Sáng thứ Hai 30/5, Đức Thánh Cha đã tiếp khoảng 30 đại diện của phái đoàn quốc tế B’nai B’rith của Do Thái giáo.

ĐTC tiếp phái đoàn quốc tế B'Nai B'rith (Vatican Media)
Trước khi phát biểu trước những người hiện diện, Đức Thánh Cha xin
lỗi họ về việc ngài đến trễ vì ngài phải trị liệu vật lý, mà bác sĩ và văn
phòng chuẩn thức không đồng ý với nhau, dẫn đến lệch lịch trình.
ĐTC diễn tả sự vui mừng vì được đón tiếp phái đoàn Do Thái trở lại
sau 2 năm ngưng do đại dịch.
Trong diễn văn trước những người hiện diện, Đức Thánh Cha nhấn
mạnh đến việc dấn thân bác ái như là nghĩa vụ của cả tín đồ Do Thái giáo và
Kitô hữu: “đối với chúng ta, giúp đỡ những người khốn khó cũng có nghĩa là thực
hiện ý muốn của Đấng Tối Cao, Đấng mà Thánh Vịnh nói, ‘Người bảo vệ những khách
ngoại kiều và nâng đỡ cô nhi quả phụ” (Tv 146,9), nghĩa là Người chăm sóc những
người yếu thế nhất trong xã hội, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội nhất.”
Hơn nữa, việc giúp đỡ người nghèo và bệnh tật là cách cụ thể nhất
để thúc đẩy tình huynh đệ lớn hơn. Đức Thánh Cha suy tư: “khi nghĩ đến rất
nhiều xung đột và cực đoan nguy hiểm, đe doạ sự an toàn của tất cả mọi người,
thì cần phải nhận thấy rằng yếu tố rủi ro lớn nhất thường được thể hiện bằng sự
nghèo đói về vật chất, giáo dục và tinh thần. Điều này trở thành mảnh đất màu
mỡ nuôi dưỡng hận thù, giận dữ, thất vọng và chủ nghĩa cực đoan.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: chúng ta đang sống trong một thời đại mà
hòa bình đang bị đe dọa tại nhiều nơi trên thế giới: những quan điểm cá biệt và
chủ nghĩa dân tộc, bị thúc đẩy bởi những lợi ích ích kỷ và tham lam, dường như
ngày càng thịnh hành. Và cuối cùng, làm gia tăng nguy cơ đánh mất và chà đạp
nhân phẩm.
Đức Thánh Cha nhắc lại câu chuyện trong Kinh Thánh về Cain giết
Abel, em mình. Khi đó Chúa hỏi Cain: “Em ngươi đâu?” Cain đã trả lời: “Con
không biết. Con là người giữ em con hay sao?” Cain phủ nhận việc biết người em
vừa bị chính tay mình giết đang ở đâu, anh không quan tâm đến em mình: bạo lực
luôn có những lời nói dối và sự thờ ơ đi kèm.
“Em ngươi đâu?” Chúng ta hãy cho phép mình bị khiêu khích bởi câu
hỏi này, chúng ta hãy lặp lại nó thường xuyên. Chúng ta không thể thay thế giấc
mơ của Thiên Chúa, được tạo nên từ một thế giới của những người anh em, bằng
một thế giới chỉ có những đứa con bạo lực và thờ ơ. Trước bạo lực, đối mặt với
sự thờ ơ, những trang sách thánh đưa chúng ta trở lại khuôn mặt của người anh
em. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “người ta không thể tìm thấy chính mình mà không
tìm kiếm anh em của mình, người ta không thể tìm thấy Đấng vĩnh cửu mà không ôm
lấy người lân cận.” Chúng ta có thể làm việc vì những người rốt hết, vì hòa
bình, công lý và bảo vệ thụ tạo.
Văn Yên, SJ
(Vatican
News 30.05.2022)