Phần lớn thời gian, Giáo Hội Công Giáo được gọi chính thức là "Giáo Hội Công Giáo Rôma". Có nhiều lý do lịch sử sau chuyện đó. Tuy nhiên, tên gọi đôi khi gây hiểu nhầm - Giáo Hội Công Giáo không hẳn là duy nhất Rôma. Hội Thánh này bao gồm 24 Giáo Hội riêng biệt, trong đó Hội Thánh Rôma Latinh là Giáo Hội lớn nhất.

Chữ "công giáo" nghĩa là hoàn
vũ, xuất phát từ chữ gốc Hy Lạp katholikos. Chữ này lần đầu tiên được dùng bởi
Thánh Inhaxiô Antiôkhia trong lá thư gửi tín hữu Ximiếcna vào khoảng năm 110,
và được các giáo phụ khác sử dụng lại trong nhiều văn bản và bài giảng, đặc biệt
trong các cuộc diễn thuyết giáo lý của Thánh Xyrilô Giêrusalem. Chữ "Công
Giáo" được dùng một cách nghiêm túc và có tính thẩm quyền để chỉ Kitô Giáo
như tôn giáo chính thức của đế quốc La Mã, cả Đông lẫn Tây, trong sắc lệnh De
Fide Catholica của vua Theodosius vào năm 380.
Cách ngắn gọn, Công Giáo không đơn thuần
là một truyền thống đồng nhất. Thực tế, Hội Thánh khá đa diện, phong phú, và thỉnh
thoảng là khác biệt nữa. Mỗi Giáo Hội trong 24 Giáo Hội cấu thành Công Giáo
(thuộc các nghi lễ Eritrean, Maronite, Syriac, Greek Byzantine, Ethiopian,
Coptic) đều có các phụng tự, tinh thần, nền thần học, truyền thống giáo luật
riêng, đã được bảo tồn và thừa kế từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là những
di sản đa dạng phức tạp mà từ đó hình thành nên tính hoàn vũ, tức là tính công
giáo của Hội Thánh. Và đương nhiên, có nhiều điều mà bạn có thể chưa biết về Hội
Thánh ấy. Ở đây, chúng ta hãy tìm hiểu 5 điểm thú vị về Giáo Hội Công Giáo.
1. Trường đại học là phát minh của Công
Giáo
Gọi Trung Cổ là thời kỳ tăm tối là một
điều rỗng tuếch. Thuật ngữ "đêm trường Trung Cổ" là do những nhà nhân
văn thời Phục Hưng tạo ra để cho rằng họ là những người thừa kế trực tiếp của
thời cổ đại.
Hệ thống đại học được phát triển ở châu
Âu trong các "trường chính toà": đầu tiên, các học viện, thường gắn
liền với tu viện hoặc nhà thờ chính toà, được dành cho các giáo sĩ muốn học
giáo luật, thần học hoặc triết học. Không lâu sau đó, những trường này được mở
cửa cho cả giới giáo dân, và trở thành các trung tâm học vấn, cấp các chứng chỉ
y như ngày nay ta vẫn cấp: bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.
2. Các tu sĩ đã phát minh ra nước hoa
Vài năm sau khi tu viện Thánh Giacomo của
dòng Cathusian hoàn thành (thế kỷ 14), người tu viện trưởng đã ngạc nhiên khi
nghe tin vị nữ hoàng trước đó hiến đất cho tu viện, Giovanna de Angio, sắp thăm
tu viện. Ngài vội vàng trưng bày các bông hoa đẹp nhất của khu đất để đón bà.
Khi nữ hoàng rời đi, các bông hoa chuẩn
bị được vứt bỏ, tu viện trưởng phát hiện ra rằng nước (3 ngày chưa được thay)
đã nhiễm một mùi thơm mà ngài chưa từng biết. Ngài đem nước đó đến cho một tu
sĩ thực vật học để tìm nguồn gốc; kết quả là mùi hương phát xuất từ
"garofilum silvestre caprese". Thứ nước đó về sau trở thành nước hoa
đầu tiên của đảo Capri.
3. Có một nghi thức chính thức của Giáo
Hội để chúc lành cho phô mai
Chương VIII của Rituale Romanum (Nghi Thức
Rôma), một quyển sổ tay phụng tự có từ năm 1614, có những nghi thức chúc lành đặc
biệt cho mọi thứ mà bạn có thể sử dụng trong cuộc sống. Chương này có tên
"Chúc lành những vật dùng được dành để dùng hằng ngày". Trong đó, có
nghi thức chúc lành cho bơ, hạt giống, muối, thức ăn động vật, tàu đánh cá, dụng
cụ leo núi, và cả bia.
4. Vị Giáo Hoàng cuối cùng để râu là vào
năm 1691
Đó là Đức Giáo Hoàng Innôcentê XII, trị
vì từ 1691 đến 1700.
Hầu hết người Hy Lạp và La Mã trong thời
Chúa Giêsu đều để râu. Trong các bức hoạ rất cổ về phép rửa của Chúa Giêsu, Người
không có râu, không như các bức hoạ bên Đông phương Byzantine. Vào khoảng thế kỷ
VI, giáo luật ở Anh yêu cầu các giáo sĩ không cho phép tóc và râu mọc tự do.
Luật cấm này sau đó được thúc đẩy nghiêm
ngặt hơn trong suốt thời Trung Cổ. Công đồng Toulouse ra lệnh sẽ vạ tuyệt thông
các giáo sĩ để râu tóc dài như giáo dân. Tuy nhiên, luật đó lại cho để râu ngắn,
được chải chuốt.
Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng râu
ria trên mặt tượng trưng cho vô số tội lỗi. Cạo râu biểu trưng cho sự cắt bỏ tội
lỗi và những thói quen, không chỉ thói xấu mà cả những thói không cần thiết,
như râu trên mặt là thứ hoàn toàn vô dụng và không cần thiết. Ngoài ra, cũng có
một lý do thực tế khác cho việc không để râu liên quan đến phụng vụ: để râu sẽ ảnh
hưởng đến việc môi chạm vào chén thánh gây bất kính.
5. "Guadalupe" không phải là một
cái tên xuất phát từ Mêxicô
Thực tế, Guadalupe cũng không phải là một
cái tên Tây Ban Nha, mặc dù nó là tên của một con sông chảy trong tỉnh
Extremadura Tây Ban Nha.
Theo các chuyên gia, từ Guadalupe là một
từ tiếng Castilian, dịch từ từ "wadi-al-lubben" tiếng Ả Rập, nghĩa là
"dòng sông ẩn". Lý do nó xuất phát từ tiếng Ả Rập là vì bán đảo
Iberia mà Tây Ban Nha nằm trên đó đã bị người Hồi Giáo Moors nói tiếng Ả Rập
xâm chiếm suốt 800 năm. Nhiều người khác cũng cho rằng Guadalupe được ghép từ từ
"wadi" tiếng Ả Rập và "lupe" tiếng Latinh", nghĩa là
"dòng sông của loài sói".
Theo Daniel Esparza, Aleteia
Gioakim Nguyễn biên dịch