- Chú giúp việc: Cha ơi, cha có khách.
- Linh mục: Cha đây. Khách nào vậy con? Nam
hay nữ.
- Chú giúp việc: Có hai bà đến thăm cha.
- Linh mục: Con mời hai bà vào bàn uống nước,
đợi chút. Cha đang dở tay.
Khoảng 2 phút sau, tôi ra tiếp khách nhưng
hai vị khách đó đã đi thăm nhà thờ và núi Đức Mẹ. Trong khi đợi khách, tôi lấy
cuốn sách “Những Suy Nghĩ Vẩn Vơ” của linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết ra đọc.
15 phút sau, hai bà mới trở về nơi tiếp khách (nhà khách chỉ là lán tạm bợ). Thấy
có một người quen và một người lạ. Người quen là giáo dân. Người lạ là lương
dân. Hai chị là bạn thân của nhau. Hai chị em cứ như hình với bóng.
- Linh mục: Chào các chị ? Rất vui được gặp
các chị.
- Giáo dân: Chào cha. Con giới thiệu với cha
đây là bạn con, không phải là Công Giáo nhưng lại có thiện cảm với Đạo.
- Người lương dân: Chào cha. Nghe bạn con nói
nhiều về cha mà hôm nay mới gặp. Đúng là văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình.
- Linh mục: Vâng. Lần đầu tiên tôi được gặp
chị. Nhưng xin được xưng hô như ngoài xã hội, chứ cha – con như thế có vẻ không
hợp. Hơn nữa, tôi còn trẻ.
- Người lương dân: Thôi cha, con đến đây với
bạn con là tự nguyện, phát xuất từ cái tâm nên cứ gọi theo nhà Đạo đi cha.
- Giáo dân: Thỉnh thoảng con cũng mời chị V…
đến nhà thờ cầu nguyện, xin ơn Chúa và Đức Mẹ. Nhiều lần chị về quê lễ giỗ và
còn đến đền cha thánh Tùy ở Bằng Sở nữa.
- Người lương dân: Mặc dù con đi theo đạo Phật
nhưng lại chưa đến Chùa lần nào. Con tôn trọng cả hai bên. Con đến đây 3 lần rồi.
- Linh mục: Xin lỗi cho tôi hỏi câu hơi tế nhị
chút. Điều gì làm cho chị muốn đến nhà thờ?
- Người lương dân: Mỗi lần đến nhà thờ, con
thấy được bình an và tâm hồn cởi mở.
- Linh mục: Nhà thờ luôn đón tiếp tất cả mọi
người không phân biết tôn giáo. Ai cũng có thể đến nhà thờ được. Chị thích đọc
sách không?
- Người lương dân: Có cha. Rất thích những cuốn
sách nói về nhân văn, về tín ngưỡng.
- Linh mục: Xin tặng chị 3 cuốn, đó là cuốn Kể
Truyện Kinh Thánh, sách Đạo Yêu Thương và Những Suy Nghĩ Vẩn Vơ.
- Người lương dân: Cám ơn cha. Thích quá!
- Linh mục: Chị cố gắng đọc. Không hiểu chỗ
nào cứ hỏi. Tôi sẽ giải thích. Khi nào muốn đọc thêm lại đến đây chơi, tôi sẽ tặng
sách khác. Tôi chẳng có gì ngoài sách. (cười…)
- Người lương dân: Vâng. Thế còn gì bằng nữa!
- Linh mục: Quê chị ở đâu?
- Người lương dân: Quê gốc của con ở Vụ Bản,
Nam Định.
- Linh mục: Vụ Bản có nhiều nhà thờ lắm.
- Người lương dân: Đúng vậy! Nhà con gần nhà
thờ. Tuổi thơ của con gắn liền với nhà thờ. Bạn bè hay dủ tới nhà thờ chơi và học
ở đó.
- Linh mục: À ra vậy. Nhà thờ đâu có lạ với
chị. Đáng lẽ chị phải năng đến nhà thờ thì chứ!
- Người lương dân: Đúng thế nên con rất thích
người Công Giáo.
- Linh mục: Chị thích nhất người Công Giáo ở
điểm nào?
- Người lương dân: Hai cái mà con rất thích ở
người Công Giáo là thật thà và đoàn kết. Con ấn tượng về các bạn chơi với con
khi có lỗi gì là mẹ các bạn bảo: “Đi xưng tội đi”. Mặc dù con không hiểu xưng tội
là gì nhưng chỉ thấy sau đó các bạn không dám tái phạm tội đó nữa.
- Linh mục: Cám ơn chị đã có ấn tượng tốt về
người Công Giáo. Tôi tặng chị cuốn sách Đạo Yêu Thương có ý nói rằng Đạo Công
Giáo là Đạo Yêu Thương. Vì thế, tất cả những gì không phải là yêu thương đều
không phải là Công Giáo. Chúa dạy: “Cứ dấu này mà người ta nhận biết các con là
môn đệ của Thầy là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,35). Lần khác, Chúa dạy:
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga
13,34).
- Người lương dân: Không chỉ con thích đâu mà
mẹ con cũng thích nữa!
- Linh mục: Bà năm nay bao nhiêu tuổi? Bà
đang ở đâu?
- Người lương dân: Ngoài 80 tuổi rồi! Bà đang
sống trong thành phố này thôi cha.
- Linh mục: Bà khỏe không? ….Tôi đến thăm cụ
được không?
- Người lương dân: Tốt quá! Cám ơn cha trước.
Bà không khỏe mấy!
- Linh mục: Tôi sẽ thu xếp đến chơi với bà sớm
nhất... Có lẽ sáng mai, thứ Ba.
- Người lương dân: Cha cho số điện thoại để
liên lạc.
- Linh mục: Đây chị……
Lm. Giuse Nguyễn Văn
Thành
Giáo xứ Tp Sơn La - Gp
Hưng Hóa
(Xin xem phần 2)

Ảnh minh họa