Thăm viếng mục vụ tại vùng miền sơn cước hết sức cần thiết đối với những ai đang thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng cho dầu đường sá xa xôi hay cách trở. Vì bà con giáo dân ở rải rác khắp mọi vùng trong cả 3 huyện, nên khi có chuyện vui hay chuyện buồn, chúng tôi, những người đang làm mục vụ nơi đây không thể không hiện diện với họ, không thể không thăm viếng và gặp gỡ họ. Vui với người vui, khóc với người khóc (Rm 12,15) là vậy.

Chính vì thế, sáng nay, vào
lúc 6h30, ngày 27/7/2021, với gần 20km, tôi cũng lên đường để đến với hoàn cảnh
éo le, nghèo khổ, có bà mẹ Maria Lang Thị Quý, 85 tuổi qua đời. Bà là người có
thể được coi là cô thể cô thân tuy có 5 đứa con. Cách đây 7 năm, sau khi lên nhận
sứ vụ tại vùng miền đặc biệt này, tôi đã tìm ra bà và từ đó, chúng tôi đã thường
xuyên thăm viếng, chu cấp thức ăn và tiền hàng tháng cho bà qua sự giúp đỡ của
ân nhân. Thân thể tiều tuỵ và teo tóp của bà nói lên sự đơn chiếc và quá khổ
đau cũng như đói khát. Dường như cái thập tử nhất sinh đang kề cận bà. Chúa nhật
17 thường niên 25/7, tôi đến thăm bà và lo của ăn đàng cho bà. Sáng hôm qua, bà
được chăm sóc, tắm giặt và cắt tóc qua bàn tay của quý nữ tu. Buổi chiều tối
hôm qua 26/7/2021, vào lúc 17h, bà đã an nghỉ cách âm thầm mà không có một đứa
con nào bên cạnh. Tội nghiệp bà dù vẫn có con ở kề bên nhưng không được chăm
sóc đàng hoàng và được yêu thương trìu mến, chưa nói đến những đứa con phải lấy
chồng xa. Bà đã về bên Chúa. Với sự im lặng phó thác và lòng tin tuyệt đối vào
Chúa, chúng ta tin rằng linh hồn bà Maria sẽ sớm Chúa thưởng về thiên đàng cùng
Ngài.
Hôm nay, đến với đại gia
đình tang quyến, tôi bắt gặp nhiều đứa con từ phương xa đang ngồi khóc bên linh
cửu của người mẹ. Họ khóc vì không được gặp mẹ trước khi mẹ nhắm mắt lìa đời. Họ
khóc vì phần nào đó vì sự lơ đãng, vô tâm và thiếu sót của đứa con đối với mẹ
mình. Họ khóc vì mất đi khúc ruột, là người mẹ. Họ khóc vì hối hận vì đã không
quan tâm đủ cho mẹ. Họ khóc vì sự bạc bẽo của đứa con. Liệu chăng tiếng khóc
lúc này đây có làm mẹ thức dậy không? Liệu chăng tiếng khóc đó có làm cho mẹ
vui hơn không? Liệu chăng tiếng khóc đó có xoá hết được những vô tâm, vô cảm của
chính mình trước người mẹ khổ đau? Có lẽ mẹ cần hơn sự gần gũi, sẻ chia, quan
tâm và cho mẹ ăn đôi miếng khi mẹ còn sống. Có lẽ mẹ thèm miếng khi đói, mong
muốn cốc nước khi khát hơn là tiếng khóc bây giờ. Có lẽ mẹ cần hơn bao giờ hết
là khi đang còn sống có con bên cạnh, có sự an ủi vỗ về khi ốm khi đau. Lúc này
đây có lẽ bà mong anh chị em hiệp nhất, yêu thương và liên đới với nhau hơn. Từ
nay, có lẽ bà mong muốn con cái cháu chắt sống hoà thuận, cố gắng sống tốt từng
ngày hơn.
Hỡi ai còn cha còn mẹ, hãy
yêu thương và quan tâm các ngài. Hãy trao yêu thương bằng cử chỉ hành động khi
các ngài đang còn sống hơn là để các ngài cô đơn, buồn sầu và chết dần chết
mòn. Đừng để khi các ngài tạ thế rồi, chúng ta mới sắm chiếc quan tài thật đắt
tiền, sắm hoa thật nhiều, viết các bức trướng đầy dẫy, cũng như khóc than và la
ó thật thảm thiết trước mọi người. Có lẽ khi sống cần hơn khi chết. Khi sống mà
không hề chăm sóc, không màng tới, không quan tâm chưa muốn nói là hắt hủi, chửi
rủa, đánh đập các ngài, thì khi chết mà khóc thật to, lo thật hoàng tráng các vật
dụng hậu sự, xem ra người ta không ngần ngại nói rằng “đồ giả tạo”, “đồ bất hiếu”.
Tôi đang đối xử với cha mẹ của
tôi như thế nào? Tôi có thường xuyên gọi điện thoại, thường xuyên thăm viếng,
thường xuyên hỏi thăm, thường xuyên tiếp cận gần gũi các ngài không? Tôi có hay
la ó, nạt nỗ, khinh bỉ, miệt thị hoặc đánh đập cha mẹ của tôi không? Tôi có sống
tử tế, có vâng lời các ngài? Tôi có làm cho bố mẹ buồn không? Tôi có dính vào
các tệ nạn xã hội và nhũng việc làm xấu để nước mắt của các ngài đã khô ráo vì
tôi? Tôi đang là ai đối cha mẹ tôi: là người con gần gũi hay người xa lạ? Quả
thật, đôi khi chúng ta quá dễ dàng, nhẹ nhàng và quảng đại với người lạ cũng
như người ngoài, còn cha mẹ và người thân, tôi đã la mắng, khinh thường, bỏ
qua, keo kiệt, bon chen và giết chết! Cha mẹ đang cần tôi khi ngài đang còn sống
chứ không chỉ là đã nhắm mắt xuôi tay đâu nhé!
Linh mục Phaolô Phạm Trọng
Phương
