Sau những hoang tàn đổ
nát vật chất lẫn tinh thần của chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1919),
nhân loại lại bị phân mảnh và cuốn theo “những tấm bè cứu sinh” là những trào
lưu duy vật, những chính khách vô thần, những chủ nghĩa nhân bản, duy tục cực
đoan lệch lạc…; hay những nhà độc tài đang lên như Mussolini, Hitler, Stalin…,
những kẻ đang cố tô vẽ mình như những “đấng cứu tinh” đang đến để trị vì một
thế giới mới.
Trong sứ mệnh là “người tuần canh cho thế giới”, nhất là
trong vai trò “mục tử chăm sóc đoàn
chiên”, vị Giáo Hoàng lúc đó, Đức Pio XI, không thể ngồi yên để mặc cho
“những tay độc tài” lũng đoạn thế giới và để đoàn chiên bị phân mãnh và khuất
phục trước những chiêu trò của những “kẻ chăn thuê”. Ngài đã ban bố thông điệp
Quas Primas vào ngày 11.12.1925 để thiết lập lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ và ấn định
mừng kính long trọng vào Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ. Cho dù đây chỉ
là một “động thái” thuộc nội bộ Giáo Hội Công Giáo, nhưng trong viễn tượng
“Lịch sử Cứu độ”, thì đây là một “dấu chỉ thần linh mang tính ngôn sứ” để
một lần nữa Giáo Hội xác tín về sứ mệnh dẫn đưa toàn thể nhân loại tiến vào
Vương Quốc Nước Trời, quy phục một Thủ lãnh và vương quyền duy nhất là Đức
Giêsu Kitô; và để mọi dân mọi nước trở thành “một đàn chiên của một Chủ chiên”.
Khi dành tước hiệu
“Chúa Kitô làm Vua” cho Chúa Giêsu và mừng kinh tước hiệu nầy trong một ngày
đại lễ, chắc chắn Giáo Hội không bao giờ mang tâm thức muốn biến “Thân Mình
Chúa Kitô” thành một “cơ chế quân chủ” để xưng hùng xưng bá với thế giới; hay
để các quốc gia nhìn về Giáo Hội Chúa Kitô như một thực tại chính trị đầy quyền
uy bá chủ muôn dân. Sở dĩ Phụng vụ hôm nay mượn lời sách ngôn sứ Đaniel để mô
tả vương quyền của Đấng Cứu Thế: “… tất cả các dân
tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài; quyền năng của Ngài là quyền năng
vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá
huỷ…”, là muốn nhắm đến một “vương quốc vĩnh hằng”, một “vương quyền mang chiều
kích cứu độ, thần linh…” mà Kinh Tiền Tụng hôm nay đã minh giải và xác quyết: “Khi đã bắt mọi loài quy
phục quyền bính mình, Người trao lại cho Chúa là Ðấng uy linh cao cả, một vương
quốc vĩnh cữu và vô biên: vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân
sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an”.
Thật
vậy, chính Đức Kitô đã chẳng “ham hố” gì cái loại vương quyền trần tục đó, như
chúng ta đã từng nghe Tin Mừng Gioan kể lại kể lại, sau dấu lạ lẫy lừng “Năm
chiếc bánh và hai con cá” (Ga 6,5-14): “Nhưng
Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh
mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6,15).
Thế
nhưng, Ngài lại “rất sẵn sàng” để chấp chánh vương quyền vào cái “Giờ” của
Ngài, cái “Giờ” mà ở đó Ngài được tôn vinh “Đã đến giờ Con Người được tôn
vinh” (Ga 12,23), và Ngài tha thiết cầu xin Chúa Cha tôn vinh: “Lạy
Cha, giờ đã đến ! xin Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha ! (Ga 17,1). Nhưng đó là là cái “Giờ” của khổ nạn, “Giờ”
bị treo trên thập giá, nhưng cũng là “Giờ” để giải thoát và cứu độ nhân loại: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi
mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.”(Ga 12,32).
Và
đó là tất cả nội dung ý nghĩa trong câu trả lời và khẳng định của Ngài dành cho
Philato trong biến cố khổ nạn: “Nước tôi không thuộc về
thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã
chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc
chốn này”. Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?” Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng.
Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân
lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”.
Chắc chắn, những người
vốn quen suy nghĩ, hành xử và sống với não trạng trần tục như Philato, mà khái
niệm “vua” luôn đi kèm với đất đai, quyền lục, danh vọng, sự giàu sang…, sẽ
không thể hiểu được hay cảm nhận được ý nghĩa trong “phạm trù Vua” của Chúa
Kitô; không thể biết được vị “Vua làm
chứng cho chân lý” hay “vương quốc
không thuộc thế gian” có nghĩa là gì. Nhưng đó lại là Tin
Mừng, là sự thật, một sự thật tuyệt đối của niềm tin mà nếu loại trừ hay không
đón nhận thì chẳng còn gì là “Kitô giáo” như thánh Phaolô, Vị Tông Đồ bị chém
đầu thời bạo chúa Nêrô đã từng xác quyết: “Trong
khi Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn
ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do
Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.” (1 Cr 2,
22-23).
Vâng, chính “Đức Kitô
bị đóng đinh” với cuộc phục sinh của Ngài đã khai mở một dân tộc mới, một dân
tộc của ơn cứu rỗi, một vương quốc và tư tế của Thiên Chúa như BĐ 2 trong sách Khải
Huyền hôm nay đã xác quyết: “Người đã
dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên
vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người. Nguyện chúc Người được vinh
quang và quyền lực muôn đời. Amen”.
Nếu hai ngàn năm trước,
Đức Kitô đã lựa chọn “cái giờ” bi đát trước tòa án
Philatô để long trọng tuyên cáo “Ông nói
đúng. Tôi là Vua” trong tấm thân thảm thương rách nát của một tên tội đồ bị
xử án, thì hôm nay Ngài cũng đăng quang như thế trong thân phận của bao nhiêu
những người công chính bị bách hại vì Tin Mừng, những thừa sai truyền giáo và
phục vụ yêu thương, những ngôn sứ của tự do, dân chủ, công bằng xã hội... bị
kết án bất công, bị đọa đầy bách hại ... Và nếu ngày xưa, Đức Kitô đã lựa chọn
khoảnh khắc cô đơn sầu thảm khi bị đóng đinh trên cây khổ giá để mở mắt tâm hồn
và đón nhận niềm tin của tên tử tội khi ngước mắt van xin: “Khi Ngài vào Nước Ngài xin nhớ đến tôi”, thì hôm nay, Ngài cũng
đăng quang như thế khi tái diễn Hy tế Thập Giá trên bàn thờ để những ai chấp
nhận thuộc về Ngài dám hy sinh tất cả, dám chết đi cho chính mình để thuyết
phục nhiều người gia nhập vào Vương quốc của Đấng Phục Sinh, Vương quốc của
tình yêu và sự sống…
Vâng, chính hôm nay,
giờ này, với Phụng vụ lễ Chúa Kitô làm Vua, Hội Thánh một lần nữa căn dặn chúng
ta rằng: Vua Kitô vẫn còn đang tiếp tục đăng quang trong thế giới và Vương Quốc
của Ngài đang từng ngày mở rộng đến mọi biên cương. Và để nhận ra Ngài cùng để
thuộc về Vương quốc đó chúng ta cần có một “đôi mắt mới”, một “con tim mới”;
đôi mắt của khó nghèo, trong sạch…, con tim của bác ái, phục vụ, yêu thương…,
khi sẵn sàng cúi xuống để sẻ chia phục vụ những người lầm than bé nhỏ. Không
như thế, chắc chắn sẽ không bao giờ nhận ra Ngài, và được đi vào Vương quốc của
Ngài, như chính Ngài đã từng xác quyết: “Đi
đi cho khuất mắt Ta… Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế
cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính
ta vậy” (Mt 25,45).
Trong niềm tin của người Kitô
hữu muôn nơi và muôn thuở, trong cuộc chiến “ai thắng ai” giữa “ma vương” và vương quốc của bóng tối, sự dữ với “Vua
Kitô” và Vương quốc của chân lý và tình
yêu, thì kết cuộc không phải đợi đến ngày tận thế, những chắc chắn đã hiện
thực rồi; đã hiện thực ngay từ hang đá Bêlem, hay mái nhà Na-da-rét, nơi tòa án
Philatô hay đỉnh đồi Núi Sọ; nơi những con đường chật hẹp và những con phố tồi
tàn ở Calcutta với bàn tay yêu thương phục vụ của mẹ Têrêsa, hay nơi trại tù Auschwitz,
nơi linh mục Maximilien Kolbe trút hơi thở cúi cùng để chết thay cho một bạn tù…
Và như thế, điều quan trọng
còn lại hôm nay dành cho chị cho anh cho tôi, cho tất cả những ai cháp nhận làm
thần dân của Vua Kitô trong Vương quốc của Ngài đó chính là không ngừng:
-
Hoán cải để từng ngày trở nên bé nhỏ khiêm hạ.
-
Quảng đại để không ngừng yêu thương tha thứ.
-
Quên mình để hy sinh, phục vụ
-
Trung tín để từng ngày bước đi trong Lời Chúa và thực thi những giá trị của Tin
Mừng.
Hay đơn giản, chịu khó đứng về phía của sự thật trong
mọi ứng xử của đời mình, như chính lời của Vua Kitô đang gọi mời trong Tin Mừng
hôm nay: “Ai đứng về phía sự thật thì
nghe tiếng tôi”. Amen.
Trương
Đình Hiền