác đi, sẽ chưa phải là Hội Thánh nếu chưa biết dấn
thân và biến đổi thế giới ở quanh mình. Cần phải là một Hội Thánh biết nuôi
dưỡng gặp gỡ với tha nhân, và như Emmanuel Levinas nói: “…Cuộc gặp gỡ này bám
rễ vào tha tính cơ bản của tha nhân, với sự chấp nhận ngay cả phải chịu đựng để
đáp lại sự khó chịu của tha nhân và sự thức tỉnh về cảm giác của mình về trách
nhiệm của mình đối với và cho tha nhân.”
Một Hội Thánh của tiếp xúc nhân bản đích thực
đòi hỏi chúng ta thực hiện điều đó như Simôn Kyrênê vác đỡ thập giá Đức Giêsu
(Mc 15, 21), như người Samaritanô Nhân hậu (Lc 10, 25-37); những điều này chưa
đủ. Simôn Kyrênê và người Samritanô Nhân hậu đã thực hiện những hành động tuyệt
hảo trong những hoàn cảnh cá nhân. Tuy nhiên, chúng la lại được mời gọi gặp gỡ
Đức Giêsu không phải chỉ bằng thực hiện những việc thiện cá nhân nhưng bằng
cách lên tiếng với giới hữu trách về những bất công trong xã hội chúng ta hôm
nay, và làm cho con đường tới Giêricô được an toàn khỏi nạn cướp bóc và côn đồ.
Chúng ta cần phải lớn tiếng nói lên rằng: không thể nào chấp nhận được cảnh
người người cứ bị bạo ngược và nghèo khổ, sống kiếp tỵ nạn, di cư và lánh cư
mãi. Điều này có nghĩa là khi tỏ lòng xót thương đối với ai mà không
“quan tâm đối với các cơ cấu xã hội vốn khiến cho họ trở thành đối tượng đáng
xót thương thì mới chỉ là có tình cảm chứ chưa phải là yêu thương.” Tỏ niềm cảm
thương là quan trọng, nhưng điều ấy chưa đủ. Một Hội Thánh của tiếp xúc nhân
bản đích thực sẽ hành động như một người đáp ứng đầu tiên – biết chạy ngay vào
ngôi nhà đang cháy, chứ không phải là tìm cách lánh xa ngôi nhà đó. Hội Thánh
cần có những con người chữa lành những vết thương của dân Chúa. Hội Thánh không
cần đến những con người làm cho các vết thương lớn thêm ra.
Có một câu chuyện tuyệt vời minh họa những gì
một Hội Thánh tiếp xúc nhân bản đích thực cần phải thể hiện. Nhiều năm trước
đây ở Scotland có một nhà quý tộc Anh lên đường đi tới Luân đôn để tham dự một
khóa họp quan trọng của nghị viện. Xe hơi của ông bị sa lầy bùn trên con đường
quê và lâm vào cảnh tuyệt vọng. Không có cần AAA mà cũng chẳng có một ai phụ
giúp đẩy xe cho ông ta được. Ông nghĩ mình không thể nào tới Luân đôn kịp lúc
bỏ phiếu cực kỳ quan trọng như đã hoạch định được. Đột nhiên lúc đó có một
chàng nông dân Tô cách lan cùng với một cặp bò đi qua và kéo luôn xe hơi của
nhà quý tộc. Thế là ông ta khỏi lỡ mất ngày hôm ấy. Nhà quý tộc vô cùng biết ơn
chàng trai và muốn thưởng cho chàng. Ông nói: “Nhất định là tôi có thể làm một
điều gì để đền ơn cậu.” Nhưng chàng trai nói; “Thưa không, cháu rất vui được
phục vụ ông.” “Nhưng chắc hẳn cháu phải có một ước mơ nào chứ. Một điều gì đó
cháu thực sự mong muốn có được trong đời mình.” Nhưng chàng trai cười đáp “Ồ,
vâng. Cháu luôn muốn làm một bác sĩ. Nhưng đó là điều ở ngoài tầm khả năng
cháu.” Nhà quý tộc trở lại Luân đôn. Ông cứ nghĩ xem làm thế nào tưởng thưởng
được cậu bé kia. Ông dẫn cậu bé đi tiếp xúc với một ngôi trường mà ông đã sắp
xếp để cho cậu có được một học bổng. Và cậu bé ấy đã nhập học.
Nhiều năm sau, trong giai đoạn khốc liệt nhất
của Thế chiến II, Winston Churchill lâm cơn nguy tử vì bệnh cúm, giữa lúc ông
đang đảm nhiệm chức vị Thủ Tướng Anh quốc (1940-1945). Người ta đã cứu được
mạng sống ông nhờ thứ thần dược tên là Peniciline do Fleming phát minh. Và
Fleming chính là cậu bé nông dân đã nhận được học bổng của nhà quý tộc vốn là
thân phụ của ông Churchill.
“Những hành động yêu thương có hiệu ứng gợn
sóng và có thể biến đổi một cách sâu xa sinh thái con người. Nhiệm vụ chúng ta
là xây dựng một nền văn minh tình thương hoặc sẽ chẳng còn một nền văn minh nào
hết”, Đức Hồng y Sean O’Malley nói. Trong khi chúng ta mừng Ngày Thế giới Di cư
và Tỵ nạn, tôi xin mời gọi anh chị em thực hiện nhiều hơn nữa những hành động
yêu thương với và cho những người di cư và tỵ nạn, bởi vì nơi họ chúng
ta sẽ có được những tiềm năng “Fleming” chưa được khai thác. Nếu chúng ta
tiếp tục yêu thương và gặp gỡ họ, chúng ta sẽ thấy một cách sâu xa ý nghĩa của
lòng nhân ái và vai trò Hội Thánh, đem lại niềm hy vọng, biến đổi những nỗi u
buồn thành những niềm vui, và những ước mơ của họ trở thành những cơ hội.
Kết thúc suy niệm này, tôi cầu xin như dân
Chúa xưa, chúng ta sẽ mở lòng ra trước lời khẩn xin của biết bao người đang gõ
cửa nhà chúng ta. Tôi nhớ lại những lời sau đây: “Này đây Ta đứng trước cửa và
gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với
người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.”(Kh 3, 20). Người ta nói: những người
nào cùng ăn chung với nhau sẽ không ăn lẫn nhau. Amen.”
Bài: Một Giáo hội, Một Nhà, Một Gia đình (conggiao.info)
(hdgmvietnam.com 15.09.2021)