Ở trong tiếng Việt, các tôn giáo được gọi là “đạo” hoặc là “giáo” (thí dụ đạo Phật hoặc Phật giáo); vì thế có người gọi là “Kitô giáo” có người gọi là “đạo Kitô”. Từ nào chính xác hơn?
Muốn trả lời cho chính xác, thiết tưởng phải sưu tầm lịch sử văn
hoá Á châu, để xem hai từ “đạo” và “giáo” có nghĩa gì, và có trùng nhau hay
không. Trong nguyên ngữ Hán Việt, “đạo” là con đường, còn “giáo” là lời dạy dỗ.
Hai từ này đôi khi liên kết với nhau (chẳng hạn chúng ta nói đến “đạo lý” hay
“giáo lý”), nhưng có khi một “đạo” không phải là “giáo” (chẳng hạn như chúng ta
nói đến “đạo làm người”). Tôn giáo được coi như là một “đạo”, theo nghĩa là nó
chỉ cho ta thấy một con đường, một hướng đi, để đạt đến một mục tiêu tối hậu.
Điều này khá rõ nơi đạo Phật, với “bát chánh đạo” (tám con
đường chân chính) để đạt được sự giải thoát. Tuy nhiên, từ “Đạo” ở trong sách
Đạo đức kinh lại được hiểu theo nghĩa khác: Đạo là nguyên uỷ của vạn vật. Dù
sao, thiết tưởng thay vì phân tích ý nghĩa của các hạn từ “đạo” và “giáo” bên
Đông phương, chúng ta hãy đặt vấn đề cách khác. Nói đến “Kitô giáo” thì chúng
ta nghĩ tới các giáo thuyết, giáo lý, đạo lý của Chúa Kitô. Thế còn nói đến
“đạo Kitô” thì chúng ta sẽ nghĩ đến cái gì?
Đức Kitô dạy ta một con đường để lên trời, có
đúng không?
Mới đúng có một phần thôi. Thực ra ngay từ trong Cựu ước, chúng
ta đã gặp thấy tư tưởng là Thiên Chúa mặc khải cho con người một “con đường” để
về cõi sống (chẳng hạn như Thánh vịnh 16,11); đó là “đường chân lý”, “đường
công chính”. Nhiều lần các ngôn sứ nhắn nhủ các tín đồ hãy biết đi theo “đường
ngay nẻo chính” là Luật Chúa để được sống, chứ đừng theo đường gian ác tội lỗi
đưa đến cái chết (chẳng hạn như thánh vịnh số 1; 119). Từ đó truyền thống Do
thái quen nói đến “hai con đường”, “đường chính và đường tà”, “đường đưa đến
cõi sống và đường đưa đến chỗ chết”. Khi bước sang Tân ước, bàn về Đức Kitô,
các học giả nhận thấy rằng từ “đạo” được dùng trong bối cảnh rộng lớn hơn.
Trong sách Tông đồ công vụ, Kitô giáo được gọi vắn tắt là “đạo” (nói trống vậy
thôi, chứ không thêm một thuộc từ nào hết). Ở chương 9, câu 2, ông Saulô xin
phép các thượng tế Do thái được phép bắt những người theo Đạo để giải về
Giêrusalem. Thế rồi chúng ta đã biết điều gì đã xảy ra cho ông dọc đường. Về
sau, tới khi ông Phaolô bị bắt và điệu ra toà án, thì ông tự biện hộ rằng ông
đã theo Đạo mà trước đây ông đã đi lùng bắt. Ở chương 24, câu 14, từ “đạo” được
dùng để đối chiếu với “bè phái” mà người Do thái gán cho các Kitô hữu. Dù sao,
thánh Luca trình bày Kitô giáo như là Đạo ở nhiều chỗ trong sách Tông đồ công
vụ (18,26; 19,9.23; 22,4) nhưng không giải thích lý do. Ở Phúc âm thánh Gioan,
thì chúng ta gặp thấy một đoạn văn nổi tiếng nhất gắn liền Đức Kitô với Đạo,
nghĩa là đường.
Có phải đoạn văn mà Chúa Giêsu: “Thầy là
Đường, là sự Thật, là sự Sống” không?
Đúng thế, nếu hiểu đạo là đường đi. Tuy nhiên, có những dịch giả
Trung hoa hiểu Đạo không chỉ theo nghĩa là “Đường đi”, mà còn theo nghĩa là
“Nguyên uỷ hằng hữu của vạn vật” theo quan điểm của sách Đạo Đức Kinh, cho nên
họ dịch từ Logos ở Tự ngôn của Phúc âm thánh Gioan theo chiều
hướng là “Lúc khởi thuỷ đã có Đạo”. Có lẽ quan điểm này không được nhiều người
hoan nghênh; dù sao đi nữa, đoạn văn cổ điển hơn cả thường được trích dẫn nơi
thánh Gioan (14,6) là lời tuyên bố của chính Chúa Giêsu: “Thầy là Đường, là sự
Thật, là sự Sống”. Trong tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in
Oceania (Hội thánh ở châu Đại-dương), Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã
dùng đoạn văn này để trình bày căn cước của người Kitô hữu: họ là những người
đi theo con đường của Chúa Giêsu, tuân theo chân lý mà dạy dỗ, và lãnh nhận
nguồn sự sống từ các bí tích. Thiết tưởng đó là ba khía cạnh của chương trình
huấn giáo, gồm có: luân lý, tín lý, và bí tích. Nhưng chính đoạn văn của thánh
Gioan thì độc đáo hơn nhiều, khi định nghĩa Đức Kitô là đường. Đây là đặc trưng
thứ nhất của Tân ước: Đức Kitô là Đạo. Ngài không những dạy cho
chúng ta một con đường, mà ngài chính là con đường dẫn chúng ta về với Chúa
Cha, như thánh Gioan đã viết tiếp theo đó: “Không ai đến với Cha mà không qua
Thầy”. Đức Kitô là trung gian giữa Thiên Chúa với nhân loại: Ngài đem Thiên
Chúa đến giữa nhân loại, để đưa nhân loại về với Thiên Chúa. Vì thế, ai muốn
đến cùng Thiên Chúa thì phải qua Ngài, nghĩa là tin nhận Ngài. Nên biết là theo
thánh Gioan, tin không có nghĩa là chấp nhận một giáo thuyết, nhưng là thiết
lập một mối tương quan mật thiết với Chúa Kitô.
Đặc trưng thứ nhất của đạo Kitô là Đức Kitô
chính là đường đưa đến Thiên Chúa. Thế còn đặc trưng nào nữa?
Có ít là ba đặc trưng. Đặc trưng thứ hai là “con đường của
Đức Kitô”, con đường mà Đức Kitô đã đi. Ở Việt Nam chúng ta đã nghe bài hát
“Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua?”. Dĩ nhiên câu hỏi này không có ý dò
hỏi các cuộc du hành của Chúa, muốn biết Người đã tham quan chỗ nào, chuyện trò
với ai. “Đường của Chúa Kitô” được hiểu về lối sống của Người. Nhiều người thời
đó mong chờ một lãnh tụ chính trị, đánh đuổi ngoại xâm, và thiết lập vương
quyền, thế nhưng họ đã thất vọng! Đức Giêsu đã đi con đường khác, con đường của
khiêm tốn, phục vụ, từ bỏ mình, chứ không phải con đường của vinh quang quyền
lực. Nói cụ thể hơn, Đức Giêsu đã lựa chọn đường thập giá.
Như vậy đạo Kitô không phải là đạo mà Đức Kitô
dạy, cho bằng cái đạo mà Ngài đã thi hành, phải không?
Đúng thế. Đối với chúng ta, điều gay go nằm ở chỗ này: theo đạo
Đức Kitô không phải là học thuộc lòng giáo lý cho bằng đi vào con đường của
Chúa Kitô. “Theo đạo” nghĩa là “đi theo con đường”. Con đường này được gọi tắt
là “đường thập giá”. Đó là ý nghĩa của lời mời gọi: “Ai muốn đi theo Thầy, thì
hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Điều này
giả thiết là chúng ta cần phải dán mắt nhìn lối sống của Chúa và tìm cách noi
theo (xc. Dt 2,10; 6,20; 12,2).
Đạo Kitô có nghĩa là Đức Kitô là đường đưa đến
Thiên Chúa, và đi theo con đường của Đức Kitô. Đó là hai đặc trưng rồi. Còn đặc
trưng nào nữa không?
Từ hai đặc trưng vừa rồi, các tác giả rút ra thêm vài đặc trưng
khác như là hệ luận. Đức Kitô mời gọi chúng ta hãy đi theo sau Người. Điều này
có nghĩa là chúng ta không hổn hển leo dốc một mình, nhưng mà Đức Kitô đi
trước, còn chúng ta đi sau. Nói cách khác, đức Kitô đồng hành, nghĩa là cùng
đi đường với chúng ta. Phúc âm đã để lại cho chúng ta nhiều hình ảnh
rất đẹp về điểm này. Trong Phúc âm thứ bốn, (chương Mười) tác giả diễn tả Chúa
Giêsu như vị mục tử nhân lành: ngài đi trước, và dẫn dắt chúng ta đến đồng cỏ
sự sống (trước đây, thánh vịnh 23 đã áp dụng hình ảnh này cho Thiên Chúa). Hơn
nữa, ngài đi tìm những con chiên lạc đường, đưa chúng về ràn. Thánh Luca thì
không chỉ nói đến việc chúng ta được mời gọi đi theo sau Chúa Giêsu (qua đoạn
văn đã trích dẫn lúc nãy) nhưng còn kể lại sự kiện Chúa Phục sinh đã đồng hành
với hai môn đệ trên đường Emmaus: Chúa cùng đi đường với ta, sưởi ấm lòng ta
bằng lời nói và chia sẻ bánh trường sinh cho chúng ta. Thánh Matthêu (Mt 11,28)
lại dùng một hình ảnh khác nữa: không những là Chúa Giêsu đi trước và đi cùng
các môn đệ, nhưng còn mời các môn đệ đi đến với Chúa: “Tất cả những ai đang vất
vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bổ dưỡng”. Tư
tưởng “đến với Chúa Giêsu” gặp thấy nhiều lần nơi Phúc âm thánh Gioan: “hãy đến
mà xem” (1,39), “ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát
bao giờ” (6,35); “tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi,
và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài” (6,37). Tiếc rằng vào cuối
chương 6, thánh Gioan đau đớn ghi nhận rằng nhiều người đã tháo lui, không đi
với Chúa nữa.
Nói tóm lại, từ ngữ “đạo Kitô” xem ra súc tích
hơn là “Kitô giáo”, bởi vì Chúa Kitô không chỉ dạy một số đạo lý, mà còn trở
thành con đường cho chúng ta, đưa chúng ta về trời. Đúng thế không?
Đúng vậy. Từ ngữ “đạo Kitô” cho thấy rằng Đức Kitô không chỉ
truyền thụ cho chúng ta một mớ học thuyết, nhưng nhất là Ngài muốn thiết lập
một tương quan sống động với các môn đệ, khi mời gọi họ hãy đến với Ngài, hãy
đi theo Ngài, và Ngài cũng đồng hành với họ. Thiết tưởng cần thêm một ý tưởng
khác nữa. Vào lúc mở đầu Tân ước, chúng ta thấy xuất hiện ông Gioan Tẩy giả,
với sứ mạng là “dọn đường cho Chúa đến” (Lc 3,4). Ông Gioan mang biệt hiệu là
“tiền hô”. Điều này cũng được áp dụng cho Hội thánh ngày nay. Một đàng các tín
hữu được mời gọi đi theo Chúa; đàng khác, chúng ta cũng được kêu gọi chuẩn bị
đón chờ Chúa đến. Điều này không những đòi hỏi thái độ tỉnh thức cầu nguyện,
nhưng còn nhắc nhở rằng chúng ta mang thân phận lữ hành, không được phép dậm
chân tại chỗ, nhưng gắng sức tiến lên mãi. Thánh Phaolô có khi dùng hình ảnh
của dân Do thái lữ hành trên sa mạc, hướng về Đất hứa (1Cr 10,1-13), và có khi
dùng hình ảnh “chạy đua” theo ngôn ngữ thể thao của văn hoá Hy-lạp: “Không phải
là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu: nhưng tôi đang cố gắng chạy
tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt. Thưa
anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý một điều, là quên
đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích để
chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho những kẻ được Người
kêu gọi trong Đức Giêsu” (Pl 3,12-14).
Lm. Giuse Phan Tấn Thành