23 16 X Thứ Hai Tuần XXI Thường Niên. (Tr) Thánh Rôsa Lima, Trinh nữ. (1Tx 1,1-5.8b-10; Mt 23,13-22.)
Có những người nữ đánh Ðông, dẹp Bắc. Có
những người nữ là những nhà ngoại giao đại tài không thua kém gì phái nam nhi.
Lại có những người nữ chỉ miệt mài âm thầm, làm nghề nội trợ lo cho chồng con
cơm ngon,canh ngọt. Vâng, thiên chức làm vợ,làm mẹ là thiên chức quí trọng,bất
cứ người nữ nào cũng ước mong có được. Nhưng, cũng có những người nữ sống cao
hơn lối sống thông thường,lối sống nói theo một cách nào đó là đi vào tầm cao mới,
chiều sâu mới .
Lối sống của những con người hy sinh,từ
bỏ vì" tình yêu Chúa Kitô thúc bách.".
Rosa Lima là vị thánh nữ đầu tiên của
Châu Mỹ. Cha mẹ thánh nữ người Tây Ban Nha, nhưng vì kinh tế khó khăn, gia đình
gặp cảnh túng nghèo,nên cha mẹ thánh nữ phải bỏ quê cha đất tổ đến Pérou tại thủ
đô Lima vào năm 1543 để kiếm kế sinh nhai.
Và vào năm 1586, Rosa đã chào đời tại thủ
đô Lima. Tên của thánh nữ là" Hoa Hồng thủ đô Lima".Cuộc đời của
thánh nhân được đan kết bằng những cố gắng hy sinh, những đau khổ, những chiến
đấu không ngừng để vươn tiến và để nên thánh. Muốn cho đời mình trở nên hương
thơm đúng nghĩa của Hoa Hồng thành Lima, Rosa đã có một đời sống gương mẫu, đạo
đức, thánh thiện ngay từ hồi còn nhỏ.
Dù rằng cha mẹ chiều chuộng,yêu thương, ủ
ấp, nâng như nâng trứng,hứng như hứng hoa, Rosa vẫn tỏ ra đơn sơ, khiêm nhượng
và thùy mị. Ðời sống của thánh nữ gương mẫu ngay trong lối ăn mặc,cử chỉ,thái độ
khiêm tốn và lời nói đoan trang, hiền dịu. Tới trường, Rosa chuyên chăm học tập,
trau dồi học vấn về mọi môn học, thánh nữ lưu tâm cách đặc biệt đến văn chương.
Cha mẹ già yếu,ốm đau, Rosa nghỉ học để
phụ giúp gia đình và chăm nom phụng dưỡng cha mẹ để đền ơn đáp hiếu các Ngài.
Cuộc sống của thánh nữ là một cuộc chiến đấu không ngừng: chiến đấu với ngoại cảnh,chiến
đấu với chính con người của thánh nhân .
Thánh nữ đã phải chống lại ý định của
cha mẹ bắt ép Ngài lập gia đình để có cháu nối dõi tông đường. Thánh nữ còn phải
đương đầu với việc không hiểu của cha mẹ, ngăn cản không cho Rosa đi vào tu viện
để thánh nhân có cơ hội hiến trọn toàn thân cho Chúa Giêsu.
Dù không được vào Dòng như ý muốn, thánh
nữ đã xin mặc áo Dòng ba thánh Ðaminh,con đường hiến mình cho Chúa giờ đây vẫn
được thánh nhân thực hiện trong cuộc sống tận hiến giữa đời. Niềm ước mong hiến
trọn cuộc đời cho Chúa càng nổi bật khi vào những năm tháng cuối đời thánh nhân
đã dành một phòng trong nhà để đón tiếp các trẻ mồ côi,lang thang, cơ nhỡ và những
người già yếu bệnh tật. Ðây là hình thức làm việc xã hội đầu tiên trong đất nước
Pérou.
Cuộc đời của thánh nữ Rosa Lima có thể
nói được là đã họa lại càng ngày càng giống hình ảnh của Chúa Giêsu đúng như lời
Thiên Chúa phán trong những trang đầu sách khải nguyên: "Ta hãy dựng nên
con người giống hình ảnh Ta ". Giấc mơ của thánh nữ đã được thực hiện
trong chính cuộc đời của Người : Rosa đã đục, đã đẽo, đã gọt dũa và đã chạm trổ,
khắc ghi hình ảnh Chúa Kitô trong chính con người của mình.
Hình ảnh của một con người sống thùy mị,
đoan trang và đơn sơ là hình mẫu của chính thánh Rosa Lima để lại cho nhân loại.
Mỗi vị thánh có một cảm nghiệm, một lối sống, một cách suy nghĩ khác nhau.
Không có vị thánh nào lại sống rập khuôn theo vị thánh khác, mỗi vị thánh đều sống
lý tưởng mình đã chọn cách độc đáo,cá biệt và có một phong cách riêng. Nhưng tất
cả các vị thánh đều có một mẫu số chung là gọt dũa, khắc ghi và đục bỏ những gì
là không cần thiết,những gì là sần sùi, sao cho giống, thật giống hình ảnh Ðức
Kitô cứu thế. Thánh nữ Rosa Lima đã làm trọn công việc đó. Ngài muốn chúng tất
cả nên giống Ngài trong đời sống thánh thiện như Chúa hằng mong muốn.
Thánh nữ đã qua đời vì bệnh ung thư sau
những năm dài miệt mài, say xưa làm việc bác ái tông đồ vào ngày 24/8/1617.
Chúa thưởng công thánh nữ bằng vô số phép lạ Người làm sau khi chết.
Thánh nữ vừa tròn 31 tuổi đời. Cái tuổi
còn tràn đầy nhựa sống và sức sống. Chúa đã hái đóa Hoa Hồng tuyệt đẹp trong vườn
hoa muôn mầu muôn sắc của Giáo Hội để đời đời, Người diện kiến và ca tụng Chúa
trên nước trời. Ðức Thánh Cha Clêmentê X đã phong thánh cho Ngài vào năm 1671 .
Thùng rỗng kêu to – nhiều khả năng độc giả có
cảm nhận ấy sau khi đọc xong bản văn Tin Mừng hôm nay. Thật vậy, hầu như toàn bản
văn được phủ bằng màu xám bởi Chúa Giêsu thẳng thắn trách cứ các hành động sai
trái của nhóm biệt phái và kinh sư bằng những lời chúc dữ khốn cho các người...
Chúa kể rạch ròi các tội mà hai nhóm này
đã phạm như ngăn cản các tín hữu trên đường nên thánh (c.13-14), làm hỏng đức tin
của các tân tòng (c. 15), gây cớ vấp phạm nghiêm trọng trong việc giải thích và
thực hành Luật (c.16-22). Những tội này, xem ra có vẻ xa lạ. Những loại người
mà Chúa Giêsu nhắm đến cũng dường như đã khá cũ xưa. Vậy phải chăng hôm nay hôm
nay Chúa không gửi sứ điệp Tin Vui nào cho tôi, cho bạn và cho anh chị ? Không
phải thế. Tin Mừng luôn mang tính thời sự, luôn mới, luôn có giá trị với mọi
người, mọi thời, mọi cảnh, mọi nơi.
Trước tiên phải nói rằng, các tội mà biệt
phái và kinh sư phạm đều liên quan đến cái nhìn lệch lạc về Luật và Ân sủng,
hay nói đúng hơn là sự nhầm tưởng quá nguy hại về Thiên Chúa và về bản thân họ.
Họ tưởng họ đã nắm vững Luật, đã thực hành luật cách nghiêm nhặt thì họ có quyền
giải thích luật theo ý họ, có quyền chỉ vẽ cho người khác thực hành luật theo
hiểu biết của họ. Họ tưởng Ơn Chúa là hoa trái của những nỗ lực bản thân, của
những thực hành theo kiểu công thức hóa học. Họ tưởng Chúa là ông chủ giữ kho
ơn thánh để rồi chỉ cần đọc vài câu kinh như thần chú thì ắt sẽ Chúa sẽ phải
ban ơn.
Hậu quả của cái nhìn lệch lạc trên đây
là lối sống giả hình đến quá thô thiển, đáng kinh; là sự mù lòa đáng thương của
những người tự cho mình đang sáng mắt. Lối sống giả hình và mù quáng này khiến
họ trở thành những người diệt giáo thay vì truyền giáo, những người phá đạo
thay vì sống đạo. Họ chẳng khác gì những thùng rỗng kêu to, phát ra những bản
nhạc tra tấn lỗ tai và làm đau tim người khác. Như thế, ta hiểu tại sao Chúa
Giêsu dành cho các kinh sư và biệt phái những lời chúc dữ khốn cho các người.
Khốn cho các người, lời này đáng lo và đáng sợ
quá. Có khi nào lời ấy được dành cho tôi, cho bạn, cho anh chị hôm nay: khốn
cho con !?
Nếu nhìn các kinh sư và pharisêu như những
phụ mẫu chi dân về tinh thần, về tôn giáo thì tôi, bạn và anh chị, chúng ta
cũng ít nhiều chịu trách nhiệm hướng dẫn tha thân ở nhiều cấp độ khác nhau từ
gia đình, giáo xứ, giáo phận, dòng tu, ... Vậy, sự giả hình, sự mù quáng nhuốm
mùi biệt phái pharsêu có ít nhiều hiện diện trong cuộc sống của ta không?
Ta có nói rất hay, rất dài, rất kỹ về
Chúa và về đạo, nhưng kinh nghiệm về Chúa, kinh nghiệm sống đạo của ta lại chẳng
bao nhiêu không? Ta có tận tâm tận lực vẽ bày cho tha nhân phải thế này thế nọ
mới được vào Nước Trời, nhưng lối sống của ta và nhất là những biện minh mù
quáng cho lối sống thiếu Chúa của ta có khiến anh chị em chao đảo, xa lìa đức
tin, xa lìa giáo hội và mất Chúa đời đời chăng? Đặc biệt, khi thi hành sứ vụ của
một Tác Viên Tin Mừng, ta miệt mài tìm về cho Chúa những anh chị em mới trong đức
tin, nhưng ta lại làm cho họ thất vọng, suy sụp, trốn chạy khi chứng kiến những
gì ta đã sống, đã làm cho cộng đoàn tiếp nhận họ chăng?
Mỗi người chúng ta cùng thành tâm phơi
mình trước ánh sáng của Lời và Thánh Linh Chúa, để ta nhìn rõ, hiểu thấu, cảm
sâu và can đảm thực thi điều Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hôm nay.
Huệ Minh