Nhân dịp cuối tháng Đức Mẹ và đầu tháng Các Linh Hồn (từ 31/10 – 02/11/2021), giáo xứ chúng tôi có một nhóm anh chị em đến chơi. Hầu hết là những người trẻ nhiệt huyết với công việc thăng tiến con người và có tấm lòng thơm thảo. Anh chị em muốn dấn thân nhiều hơn trong lãnh vực bác ái xã hội.
Nghe nói trong thời gian Hà Nội bị giãn cách
xã hội theo chỉ thị 16 của chính phủ, những anh chị em này tự nguyện lập ra chương
trình “PHIÊN CHỢ 0 ĐỒNG” với những “túi quà 0 đồng” được ship tới tận nơi và những
“gian hàng 0 đồng” gồm những nhu cầu phẩm thiết yếu cho cuộc sống để giúp đỡ những người lao động, học sinh,
sinh viên gặp nhiều khó khăn khi bị ”mắc kẹt”, giãn cách tại Hà Nội gặp nhiều
khó khăn. Anh trưởng nhóm nói rằng: “Nhóm chúng con đã phục vụ hơn chín ngàn suất
quà. Mỗi suất trị giá hơn trăm ngàn. Giá trị vật chất của những món quà đó lên
tới hơn một tỷ đồng”. Tôi cảm phục và tự hào về các bạn trẻ. Chính các bạn là
chủ nhân của đất nước ở hiện tại và cả trong tương lai.
Theo tôi, đây không chỉ là món quà vật chất
mà còn là món quà tinh thần rất lớn. Nó nâng cao tinh thần tương thân tương ái
của người Việt: Miếng khi đói bằng gói khi no. Lúc đầu, tôi nghĩ những bạn trẻ
Công Giáo can đảm, sáng kiến và tuyệt vời quá, nhưng trong nhóm lại có một bạn
nữ lương dân, tên Thảo. Bạn Thảo là sinh viên năm thứ 3 của một trường đại học.
Tuy ít tuổi nhất nhóm nhưng Thảo đã trở thành nhân vật nòng cốt của “gian hàng
không đồng”. Hiện nay, Thảo và các bạn vẫn gây quỹ bằng việc bán nem Thanh Hóa.
Trông Thảo rất phúc hậu và toát lên vẻ hồn nhiên, trong sáng.
Trong ba ngày lưu lại đất Sơn La, tôi cùng đồng
hành với nhóm trên đoạn đường khoảng 450 cây số để thăm các giáo họ, giáo điểm
và những nơi làm việc mục vụ. Trên xe và những lúc gần nhau thì ngoài việc trao
đổi về công việc, tôi dành nhiều thời gian nói với Thảo về Đạo Công Giáo. Thảo
thích lắng nghe và tỏ ra hào hứng tiếp nhận những gì tôi nói. Tôi không quên tặng
Thảo cuốn sách Đạo Yêu Thương và Kể chuyện Kinh Thánh. Giới thiệu về Đạo và nói
về Chúa là “nghề của tôi”.
Thảo tâm sự rằng: “Thực sự con cũng không biết
nhiều về Đạo, nhưng qua một người bạn Công Giáo giới thiệu với con về “PHIÊN CHỢ
0 ĐỒNG”, con đã gia nhập và nhiệt tâm giúp đỡ mọi người. Con thấy thích và phù
hợp với công việc này. Người Công Giáo thật tuyệt vời. Công việc và sự hy sinh
của họ càng tuyệt vời hơn nữa”. Nghe vậy, tôi mạnh dạn hơn khi nói Đạo Công
Giáo không chỉ là Đạo Yêu Thương mà còn dạy cho người khác sống yêu thương nữa.
Đấng sáng lập ra Đạo Yêu Thương này có tên là Chúa Giêsu. Thiên Chúa yêu thương
không chỉ dành người Công Giáo, mà cả người không Công Giáo, đúng như từ “Công
Giáo” là đặc tính phổ quát, chung cho hết thảy mọi người, không phân biệt màu
da sắc tộc, địa vị, lứa tuổi… Chẳng hạn
Thiên Chúa tạo dựng nên không khí để thở cho cả loài người chứ có riêng ai đâu!
Hay Ngài cho mưa xuống cho cả người Công Giáo và không Công Giáo… Vì thế, Đạo
Công Giáo là Đạo dành cho hết mọi người.
Thiên Chúa rất yêu thương con người đến nỗi
đã ban Con Một của Người xuống trần gian để cứu chuộc thế gian (x. Ga 3,18).
Người Con đó tên là Giêsu. Chúa Giêsu là Em-ma-nu-en: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Sinh nhật của Ngài vào ngày 25/12
hàng năm hay còn gọi là Noel. Ngài có người mẹ tên là Maria và cha nuôi là
Giuse. Ngài ở với cha mẹ mình 30 năm tại Nazaret rồi đi rao giảng 3 năm ở nước
Do Thái. Trong thời gian đi rao giảng như vậy, Ngài muốn những lời nói và việc
làm của Ngài được tiếp tục về sau nên đã chọn 12 Tông Đồ (môn đệ). Ngài đã dạy
các ông nhiều điều, trong đó có Kinh Lạy Cha. Đây là Kinh quan trọng nhất trong
Đạo Công Giáo. Con muốn nghe Kinh này không? Thảo nói: “Cha đọc đi”? Một cách
ân cần và cầm trí, tôi nhắm mắt cầu nguyện trong giây lát, rồi đọc chậm rãi với
cả con tim. Tôi cảm nhận Thảo cũng nhẩm theo lời Kinh Chúa dạy qua môi miệng
tôi. Để dễ nhớ, tôi đọc từng câu, từng câu. Lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ
ba… Cơ bản Thảo đã thuộc vì là người sáng dạ. Tôi lại nói tiếp: “Sự thường trước
khi đọc Kinh này, người Công Giáo có thói quen làm Dấu: Nhân Danh Cha và Con và
Thánh Thần. Amen”. Đây là dấu chỉ của người có Đạo, và là công thức đức tin cơ
bản và cao cả của người theo Chúa. Sau ba ngày, Thảo không chỉ làm Dấu Thánh
Giá thành thạo, thuộc Kinh Lạy Cha mà còn tham dự 5 Thánh lễ với tinh thần yêu
mến và cảm phục.
Trước khi nhóm chia tay về Hà Nội, tôi vẫn nhắc
Thảo năng làm Dấu và đọc Kinh Lạy Cha. Khi về đến Hà Nội, Thảo nhắn tin và cám
ơn tôi về những ngày lưu lại tại đất Sơn La thật tuyệt vời và không quên đọc
Kinh Lạy Cha nữa. Tôi cũng đã động viên: “Con hãy làm Dấu và đọc Kinh Lạy Cha
trước mỗi bữa ăn, trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy cũng như trước mỗi công
việc”. Thảo đã vui vẻ đáp: “Con sẽ làm như cha dạy”. Tuy rất mệt sau những ngày
đồng hành với nhóm nhưng tôi cảm thấy vui. Vui vì được đồng hành. Vui vì được
giới thiệu Chúa cho người lương dân. Vui vì Chúa được đón nhận! Tôi nhớ lại lời
của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong dòng đầu tiên của tông huấn Niềm Vui Tin Mừng:
“Niềm Vui Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và trọn cuộc sống của những ai gặp gỡ Đức
Giê-su” (Đức thánh cha Phan-xi-cô, tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 1).
Lạy Chúa,
khi xưa Chúa đi loan báo Tin Mừng, Chúa thường ghé thăm nhà chị em Mác-ta,
Maria và Lazarô để gieo vào lòng họ những hạt giống đức tin. Đến nỗi khi
Đức Giê-su hỏi
cô Mác-ta: “Chính Thầy là sự sống lại và
là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và
tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không ?” Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.” Xin Chúa
cho bạn Thảo sau khi học hỏi, tìm hiểu và xem xét cũng thưa với Chúa Giêsu như
vậy!
Lm Giuse Nguyễn Văn Thành
Giáo xứ Tp Sơn La – Giáo phận Hưng Hóa