Con người không phải là những bộ máy làm việc một cách liên tục và không ngừng nghỉ. Cũng vậy, con người không phải là hòn đá hay cục đất vô tri không biết suy nghĩ. Nhưng con người là một thực thể riêng biệt, một hữu nhân tại thế và là một thụ tạo có linh hồn, thể xác. Chính điều này, con người với các thụ tạo có điểm khác biệt đó là có lý trí để phán đoán và chọn lựa những công việc để giúp họ có cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Hơn thế nữa, sự tồn tại của con người đó
là sự hiện diện để mang tình yêu làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Triết
gia Pascal đã từng nói: “Con người là cây sậy biết suy tư”. Điều này, như lần nữa
nhấn mạnh tầm quan trọng của con người trong việc duy trì và phát triển đời sống
nơi quả đất này. Cũng vậy, con người cũng phải ý thức được sự hiện diện của bản
thân, nhờ đó mà không ngừng nghỉ lan tỏa tình yêu, kiến tạo hòa bình và xây dựng
thế giới ngày tốt đẹp hơn.

Thật vậy, trong xã hội ngày hôm nay với
sự phát triển choáng ngợp của các ngành công nghiệp đã và đang làm cho con người
được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên chính sự phát triển đó, cũng làm cho con
người rơi vào vòng xoáy của tình, tiền , tài. Con người, bắt đầu lao mình vào
những công việc không ngừng nghỉ. Họ làm ngày, làm đêm, làm mọi lúc, mọi nơi miễn
sao thu lại được lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, cũng không ít người vì chức quyền,
danh ảo mà bán đi lương tâm để vùi mình vào những công việc mất nhân tính để tiến
chức, tiến thân trên xương máu của bao nhiêu người. Hơn nữa, lối sống nhanh, sống
vội và sống thiếu mục đích đã khiến con người chìm đắm trong những niềm vui thế
tục, những cuộc vui không bao giờ ngừng và những cuộc tình không có hồi kết.
Chính những thực trạng đó, đã làm cho con người ngày hôm nay đánh mất đi cảm thức
về sự hiện hữu. Họ chỉ quan tâm đến những giá trị tức thời mang lại lợi ích to
lớn cho cá nhân, ít người lưu tâm đến các giá trị cộng đồng, xã hội và thế giới.
Hậu quả đó là: Từng ngày, từng giờ hằng triệu người phải chết vì đói, vì khát
và vì sự vô tâm, vô cảm của chúng ta; bên cạnh đó, vô số người già cả neo đơn,
những người nghèo khổ bị loại trừ ra khỏi xã hội; và môi trường đang dần ô nhiễm
và nóng lên bởi sự tàn phá của con người.
Thiết nghĩ, hơn bao giờ hết, có lẽ mỗi
người chúng ta cần phải bình tâm suy nghĩ về sự hiện hữu của chính mình. Tại
sao tôi được hiện hữu? Và tôi hiện hữu để làm gì? Một vào câu hỏi dưới góc độ
cá nhân như lối suy tư để chúng ta khám phá ra được ý nghĩa của sự hiện hữu.
1, Tại sao tôi được hiện hữu
Quả vậy, ngay từ thủa ban đầu Thiên Chúa
đã tạo dựng con người giống hình ảnh của Ngài. Và con người được Thiên Chúa ban
tặng cho con người trí khôn để làm chủ muôn loài, muôn vật. Cho nên, mỗi người
chúng ta được sinh ra dù xấu hay tốt, giàu hay nghèo, lành lặn hay bệnh tật,
nhưng tất cả đều có một điểm chung đó là mang trên mình hình ảnh của Thiên
Chúa. Như vậy, chúng ta được hiện hữu nhờ tình yêu và tình thương của Thiên
Chúa và mỗi người được sinh ra đều nằm trong chương trình cứu độ của Thiên
Chúa. Bên cạnh đó, Thiên Chúa còn mười gọi con người “ Hãy sinh sôi và nảy nở
cho đầy mặt đất”. Lời mời gọi này, nhắc nhở chúng ta hãy biết công tác và liên
đới với nhau trong việc duy trì, bảo vệ và phát triển sự sống nơi quả đất này.
Với những điều trên, chúng ta xác tín được
rằng, mỗi người được sinh ra trong sự quan phòng và chương trình cứu độ của
Thiên Chúa. Hơn nữa, mỗi người là mỗi bản thể riêng biệt, và mỗi người đều có
vai trò, trách nhiệm trong bậc sống của mình để sinh hoa kết quả cho Thiên Chúa.
2, Vậy tôi hiện hữu để làm gì?
Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam
có câu: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Với ý nghĩa của câu
nói trên, tác giả muốn nhấn mạnh sự nối tiếp, di truyền mà mỗi chúng ta được thụ
hưởng, nhờ đó biết lưu truyền và duy trì cho các thế hệ mai sau. Quả thế, tự bản
chất, con người chúng ta được mang trên mình hình ảnh của Thiên Chúa, mà “Thiên
Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8). Cho nên, chúng ta được mời gọi trở nên đồng hình,
đồng dạng với Thiên Chúa ngang qua cung cách sống của bản thân. Chính nhờ đó,
mà sự hiện diện của chúng ta đem lại bình an, hạnh phúc cho mọi người và sự hiện
diện đó là biểu một Đức Ki-tô đang sống giữa lòng nhân loại.
Thật vậy, bản chất của con người đó là
tình yêu. Bởi tình yêu đó là linh hồn, là hơi thở của đời sống con người. Chính
nhà thơ Xuân Diệu đã thốt lên rằng: “Đố ai sống được mà không yêu. Không
thương, không nhớ ai bao giờ”. Chính câu nói đó, đã lột tả cho mỗi người thấy
rõ được vai trò tình yêu trong cuộc sống. Nó không chỉ là một trạng thái cảm
xúc, nhưng là là liều thuốc hàn gắn mọi tương quan và chữa lành mọi thương tích
nơi thể xác cũng như tâm hồn.
Dưới lăng kính đức tin Ki-tô giáo, tình
yêu là một trong ba nhân đức đối thần giúp con người tiệm cận với Thiên Chúa
hơn. Bên cạnh đó, tình yêu đó là căn tính mà mỗi người tín hữu phải có và phải
biết lan tỏa đến mọi ngóc ngách trong cuộc sống. Quả thế, trước lúc về trời
Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta một giới răn mới: Đó là yêu thương. Điều
này, như thôi thúc chúng ta hãy biết yêu thương nhau, liên đới với nhau và cùng
giúp nhau trên bước đường lữ hành trần gian. Hơn thế nữa, yêu thương làm cho
con người biết xây dựng những chiếc cầu nối để hàn gắn những đổ vỡ trong xã hội,
băng bó những thương tích rỉ máu nơi nhân loại và hiệp nhất nên một trong Đức
ki-tô. Như vậy, chúng ta hiện hữu để mang yêu thương phủ tràn khắp nhân loại.
Hơn bao giờ hết, Đức Ki-tô chính là mô mẫu
cho mỗi chúng ta về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính Đức Ki-tô
đã đến và sống giữa lòng nhân loại, cho nên Ngài thấu hiểu, đồng cảm với những
khó khăn, vất vả mà phận người phải đối diện. Cho nên, suốt cuộc đời của Ngài
là những bước chân không biết mệt mỏi trong việc trao ban tình yêu và gieo niềm
hi vọng. Thật vậy, nơi nào Đức Ki-tô ngang qua là nơi đó có sự gặp gỡ, biến đổi,
chữa lành và ra đi loan truyền tình yêu cứu độ. Ngài đã đến với những người
nghèo khổ, bệnh tật, neo đơn và bị xã hội loại bỏ, với sự cảm thông và xót
thương chính Đức Ki-tô đã đến chữa lành và khôi phục nhân phẩm cho họ; Ngài
cũng đã đến với một Matheu thu thuế, để kêu gọi, cảm hóa, biến đổi ông để ra đi
loan báo tin mừng cứu độ; Ngài đã đến với một Saolo hung dữ trong việc bách hại
đạo, bằng cuộc gặp gỡ trên đường Đamat, Saolo được biến đổi thành Phaolo để trở
nên vị Tông đồ của dân ngoại, can đảm ra đi loan báo tin mừng. Chính sự gặp gỡ
với Đức Ki-tô, mà thánh Phaolo đã thốt lên rằng: “Ai có thể tách tôi ra khỏi
tình yêu Đức Ki-tô” (Rm 8, 35). Sự gặp gỡ của thánh nhân với Chúa Giê-su như một
cuộc canh tân, biến đổi nhờ đó mà tình yêu của Đức Ki-tô ăn sâu vào xương, vào
máu và vào thịt của thánh nhân.
Như vậy, Đức Ki-tô đã nêu gương cho
chúng ta về sự hiện diện của Ngài trong việc mang tình yêu Thiên Chúa đến cho mọi
người. Tình yêu của Đức Ki-tô vượt trên mọi không gian và thời gian, vượt qua
những rào cản của văn hóa, sắc tộc và địa lý. Bên cạnh đó, tình yêu của Ngài vượt
qua những định kiến, tư tưởng thế tục để vươn lên một tình yêu cao cả hơn. Đó
là chết cho người mình yêu. Cái chết trên đồi Canve để con người được cứu độ.
Vậy chúng ta phải làm gì để tình yêu Đức
Ki-tô ngự trị trong tâm hồn và thể xác mỗi người?
Thiết tưởng, như lời mời gọi của Chúa
Giê-su: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9). Quả vậy, chỉ khi
ở lại với Thiên Chúa chúng ta mới đi vào mối tương quan mật thiết với Ngài, để
nhờ Ngài và trong Ngài chúng ta được bồi dưỡng, hun nóng và được sửa dạy. Nhờ
đó, chúng ta can đảm ra đi để mang Đức Ki-tô đến mọi ngóc ngách trong cuộc sống
qua cung cách sống của bản thân.
Ước mong rằng, sự hiện diện của chúng ta
luôn mang một hơi thở mới vào cuộc sống. Đó là hơi thở của tình yêu, bình an và
hạnh phúc trong cuộc sống, nhờ đó mà can đảm băng bó những thương tích đang rạn
nứt trong xã hội này, và cùng nhau tiến bước trên hành trình về nhà Cha.
Cường Nguyễn