Sau cuộc gặp riêng với Thủ tướng, lúc 12:24pm, Đức Thánh Cha được Tổng thống và Thủ tướng tháp tùng đến Phòng hội nơi diễn ra cuộc gặp gỡ với giới chức chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn. Những người hiện diện trong buổi gặp gỡ gồm các lãnh đạo chính trị và tôn giáo, ngoại giao đoàn, các doanh nhân, đại diện của xã hội dân sự và văn hoá.

Diễn văn của ĐTC Phanxicô trước
Giới chức Chính quyền, Xã hội Dân sự và
Ngoại Giáo đoàn
Hy Lạp 04/12/2021
Kính thưa Bà Tổng thống,
Các Quan chức Chính phủ và Bộ Ngoại
giao,
Giới chức Dân sự và Tôn giáo,
Các Vị Đại diện về Xã hội và Văn hoá,
toàn thể Quý vị
Tôi nồng nhiệt chào thăm và cảm ơn Bà Tổng
Thống đã đại diện cho tất cả người dân Hy Lạp ngỏ lời với tôi qua diễn văn chào
mừng. Thật vinh dự cho tôi khi được đến thành phố hoa lệ này. Tôi xin dẫn lời của
Thánh Gregorio Nazianzo: “Hỡi Athen tráng lệ và là nguồn thiện hảo…trong khi
tôi tìm kiếm tài hùng biện, tôi đã tìm thấy hạnh phúc” (Lời cầu nguyện 43, 14).
Như một người hành hương, tôi đến những nơi với bề dày về linh đạo, văn hoá và
văn minh này để kín múc niềm hạnh phúc đã từng thúc đẩy vị Giáo phụ đáng kính.
Đó là niềm vui khi tìm kiếm sự khôn ngoan và sẻ chia sự hoàn mỹ. Do vậy, niềm hạnh
phúc, không chỉ là cá nhân và tách biệt, nhưng là, ẩn chứa trong sự ngạc nhiên,
hướng đến vô tận và mở ra với cộng đoàn. Đó là niềm hạnh phúc khôn ngoan đã từ
nơi này lan toả khắp mọi nơi. Nếu không có Athen, không có Hy Lạp thì châu Âu
và thế giới sẽ không trở thành những gì như chúng ta hiện thấy, sẽ trở nên ít
khôn ngoan và hạnh phúc hơn.
Từ đây, những chân trời nhân loại được mở
ra. Chính tôi cũng cảm thấy được mời gọi hướng tầm nhìn lên và nhìn vào phần
cao nhất của thành phố, chiêm ngắm Acropoli. Xuyên suốt hàng ngàn năm, các nhà
hải hành đã nhìn thấy nơi này từ đàng xa, họ đã dừng chân nơi đây và làm cho nó
trở nên một điểm quy chiếu quan trọng của sự thánh thiêng. Nơi đây là lời mời gọi
mở rộng chân trời hướng đến Thượng giới. Từ núi Olimpia đến Acropoli đến núi
Athos, Hy Lạp mời gọi con người mọi thời hướng hành trình cuộc đời về Thượng giới.
Hướng về Thiên Chúa, đó là bởi vì chúng ta cần đến sự siêu vượt để trở nên con
người đích thực. Trong khi đó, phương Tây ngày nay, dù được khởi phát từ đây,
đang có xu hướng giảm thiểu nhu cầu hướng Thượng, đang bị mắc kẹt trong vòng
xoay điên cuồng của hàng ngàn thứ trần thế và của lòng tham vô đáy của chủ
nghĩa tiêu dùng được cá nhân hoá. Nơi đây mời gọi chúng ta hãy để mình được ngỡ
ngàng bởi sự vô hạn, bởi vẻ đẹp của hiện hữu, bởi niềm vui của đức tin. Từ đây
đã thiết lập các nẻo đường Tin Mừng, đã nối kết phương Đông với phương Tây, Đất
Thánh với châu Âu, Giêrusalem với Rôma. Các sách Tin Mừng đem đến cho thế giới
tin mừng của Thiên Chúa, Đấng yêu thương con người, các sách ấy đều được viết bằng
tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ bất tử của Ngôi Lời, của Logos, ngôn ngữ của sự khôn
ngoan nhân loại trở thành tiếng nói của Đấng Khôn Ngoan linh thánh.
Nhưng nơi đây, ngoài cái nhìn hướng về
Thượng giới, còn có cái nhìn hướng về tha nhân. Điều này gợi nhớ về biển, nơi
thành Athen nhìn xuống và biển định hướng sứ mạng của mảnh đất này, là trung
tâm của Địa Trung Hải để làm cầu nối cho các dân tộc. Nơi đây, các sử gia vĩ đại
đã không ngừng kể lại những câu chuyện về các dân nước lân cận. Nơi đây, theo
ghi nhận của Socrate, ông đã bắt đầu nhận thấy mình là công dân không chỉ của
thành phố hay một nước, mà là của cả thế giới. Công dân, chính từ đây con người
nhận thấy mình là “một thực thể chính trị” (x. Aristote, Chính trị, I, 2). Và
trong tư cách là một thành viên của cộng đoàn, vị triết gia đã nhìn ra những
người khác không phải là vật thể, nhưng là công dân, để cùng với họ tạo nên thành
phố (polis). Nơi đây sản sinh ra hình thức dân chủ. Một ngàn năm sau, cái nôi
này trở thành một ngôi nhà, ngôi nhà rộng lớn của các dân tộc dân chủ. Tôi muốn
nói đến Cộng đồng chung châu Âu và về ước mơ hoà bình và huynh đệ đại diện cho
nhiều dân tộc.
Tuy vậy, chúng ta không thể dửng dưng
trước thực trạng ngày nay, không chỉ ở Lục địa châu Âu, về sự suy thoái của nền
dân chủ. Điều này đòi hỏi sự tham gia và nỗ lực của tất cả mọi người và do đó
đòi hỏi nỗ lực và kiên nhẫn. Tình thế rất phức tạp bởi chủ nghĩa độc tài lan rộng
và những lời hứa xuông từ chủ nghĩa dân tuý có vẻ luôn hấp dẫn. Nhiều nơi, do
lo ngại về an sinh và bị cuốn theo chủ nghĩa tiêu dùng, mệt mỏi và bất mãn đã
đưa đến một hình thức “dân chủ hoài nghi”. Nhưng sự cộng tác của mọi người là
đòi buộc thiết yếu, không chỉ để đạt đến những mục tiêu chung, mà còn để trả lời
câu hỏi về điều chúng ta đang là: đó là hữu thể xã hội, không trùng lặp nhưng đồng
thời phụ thuộc lẫn nhau.
Nhưng đối diện với nền dân chủ, còn có
chủ nghĩa hoài nghi được tạo ra bởi sự rời rạc của các thể chế, bởi nỗi sợ bị mất
căn tính, bởi sự quan liêu. Liều thuốc cho vấn nạn này không nằm ở việc tìm kiếm
thái quá sự nổi tiếng, ở khát khao được nhìn nhận, ở việc đưa ra những lời hứa
không thiết thực hay ở việc gắn kết với những ý thức hệ thuộc địa mơ hồ, nhưng
là ở một nền chính trị tốt lành. Bởi vì chính trị là một điều tốt và phải được
đưa vào thực hành, như là trách nhiệm tối cao cho công dân, và như nghệ thuật của
công ích. Mục đích là công ích được mọi người tham dự vào, được chú trọng đặc
biệt, thậm chí là được ưu tiên, hướng đến những ai yếu thế nhất. Đây là hướng
đi phải theo; người sáng lập châu Âu đã xác định nó là liều thuốc giải cho những
phân cực làm lay chuyển nền dân chủ nhưng có nguy cơ đang làm hại nó: “Người ta
nói nhiều về những người theo lề trái hay lề phải, nhưng điều quan trọng là tiến
lên phía trước và tiến lên phía trước có nghĩa là tiến tới công bằng xã hội”
(A. De Gasperi, Diễn văn ở Milan, 23.04.1949). Một thay đổi hướng đi theo nghĩa
này là cần thiết. Trong khi đó, với những cộng hưởng của truyền thông ảo, các nỗi
sợ ngày càng lan rộng và hình thành những lý thuyết chống lại. Chúng ta hãy
giúp nhau để chuyển từ chủ trương cục bộ sang cỗ võ cộng tác, từ nỗ lực cá nhân
để duy trì nhóm cục bộ sang việc liên đới năng động cho sự thăng tiến chung.
Từ cục bộ sang cộng tác là động lực thúc
đẩy chúng ta trên nhiều tiền tuyến: tôi nghĩ đến khí hậu, đại dịch, thương trường
và nhất là nạn nghèo đói lan rộng. Đó là những thách đố đòi buộc sự cộng tác cụ
thể và năng động. Nhiệm vụ này cần đến cộng đồng quốc tế với mục đích mở ra những
lối nẻo hoà bình ngang qua chủ nghĩa đa phương mà không bị trói buộc bởi những
yêu sách thái quá của chủ nghĩa dân tộc. Nhiệm vụ này cần đến chính trị để đặt
lợi chích chung trên tư lợi. Có vẻ như là điều viễn vông, là cuộc hành trình
không có hy vọng trên biển dậy sóng, là một chuyến đi dài và không khả thi. Mặc
dù là chuyến đi trên biển động, như câu chuyện của Homer chỉ ra, đó lại là con
đường duy nhất. Chuyến đi sẽ đến đích nếu được thúc đẩy bởi khao khát trở về,
khao khát đồng hành với nhau. Tôi muốn bày tỏ sự trân quý đối với hành trình
gian nan của Hiệp ước Prespa được ký kết giữa Hy Lạp và Bắc Macedonia.
Nhìn về Địa Trung Hải, đại dương mở ra
cho chúng ta hướng tới tha nhân. Tôi nghĩ tới những bến bờ phì nhiêu và loại
cây được cho là biểu tượng nơi đây: cây ô-liu, loại cây mới vừa cho vụ thu hoạch
từ những vùng đất khác nhau trên cùng vùng biển này. Thật buồn khi chứng kiến
những năm gần đây cây ô-liu bị cháy rụi từ lửa do những biến đổi khí hậu gây
ra, những vụ cháy đó lại là tác nhân gây ra những biến đổi khí hậu khác. Trước
những vùng bị tổn thương ấy của đất nước xinh đẹp này, cây ô-liu có thể trở
thành biểu tượng của ý chí kiên cường trước khủng hoảng thời tiết và những hệ
quả của nó. Kinh Thánh kể rằng sau lụt đại hồng thuỷ, một con bồ câu trở về tàu
ông Nô-ê và “trong mỏ nó có một nhành lá ô-liu tươi” (St 8, 11). Đó là biểu tượng
của sự khởi đầu mới, của sức mạnh bắt đầu thay đổi lối sống, làm mới lại tương
quan với Đấng Tạo Hoá, với sinh vật và tạo vật. Tôi mong ước rằng trong ý nghĩa
này mà những nỗ lực trong cuộc chiến chống lại những thay đổi khí hậu luôn được
chia sẻ và không chỉ là bề ngoài nhưng thực sự được thực hiện. Sau lời nói là
hành động hầu con cháu không phải trả giá về những giả hình của cha ông. Trong
nghĩa này, vang vọng lại lời của Homer khi nói vói Achille: “Anh ta căm thù
tôi, giống như cánh cổng Hades, giữ trong lòng một điều, nhưng lại nói ra điều
khác” (Iliade, IX, 312-313).
Trong Kinh Thánh, cây ô-liu đại diện cho
lời mời gọi liên đới, nhất là với những ai không thuộc về dân tộc mình. “Khi
hái ô-liu, thì anh em không được trở lại tìm trái sót; những trái đó dành cho
ngoại kiều và cô nhi quả phụ.” (Đnl 24, 20). Đất nước này, đã sẵn lòng hiếu
khách, khi ở một vài hòn đảo đã đón nhận anh chị em di cư đông hơn dân cư của đảo
ấy, và như thế làm trầm trọng thêm những vấn đề vẫn còn đó do khủng hoảng kinh
tế. Thêm vào đó là sự trì trệ của châu Âu, cộng đồng Âu châu, đang bị xé lẻ bởi
chủ nghĩa ích kỷ quốc gia, thay vì thể hiện sự liên đới, lại đóng sập cửa và từ
chối cộng tác. Đã có thời sự đối nghịch ý thức hệ ngăn cản việc thiết lập những
nhịp cầu đông và tây, giờ là lúc vấn nạn di cư tạo ra hố ngăn cách giữa bắc và
nam. Tôi mong muốn khích lệ một lần nữa về một viễn tượng cùng nhau, mang tính
cộng đồng, đối diện với vấn nạn di cư và khuyến khích quan tâm hơn đến những ai
cần giúp nhất hầu, theo khả năng của từng quốc gia, họ được đón nhận, che chở,
giúp đỡ và hoà nhập với sự tôn trong đầy đủ quyền lợi và phẩm giá con người.
Hơn là một cản trở ở hiện tại, điều đó thể hiện sự bảo đảm cho tương lai, hầu
trở thành dấu chỉ của sự chung sống hoà bình với những ai buộc phải di cư để
tìm một mái nhà và niềm hy vọng. Họ là những nhân vật chính của chuyến hành
trình gian khổ của thời hiện đại. Tôi thích nhớ lại khi Odysseus đến được
Ithaca, anh ta đã không được những vị cầm quyền ở đó nhìn nhận, những người đã
chiếm nhà cửa và của cải của anh, nhưng anh được nhìn nhận bởi những người chăm
sóc anh. Người hầu nữ nhận ra anh bởi những vết sẹo. Sự thống khổ nối kết chúng
ta và việc nhận ra mình thuộc về cùng một nguồn gốc nhân loại mỏng manh sẽ là
điều ích lợi giúp dựng xây một tương lai hoà hợp và hoà bình. Chúng ta hãy biến
đổi những gì có vẻ là nghịch cảnh không may thành cơ hội thực sự.
Đại dịch hiện nay là một nghịch cảnh
nghiêm trọng. Đại dịch khiến chúng ta nhận ra những mong manh và nhu cầu của
tha nhân. Đất nước này cũng nhận thấy đây thực sự là một thách đố và cần đến những
hỗ trợ kịp thời từ phía chính quyền, ví dụ như sự cấp thiết của chiến dịch vắc-xin,
và những hy sinh từ phía người dân. Tuy vậy, ngay trong khó khăn một con đường
đã hiện ra, con đường của sự liên đới mà Giáo Hội địa phương sẵn lòng hỗ trợ và
đóng góp với xác tín rằng điều làm nên căn tính sẽ không giảm đi dù cho cơn bão
dịch tạm lắng xuống. Một vài câu nói của Hippocrates dường như thích hợp cho
hôm nay, ông ta nói cam kết “điều chỉnh mức sống vì lợi ích của người bệnh”,
cam kết “không gây tổn hại và xúc phạm” người khác, cam kết bảo vệ sự sống
trong bất cứ giai đoạn nào, đặc biệt khi còn là bào thai. (x. Tuyên thệ của
Hippocrates). Quyền được chữa trị phải luôn được ưu tiên đối với tất cả mọi người
hầu những người yếu đuối nhất, đặc biệt những người cao tuổi, không bao giờ bị
bỏ rơi. Do vậy, sự sống là một quyền lợi, không phải vấn đề luân lý, quyền lợi
đó phải được chấp nhận chứ không chịu sự quản lý.
Anh chị em thân mến, vài ví dụ về cây
ô-liu vùng Địa Trung Hải minh chứng cho sự trường sinh vì đã có trước cả khi
Chúa Giê-su sinh ra. Bền bỉ và lâu dài, chúng đã đứng vững trước thử thách của
thời gian và chúng nhắc nhớ chúng ta về tầm quan trọng của việc gìn giữ cội nguồn,
gắn liền với ký ức. Đất nước này có thể được định nghĩa là ký ức của châu Âu và
tôi vui mừng được viếng thăm 20 năm sau cuộc thăm viếng lịch sử của ĐTC Gioan
Phaolô II và trong dịp mừng 200 năm độc lập của nó. Câu nói của tướng
Colocotronis cũng đáng suy gẫm: “Thiên Chúa đã ký kết nền tự do cho Hy Lạp”.
Thiên Chúa đã sẵn lòng ký kết tự do nhân loại. Đó là quà tặng quý giá nhất và
chúng ta cũng thực sự trân quý quà tặng ấy. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta để
chúng ta được tự do và điều trân quý nhất là chúng ta được tự do yêu mến Ngài
và tha nhân. Luật pháp cũng công nhận tự do, nhưng cũng là giáo dục về trách
nhiệm và thăng tiến văn hoá tôn trọng. Về vấn đề này, tôi muốn thể hiện lòng
tri ân về việc cộng đồng Công giáo được công nhận và tôi bảm đảm về ước muốn của
họ trong việc thúc đẩy công ích của xã hội Hy Lạp, định hướng theo sự phổ quát
như đặc tính của họ và mong nhận được những điều kiện cần thiết để hoàn thành tốt
nhiệm vụ của mình.
Cách đây 200 năm, chính quyền lâm thời
Hy Lạp đã hướng đến cộng đồng Công Giáo với những lời thật đánh động: “Đức
Ki-tô đã ra lệnh truyền phải yêu thương đồng loại, anh chị em là những người gần
chúng tôi nhất, là đồng bào của chúng tôi, mặc dù có những khác biệt về nghi lễ.
Chúng ta có một quê hương duy nhất, chúng ta là một dân tộc duy nhất, các Ki-tô
hữu chúng ta là anh em dưới chân Thập giá”. Là anh em của nhau dưới chân Thập
giá, nơi đất nước được chúc lành bởi đức tin và truyền thống Ki-tô giáo, thúc đẩy
mọi tín hữu xây dựng sự hiệp nhất ở mọi cấp độ, nhân danh Chúa, mọi người gắn kết
trong lòng thương xót của Ngài. Trong ý nghĩa này, tôi tri ân anh chị em và
khích lệ mọi người làm thăng tiến đất nước mình ngang qua việc mở ra, đón nhận
và công bình. Từ thành phố này, từ cái nôi của văn minh nhân loại, đã và đang nổi
lên thông điệp kêu gọi hướng về Thượng giới và hướng đến tha nhân; ước mong rằng
trước sự cám dỗ của chủ nghĩa độc tài, nền dân chủ sẽ lên tiếng, trước sự dửng
dưng cá nhân, sự quan tâm chăm sóc đến tha nhân, đến người nghèo và đến tạo vật
được đong đầy, đó là những bước đệm thiết yếu cho chủ nghĩa nhân văn đổi mới mà
thời đại và châu lục chúng ta đang cần. Xin Chúa chúc lành cho dân nước Hy Lạp!
(Vatican
News 04.12.2021)