Sau một loạt các bài giảng Kerygma để giới thiệu “chân dung
đạo Phục Sinh” và trình bày những “nét chấm phá” về các sinh hoạt của cộng đoàn
Kitô hữu tiên khởi ở trung tâm Giêrusalem và một số giáo điểm ngoại vi, những
công trình đầu tiên của các bước chân “ra đi loan báo Tin Mừng”, sứ điệp Phụng
vụ bắt đầu cô đọng giáo lý nền tảng của các Tông Đồ về mầu nhiệm Giáo Hội, một
cộng đồng tôn giáo mới đang lớn lên giữa lòng Do Thái giáo và trong khung cảnh
của một nền văn hóa Hy Lạp và chính trị Rôma đang chi phối cả thế giới.
Trước hết, qua chỉ vỏn vẹn có 7 câu trong chương 14 của
sách Công Vụ Tông Đồ, thánh sử Luca đã vẽ lên một hình ảnh Giáo Hội phổ quát
hay “Công giáo”, một trong “bốn chiều kích cơ bản” của mầu nhiệm Hội Thánh được
ghi trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin Hội
Thánh Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền”.
Thật vậy, cộng đoàn Giáo Hội Chúa Kitô do các Tông Đồ rao
giảng và thiết lập không chỉ co cụm trên mảnh đất Palestine và dành riêng cho
người Do Thái mà đã bén rễ nơi mọi chân trời góc bể, với những địa chỉ tiêu biểu
được Luca nhắc đến như Lystra, Icôniô, Antiôkia, Pisiđia, Pamphylia, Perghê,
Attilia… ; và dĩ nhiên, bất cứ cộng đoàn nào cũng đều mang một căn cước duy nhất
đó là “chuyên cần nghe các Tông Đồ
giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu
nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Sách Công Vụ vừa được công bố đã mô tả cách
tóm tắt hoạt động của thánh Phaolô và Barnaba nơi các cộng đoàn Giáo Hội tiên
khởi theo đúng mô hình đó: “Nơi mỗi hội
thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ
cho Chúa là Ðấng họ tin theo… Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho
họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại
nhận biết đức tin…” .
Và điều gì đã làm cho các cộng đoàn Hội Thánh Chúa Kitô, vốn
nhỏ bé, tầm thường lúc ban đầu như những “hạt cải nhỏ”, những “hạt lúa bị dập
vùi”, vốn bị hết người Do Thái loại trừ đến Hy Lạp rẻ rúng rồi tới Rôma bách hại
tàn bạo… vẫn đường hoàng đứng lên và lớn mạnh ? Câu trả lời đã có sẵn trong
trích đoạn sách Khải Huyền được công bố nơi Bài đọc 2 hôm nay: “thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi
Thiên Chúa: tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình…”.
Vâng,
Hội Thánh Chúa Kitô, sở dĩ có sức thuyết phục cả thế giới, vì đây chính là một
công trình “mới” của Thiên Chúa, một “trời
mới và đất mới’, do chính Thiên Chúa ra tay thực hiện trong công trình cứu
độ của Đức Kitô, Đấng được Thiên Chúa sai đến để “ở với loài người”, đã chết và sống lại để “đổi mới mọi sự”: “Ðây là
Thiên Chúa ở với loài người, và chính Thiên Chúa sẽ ở với họ. Người sẽ lau khô
mọi giọt lệ ở mắt họ. Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc,
không còn kêu la, không còn đau khổ: bởi vì các việc cũ đã qua đi”. Và Ðấng ngự
trên ngai vàng đã phán rằng: “Này đây, Ta đổi mới mọi sự”.
Không có Đức Kitô Phục Sinh hiện diện, không có Chúa Thánh
Thần tác động và hướng dẫn, Kitô giáo sẽ sớm tàn lụi như một “Do thái giáo cách tân mà không chịu để luật
Môsê khống chế”, như một nền “văn hóa
nhân bản Hi Lạp nửa vời mà không dựa trên nền tảng triết học”; hay như một “cơ chế đế quốc Rôma đầy tham vọng mang tính
quốc tế nhưng lại không bám vào quyền lực thế trần”.
Vâng, sự mới mẻ, sức mạnh và sự thuyết phục tuyệt đối của Hội
Thánh Chúa Kitô nằm ở nơi phạm trù “Giêrusalem
mới”, được thánh Gioan cắt nghĩa: “thành thánh
Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa: tề chỉnh như tân nương được
trang điểm cho tân lang của mình”.
Dĩ
nhiên, đứng trước tự do của con người, không phải lúc nào chương trình của
Thiên Chúa vạch ra cũng được con người hồ hởi hưởng ứng; và trên con đường hoàn
thành Nước Thiên Chúa, Giáo Hội luôn phải trải qua nhiều thử thách gian truân,
như lời khẳng định của thế hệ Tông Đồ đầu tiên: Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba trở lại Lystra, Icôniô và
Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng:
“Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa”.
Sau
hai ngàn năm, Hội Thánh Chúa Kitô trên đường lữ hành về tới đích điểm “Vương quốc
Nước Trời” vẫn miệt mài và xác tín với sứ mệnh thuyết giảng và dựng xây “Thành
Thánh Giêrusalem mới”, là “đại gia đình” để các dân tộc trở thành anh em, là “đại
lộ” để muôn dân cùng sánh bước, là “đại thụ” để muôn ngôn ngữ và tiếng nói cùng
núp bóng líu lo, là “đại uyển” để muôn cây, muôn kì hoa dị thảo… chen chúc bên
nhau trong một trật tự hài hòa, bao dung thân ái…
Điều
đó có quá huyễn tưởng không? Thưa: sẽ không bao giờ huyễn tưởng khi mọi thành
viên của Hội Thánh đều thấm nhuần và thực thi tới nơi tới chốn quy luật tối thượng
đã được Đức Kitô trao ban ngay từ thuở ban đầu: “Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như
Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều
này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu
thương nhau”. Vâng, nếu thế giới này, nếu Giáo Hội nầy luôn có đầy những
kitô hữu như linh mục Maximilien Kolbe, như mẹ thánh Têrêsa Calcutta, những con
người thực thi giới răn yêu thương bằng
cả nghĩa đen và nghĩa bóng, bằng cả mạng sống mình…, thì cái ngày xuất hiện
“thành Giêrusalem mới” đâu còn xa !
Nhưng
tiếc thay, cả tổng thống Vladimir Putin của Liên bang Nga, lẫn tổng thống
Volodimyr Zelensky của Ukraina, cả hai đều đã học biết “giới răn yêu thương” từ
ngay thuở ấu thơ, trên gối của mẹ hiền; và cả hai đều tự nhận mình là thành
viên của “Hội Thánh Chúa Kitô”, nhưng tham vọng chính trị đã dẫn lối đưa đường
để thay vì hướng đến một “thành thánh Giêrusalem đến từ trời” của hòa bình, hiệp
nhất, yêu thương đã làm nên những “Mariupol” hoang tàn của chiến tranh, hận
thù, chết chóc …
Chính
vì thế, không chỉ với Chúa Nhật hôm nay, mà mỗi ngày, mỗi phút giây, mỗi người
Kitô hữu đích thực, nỗ lực không ngừng, cầu nguyện không ngơi, để tình yêu chiến
thắng hận thù, để giới răn yêu thương được thể hiện và để mỗi người trên thế giới
sớm nhận ra tất cả đều là anh em con cùng một Cha, Đấng Toàn Năng đang ngự trên
trời; và là em của một Người Anh Cả Giêsu, Đấng Phục Sinh đang đồng hành dưới đất
! Amen.
Trương Đình Hiền