Trong thời gian gần đây, ĐTC gia tăng các tiếp xúc và cộng tác với các Giáo Hội Chính Thống và ngài cũng mời gọi sự giúp đỡ của Giáo Hội Chính Thống, với kinh nghiệm về sự hiệp hành (sinodalità), giúp đỡ Giáo Hội Công Giáo trong vấn đề tái khám phá chiều kích hiệp hành (sinodale) vốn là điều cấu thành nên Giáo Hội. Nhưng phải nhận thức rằng con đường cộng tác này có nhiều thách đố, nhất là do tình trạng chia rẽ trầm trọng hiện nay trong cộng đoàn Chính Thống giáo trên thế giới.

ĐTC Phanxicô & Đức Thượng Phụ
Bartolomeo (Vatican Media)
Sau 20/12, Đức TGM Hilarion, Chủ tịch Hội
đồng ngoại vụ của tòa Thượng Phụ Chính Thống Mascơva sẽ đến Roma để nhân danh
Giáo Hội Chính Thống chúc mừng ĐTC nhân dịp sinh nhật thứ 85 của ngài, và bàn về
vấn đề tăng cường quan hệ giữa hai Giáo Hội, trong đó có dự án ĐTC và Đức Thượng
Phụ Kirill của Chính Thống Nga sẽ gặp nhau lần thứ 2, sau cuộc gặp gỡ lịch sử hồi
tháng 2 năm 2016 tại phi trường thủ đô La Habana của Cuba.
Trước đó, với cuộc viếng thăm tại đảo
Sýp và Hy Lạp, gặp gỡ các vị lãnh đạo Chính Thống tại hai nước này, ĐTC đã đẩy
mạnh mối giao hảo giữa Công Giáo và Chính Thống. Ngài không ngại lập lại lời
xin lỗi Giáo hội Chính Thống vì những hành động tàn phá của đạo binh Thánh Giá
tại Constantinople năm 1204, tạo nên một vết thương lớn trong lịch sử quan hệ
giữa hai khối Giáo Hội.
Và trong cuộc gặp gỡ Thánh Hội đồng của
Giáo Hội Chính Thống Sýp sáng thứ Sáu 3/12 tại Nicosia, ĐTC cổ võ sự cộng tác của
hai Giáo Hội. Ngài nói: “Trong tiến trình của Giáo hội Công Giáo tái khám phá
chiều kích hiệp hành, là chiều kích cấu thành Giáo Hội, anh em thân mến, chúng
tôi cảm thấy cần đồng hành khẩn trương hơn với anh em, qua kinh nghiệm của anh
em về đặc tính hiệp hành, anh em có thể thực sự giúp đỡ chúng tôi. Xin cám ơn sự
cộng tác huynh đệ của anh em, kể cả sự cộng tác tích cực của anh em qua sự tham
gia tích cực vào Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Giáo hội Công
Giáo và Giáo hội Chính Thống”.
Hội nghị chuyên biệt
Đáp ứng ý hướng này của ĐTC, hôm 16/12 vừa
qua, một sáng kiến đã được thông báo: Tổ chức Pro Oriente chuyên về đại kết, có
trụ sở tại Áo, và Học viện Đại kết thuộc Đại Học Giáo Hoàng thánh Tômaso
Aquino, cũng gọi là Angelicum ở Roma, bắt đầu tổ chức một hội nghị khoa học về
sự hiệp hành trong Chính Thống giáo và trong các truyền thống Chính Thống đông
phương vào tháng 11 năm tới, 2022, để nghiên cứu việc học hỏi kinh nghiệm từ
phía Công Giáo về sự hiệp hành trong Chính Thống giáo.
Hội nghị này sẽ tiến hành từ ngày 2 đến
5/11 và từ 23 đến 26/11 năm 2022, được coi là một đóng góp cho tiến trình chuẩn
bị Thượng HĐGM thế giới thứ 16 sẽ tiến hành tại Roma vào tháng 10 năm 2023 về đề
tài: “Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: hiệp thộng, tham gia và sứ vụ”.
Hội nghị được sự bảo trợ của Hội đồng
Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô và Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM, và
nhắm mục đích “Lắng nghe các truyền thống Kitô khác và để học hỏi về những quan
niệm cũng như kinh nghiệm của họ về đặc tính hiệp hành.”
Các dự án trên đây chắc chắn cần vượt thắng
nhiều trở ngại do sự chia rẽ ngày càng trầm trọng trong Cộng đồng Chính Thống
giáo thế giới: cụ thể là tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople và tòa Thượng
Phụ Chính Thống Nga.
Lập trường của Chính Thống
Constantinople
Trong cuộc họp báo hôm 8/12 vừa qua tại
tòa Thượng Phụ Constantinople ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Thượng Phụ
Bartolomaios I, vị đứng đầu trong các thủ lãnh của 14 Giáo hội Chính Thống, nói
rằng cuộc xung đột hiện nay giữa các Giáo hội Chính Thống là do toan tính của
Chính Thống Nga muốn hướng dẫn thế giới Chính Thống bằng một người, nhưng không
có sự ly khai trong Chính Thống giáo, như các vị lãnh đạo Chính Thống Nga quả
quyết.
Cuộc xung đột hiện nay trong Cộng đồng
Chính Thống bắt đầu do Giáo Hội Chính Thống Nga hồi năm 2016. Dưới ảnh hưởng của
Chính Thống Nga, nhiều Giáo Hội địa phương rút lui khỏi Công đồng liên Chính Thống
giáo nhóm tại đảo Creta hồi tháng 6 năm đó. Cho đến tháng 1/2016, khi cuộc họp
chót của các vị lãnh đạo các Giáo hội Chính Thống tiến hành, mọi Giáo Hội, kể cả
Chính Thống Nga đã chuẩn bị cho công đồng ấy. Nhưng vào phút chót Phái đoàn
Chính Thống Nga và 3 Giáo hội Chính Thống khác không đến tham dự là Antiokia,
Bulgari, Giorgia và Mascơva. Có lẽ vì Chính Thống Nga không muốn Đức Thượng Phụ
chung của Chính Thống giáo chủ tọa Công đồng Liên Chính Thống giáo. Đồng thời
Chính Thống Nga coi sự việc Đức Thượng Phụ Chính Thống Constantinople nhìn nhận
quyền tự quản (Autocephaly) của Chính Thống Ucraina là một sự trả thù chống
Chính Thống Nga và đã không đến dự Công đồng liên Chính Thống giáo. Đức Thượng
Phụ Bartolomaios nói: “Giấc mơ của các Anh em Chính Thống Nga là làm chủ Giáo hội
Chính Thống. Nhưng điều này sẽ không bao giờ xảy ra vì các quy luật của Giáo hội
Chính Thống và các hoạt động của Giáo hội qua bao thế kỷ vẫn dành vị trí hàng đầu
cho Giáo hội Chính Thống Constantinople, và Giáo hội Chính Thống Nga đứng hàng
thứ 5.
Đức Bartolomaios cho biết ngài ủng hộ
khát vọng của các tín hữu Chính Thống Ucraina có một Giáo hội tự trị, tự quản.
Vấn đề này không phải chỉ mới bắt đầu cách đây 2, 3 năm, nhưng trong quá khứ
các tín hữu Chính Thống Ucraina đã hết sức cố gắng để Giáo hội của họ được độc
lập và tự quản.
Công đồng liên Chính Thống giáo tại đảo
Creta hồi năm 2016 là biến cố đầu tiên thuộc loại này suốt trong 12 thế kỷ và
đã tiến hành tại đảo Creta từ ngày 16 đến 26/6 với sự tham dự của 271 thành
viên gồm 10 vị Giáo Chủ, 155 Giám mục của 10 Giáo hội Chính Thống tự quản, kể cả
Chính Thống Ba Lan do Đức TGM Sawa lãnh đạo. Trong số 15 quan sát viên thuộc
các Giáo hội khác, có ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các
Giáo hội Kitô, các phái đoàn Chính Thống. (Kai 8-12-2021)
Lập trường của Chính Thống Mascơva
Về phía Chính Thống Nga, hôm 15/12 vừa
qua, Đức TGM Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống
Nga, tái tố giác rằng sự ly giáo do Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople
làm thương tổn toàn thể dân tộc Ucraina.
Tuyên bố trong chương trình “Giáo hội và
thế giới” của đài truyền hình Nga, Đức TGM Hilarion, nhân vật thứ hai tại tòa
Thượng Phụ Chính Thống Mascơva, nói rằng “Rất tiếc Ucraina đã trở thành nguồn bất
thuận giữa Nga và Mỹ. Ucraina vốn là một nước gần nhất đối với Nga, dân tộc này
với dân tộc Nga là anh em với nhau và trước đây cùng thuộc một dân tộc duy nhất
với chữ viết và văn hóa chung. Vì thế chiến dịch tuyên truyền chống Nga đang phổ
biến tại Ucraina và phần lớn từ nước ngoài, kể cả từ đại lục khác, không thể
không làm cho chúng tôi lo âu”.
Theo Đức TGM Hilarion, Giáo Hội Chính Thống
Nga đặc biệt lo âu về tình trạng của hàng triệu tín hữu Chính Thống tại Ucraina
vì cuộc chiến tranh tuyên truyền chống Nga và những hành động của Mỹ tại
Ucraina: “Sự ly giáo do Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople hỗ trợ làm
thương tổn nặng nề cho toàn dân Ucraina, đặc biệt là các tín hữu Chính Thống
Ucraina. Cuộc ly giáo này không thể biện minh được về phương diện Giáo hội. Và
những hoạt động được thực hiện để biện minh cho sự hợp pháp của cuộc ly giáo ấy
là điều tuyệt đối bất hợp pháp. Chúng tôi cầu nguyện để cuộc ly giáo này được
khắc phục để các tín hữu Chính Thống Nga hiệp nhất với Giáo hội theo giáo luật,
được Đức TGM Onufij hướng dẫn”.
Tại Ucraina hiện nay có Giáo hội Chính
Thống Ucraina độc lập với Chính Thống Nga và được Đức Thượng Phụ Barlotomaios
là Giáo chủ danh dự chung của toàn Chính Thống giáo công nhận. Ngoài ra, còn có
Giáo hội Chính Thống thuộc Nga do Đức TGM Onufrij làm thủ lãnh, cộng đoàn này
đông đảo hơn. Chính Thống Nga vẫn coi Ucraina là lãnh thổ thuộc Nga theo giáo
luật (Mospat.ru 15-12-2021)
Cũng do sự chia rẽ này, Ủy ban quốc tế hỗn
hợp đối thoạt thần học giữa Công Giáo và Chính Thống bị tê liệt. Tòa Thượng Phụ
Chính Thống Mascơva tuyên bố không tham dự bất cứ hoạt động đại kết nào dưới sự
điều động của Đức Thượng Phụ Constantinople, kể cả các hoạt động đối thoại giữa
Chính Thống và Công Giáo.
Đó chính là thách đố lớn nhất cần vượt
thắng để Công Giáo và Chính Thống có thể thực sự xích lại gần nhau.
G. Trần Đức Anh O.P
(Vatican
News 19.12.2021)