Đức cha Paul Hinder, Đại diện Tông Tòa Nam Ả Rập kêu gọi cộng đồng quốc tế không vì chiến tranh ở Ucraina mà quên thảm trạng mà người dân ở Yemen đang phải chịu đựng.

Nghèo đói ở Yemen
Tình trạng khẩn cấp nhân đạo ở Yemen
đang dẫn đến nguy cơ làm cho hàng triệu người bị đói. Theo Liên Hiệp Quốc,
trong số 31,9 triệu dân, có 24,4 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo. 17,4 triệu, tức
hơn một nửa tổng số, đang trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng,
và 2,2 triệu trẻ em đang gặp rủi ro về tính mạng. Trong một cuộc phỏng vấn của
Vatican News, Đức cha Paul Hinder đã cho biết rõ thêm về tình hình hiện nay của
quốc gia đang đau khổ này.
Trước hết về thoả thuận ngừng bắn trong
hai tháng giữa các bên xung đột sắp kết thúc, Đức cha hy vọng thoả thuận này là
khởi đầu cho các cuộc đàm phán nghiêm túc. Bởi vì theo Đức cha, các bên đã mệt
mỏi với cuộc chiến và thực tế sẽ không có bên nào thắng. Họ phải tìm cách khác,
và mọi người hy vọng sẽ đem lại hiệu quả. Nhưng các cuộc đàm phán không thể giải
quyết được mọi vấn đề. Người ta phải tìm cách hoà giải các bên để tránh bùng
phát cuộc chiến bất cứ lúc nào.
Giải thích tại sao cộng đồng quốc tế im
lặng trước Yemen và tại sao vấn đề này vắng bóng trên các phương tiện truyền
thông, vị Đại diện Tông Toà nói: “Tôi nghĩ một phần liên quan đến lạm phát
thông tin và thực tế là mọi người cảm thấy mệt mỏi khi nghe đi nghe lại những
tin tức giống nhau. Trên bình diện quốc tế, Yemen đã được thảo luận tại Hội đồng
Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Đặc sứ Liên Hiệp Quốc cũng đã làm hết sức,
nhưng kết quả rất ít. Rất khó nói ai chịu trách nhiệm về việc này. Có các vấn đề
nội bộ: lợi ích bộ lạc, chính trị, lợi ích kinh tế. Về mặt thần học, chúng ta
cũng phải nghĩ đến ma quỷ luôn ở đó để phá hoại. Điều này khiến tôi suy ngẫm
sâu hơn về sức mạnh của cầu nguyện, như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta”.
Đức cha Hinder nói để có thể giúp tình
trạng khẩn cấp lương thực và trình trạng suy dinh dưỡng ở đất nước này, trước hết
phải thiết lập các hành lang vận chuyển an toàn để thực phẩm và đồ viện trợ có
thể đưa đến được các khu vực khó khăn nhất. Thứ hai là phải có lệnh ngừng bắn
lâu dài, và nếu có thể sau đó một nền hoà bình được thiết lập, đất nước cần trở
lại sản xuất. Yemen là một đất nước nghèo nhưng có khả năng sản xuất. Tuy
nhiên, do chiến tranh toàn bộ hoạt động sản xuất đang gặp rủi ro. Điều tương tự
cũng sẽ xảy ra đối với Ucraina. Đất nước đông âu này là một trong những nước sản
xuất lương lực lớn và gián tiếp cung cấp lương thực cho các nơi trên thế giới.
Và điều gì sẽ xảy ra nếu nông dân không thể gieo hạt và sản xuất do chiến tranh
tiếp diễn.
Theo vị Đại diện Tông Tòa Nam Ả Rập, nhiều
lần Đức Thánh Cha đã lên tiếng kêu gọi thế giới chú ý đến Yemen, và tiếng nói của
ngài đã được lắng nghe. Nhưng giờ đây những cuộc chiến bị lãng quên này ít được
lắng nghe. Đối với nhiều người, Yemen thực sự nằm ở ngoại vi của thế giới, ngay
cả khi về mặt chiến lược nó là một nơi quan trọng. Người ta chỉ nghĩ đến Yemen
khi kênh Suez bị phong toả và nguồn dự trữ từ châu Á và châu Phi không còn đổ về
như trước. Sau đó, họ lo sợ. Hiện 30 triệu người ở đây đang đau khổ. Đối với những
nơi khác trên thế giới, điều này rất thường bị lãng quên vì các cuộc xung đột
khác gần gũi hơn với lòng người và truyền thông, chẳng hạn như cuộc chiến ở
Ucraina.
Ngọc Yến
(Vatican
News 03.05.2022)