Thuyên chuyển linh mục là chuyện hết sức bình thường trong đời sống sinh hoạt của Giáo Hội. Có những chuyến ra đi của linh mục để lại những dòng nước mắt cho cả hai bên nhưng rồi cũng có những chuyến rời xứ để lại những dòng "nước mát" cho đôi bờ.
Chuyện
cha xứ làm dâu trăm họ là chuyện cũng rất thường trong cuộc đời. Người ta vẫn
nói với nhau "chín người mười ý" để rồi giữa hàng ngàn con chiên thì
chắc chắn chuyện hợp nhau trong cùng một ý kiến là điều không tưởng.
Mới
đây, một linh mục rời nơi mình được bài sai của Đấng Bản Quyền đến để phục vụ
ngót nghét 12 năm. 12 năm ròng rã đó, dĩ nhiên là Cha cùng với biết bao nhiêu
bàn tay khác hợp lại để giáo xứ có được ngôi Thánh Đường khang trang như hiện tại.
Và điều chắc chắn rằng không ai quên công lao của Cha chính xứ đã khổ công để
xây dựng.
Một
ngày đẹp trời, Cha Xứ được mời gọi đi đến nơi khác để phục vụ. Trên trang của
Giáo Xứ, dòng chữ chia ly dĩ nhiên là đầy nghẹn ngào tiếc nuối. Kèm theo đó mà
bản thân tôi cảm thấy giật mình khi thấy những lời bàn sau lời chia tay của xứ
đó : "Thương cha bao là vất vả, thật là bất công ..."
Thương
thì thương, quý thì quý nhưng cảm xúc dường như không phù hợp với ngôn từ nhà Đạo
và nhất là tinh thần dấn thân phục vụ của mục tử. Đời linh mục cũng rày đây mai
đó để lên đường loan báo Tin Mừng sau khi nhận bài sai của Giám Mục giáo phận.
Bất
công sao ? Trong chuyện chuyển xứ như thế này thì ai là bất công và tại sao bất
công ?
Tưởng
nghĩ một linh mục dù có đảm nhận công trình xây dựng thật nguy nga và hoành
tránh đi chăng nữa thì cha đó cũng góp một phần công sức của mình. Để có một
Thánh Đường, một Trung Tâm Mục Vụ, một Trung Tâm Hành Hương đi chăng nữa thì
cũng bởi biết bao nhiêu tấm lòng góp lại. Trong niềm tin thì các công trình của
Giáo Hội đều gom góp bằng những đồng tiền của các bà góa, bằng lời cầu nguyện
cũng như gom góp của bao con người. Chính vì vậy, khi rời đi một nơi nào khác để
phục vụ phải chăng là tạ ơn Chúa hơn là oán trách (Đấng Bản Quyền).
Và
cũng tưởng nghĩ cuộc đời của con người thì ai ai cũng có thuở có thời, chả ai
trẻ mãi và ở mãi một nơi trừ những ai tuyên lời khấn vĩnh cư (như các Đan Viện).
Lên đường và lên đường cho đến ngày cánh cổng của Nhà Hưu Dưỡng rộng mở. Có khi
chưa kịp về nơi An Dưỡng nhưng đã đến nơi an nghỉ ngàn thu rồi.
Mỗi
người một cảm xúc cho sự ra đi. Chả ai giống ai. Nếu mình cảm thấy tiếc nuối
thì nó sẽ ra tiếc nuối còn nếu mình cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản thì mình cũng
sẽ nói với mọi người như Chúa dạy : "Con chỉ là đầy tớ vô dụng và bất
tài". Cứ nghĩ như thế cho nhẹ lòng.
Được
quen chị Giám Tỉnh của một dòng tương đối lớn và được biết đây là những ngày
tháng cuối cùng của 2 nhiệm kỳ dài đăng đẳng của Chị. Chị chia sẻ rằng kỳ này
Chị được nghỉ ngơi và Chị xin với Nhà Dòng để chị được thanh thản làm Chị giáo
với môn dạy mà chị yêu mến đó là Thánh Kinh.
Mới
đây hỏi thăm thì Chị nói Chị vẫn chưa được nghỉ. Đến cuối nhiệm kỳ mà Chị vẫn
còn "nai lưng" ra để quy hoạch lại đất đai cho Nhà Dòng, cho Tu Viện
bị chiếm dụng.
8
năm ròng cũng với biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt, Chị cùng chị em và ân nhân
xây nên Nhà Trẻ, Ngôi Nguyện Đường khang trang cho Tu Viện. Điều Chị không quên
đó là xây Nhà Hưu Dưỡng để cho chị em già nua tuổi tác có nơi nghỉ dưỡng sau
nhiều năm dài phục vụ.
Với
tất cả tâm tình, Chị đang sẵn sàng để hạ cánh. Chị vui vẻ và mong đến ngày gần
nhất để bàn giao trọng trách mà Chị đã gánh vác suốt 8 năm ròng.
Còn
nhớ trong ngày Lễ cung hiến Bàn Thờ và làm phép ngôi Nguyện Đường, Chị không hề
vinh vang Chị, Chị cảm ơn từng người kể cả anh thợ hồ đã làm nên những công
trình như mọi người thấy. Phải chăng đó là tâm tình hết sức dễ thương cũng như
khiêm hạ. Và chắc chắn, Chị cũng cảm ơn từng người đã giúp Chị trong chặng dường
dài của tu trì và nhất là những tháng ngày với trọng trách làm vị phụ trách lớn
nhất trong Nhà Dòng.
Chị
chờ đợi ngày "ra đi" thật nhẹ nhàng và thanh thản. Chị còn nói lời
trăng trối : "Tui viết di chúc rồi. Khi tui chết, làm đám tang thật đơn giản
cho tui ..."
Vâng
! Một tâm hồn đơn sơ và thanh thản trước mọi biến cố của cuộc đời.
Đời
Kitô hữu chúng ta, dù tu sĩ hay linh mục hay là giáo dân, chúng ta luôn luôn được
mời gọi hãy phục vụ Chúa và anh chị em (vợ chồng, con cái, con chiên) của mình
trong cung cách của người mục tử nhân lành và khiêm hạ.
Mỗi
lần thuyên chuyển là mỗi lần người được thuyên chuyển nhắc nhớ rằng nơi nào
cũng chỉ là nơi tạm bởi lẽ cuộc đời này cũng chỉ là cõi tạm mà thôi. Chuyển đi,
chuyển lại đến một ngày nào đó người khác sẽ chuyển đến nơi mà mình không muốn
đến đó chính là nấm mộ. Dù muốn dù không thì nấm mộ vẫn là điểm đến của mỗi người
chúng ta. Chính vì vậy, trong hoàn cảnh nào, mỗi chúng ta hãy sống như thế nào
đó để có được một nơi vĩnh cửu không ai lấy hay chuyển được đó chính là Cung
Lòng của Thiên Chúa.
Lm.
Anmai, CSsR