Trong sứ điệp gửi tới ông Qu Dongyu, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), Đức Thánh Cha nói chúng ta phải áp dụng “các giải pháp sáng tạo” để chuyển đổi cách chúng ta sản xuất và tiêu thụ thực phẩm “vì phúc lợi nhân loại và hành tinh”.

Bông lúa
Đi từ chủ đề của Ngày Lương thực Thế giới
16/10 - “Hành động của chúng ta là tương lai chúng ta. Sản xuất, dinh dưỡng,
môi trường và cuộc sống tốt hơn” - Đức Thánh Cha viết: “Chủ đề nhấn mạnh sự cần
thiết phải có hành động phối hợp để mọi người có thể tiếp cận với chế độ ăn uống
đảm bảo tính bền vững môi trường, đầy đủ và giá cả phải chăng”.
Đức Thánh Cha chỉ ra một nghịch lý liên
quan đến việc tiếp cận thực phẩm, lưu ý rằng trong khi hơn ba tỷ người không được
hưởng chế độ ăn uống bổ dưỡng, thì gần hai tỷ người lại bị thừa cân do chế độ
ăn uống nghèo nàn và lối sống ít vận động.
Đức Thánh Cha khẳng định: “Trong lĩnh vực
này, mọi người đều có vai trò. Nếu chúng ta không muốn gây nguy hiểm cho sức
khoẻ của hành tinh và toàn nhân loại, chúng ta phải khuyến khích sự tham gia
tích cực đối với sự thay đổi ở mọi cấp độ và tổ chức lại hệ thống lương thực
nói chung".
Đức Thánh Cha nhấn mạnh bốn lĩnh vực đặc
biệt cần hành động khẩn cấp, đó là: tại nông thôn, ở biển, nơi bàn ăn, và tránh
lãng phí thực phẩm. Ngài nói: “Lối sống và cách tiêu dùng hàng ngày của chúng
ta ảnh hưởng đến động lực môi trường và toàn cầu, nhưng nếu chúng ta thực sự muốn
thay đổi, chúng ta phải khuyến khích các nhà sản xuất và người tiêu dùng đưa ra
các lựa chọn có đạo đức và bền vững, đồng thời nâng cao nhận thức của các thế hệ
trẻ về nhiệm vụ quan trọng mà họ đang thực hiện, để thế giới không còn nạn đói
trở thành một thực tế. Mỗi chúng ta có thể cống hiến những đóng góp của mình
cho sự nghiệp cao cả này”.
Liên quan đến đại dịch, Đức Thánh Cha
nói đại dịch là một “cơ hội để thay đổi hướng đi”, để hệ thống lương thực toàn
cầu có thể ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Tuy nhiên,
ngài nhấn mạnh, “cuộc chiến chống nghèo đói đòi hỏi phải vượt qua luận lý lạnh
lùng của thị trường, chỉ tập trung vào lợi nhuận kinh tế và giảm thực phẩm
thành một mặt hàng khác”; thay vào đó, cần phải “gia tăng tinh thần liên đới”.
Đức Thánh Cha đảm bảo với Tổng Giám đốc
Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc: “Tòa thánh và Giáo hội Công giáo luôn sát
cánh cùng Tổ chức của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức và cá nhân khác, cố gắng hết
sức để đảm bảo không một người nào thấy các quyền cơ bản của mình bị suy yếu hoặc
bị coi thường”.
Đức Thánh Cha kết thúc sứ điệp với những
lời khích lệ: "Cầu mong những người gieo hạt giống hy vọng và hòa hợp có
thể cảm nhận được sự nâng đỡ qua lời cầu nguyện của tôi, để các sáng kiến và dự
án của họ có thể ngày càng hiệu quả và thành công hơn".
Ngọc Yến