Những bó rau ngày thường chỉ đáng giá vài ngàn lại trở nên quý hiếm trong thời gian cách ly. Nhưng quý nhất là tấm lòng của những người trao tặng: thao thức của cha xứ, nỗ lực của thầy xứ và ban hành giáo, vất vả của các bạn trẻ, và nhất là ân tình của những giọt mồ hôi của anh chị em đã gieo trồng và nay trao tặng. Những bát canh rau thơm ngọt thấm đậm nghĩa tình của người Long Khánh.

Các bạn trẻ giáo xứ Xuân Khánh, Xuân Lộc,
chia sẻ những túi rau nghĩa tình cho mọi gia đình
Là một giáo xứ nằm ở trung tâm thành phố
Long Khánh, “hàng xóm” của Toà Giám mục Xuân Lộc, nhưng nhiều gia đình giáo dân
Xuân Khánh lại quen với rẫy vườn. Đại dịch đến, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt,
bơ… vẫn còn đó, nhưng không thể thay thế mặt hàng người dân cần hàng ngày là
rau xanh. Chợ búa đóng cửa, người dân không được ra ngoài đường khi không có lý
do cần thiết, tìm đâu ra rau?!. Thế là chương trình "túi rau lủng lẳng ở cổng"
đã ra đời!

Túi rau nghĩa tình
Sáng Chúa Nhật 18/7, nhiều gia đình trên
địa bàn giáo xứ Xuân Khánh, cả Công giáo lẫn không Công giáo, đã rất ngạc nhiên
khi mở cửa ra, nhìn thấy trên cổng nhà treo lủng lẳng bịch rau xanh. Ai cho rau
vậy ta? Người dân đứng trước nhà hỏi nhau. Có mấy người bảo, có mấy bạn trẻ
mang đến treo trước cổng mọi nhà từ sớm, nhưng không biết là của ai!
Có người hiểu chuyện hơn cho biết: đó là
rau của nhà thờ Xuân Khánh đó! Mọi nhà, không kể lương giáo, đều được hết! Bó
rau khoảng 1 ký, ngày thường vài ngàn bạc, nhưng trong đại dịch sao quý thế. Mà
quý hơn là tấm lòng của người tặng. Mồng tơi xanh nấu với tôm khô, ngọt ngào biết
bao. Thế là mấy cái hẻm nho nhỏ ở các phường Xuân Hoà và Xuân Bình, cả Phú Bình
nữa, được những bữa canh mồng tơi, rau bồ ngót, rau muống rau dền thơm ngon.

Cơ hội thực thi lòng bác ái
Sáng 22/7, liên lạc với thầy phó tế đang
giúp tại giáo xứ Xuân Khánh, Vatican News Tiếng Việt được biết đó là chương
trình của giới trẻ do cha xứ và thầy xứ hướng dẫn. Mà thật ra cũng chẳng phải
là chương trình gì to tát. Ban đầu chỉ là “do” những người bán vé số trên địa
bàn thành phố mất việc nên đến nhà thờ xin gạo. Cha xứ kêu gọi giáo dân giúp đỡ.
Thế là chỉ trong một buổi, phát cho mỗi người 5 ký gạo, mà hơn tấn gạo hết sạch.
Thật ra không chỉ người bán vé số hay nhặt ve chai, nhưng cả những gia đình gặp
khó khăn, ai cũng có thể đến nhận gạo.
Ngoại giao "rau" thời đại dịch
Từ cái duyên phát gạo này, cha xứ đã thấu
hiểu được nỗi khổ của người dân trong những ngày cách ly. Ở thành phố thiếu rau
xanh, trong khi những ruộng rau ở các xứ "quê em trồng rau xanh" thì
lại đang đợi người hái. Cha xứ đã liên lạc được với giáo xứ cũ của ngài, nơi trồng
rau, để mang rau xanh về thành phố đang trong thời gian cách lý phải mua rau với
giá “kim cương hột xoàn”!

Giáo xứ Xuân Khánh có gần 2.000 hộ gia
đình Công giáo, nhưng kể cả hộ gia đình không Công giáo thì phải gấp 3 gấp 4,
nên cần đến 4 tấn rau mỗi lần để cho được một vòng mỗi gia đình một ký rau. Thế
mà trong một tuần lễ, giáo xứ đã phát rau đến lượt thứ 3.
Các bạn trẻ trong giáo xứ, với sự giúp đỡ
của các vị trong ban hành giáo, trong giới hiền mẫu, nhận rau về đã chia thành
từng bịch và chở xe “cải tiến” – nôm na là xe máy cày – đi treo ở cổng từng
nhà, để giữ giản cách xã hội.
Chưa hết! Cây nhà lá vườn của Xuân Khánh
là chôm chôm, nên cha xứ "giải cứu" chôm chôm cho nhà vườn gặp khó
khăn. Ngài thu số chôm chôm này đem đi đổi rau ở bên Suối Nho, hay Định Quán.
Những bó rau càng thêm thơm ngon bởi
tình người chan chứa!!!
Hồng Thủy