Một số người trong số những bạn hữu cũng đã chia sẻ với tôi những trăn trở như
vậy. Và một vài người đã có con bỏ đạo theo Tin Lành thật sự. Đây là một vấn đề
mới nghe qua coi như tầm thường, nhưng khi đi sâu vào vấn đề nó không tầm
thường như nhiều người đã nghĩ.
Cứ nói với cậu ấm là khi còn bé chẳng phải riêng việc bố mẹ đem con đi chịu
phép Thánh Tẩy vào đạo, mà còn rất nhiều việc khác mà bố mẹ cũng đã làm và phải
làm cho con mặc dù lúc ấy con không biết. Thí dụ, khi con đói, khi con khát,
khi con yếu bệnh, và ngay cả khi con tè ra nhà, ị ra quần… Việc đưa con vào đạo
cũng vậy. Đây là một chọn lựa đúng nhất, tốt nhất mà bố mẹ đã có thể làm cho
con.
Còn về việc nói gì với cậu về điều cậu đang định làm, thì xin góp ý như sau:
Tôi được hân hạnh quen biết và làm việc với anh chị em Tin Lành từ năm 1982,
khi làm việc cho một cơ sở bác ái của Tinh Lành phái Lutherô ở đường số 9 thành
phố Garden Grove, California. Lúc đó, mục sư Wane, giám đốc của chương trình đề
nghị tôi tham gia với Giáo Hội và nếu muốn, sẽ tài trợ để tôi trở thành một mục
sư. Người trực tiếp điều hợp chương trình xã hội lúc ấy là Edna, một bà rất tốt
lành mà theo tôi, ít người Công Giáo tốt như vậy. Bà nhiệt tâm và rất mực ân
cần với công việc bác ái giúp đỡ mọi người, đặc biệt là đồng hương Việt Nam ở
bước đầu hội nhập khi định cư tại Hoa Kỳ.
Người kế tiếp là một mục sư người Việt Nam. Ông là một tiến sỹ về Tâm Lý học,
và là một tiến sỹ Việt Nam đầu tiên thành công trong ngành tâm lý ở vào thời
điểm ấy. Sau đó, tôi lại quen thêm một mục sư khác nữa và ông cũng là một tiến
sĩ Tâm Lý. Cuối cùng, trong một dịp tình cờ, tôi được biết và quen thân với một
người mà theo tôi, là một người rất đặc biệt, Giáo sư Ðặng Thị Kim Dung. Bà
sinh ra trong một gia đình Phật Giáo thuần thành, hồi còn nhỏ từng theo bà
ngoại lên chùa, ngồi đồng.. Khi lớn lại trở thành tín đồ Tin Lành và là một nhà
dịch thuật sách vở giáo lý Tin Lành ngay từ hồi còn ở Việt Nam . Nhưng sau cùng
do ơn Chúa và do ảnh hưởng của người phối ngẫu, bà đã trở thành con cái của
Giáo Hội, và là tác giả ba cuốn sách giá trị: “Tìm về cội nguồn Ðức Tin”, “Lần
chuỗi với Thánh Kinh”, và “Phiên Khúc Maria”.
Sở dĩ tôi phải dài dòng về những mối dây liên hệ trên, vì tôi muốn chia sẻ với
những ai đang “bối rối” và muốn biết về những khác biệt giữa Tin Lành và Công
Giáo.
Khởi đi từ sự chia lìa của Martin Luther (1483-1546) với Giáo Hội Công Giáo, đã
có bao nhiêu điều khác biệt về triết lý, thần học, cách thức giải thích Thánh
Kinh và phụng vụ của Tin Lành với những gì mà Công Giáo coi là cốt lõi,
là chính yếu, là tín lý và là cội nguồn của ơn cứu độ. Thí dụ như:
- Mẹ Maria đồng trinh trước, đang và sau khi sinh hạ Chúa Cứu Thế.
- Chúa Giêsu không phải là người con duy nhất của Ðức Maria.
- Thánh Thể chỉ là một biểu tượng.
- Ơn công chính hóa.
Tôi không ngạc nhiên khi nói chuyện với những mục sư Tin Lành, và khám phá ra
sự khác biệt ấy. Những trường thần học và chương trình huấn luyện mục sư của họ
dĩ nhiên mang theo những triết lý và quan điểm khác với quan điểm và lối nhìn
của Công Giáo. Mặc dù vấn đề gây cấn về Ơn Thánh Hóa tuy đã được thông qua trên
bình diện chung giữa hai Giáo Hội:
“Thứ Ba, 16/06/98, Hội Ðồng Liên Hiệp Tin Lành Luther thế giới đã nhứt trí
thông qua "tuyên ngôn chung" với Giáo Hội Công Giáo về ơn công chính
hóa. Ơn công chính hóa là điểm khác biệt giữa hai Giáo Hội kể từ khi nhà cải
cách Martin Luther đoạn tuyệt với Giáo Hội Công Giáo và lập ra Giáo Hội Tin
Lành. Theo Martin Luther, con nguời được công chính hóa duy chỉ bằng đức tin
chứ không dựa vào công nghiệp của mình. Lập trường này đã tạo ra nhiều cuộc
tranh cải thần học trong suốt bao nhiêu thế kỷ qua. Quyết định trên
đây của Hội Ðồng Liên Hiệp Tin Lành Luther thế giới đánh dấu một bước quan
trọng trong các quan hệ giữa các Giáo Hội Tin Lành Luther và Giáo Hội Công
Giáo. Nó chấm dứt một cuộc xung đột kéo dài từ 400 năm nay.”(Trich: RADIO
VERITAS ASIA ngay 16.06.1998)
Nói về sự hiệp nhất, gần đây Giáo Hội đã cố gắng nhiều để đối thoại và tìm cách
để cho ước nguyện của Chúa Giêsu trước ngày Ngài về trời: “Xin cho họp hợp nhất
nên một” (Gio 17:21), sớm được thực hiện giữa những người anh chị em cùng một
niềm tin như Tin Lành, Chính Thống, Anh Giáo và Hồi Giáo. Nhưng xem chừng con
đường ấy vẫn còn dài.
Hằng ngày và hằng tuần tôi vẫn theo dõi những bài giảng thuyết của các mục sư
nổi tiếng như mục sư Rick Warren trên truyền hình. Theo tôi những gì các vị
giảng thuyết ấy trình bày thực ra chỉ là những bài khảo cứu, soạn thảo công phu
nhưng rất ít điều mà những người Công Giáo như chúng ta tìm thấy gọi là để sống
và để đạt tới hạnh phúc nước trời, như lời Thánh Phêrô đã tuyên xưng: “Thầy có
những lời ban sự sống đời đời” (Gio 6:68). Tuy vậy với khoa giảng thuyết, lối
trình bày khoa học, và nhất là trong những buổi giảng thuyết ấy kèm theo phép
lạ chữa lành nhãn tiền được trình chiếu trên TV. Người được chữa lành la hét,
nhẩy múa và vang lên lời ca tụng “Alleluia! Alleluia!” “Thanks God!” cũng rất
hấp dẫn, lôi kéo sự chú ý của nhiều người không riêng gì giới trẻ.
Tôi viết những nhận xét này, vì tôi cũng có một người bạn mà người bạn này có
một người em là linh mục Công Giáo. Anh lúc đầu tỏ ra rất sùng mộ các mục sư
Tin Lành qua những bài giảng thuyết của họ trên TV vào các ngày Chúa Nhật. Sùng
mộ đến nỗi, đã có lần anh nói với tôi: “Các linh mục Công Giáo không bằng một góc
các mục sư Tin Lành. Họ giảng giải hấp dẫn, lôi cuốn quá sức, và kèm theo phép
lạ nữa.” Thấy anh quá cuồng nhiệt như vậy, tôi không nói gì, nhưng chỉ một thời
gian sau đó, khi có dịp gặp lại anh, tôi đã nhận thấy anh hoàn toàn thay đổi.
Lúc này, theo anh những mục sư ấy giảng giải như mấy tài tử “đóng phim”. Tới
đây, tôi cũng không dám lạm bàn, vì tôi cũng chưa bao giờ là tài tử hay đóng
phim.
Tóm lại, những gì tôi học được từ phía anh chị em Tin Lành đến từ một người mà
tôi vừa trình bày, bà trở lại với niềm tin Công Giáo bằng với tất cả con tim và
lòng ngưỡng mộ. Và bà đã giải bày những trăn trở ấy, những thao thức ấy, cũng
như những niềm vui dào dạt ấy qua tác phẩm của bà: “Tìm về cội nguồn Ðức Tin”.
Theo bà, đây là cội nguồn, chứ không phải là hạ lưu, hay lưu vực, mà là thượng
nguồn. Sau ba lần tôi phỏng vấn bà trên chương trình phát thanh Công Giáo, bà
đã được nhiều quí thính giả gọi vào cho biết cảm tưởng về những gì bà đã trình
bày. Những điều ấy bao gồm:
- Bà đã thực sự tìm được tất cả niềm vui, hạnh phúc, và hãnh diện thật vì được
làm con cái Chúa, làm con cái Hội Thánh Công Giáo.
- So sánh giữa sự trở về từ một Phật Tử qua một tín đồ Tin Lành với sự trở về
từ một tín đồ Tin Lành qua tín hữu Công Giáo, thì từ một tín đồ Tin Lành trở
thành người Công Giáo con đường gặp nhiều trở ngại, và khó lòng vượt qua hơn.
- Thánh Kinh Công Giáo không phải là Thánh Kinh của người Tin Lành. Người Tin
Lành nhìn Thánh Kinh như một cuốn sách mà sự giải thích và ứng dụng tùy mỗi
người.
- Trong đời sống một tín đồ Tin Lành, hoàn toàn thiếu vắng tình yêu của người
Mẹ hiền Maria. Thiếu sức sống Thánh Thể. Và thiếu sự hiệp nhất với chính Ðức
Kitô là Ðầu Nhiệm Thể Giáo Hội qua vị Ðại Diện là Ðức Giáo Hoàng và phẩm trật
Giáo Hội.
Từng ấy điểm được cảm nhận từ một người đã từng sống chết, dịch thuật, và say
mê Giáo lý Tin Lành giờ này trở thành con cái Chúa đã thêm cho tôi sự tin tưởng
hơn vào những gì mình đã biết, đã đọc, và đã học được qua những giao tiếp với
anh chị em Tin Lành.
Vậy để đối diện với những bất ngờ như có người con, người cháu hay bất cứ một
người Công Giáo muốn biết, hay muốn tìm hiểu về sự khác biệt giữa Tin Lành và
Công Giáo, việc đầu tiên chúng ta phải làm là:
- Siêng năng học hỏi Kinh Thánh. Không những đọc mà còn suy ngắm và sống Lời
Chúa nữa.
- Tha thiết với Bí Tích Thánh Thể. Tôn sung, yêu mến và siêng năng rước Chúa.
- Yêu mến Mẹ Maria. Nhờ Mẹ dẫn ta đến với Chúa. Nhờ Mẹ giúp ta yêu Chúa.
- Duy trì đức tin vững mạnh bằng đời cầu nguyện.
Với những chuẩn bị ấy, và với tâm tình cởi mở, lắng nghe, hy vọng chúng ta mới
có thể hướng dẫn con cái, hoặc giúp cho anh chị em mình hiểu, sống và hãnh diện
vì mình là người Công Giáo.