Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết, vào chiều 07/10, Đức Thánh Cha sẽ hiện diện tại Đấu trường Colosseum, tham dự buổi cầu nguyện cho hoà bình do Cộng đoàn Thánh Egidio tổ chức.

Đức
Thánh Cha và Thượng phụ Bartolomeo tại buổi cầu nguyện cho hoà bình năm
2020 (Vatican Media)
Buổi cầu
nguyện là một phần của chương trình gặp gỡ liên tôn lần thứ 35, với tiêu đề:
“Các dân tộc anh em, vùng đất tương lai. Các tôn giáo và các nền văn hoá trong
cuộc đối thoại”. Như vậy, sau một năm không thể tổ chức do đại dịch và các cuộc
xung đột vẫn tiếp tục diễn ra trên thế giới, trong hai ngày 6 và 7/10 tới đây,
các tôn giáo lớn trên thế giới sẽ cùng nhau tham dự bốn diễn đàn được tổ chức tại
Roma. Sự kiện này đã trở thành truyền thống, một phần của “tinh thần Assisi” từ
năm 1986 do ý muốn của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Ông
Marco Impagliazzo, Chủ tịch Cộng đoàn Thánh Egidio bày tỏ niềm vui vì Đức Thánh
Cha sẽ tham dự buổi cầu nguyện. Ông nói với Vatican News: “Chúng tôi đón nhận
tin này với niềm vui lớn. Cho phép tôi nói điều này, chính Đức Thánh Cha đã hướng
dẫn thế giới trong thời điểm đại dịch. Điều này được thể hiện rõ trong bài suy
niệm tại quảng trường thánh Phêrô ngày 27/3/2020”.
Ông Chủ
tịch cho biết thêm, buổi cầu nguyện năm nay với sự hiện diện đông đảo của mọi
người sẽ tiếp tục tinh thần của buổi cầu nguyện năm ngoái, nghĩa là “Chúng ta
không thể được cứu một mình” và thêm vào “Các dân tộc anh em, vùng đất tương
lai”, nghĩa là cái nhìn về tình huynh đệ phổ quát và các cuộc khủng hoảng môi
trường, cùng hoạt động vì một thế giới biết tôn trọng môi trường và chuẩn bị một
tương lai cho con cháu chúng ta.
Ông
Marco khẳng định rằng, Cộng đoàn Thánh Egidio muốn quy tụ các lãnh đạo tôn giáo
lớn trên thế giới, cố gắng thúc đẩy mọi người hướng đến ước mơ về tình huynh đệ
phổ quát, đó là cách duy nhất để ngăn chặn vòng xoáy của bạo lực, chiến tranh
và khủng bố trên thế giới. Ngoài ra, khi cùng nhau suy tư về hoà bình, theo một
nghĩa nào đó, các tôn giáo trở thành anh chị em, điều này có thể đóng góp việc
chăm sóc mới cho môi trường, như Đức Thượng phụ Đại kết Bartolomeo đã kiên định
thực hiện trong nhiều năm.
Ngọc Yến