Lịch sử cứu độ từ Vườn Địa Đàng tới nay vẫn là sự vật lộn giữa thật và giả, giữa Thiên Chúa thật và ngẫu tượng. Xưa thì ngẫu tượng là những vật vô tri tay người ta làm ra, rồi đến của cải, quyền lực. Người ta có thể “sát tế” cả đến con cái mình, dân tộc mình, ngày nay thì có thể sát tế cả nhân loại cho thần quyền lực, thần tiền tài. Ngẫu tượng ngày nay còn có cả những con người bằng xương bằng thịt, có sức cuốn hút cả một thế hệ, người ta dùng chính cái tên “thần tượng” để gọi và người ta thèm nên giống thần tượng của mình, từ mái tóc, từ cách đi đứng. Thần tượng kiểu nào cũng làm con người vong thân. Điều nghịch lý là Thiên Chúa giải phóng, còn ngẫu tượng bắt người ta làm nô lệ, nhưng người ta lạ cứ thích làm nô lệ hơn.
Đoàn dân nô lệ được Thiên Chúa sai Mô-sê đưa ra khỏi Ai cập chỉ tin vào Thiên Chúa khi đã thấy xác của đoàn quân đuổi theo mình phơi trên bờ biển, nhưng vừa thiếu bánh thiếu nước, thèm con cá, miếng thịt, quả dưa quả bí, củ hành củ tỏi là đã muốn đánh đổi tự do lấy bụng no! Đoàn dân nô lệ vừa được ngóc đâu lên muốn có “tất cả và ngay lập tức”. Thiên Chúa cũng kiên nhẫn săn sóc họ như một đứa trẻ (x. Xh 16-17).
Đến núi Xi-nai, Thiên Chúa muốn nâng phẩm giá cho họ bằng một Giao Ước, nhận họ làm dân của Ngài (x. Xh 19-24), vì Ngài trung thành với lời đã hứa cho Áp-ra-ham, người “bạn của Thiên Chúa”. Bấy lâu nay họ chỉ biết các ngẫu tượng của Ai-cập, chưa biết Thiên Chúa của tổ tiên họ. Thiên Chúa cho họ thấy sự uy nghi siêu việt của Thiên Chúa bằng cuộc hiển linh trên núi Xi-nai để phán dạy họ. Họ sợ hãi, xin Mô-sê làm trung gian nói với họ bằng tiếng nói của loài người. Thiên Chúa cũng chiều ý họ. Sau khi ông Mô-sê đã rao cho họ nghe Luật của Giao Ước thì họ nghe và chấp nhận. Ông Mô-sê cử hành nghi lễ kết ước. Thiên Chúa gọi ông Mô-sê lên núi để lãnh “hai tấm bia chứng ước; những bia ấy viết cả hai mặt. Những bia ấy là do Thiên Chúa làm ra, chữ là chữ của Thiên Chúa, khắc trên các bia.”
Ông Mô-sê ở lại trên núi bốn mươi ngày đêm, biệt vô âm tín. Dân sốt ruột. Trước khi lên núi, ông Mô-sê đã giao cho A-ha-ron, người anh đã giúp ông từ đầu cuộc vận động giải phóng ở Ai-cập tới nay, làm đại diện ở với dân. Ngồi chờ cả tháng trời họ mất kiên nhẫn. Họ đến gặp ông đại diện lâm thời đang ngồi đó và yêu cầu: “Xin ông đứng lên, làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Mô-sê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai-cập.” Họ muốn có một vị thần dân đầu mà họ điều khiển được, thay vì Thiên Chúa uy nghi trên núi khiến họ sợ hãi và không thể điều khiển.
Ông A-ha-ron không hề thắc mắc hay phản kháng. Ông có ngay sáng kiến để thỏa mãn yêu cầu của dân khi nhìn họ đeo những đồ trang sức bằng vàng dân đã đoạt của người Ai-cập. “Ông A-ha-ron nói với họ: “Hãy gỡ các khuyên vàng mà vợ và con trai con gái anh em đeo ở tai, rồi đem đến cho tôi.” 3Toàn dân gỡ các khuyên vàng đeo tai và đem đến cho ông A-ha-ron. 4Ông lấy vàng từ tay họ trao cho, đem đúc và dùng dao mà gọt đẽo thành một con bê