19 13 X CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN. Ca vịnh tuần I. Không cử hành lễ thánh Gia-nu-a-ri-ô (Januarius), Giám mục, Tử đạo. Không cử hành lễ cầu cho người qua đời (D2, D3), trừ lễ an táng. (Kn 2,12a.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37.)
Hôm
nay, khi thấy các môn đệ có dấu hiệu ham hố chức quyền, cạnh tranh ngôi thứ, Đức
Giêsu đã nhân cơ hội dạy cho các ông biết tinh thần mới mà người môn đệ trong
Nước Thiên Chúa phải có. Đó là: “Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết và
làm tôi tớ mọi người”.
Đây thật
là một cuộc cách mạng. Vị trí trong xã hội bị đảo lộn. Người đứng đầu không còn
phải để ra lệnh, nhưng để phục vụ. Người làm lớn không còn ăn trên ngồi trốc,
nhưng chọn chỗ hèn mọn nhất. Người bé nhỏ nhất trở nên người lớn nhất. Người yếu
đuối nhất trở nên người được trọng vọng nhất.
Đây là
một cuộc cách mạng không đổ máu. Vì người đứng đầu trở thành người phục vụ
không phải vì ép buộc nhưng do tự nguyện. Vì người làm lớn xuống chỗ hèn mọn nhất
không buồn sầu nhưng trong niềm vui. Thế giới biến đổi không do những đấu tranh
giành quyền lợi, nhưng do người có quyền tự nguyện từ bỏ đặc quyền đặc lợi.
Tin mừng
mà chúng ta vừa nghe cũng diễn tả một vở kịch có hai cảnh mâu thuẫn nhau như vậy:
một cảnh phục vụ, một cảnh tranh chấp. Thật vậy, hôm nay, khi đang băng qua miền
Galilê, Thầy Giêsu đi trước, đoàn Tông đồ tiến bước theo sau. Một hình ảnh thật
đẹp nhưng chỉ tiếc có một điều: thầy trò cùng sánh vai mà không chung bước, thầy
trò cùng đồng hành nhưng không đồng tâm. Bởi vì mỗi người đều nuôi dưỡng một
tâm tư và theo đuổi những ước mơ khác nhau. Thầy Giêsu thì quyết tâm chọn lựa sống
chết cho chân lý và tình thương, trong khi đó các học trò lại bận tâm tranh
cãi, giành giật nhau về địa vị và danh vọng.
Đang
khi Chúa nhấn mạnh đến hy sinh, thì các môn đệ lại lo đi tìm lợi lộc, ảnh hưởng
cho riêng mình. Chúa Giêsu đang nghĩ đến việc phải hiến mình ra nhưng không,
còn nơi các Tông đồ thì tham vọng ngôi thứ, và họ xì xầm bàn tán xem ai sẽ là
người làm lớn trong Nước Trời. Bởi vì, trong thâm tâm các ông vẫn luôn nghĩ rằng
Chúa Giêsu sẽ làm một cuộc cách mạng lật đổ ách thống trị của Đế Quốc La Mã và
tái lập một vương quốc Israel hùng mạnh.
Lúc bấy
giờ, chắc chắn các ông, chứ không ai khác, sẽ được tân vương Giêsu bổ nhiệm vào
12 chức vụ quan trọng trong điều đình. Vì mang não trạng như thế, nên không lạ
gì dọc đường các ông đã “giành ghế” với nhau. Ai sẽ là tể tướng ? Ai sẽ là Quân
sư ? Ai sẽ là Phò mã ? ai là người lớn nhất, oai nhất trong vương quốc của Thầy
mình. v.v...Các ông vẫn xem việc theo Chúa Giêsu là để được hưởng vinh hoa, phú
quý và quyền lực mà bỏ ngoài tai những lời loan báo về đường khổ nạn của Chúa.
Nước Trời đối với các ông là nơi mà ở đó, các ông đóng vai của những quan lớn
oai phong lẫm liệt, là nơi để các ông vinh thân phì da. Hoá ra, theo Thầy bấy
lâu nay, các ông vẫn chưa giác ngộ một điều, việc bước theo Thầy là bước theo
đường phục vụ hy sinh, là bước theo đường khổ giá để mưu ích cho đồng loại.
Chính
trong hoàn cảnh ấy, Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ mình một bài học, bài học
thật bất ngờ: “Ai muốn làm lớn thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người”.
Với lời dạy này, Chúa Giêsu muốn làm đảo nghịch quan niệm và cách nhìn của các
môn đệ. Theo quan niệm của Chúa người làm lớn phải trở nên người rốt hết, trở
nên đầy tớ của mọi người.
Theo
Chúa người ta không được đánh giá bởi địa vị, quyền uy, chức tước, danh vọng,
nhưng người tông đồ được tôn trọng, được đề cao là do sự phục vụ tốt cho tha
nhân và sự hữu ích cho xã hội, cho con người. Và con đường để được vinh quang
là con đường phục vụ, con đường yêu thương và quảng đại với mọi người. Một Tề
Thiên Đại Thánh làm rúng động cả thiên đình bằng 72 phép thần thông để xưng
hùng xứng bá, nhưng rồi chỉ để chuốc lấy thất bại thảm hại 500 năm dưới chân
núi Ngũ hành và cũng chính nhân vật ấy đã được thoát kiếp Thạch hầu trở thành
Thánh Đấu Phật khi đem sở học của mình phục vụ cho người khác trên những chặng
đường sang Tây trúc thỉnh kinh.
Chính
cuộc đời của Chúa Giêsu là tấm gương sáng cho các môn đệ và mỗi người chúng ta
bằng cách Ngài đã khước từ chức vị cao trọng, chấp nhận làm người để yêu thương
và phục vụ người khác. Con đường của Chúa là con đường khiêm tốn, phục vụ, hữu
ích cho xã hội và cho con người. Con đường của Chúa là con đường lưu tâm đến
người nghèo, kẻ tàn tật, neo đơn, kẻ không nhà không cửa, bơ vơ…vv.. Con đường
của Chúa là con đường khiêm nhu nhỏ bé và khó nghèo. Để qua đó, Chúa chỉ cho
nhân loại thấy con đường yêu thương, con đường phục vụ là con đường đẹp nhất,
là con đường đưa tới sự sống mới và mang lại hạnh phúc, vinh quang cho con người.
Con đường
tự hạ, làm người bé nhỏ và phục vụ anh em là con đường để trở nên vĩ đại, trở
nên người lớn nhất trước mặt Chúa. Chính Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài đã
làm người rốt hết, làm người tôi tớ mọi người, đem chính mạng sống của Ngài mà
phục vụ mọi người. “Ngài đã vâng phục đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên
thập giá, chính vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài đến tột đỉnh vinh quang; “Đức
Chúa” (Pl 2, 5-11). Ai đi con đường đó với Ngài sẽ được Ngài đưa tới vinh quang
tột đỉnh với Ngài. Một khi Chúa Giêsu đã tự hạ làm người rốt hết và đồng hoá với
cả những người mà thế gian coi như không có, thì mọi thái độ thống trị đã bị kết
án rồi, vì thống trị, cha đạp bất cứ ai cũng là thống trị, chà đạp Thiên Chúa vậy.
Ước gì
qua lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta từ đây biết đi theo con đường của
Chúa, con đường tự hạ thành người rốt hết và hủy mình ra không, để thân phận bọt
bèo của con người được phục hồi, nâng dậy và cứu sống. Thì chúng ta dù ở địa vị
nào, chức vụ nào cũng biết sống khiêm nhường phục vụ, biết dùng đôi tay để phục
vụ chứ không dùng quyền hành để cai trị. Biết dùng con tim để yêu thương chứ
không dùng sức mạnh, dùng quyền bính để lãnh đạo. Có như thế chúng ta mới xứng
đáng đạt tới vinh quang mà Thiên Chúa đã dành sẳn cho mỗi người chúng ta trong
Nước Trời.
Huệ
Minh