
1. Nơi giải tội
Các cử hành phụng vụ không phải là những
hành vi riêng tư mà là cử hành của Giáo Hội, cho nên thông thường bí tích Sám Hối
được cử hành tại một nơi thánh mà cộng đoàn tín hữu tụ họp. Bộ Giáo luật hiện
hành quy định như sau: “Nơi thường ban bí tích Sám Hối là nhà thờ hay nhà nguyện
(Điều 964 §1).
2. Toà giải tội
Luật Giáo Hội quy định:
- “Về toà giải tội thì Hội Đồng Giám Mục
phải ấn định những quy tắc, nhưng phải dự liệu đặt các toà giải tội ở một nơi dễ
thấy, các toà này phải có một chấn song ngăn cách hối nhân với cha giải tội, và
các tín hữu nào muốn thì có thể tự do đến toà giải tội” (Điều 964 §2).
- “Không được giải tội ở ngoài toà giải
tội, trừ khi có một lý do chính đáng” (Điều 964 §3).
2.1. Trong khi Bộ Giáo luật cũ (năm
1917) chỉ đòi hỏi toà giải tội phải có một chấn song ngăn cách hối nhân với cha
giải tội trong trường hợp giải tội cho các phụ nữ mà thôi (x. Điều 908-910 của
CIC 1917), thì Bộ Giáo luật hiện hành trải rộng quy định này cho hết mọi trường
hợp, không còn phân biệt nam nữ.
2.2. Hội Đồng Giám Mục có nhiệm vụ phải
thiết lập những quy tắc liên quan đến toà giải tội, làm sao bảo đảm cho các tín
hữu có thể tự do đến toà giải tội khi họ muốn. Riêng Hội Đồng Giám Mục Pháp cho
phép tín hữu tự do chọn lựa xưng tội, tại một nơi dễ thấy:
- hoặc tại toà giải tội với chấn song;
- hoặc trong một nơi có thể ngồi và nhờ
đó giữa hối nhân và linh mục có thể đối thoại dễ dàng hơn (x. DC 86 (1989) 76).
2.3. Theo Hội đồng Giáo hoàng về Giải thích
Văn bản Giáo luật, tuỳ theo trường hợp, linh mục có thể đòi hỏi nghe xưng tội
trong một toà giải tội với chấn song, ngay cả trong trường hợp hối nhân yêu cầu
làm khác đi.
2.4. Khi có lý do chính đáng, được giải
tội ở ngoài toà giải tội, thí dụ như: đau ốm, tật điếc, khi khẩn cấp, khi muốn
xưng tội với một cha giải tội riêng mà không có sẵn toà giải tội…
Lm. Luy Huỳnh Phước Lâm