Hôm nay phần phụng vụ cho chúng ta một
vài gợi ý để củng cố đức tin và yêu mến Chúa mạnh liệt hơn trong đời sống mỗi
ngày.
Nơi bài đọc I (Cl 1, 21-23), Thánh
Phaolô đã minh định cho cộng đoàn Côlôxê rằng: “Thưa anh em, xưa kia anh em là
những người xa lạ, là thù địch của Thiên Chúa vì những tư tưởng và hành động xấu
xa của anh em. Nhưng nay nhờ Đức Giê-su là con người bằng xương bằng thịt đã chịu
chết, Thiên Chúa cho anh em được hoà giải với Người, để anh em trở nên thánh
thiện tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Người.” (Cl 1,21-22). Quả
thật, trước khi thuộc về Đức Giê-su, chúng ta là những con người cũ, con người
đối nghịch với Thiên Chúa, con người sống trong tình trạng tội lỗi, con người
xa lạ và nô lệ ma quỷ, nhưng khi lãnh nhận bí tích rửa tội và nhờ sự đổ máu của
Đức Giê-su, chúng ta đã trở nên con người mới, thụ tạo mới, con người tinh tuyền,
thánh thiện và không có gì tỳ ố trước mặt Thiên Chúa. Đây là một niềm vui và hạnh
phúc của người ki-tô hữu.
Tuy nhiên, không phải cái chết của Đức
Giê-su đã cứu chuộc chúng ta rồi, nhưng mỗi chúng ta phải cố gắng xây dựng đức
tin, củng cố đức tin, rèn luyện đức tin, hun đức đức tin của mình mỗi ngày để từ
như hạt cải nhỏ bé trở thành cây lớn chim trời có thể ẩn núp và làm tổ. Đức tin
là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa, nhưng đức tin đó phải được dưỡng nuôi
và làm lớn lên mỗi ngày qua việc lắng nghe Lời Chúa và đón nhận Mình Máu Thánh
Đức Giê-su Ki-tô. Bên cạnh đức tin, thánh Phaolô nói đến niềm hy vọng. Chúng ta
phải bền chí trong niềm hy vọng. Hy vọng chung cuộc của chúng ta không là danh
– lợi – dục mà là sự sống đời đời, hạnh phúc viên mãn bên toà Chúa uy linh
thánh thiện. Nhờ có niềm hy vọng đó, mà mỗi chúng ta cố gắng mỗi ngày dù có những
khó khăn và gian nan, vì biết rằng có khổ đau mới có vinh quang, có bước qua thập
giá mới có sự sống đời.
Tiếp nối tư tưởng đó, bài Tin mừng của
thánh sử Luca (6,1-5) cũng nhấn mạnh đến tinh thần sống đạo chiều sâu ngang qua
câu chuyện bàn về ngày sa-bat. Quả thật, các kinh sư và biệt phái đã lên án các
môn đệ về tội bứt lúa miến và vò xát để ăn trong ngày Sa-bát, Đức Giê-su đã dạy
cho họ một bài học. Ngày Sa-bát là nhằm để phục vụ con người. Xuất phát từ công
trình sáng tạo trong 6 ngày và ngày thứ 7 Thiên Chúa nghỉ ngơi. Ngày Sa-bát là
để nghỉ ngơi về thể xác để có sức khoẻ để phục vụ tiếp những ngày sau. Đồng thời,
vì con người là tổng thể của thể xác lẫn linh hồn, nên khi thể xác nghỉ ngơi,
linh hồn cũng được bổ dưỡng Lời Chúa và Mình Máu Chúa Ki-tô. Hơn nữa, Đức
Giê-su còn nhấn mạnh rằng: Con Người làm chủ ngày Sa-bát. Nghĩa rằng Thiên Chúa
không phụ thuộc ngày Sa-bát, dù con người có nghỉ ngơi nhưng Thiên Chúa vẫn làm
việc, vẫn quan phòng vũ trụ và muôn loài muôn vật. Ngài vẫn thi thố tình thương
ngang qua Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể.
Nói tóm, Thiên Chúa sáng tạo chúng ta để
chúng ta nhận biết về Ngài và yêu mến Ngài. Chúng ta không dừng lại ở những điều
Luật buộc bên ngoài để xa lánh Chúa và tha nhân, nhưng nhờ những Luật buộc đó,
con người được mời gọi quy hướng về Chúa như là cùng đích của chúng ta. Để đạt
được điều đó, chúng ta cố gắng làm triển nở đức tin và niềm trông cậy từng giây
phút trong cuộc đời ngang qua việc siêng năng lắng nghe, đón nhận và sống Lời
Chúa, chân thành thực hành Các Mối Phúc và thi hành bác ái yêu thương.
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
